Văn chương có nghĩa như thế nào đối với con người?
kiến thức chung
Cứu rỗi tự thân - Đào luyện bản ngã
Văn là người! Văn chương bởi con người, cho con người và vì con người. Song văn chương không phải là con người bằng xương bằng thịt mà văn chương là ý nghĩa, là hình ảnh về con người. tuy vậy văn chương không chỉ là hình ảnh giống như chiếc bóng của con người đổ xuống mặt đường, đổ lên tường vách, lên cuộc đời, mà văn là con người ở mức cao hơn, một con người đang phóng về phía trước với dự phóng cao cả siêu việt của nó bằng một ý chí làm người mỗi ngày một người hơn. Bởi vậy mà chữ Văn được xem xét như là đã vượt qua chặng bán khai mọi rợ để đi vào ánh sáng minh huệ. Và khi con người đã tiến bộ về tâm thức, tình bác ái và lối sống thì con người được xem như là đang bước vào con đường nhân văn, nhân bản và nhân đạo. Đó là chữ VĂN, nghề VĂN trên bình diện phổ quát, còn ở phương diện đặc thù: Văn là con người, nhưng con người của chữ nghĩa và giáo dục và con người đó hành động vì chữ nghĩa và giáo dục.
Nhà văn là ai? Anh ta thiết yếu là con người của chữ nghĩa, bởi chữ nghĩa và cho chữ nghĩa. Tất yếu không có nhà văn mù chữ, nhà văn tuyệt đối vô học. Khi nói nhà văn của chữ nghĩa thì không có nghĩa là nhà văn chỉ làm cái việc:
Nghề xếp chữ ôi nghề con trẻ
Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu
(Xuân Diệu)
Chữ nghĩa không phải món rêu rao làm hàng suông cho cuộc đời, hoặc đọc véo von để phỉnh nịnh đôi tai thích nghe vần điệu, âm thanh, hoặc kích động tâm trí thích giật gân kỳ quái của những tâm hồn nông nổi. Chữ nghĩa tự thân phải hướng đến nhiệm vụ đền trả những bó lượm ngôn từ, kiến thức mà nó gặt hái trên cánh đồng giáo dục bằng cách gieo trồng lại chính chữ nghĩa cho cánh đồng đó. Hơn nữa bổn phận của chữ nghĩa phải hướng đến chân lý, công lý, và đạo lý làm người.
Văn là người. Vậy chúng ta phải hướng đến con người nào? Con người tinh khiết trong suốt như pho tượng thánh pha lê? Hay con người trầm đục u mê trong lạc thú như động vật? Không! Chúng ta hướng đến một con người chẳng phải thần thánh cũng chẳng phải động vật, một con người ở giữa trần gian, một con người ở trên đất đứng giữa thế giới này, một con người nhân loại cao cả như Kant nói: “Con người vì thuộc về nhân loại, là một cứu cánh tự thân và không phải bị hạ xuống cấp phương tiện”.
Con người là “một cứu cánh tự thân” nghĩa là con người phải là mục đích nhắm tới chính mình, con người là cứu cánh tối hậu của mình, là chủ nhân ông tôn vinh mình lên xứng với nhân phẩm cao cả nhất như hình ảnh và trí tuệ của con người ở bên trên tất cả những tạo vật khác, và con người sẽ sống với nhau - với bạn đời của mình trong sự tin cậy, bình đẳng và nhân ái xứng đáng như thể cuộc sống là trọn vẹn cho con người và vì con người. Con người tận hiến cho chính con người, cho xã hội của con người chứ không phải là vật thí thân cho bất kể mục đích phi nhân bản - hoặc ngoài mục đích của con người. Lý tưởng cần đạt đến con người chính là con người, đó là lý tưởng về một nhân loại lương hảo, công chính, tự do, và bác ái.
Con người là cứu cánh của con người !
Con người là lý tưởng của con người !
