Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị?
kiến thức chung
Lãnh đạo một cộng đồng người hay một cơ quan, đơn vị, một tổ chức... là một tất yếu khách quan bảo đảm cho một cộng đồng người hay một cơ quan, đơn vị, một tổ chức... tồn tại, phát triển theo định hướng nhất định. Người lãnh đạo là người giúp cho một cộng đồng người hay một cơ quan đơn vị, một tổ chức... đó tồn tại theo định hướng. Lãnh đạo bao gồm các hoạt động:
+ Đề ra mục tiêu mà một cộng đồng người hay một cơ quan, đơn vị, một tổ chức... cần hướng tới và cách thức để đạt mục tiêu đó (tức đường lối, chủ trương ..).
+ Truyền bá, đào tạo lực lượng nòng cốt, chỉ dẫn, hướng dẫn, nêu gương... để mọi người hiểu, thực hiện, làm theo.
+ Tổ chức thực hiện, phân bổ lực lượng, phân công theo dõi, quản lý.
+ Giám sát, kiểm tra, uốn nắn.
+ Sơ kết, tổng kết, đánh giá.
Nội dung lãnh đạo thể hiện ở nội dung của mục tiêu và cách thức để đạt mục tiêu đó, trong nội dung của các chủ trương, đường lối được đề ra. Phương thức lãnh đạo bao gồm các công cụ, cách thức mà người lãnh đạo dùng để tác động lên đối tượng lãnh đạo (một cộng đồng người hay một cơ quan, đơn vị, một tổ chức, v.v.).
Trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, Đảng Cộng sản vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên trong hệ thống chính trị. Đó là vai trò đặc biệt của Đảng trong hệ thống chính trị.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị hiện nay đặt trong điều kiện mới, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát huy mạnh mẽ nền dân chủ trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, Đảng phải tự đổi mới và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng; tăng cường mối quan hệ của Đảng đối với các thành viên của hệ thống chính trị.
Nội dung liên quan
Phạm Trung Hiếu