Vấn đề lãnh thổ ở vùng biên ải giữa nhà Lý và Tống
Nhân có bạn hỏi về việc việc lãnh thổ của Đại Việt thời Lý bị mất cho nhà Tống trong giai đoạn chiến tranh Việt - Tống năm 1075 - 1077. Nhưng vì không có thời gian để viết bài chi tiết nên mình xin tóm tắt những gì mình biết, mong phần nào giải đáp được thắc mắc cho các bạn.
1. Nhà Lý mất đất
năm 1077 Quách Quỳ đại bại tại sông Như Nguyệt buộc phải chấp nhận " nghị hòa " của Lý Thường Kiệt và rút quân. Mặc dù quân Tống đại bại buộc phải rút quân, như quân Tống vẫn chiếm đóng một số vùng đất dọc biên giới 2 nước. Sau năm 1077 nhà Tống chiếm giữ các vùng sau của Đại Việt:
1. Châu Quảng Nguyên
2. Châu Tô Mậu
3. Châu Môn
4. Châu Tư Lang
5. Huyện Quang Lang
Trước đó năm vào năm 1057 nhà Tống chiếm được động Vật Ác ( do tù trưởng dân tộc Nùng Tông Đán(*) coi giữ động này đã dâng đất cho Tống) và năm 1064 nhà Tống chiếm được động Vật Dương (tù trưởng Nùng Trí Hội dâng đất cho Nhà Tống).
Như vậy là đến năm 1077 nhà Tống chiếm được 4 châu 1 huyện và 2 động của Đại Việt.
Nhà Tống cho đổi châu Quảng Nguyên làm Thuận châu, Vật Ác thành châu Thuận An, Vật Dương thành châu Quy Hóa.
..........
2. Nhà Lý đòi đất
năm 1077 ngay sau khi Quách Quỳ rút quân, thì Lý Thường Kiệt đã nhanh chóng cho quân tập kích quân Tống và chiếm lại huyện Quang Lang ( đất Quang Lang rất quan trọng với cả Tống và Việt, Quang Lang giáp ải Chi Lăng cửa ngõ và đất Việt. Đồng thời Quang Lang cũng giáp trại Vĩnh Bình thuộc Ung Châu nhà Tống, từ Quang Lang có thể tiến thẳng đến Ung Châu), năm 1078 vua Tống tức giận liền trị tội 2 viên quan giữ Quang Lang vì tội bỏ thành chạy)
năm 1078 nhà Lý đi sứ Tống, cống cho Tống 5 con voi thuần và xin trả lại các châu bị mất. Nhà Tống yêu cầu nhà Lý trả lại 1000 số dân Tống đã bị bắt ở Khâm,Ung,Liêm châu thì mới chấp nhận trả đất. Nhà Lý chỉ trả 221 người cho Tống.
năm 1079 Tống trả cho Đại Việt Thuận Châu(tức là Quảng Nguyên) theo ĐVSKTT,KĐSTGCM
theo Hoàng Xuân Hãn thì năm 1077 sau khi đánh chiếm lại được huyện Quang Lang thì Lý Thường Kiệt cũng chiếm được luôn 2 châu Tô Mậu và Môn
năm 1078 Nhà Tống trả lại 4 châu và 1 huyện cho Đại Việt ( dựa theo Tống sử - Giao Chỉ liệt truyện). Còn theo Tư Trị Thông Giám Cường Biên viết thời Nam Tống thì nhà Tống trả cho nhà Lý 3 châu là Quảng Nguyên,Tô Mậu,Môn và huyện Cơ Lang(*)
năm 1082, quân nhà Lý tấn công nhằm giành lại động Vật Dương ( Tống gọi là Quy Hóa) nhưng mà cuối cùng vẫn không thành
từ năm 1082 đến năm 1088 nhà Lý nhiều lần cử sứ tới thương thuyết nhằm đòi lại 2 động Vật Dương và Vật Ác mà không thành.
năm 1084 theo ĐVSKTT thì nhà Tống trả cho 6 huyện và 3 động ( không nói rõ thuộc vùng nào)
theo sử Trung Quốc thì trong năm 1083 nhà Tống đã đồng ý trả lại cho nhà Lý 8 động đất hoang phía nam dãy Hỏa Diễm (có thể vùng đất này trùng với 6 huyện 3 động mà ĐVSKTT nhắc tới nhưng chắc chắn không phải là Vật Dương và Vật Ác)
Như vậy qua sự thống nhất giữa sử Việt và sử Trung Quốc thì chắc chắn những điều sau.
+Nhà Lý dùng vũ lực chiếm lại được huyện Quang Lang và nhà Tống trả lại châu Quảng Nguyên cho nhà Lý
+Vật Dương và Vật Ác vẫn thuộc nhà Tống
những điều còn chưa khớp giữa sử 2 bên
+Sử Việt (Hoàng Xuân Hãn) cho rằng nhà Lý dùng vũ lực chiếm lại được châu Tô Mậu và Môn
+Sử Trung Quốc: Các châu Tô Mậu và Môn được trao trả cùng với Thuận Châu (Quảng Nguyên)
+Sử Việt không thấy nhắc đến châu Tư Lang, còn sử Trung Quốc không biết có phải Tư Lang chính là huyện Cơ Lang mà sử sách thời Nam Tống ghi là đã trao trả không nữa.
Chú thích:
- Các châu trên hiện nay thuộc địa phận Cao Bằng Việt Nam(và phần bị mất nay thuộc Quảng Tây Trung Quốc)
2. Hiện tại các nhà sử học vẫn chưa thể xác định được Nùng Tông Đán(膻 người dâng động Vật Ác cho Tống) và Nùng Tông Đản (邅 người cùng Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tống năm 1075) là một người hay là hai người khác nhau có tên gần giống nhau. thêm nữa việc các tù trưởng ở biên giới Việt - Tống lúc theo bên này, lúc theo bên kia không phải là việc hiếm.
Nguồn tư liệu tham khảo:
Sử Việt: ĐVSKTT, Hoàng Xuân Hãn(Sách Lý Thường Kiệt), KĐSTGCM
Sử Trung Quốc: Tống Sử và Tư Trị Thông Giám Trường Biên