Cứu cánh là gì? Lý tưởng là gì? Cùng đích điều đó có phải là tinh thần thăng tiến đưa thân xác con người vào dự phóng – vào giá trị của một tâm hồn khao khát thăng hoa tuyệt đối. Hegel đã chẳng từng nói: “Cứu cánh là cứu cánh của tinh thần”. Bởi thế khi nhắm đưa con người vào cứu cánh, sứ mệnh của văn chương có thoát khỏi bổn phận cứu vãn linh hồn mà Platon nhắc nhở: “Người ta hết lòng chăm sóc đến sự giầu có, danh vọng mà không để ý đến tư tưởng, sự cứu vãn linh hồn”(Apologie). Còn ngả đường nào khác hơn nữa? Văn chương còn định làm gì khác hơn là tham dự vào cuộc hành trình của tư tưởng và khích khởi linh hồn? Chúng ta hãy bám sát cái sứ mệnh chữ nghĩa của văn chương, thì thấy rằng: Chữ nghĩa chỉ là hình ảnh, là ý nghĩa cuộc đời, về cuộc đời, chứ không phải chính thực tại cuộc đời đang phập phồng thở thứ dưỡng khí của trần gian. Đời sống văn chương là đời sống ảo huyền hoặc của bút mực đang hành trình trên những trang giấy phi thực tại.
Nhưng văn chương là gì? Nó là hình ảnh, là biểu tượng, là quan niệm, vậy nó thiết yếu sát cánh với đời sống suy tưởng và đời sống tinh thần. Một cuốn sách không ăn được, nhưng nó là thức ăn để bổ dưỡng tinh thần. Tuy nhiên văn chương không phải là thứ mây ngũ sắc phiêu lãng bồng bềnh trôi trên tận tầng trời bỏ mặc trần gian lam lũ trong những thân xác nặng nề. Linh hồn là linh hồn khi nó thiết yếu sát cánh và cấu kết với thân xác, và trong dự phóng cao cả của mình, nó muốn đưa đưa người anh em thể xác cật ruột của nó về cứu rỗi nơi ngưỡng cửa mở vào trời. Đó là đời sống toàn diện của con người: linh hồn và thể xác. Đó cũng là lẽ sống toàn diện của văn chương: cứu rỗi linh hồn và thể xác cùng một trật. Nhưng trước hết chúng ta hãy cứu rỗi thân xác đã, bởi thân xác luôn bị dè bỉu, hạ thấp và quên lãng như một công dân thấp cổ bé họng hay ô uế của nước tâm hồn. Trong Kinh Cựu Ước, sách Cô-rinh-tô, Chúa Trời có phán: “Đối với bộ phận ta cho là ô nhục, ta phải săn sóc hơn cả. Như bộ phận nhục dục chẳng hạn, ta phải chăm nom như thể vinh hạnh nhất. Còn đối với bộ phận tự nhiên đã cao quí, thì ta không cần tôn trọng bằng”.
Thân xác phải được tôn trọng như một sáng tạo sáng láng kề cận cùng linh hồn. Vả lại trong vương quốc cứu cánh siêu việt cao vòi vọi của linh hồn, thân xác là nền móng, nó phải được coi sóc tận tình như một công dân chịu nhiều thiệt thòi nhất – đó cũng là bổn phận bình đẳng và biết ơn của linh hồn, thánh Bernard nói: “Cái thiêng liêng không đi trước cái súc vật, trái lại cái thiêng liêng chỉ đến sau, vì vậy trước khi mang hình ảnh người cõi trời, chúng ta phải bắt đầu mang hình ảnh người cõi thế.”
Một Đức Chúa Jê-su chịu đóng đanh trên thập giá để chở mang bớt gánh nặng ô nhục của kiếp người đầy đoạ trần gian, và Ngài hứa trở lại trong ngày tận thế để cứu vớt những công dân của Ngài. Và nhân danh Đức Chúa Cha, Ngài đã tuyên xưng để an lòng kẻ dưới thế: “Nước trời không phải ở trần gian này nhưng bắt đầu từ trần gian này”.
Một Đức Phật đã ngộ Niết bàn trở lại cõi phù sinh trầm luân bể khổ để cứu độ chúng sinh còn mê muội, với một nỗi niềm day dứt rằng: “Còn một chúng sinh nào chưa thành Phật, thì ta cũng chưa thành Phật”.
