Vấn Đề Sắc Phong Cho Quang Trung làm An Nam Quốc Vương Qua Sử Liệu Nhà Thanh

  1. Lịch sử

Cuộc chiến tranh giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn kết thúc bằng chiến thắng lớn của Tây Sơn. Bị thất bại nặng nề, song nhà Thanh không dám phát động tiếp một cuộc chiến để báo thù và đã phải chấp nhận thiết lập quan hệ bang giao hòa hiếu với Tây Sơn. Giữa hai bên có nhiều vấn đề cần giải quyết sau chiến tranh, như việc Tây Sơn trao trả tù binh nhà Thanh cho họ về nước, việc lập đền thờ các viên tướng nhà Thanh chết trận ở Việt Nam (Hứa Thế Thanh, Sầm Nghi Đống…). Nhưng quan trọng nhất có lẽ là hai vấn đề sau:

- Phía Tây Sơn yêu cầu nhà Thanh phải chính thức công nhận quyền thống trị đất nước của Quang Trung.

- Phía nhà Thanh yêu cầu Quốc vương Quang Trung sang Yên Kinh chúc thọ vua Càn Long 80 tuổi (năm Canh Tuất, 1790).

Để “khởi động” cho vấn đề thứ nhất, Quảng Tây Tả giang binh bị đạo Thang Hùng Nghiệp viết thư cho Tây Sơn, gợi ý vua Quang Trung nên viết biểu “cầu phong” gửi lên Càn Long. Thay lời Quang Trung, Ngô Thì Nhậm đã soạn bức Trần tình biểu với lời lẽ mạnh mẽ, đanh thép, thể hiện tinh thần bất khuất: “Đốc bộ đường Tôn Sĩ Nghị là đại thần ở biên giới đáng lẽ phải tra xét kỹ, tìm nguyên do vì sao Duy Kỳ bỏ nước và vì sao tôi phải đem quân vào, rồi tâu rõ lên Đại hoàng đế, chờ ngài phân xử… Thế mà vì nghe theo lời người đến trước, Nghị xé biểu chương của tôi ném xuống đất, rồi truyền hịch khắp trong nước, mượn tiếng khôi phục nhà Lê… Nghị điều binh qua cửa ải, chực “nhổ cỏ, nhổ cả rễ”, chém giết bừa bãi để hả dạ tham tàn. Tôi ở tít tận chân trời xa xôi, chẳng biết việc đó là do Đại hoàng đế sai khiến hay là tự kẻ bày tôi nơi biên giới trá mệnh để cầu công?...” và “Ngày hôm ấy, quân Sĩ Nghị xông ra đánh trước, vừa mới giao phong đã vỡ chạy tán loạn, thây chết chồng chất lên nhau, đầy đồng, nghẽn sông…” (Bang giao tập).

Kết thúc bài biểu văn có đoạn: “Tôi đóng quân ở thành Long Biên, ngóng trông về cửa trời… có tờ biểu tạ tội và trần tình này, nhờ quan Quảng Tây phân tuần Tả giang binh bị đạo chuyển tâu trình giúp…Tôi kính cẩn sai sứ sang cửa khuyết, xưng phiên thần, sửa lễ cống.. Lại sẽ xin đem số người hiện còn của nhà vua (tức tù binh nhà Thanh) mà dâng nộp để bày tỏ tấc lòng chân thật này"

Không biết Thang Hùng Nghiệp có dám chuyển bức Trần tình biểu lên Càn Long đọc không, nhưng trong Dụ chỉ ngày 7-4-1789 (dương lịch) nói: “Phúc Khang An truyền hịch dụ Nguyễn Huệ, trong sự nghiêm khắc nên mở một con đường. Nên dụ rằng: “Người hối tội đầu hàng, nhưng trong biểu văn dùng từ cũng chưa ổn; Bản bộ đường đáng phải bác trả lại. Nếu tình và từ ngữ thành khẩn, lập ngôn cung thuận, sẽ giúp người trần tấu, để đợi chỉ tuân hành…”.