Vậy nhà văn làm gì, tham dự vào cuộc đời để cứu rỗi cuộc đời? Văn chương vì mọi người và cho mọi người. Nhưng trước hết và mãi mãi là vậy, văn chương nhắm đến mọi người qua từng nhịp cầu tâm hồn, từng trái tim độc giả. Văn chương trước hết là một cuộc đối thoại với độc giả của một tâm hồn văn sĩ riêng biệt, nó là cuộc đối thoại chữ nghĩa nhân văn của trái tim phóng rọi và trái tim hấp thụ, và ngược lại là cuộc đối thoại của những tia sáng phản tỉnh - độc giả với tâm thức tiếp thâu của nhà văn.
Nhưng mà khởi đầu văn học cứu rỗi ai? Berger nói: “Văn chương bao giờ cũng là một nỗ lực giải phóng cá nhân”.
Đây là nền tảng đầu tiên, và ít nhất nếu bạn muốn phản đối điều đó, thì bạn cũng nên chấp nhận nó như bước khởi đầu sáng tạo của bản ngã nhà văn.
Nhà văn là ai?
Trước hết anh phải là anh đã, nghĩa là anh phải mang lấy bản ngã của mình như một tác giả có bản ngã riêng biệt, và từ bản ngã ấy anh mới hình thành lên tác phẩm với những nhân vật của mình. Cái bản ngã của anh để xác định rằng: tác phẩm là của anh, tư tưởng tác phẩm là của anh, bút pháp là của anh.
Nhà văn sáng tạo trước hết là bởi mình, qua mình, sau đó mới từ mình phóng rọi đến độc giả thị kiến của mình. Tác phẩm của nhà văn chỉ là một bức thư nhiều trang đời ấp ủ của tác giả gửi đến người tình : bạn đọc. Simenon nói: “Viết lách không phải là một nghề nghiệp mà là một khuynh hướng về bất hạnh.
Tại sao vậy? ... Nếu một người có nhu cầu thúc bách phải trở thành nghệ sĩ bởi vì hắn cần tìm kiếm mình qua những nhân vật của hắn, qua tất cả các tác phẩm của hắn” (1).
Nhà văn là bản ngã của mình, bởi lẽ nhà văn có bổn phận phải mang lấy danh tác giả của mình, nhà văn hứng lấy cuộc thăng trầm khốc liệt của thời gian, đón nhận vinh quang của giới bạn đọc, cũng như búa rìu từ tứ phía của công luận. Nhà văn mang lấy tên mình, anh không trốn nổi khỏi bản ngã của mình cũng như không thể nào biệt xứ khỏi thân phận văn chương của mình. Và khi nhà văn muốn cứu rỗi mình như cứu rỗi một bản ngã đầu tiên trên thế giới cũng là lẽ đương nhiên và chính đáng. Sartre đã trình bày cuộc cứu rỗi bản ngã bế tắc của mình như: “Về sau tôi đã trình bày vui vẻ rằng con người thật là bế tắc, tôi đây cũng bế tắc, nhưng tôi khác người ở chỗ tôi có sứ mệnh tuyên bố sự bế tắc ấy ra, nhờ đó sự bế tắc này được biến hình, trở thành khả thể thâm sâu nhất của tôi, bàn đạp cho vinh dự của tôi” (2).
Sự giải thoát bế tắc của nhà văn được xem như nỗ lực đầu tiên để biến cải và đào luyện chính mình trở thành một tiềm năng với khả thể thâm sâu nhất. Nhà văn mang trọng trách như một ngọn đèn muốn phóng rọi vào tinh thần nhân loại ánh sáng nhân văn tự bản ngã của mình, bởi thế việc đầu tiên của nhà văn là phải trải nghiệm thử thách và biết tự đào luyện mình trở thành một bản ngã ưu tú và riêng có, như vậy mới mong toả sáng hay tham dự vào cuộc dấn thân cứu rỗi con người một cách xứng đáng nhất. Bởi vậy, trước sáng tạo, trước sự toả rọi của tia chiếu sáng tạo cần đào luyện, cứu rỗi chính bản ngã sáng tạo của mình. Thích Minh Châu nói: “ Chỉ có một cuộc cách mạng quan trọng và có ý nghĩa, đó là cuộc cách mạng nội tâm của cá thể sáng tạo. Cách mạng nội tâm là cuộc cách mạng của ý thức, của tư tưởng toàn diện con người” (3)
Sau cuộc cách mạng nội tâm bùng nổ, cá thể sáng tạo phải lên đường, lên đường thực hiện sứ mệnh của mình bởi một lẽ vô cùng hiển nhiên là mọi đời sống đều phải thực hiện cứu cánh của nó, và mọi năng lực đều nhắm tới sự giải thoát toàn diện con người khỏi đời sống gian truân còn hằn sâu dấu vết đoạ đầy. Con người như một Odyssey dũng lược muốn chủ động bước vào cuộc hành trình gian nan trắc trở mong tìm về quê hương, chốn hạnh phúc của mình, chứ không chịu há miệng chờ sung đón đợi ân sủng cứu rỗi từ thiên thai Ô-lanh-pơ rót xuống, mà trước hết con người muốn tự cứu rỗi lấy mình bằng chính hành động của mình. Sartre đã nói: “Có Chúa hay không có Chúa, cũng vậy thôi, con người vẫn phải tự cứu rỗi lấy mình”.
Bạn có nghĩ rằng sẽ có một Thiên Chúa mặc áo cho bạn không? Có một Thiên Chúa bón mớm cho bạn không? Không! Thiên Chúa cho chúng ta hoa hồng, chúng ta hãy chịu khó trưng cất lấy nước hoa cho đời sống của mình. Có một châm ngôn là: “Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, còn con người tạo dựng những quốc gia của mình”. Bạn thử nghĩ xem, nếu như có một Thiên Chúa toàn năng đi nữa, thì Thiên Chúa cũng không muốn cất khỏi vai con người gánh nặng phải tự đào luyện lấy mình, mà ngược lại Thiên Chúa còn đổ thêm xuống đầu con người những gian nan đầy thử thách, những nẻo đường chông gai, những nạn hồng thuỷ, những núi lửa, những động đất... để thử sức xem con người có ngã lòng? Không! Dù thế nào đi nữa, con người luôn phải xây lấy diện mạo của mình, xây lên đất đứng của mình, và xây nên lịch sử của mình. Đó là sự nghiệp của con người, một sự nghiệp bất khả từ thác trách nhiệm khi con người phải mang lấy sứ mệnh làm người.
Song con người không chỉ thiết kế thế giới của mình bằng những thành phố, hệ thống dẫn nước, bến cảng, đường bộ, và đường sắt, mà nhiệm vụ tối cao hơn của con người là phải xây lên giá trị của tâm hồn sao cho nó xứng danh phẩm giá của con người. Bởi vậy khi xây dựng thế giới, cùng một trật hãy xây dựng linh hồn, cũng vậy khi khôi phục thế giới hãy khôi phục linh hồn. Gagnon nói một câu theo tinh thần Kinh Thánh: “Khôi phục cả thiên hạ mà đánh mất linh hồn nào có ích gì”.
Xây dựng giá trị linh hồn! Tái thiết giá trị linh hồn! Khôi phục giá trị linh hồn! Cứu chuộc linh hồn! Cứu rỗi linh hồn! Đó phải là cứu cánh cao cả của tất cả các cây bút nhân văn.
Bạn là nhà văn, bạn muốn làm gì hơn nữa? Cây bút của bạn có đào được kênh, có xây được móng, có lợp được mái hay không?
Không! Sứ mệnh của bạn là tham gia vào việc cứu rỗi và gìn giữ tâm hồn nhân loại. Và muốn làm được việc đó, trước hết bạn phải trở nên một ngọn đèn sáng láng đã. Tagore nói: “Không bao giờ một ngọn đèn đã tắt có thể thắp sáng một ngọn đèn khác” ( Jamais une lampe eteinte n’a pu en allumer une autre).