Sau đó Càn Long đã cử một sứ bộ do Thành Lâm dẫn đầu mang sắc phong, thơ Càn Long tặng Quang Trung sang Việt Nam.

Qua Đại Việt quốc thư, chúng ta biết cuộc chuẩn bị đón tiếp sứ bộ nhà Thanh được nhà Tây Sơn tổ chức chu đáo, từ Lạng Sơn, qua các trạm Pha Lũy, Thành Đoàn, Nhân Lý, Chi Lăng, đến Kinh Bắc qua các trạm Tiền Lệ, Cần Doanh, Thọ Xương, Thị Cầu, Lã Khối, Gia Quất và Thăng Long là đình Kiên Nghĩa, Lễ bộ đường. Nhưng có vấn đề vừa phức tạp, vừa thú vị nẩy sinh là Quang Trung nhận sắc phong ở đâu, vì Quang Trung yêu cầu sứ bộ nhà Thanh phải vào Thuận Hóa, còn phía nhà Thanh đòi Quang Trung làm lễ thụ phong tại Thăng Long. Sau nhiều lần dàn xếp giữa Ngô Thì Nhậm và Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An, cuối cùng Thăng Long được chọn làm nơi tiến hành lễ thụ phong. Tuy nhiên Quang Trung nhiều lần thoái thác không ra Thăng Long khi với lý do: “Thăng Long đã hết vượng khí”, lúc lấy cớ bị ốm để trì hoãn.

Việc vua Quang Trung “bị ốm”, chưa ra Thăng Long nhận sắc phong đã được báo cáo về cho Càn Long biết, điều đó được nói trong Dụ chỉ ngày 3-12-1789 (dương lịch): “Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh tâu: “Căn cứ theo lời Thành Lâm bẩm rằng: Vào ngày 23 tháng 9 (âm lịch) đến vùng Gia Quất nước An Nam. Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ) sai con là Quang Thùy, cùng quan viên hơn 100 người, cung kính dâng tờ trình của Nguyễn Quang Bình, có nói: “Vào tháng 8 đang lo việc xây thành Nghĩa An (Nghệ An), thì tiếp nhận được tin biết rằng đã được phong làm An Nam Quốc vương, bèn đình chỉ việc xây thành rồi khởi hành ngay. Đi đến huyện Đông Thành, chẳng may bị bệnh, phải tạm lưu lại để điều trị, đợi ngày thuyên giảm sẽ đến thành nhà Lê (Thăng Long) kính cẩn nghênh mệnh…”.

Dụ chỉ ngày 3-12-1789, viết: “Dụ cho các quân cơ đại thần: “Tôn Vĩnh Thanh tâu: Theo sự bẩm báo của Thành Lâm, bệnh của Nguyễn Quang Bình đã đỡ, bắt đầu khởi hành từ Nghĩa An (Nghệ An) vào ngày 3-10 (âm lịch) để đến thành nhà Lê và có thể tới nơi vào khoảng giữa tháng. Thành Lâm định chọn giờ tốt trước ngày 20 để hành lễ”.

Dụ chỉ ngày 19-12-1789 (dương lich): “Lại dụ rằng: “Tôn Vĩnh Thanh tâu: “Theo lời bẩm của Thành Lâm, Nguyễn Quang Bình đến thành nhà Lê vào ngày 14 tháng 10 (âm lịch), chọn giờ tốt vào ngày 15 làm lễ tuyên phong. Nguyễn Quang Bình hoan hỉ cảm động phát ra tự tấm lòng thành, định vào tháng 3 năm sau (Canh Tuất) đích thân đến kinh đô khấu đầu chúc thọ…”.

Theo Đại Việt quốc thư, lễ sắc phong vương cho Quang Trung, nhà Tây Sơn vẫn theo lệ cũ của triều Lê, tổ chức long trọng tại điện Kính Thiên.

............................................................

Nguồn: PGS.TS Sử học Tạ Ngọc Liễn

Người đăng: 

#LYF

45960192_1502073976592707_6895092792796643328_n
Từ khóa: 

hoàng đế quang trung

,

lịch sử