Chú thích:
1- Nguyễn Hữu Hiệu “Con đường sáng tạo” (CĐST), tr.207
2- Lê Thành Trị “Hiện tượng luận về hiện sinh” (HTLHS), Sài Gòn 1969, tr.201
3- Thích Minh Châu “Trước sự nô lệ của con người” (TSNLCN), Đại học Vạn Hạnh 1970, tr.24
2. Đào luyện bản ngã - Tự do
Nhà văn trước hết là một cá nhân độc lập, một bản ngã đặc thù. Nghĩa là anh phải là anh đã: anh là tài năng của anh, là trách nhiệm của anh, là vinh quang của anh, và cả sự thiếu hụt của anh. Khi anh xây xong bản ngã đích thực phong phú cho mình, thì anh mới mong nhân danh chính mình để tuyên xưng hay loan báo những thị kiến của mình cho bạn đọc. Thánh Gandhi nói: “Người nào có khả năng trở thành một cá nhân mới có thể hoà hợp với nhân loại” ( Ce qui est possible pour un individu est possible pour l’ensemble de l’humanite’ ) (1).
Muốn trở thành một cá nhân, anh phải quay mặt vào tâm hồn mình để nhìn nhận chính mình như cách mà Socrate đã làm “connais toi- toi même” – Hãy tự hiểu mình! Như vậy anh phải trở thành ốc đảo cô độc tự xây lấy giá trị cho mình bằng cách phản tỉnh chính tâm hồn mình, tự đào luyện tri thức cho thông tuệ, nuôi dưỡng tình cảm cho dạt dào bằng ngả đường bản ngã của mình. Anh hãy xác định: bản ngã của anh là độc lập! Ngòi bút của anh là cô đơn! Lời tâm sự thổn thức của con tim anh với độc giả là riêng rẽ! Sáng tạo tinh thần của anh là biệt lập với những lối mòn mà kẻ khác đã vãng lai tam phiên tứ hồi! Và nếu nhà văn không chịu trở nên cái anh ta là, thì anh chẳng có bất cứ hành trang nào để mong khai sinh sáng tạo. Anh hãy nghe lời tuyên cáo của chính Karl Marx: “Tư tưởng và hành động nhất loạt, chẳng qua chỉ là tin tưởng mù quáng và thừa lệnh một cách thụ động như xác chết” (theo Allians der Sozialisstischen – Die Zeit 9/3/1962).
Nhà văn không có bản ngã chỉ là cái xác chết mấp máy lời hấp hối của chiếc máy ghi âm sinh học, anh ta sẽ chẳng có lấy một cái tôi để đặt tên mình là tác giả.
Chẳng còn cách nào khác, bạn phải tự xây lên bạn. Và không còn cách nào tốt hơn cho một ngòi bút là khơi chảy ngọn nguồn chân lý bằng chính cái bản ngã tác giả đang khát khao chân lý. Hãy trở nên chân lý về mình! Đó là con đường chính đáng mà một Shakespeare , một Dostoievski, một Albert Camus, một Jack London... đã từng làm. Muốn trở nên chân lý về mình bạn hãy bắt đầu bằng cách: “Chỉ có một điều duy nhất quan trọng là mỗi người phải dám nhìn thẳng vào bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi mình có lường gạt mình bằng con đường tinh vi” (Thích Minh Châu)(2).
Sau khi nhà văn đã trở nên chân lý về mình, khởi từ giá trị đích thực nơi mình, anh bắt đầu sự nghiệp như một chân tác giả, và anh viết những lời, những trang sách cho tác phẩm mang lấy chân giá trị, chân thẩm mỹ, những tư tưởng và tình cảm trăn trở đích thực. Và khi mà anh đã trở thành một ngọn đèn sáng tỏ rồi, nào bây giờ anh hãy thắp sáng cho những ngọn đèn khác!
Thắp sáng người khác! Còn gì đáng ao ước hơn thế! Còn gì hạnh phúc hơn thế! Bởi thế anh hãy tham gia vào việc đánh thức kẻ khác. Anh hãy nghe Henry Miller: “Đối với tôi, những nhà cách mạng đích thực duy nhất là những kẻ đánh thức kẻ khác, những yếu nhân như Jê-su, Lão Tử, Đức Phật Thích Ca, Ahhanato, Ramakrisna, Krisnamurti. Tiêu chuẩn tôi dùng là cuộc đời: những người đó đứng thế nào trong tương quan với cuộc đời. Chẳng phải họ đã thành công trong việc lật đổ một chính phủ, một tôn giáo hay một nguyên tắc luân lý... Đúng hơn là họ ảnh hưởng đến cuộc đời như thế nào” (3).
Nhà văn thiết yếu là nhà văn của bạn đọc. Không có nhà văn cho riêng mình - thứ nhà văn khoá cửa trùm chăn trước cuộc đời. Bởi vậy, sau khát vọng hoá giải cứu rỗi chính mình, sự nghiệp của nhà văn thiết yếu phải hướng đến tha nhân và nhân loại. Dostoievski đã từng nói một câu đầy da diết: “Nếu tất cả không được cứu rỗi, một mình được cứu rỗi mà làm gì”.
Nhà văn không cứu rỗi cho riêng mình, anh phải mang lấy sứ mệnh tinh thần của văn nhân: cứu rỗi người khác. Nhà văn không viết văn cho riêng mình đọc, anh phải viết cho độc giả và vì độc giả của mình. Văn chương chỉ có nổi ý nghĩa và có nổi một chỗ đứng ở đời bởi vì nó tham dự vào cuộc đời như một nỗ lực cống hiến trái tim, khối óc của nhà văn; bởi nếu văn chương không làm được gì hơn là phun châu nhả ngọc những ngôn từ phù phiếm véo von vô bổ, thì văn chương quả là thứ xa xỉ vô ích vì nó chẳng mang lại được hiệu ứng thiết thực như mỹ phẩm son phấn của các quí bà quí cô. Henry Miller nói: “Đừng băn khoăn về văn chương ( Don’t worry about literature). Nếu chúng ta có thể làm được việc gì khác thay vì văn chương thì hãy làm cái việc khác đấy” (4).
Nhưng nhà văn không làm việc gì khác hơn là vun đắp cho sự nghiệp văn chương của mình mỗi ngày một đồ sộ ý nghĩa tận hiến cho đời sống, bởi văn chương cao cả hơn nhiều việc hát ru những ngôn từ sáo rỗng. William Faulkner đã nói về sứ mệnh của văn chương như sau: “Nghệ thuật thông thường là kích thích mãnh liệt cuộc đời, một nỗi say sưa cuộc đời”(5).
Nhà văn là người thổi sinh khí vào đời sống bằng cách kêu gọi đào luyện một ý chí sống cao thượng quả cảm. Nhà văn không phải kẻ ru ngủ đời sống trong lạc thú và mê muội. Song sinh khí mà nhà văn muốn thổi cho đời sống không phải thứ sinh khí cứu chuộc của Đấng trên cao, mà là thứ sinh khí của trần gian tha thiết còn khổ ải, bầm dập, nhức nhối này – đó là thứ sinh khí của chính con người đang đi trên mặt đất muốn cứu rỗi và thánh hoá ngay dưới cõi thế này. Bởi vậy, sứ mệnh của nhà văn là sứ mệnh ở trong đời sống, giữa đời sống và dưới trần gian - một sứ mệnh gạn đục khơi trong ngay ở giữa cuộc đời còn vẩn đầy bất công, đau khổ và bệnh họan. Trước hết văn chương hãy “xuống thế” và sống “dưới thế”, thánh Gioan Climaque nói: “Người nào hướng nhiều về sự dâm dục là người hay thương xót, trái lại những kẻ hướng nhiều về sự tinh khiết không biết tin yêu”.
3. Cứu rỗi tha nhân, cuộc đời
Văn là người! Văn chương là cuộc đời!
Bởi thế trước hết nhà văn sống như một con người bình dị, anh tham gia vào cuộc sống tại thế để xây dựng, gạn lọc và cứu rỗi đời sống tại thế bằng chính ngòi bút của mình. Andre’ Gide nói: “Sự sai lầm vĩ đại là tìm cách đặt cuộc đời bên ngoài tác phẩm”(5). Còn Henry Miller thì khẳng định: “Với tôi sách vở là con người, và cuốn sách của tôi là chính con người toi, dâm đãng, hiếu động, trầm tư, thận trọng, dối trá và thành thực một cách quỉ quái” ( Song of my life ).
Để cứu rỗi cuộc đời trước hết hãy sống cuộc đời toàn vẹn đã. Để cứu rỗi linh hồn trước hết hãy cứu rỗi thân xác đã. Để cứu rỗi vũ trụ trước hết hãy cứu rỗi trần gian này đã. Peguy nói: “Cái thiêng liêng cũng là xác thịt... phúc cho những kẻ chết vì đất thịt này” ( Heureux ceux qui sont morts pour la terre charnelle). Và một Pascal cũng đặt công cuộc cứu rỗi con người vào cuộc hành trình tuần tự từ động vật đến thần thánh, ông nói: “ Con người không phải là thần thánh cũng không phải là súc vật, nhưng sự bất hạnh muốn rằng kẻ nào muốn làm thần thánh sẽ làm súc vật” (L’ homme n’est ni ange. Ni bete, et le malheur veut que qui veut faire l’ange fait la bete).
Con người là con người sống giữa cuộc đời, và ở giữa đời sống nhà văn tìm thấy tha nhân và xã hội, anh sẽ tham dự vào sự nghiệp chung của loài người bằng con người tác giả của mình, Sartre nói: “Không phải trú ẩn ở một nơi nào đó mà chúng ta khám phá ra chúng ta, nhưng là trên đường đi, trong thành phố, ở giữa đám đông, là sự vật ở giữa sự vật, làm người giữa mọi người.”
Khi sống cùng mọi người, nhà văn đối thoại với tha nhân, tìm kiếm tha nhân, kết ước với tha nhân, và anh bắt tay vào sự nghiệp của mình: “Nâng đỡ con người và khuyến khích con người trong cuộc chiến đấu để sinh tồn và thường tồn ghê gớm này là thiên chức của nhà văn.
Nhà văn không được chiều theo yếu đuối và sa đoạ của con người, không thể có một thứ nghệ thuật hư vô, không thể có một thứ nghệ thuật đòi chết. Không thể có một thứ nghệ thuật bi quan. Nghệ thuật bao giờ cũng phải khẳng định” (W. Faulkner) (6).
Muốn cứu rỗi cuộc đời, trước hết nghệ thuật phải đòi sống, nghệ thuật phải khẳng định ý chí sống của mình. Nietzsche: “Không có nghệ thuật bi quan... nghệ thuật tự khẳng định” (Il n’ y a pas d’art pessimist ... l’art affirme. Volonte’ de puissance).
Nhà văn phải khẳng định sức sống, giá trị đời sống bằng sứ mệnh nghệ thuật của mình nhưng mà theo chiều hướng cứu rỗi – nâng cao – thánh hoá đời sống, chứ không phải đòi cho đời sống cái quyền tồn tại ù lỳ sự bất dịch hay vắng bóng một cứu cánh cao viễn hướng về miền đất hứa.
“Nhà văn không được nói về cô đơn, hắn phải nói về cô đơn và sức mạnh. Nhà văn không được nói về đau khổ, hắn phải nói về đau khổ cao quí và giải thoát. Nghĩa là hắn phải trình bày ‘cuộc đời toàn diện’. Và hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim, hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay về tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để bổ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đoạ thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đoạ như một cám dỗ thánh thiện và như một bước đầu trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về con người toàn diện vậy” ( W. Faulkner) (7).
Nhà văn như một đại diện cao quí của sứ mệnh xướng ngôn tiếng nói con người về cuộc đời. Nhà văn phải dùng tiếng nói của mình để hoà sắc cùng tiếng nói con người mỗi ngày thêm phong phú, dạt dào và sâu sắc. Nhà văn phải viết để trợ giúp con người vượt qua những khúc mắc gian khó của cuộc đời bước vào con đường thánh thiện. Và cuối cùng nhà văn hãy ca tụng sự nghiệp vượt thắng bước về thánh thiện của linh hồn con người bất khuất và cao cả.
W. Faulkner nói: “Con người bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vật một mình nó có tiếng nói không thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh chịu đựng. Bổn phận của thi sĩ, của nhà văn là viết về những điều này. Đặc ân của hắn là giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn con người” (8).
Nội dung liên quan
Hồng Phi