VAI TRÒ ĐOÀN, ĐỘI TRONG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Thời gian qua, đọc trên trên các phương tiện thông tin đại chúng khi đọc về các vấn đề, sự kiện trong ngành giáo dục, có lẽ nhiều người trong chúng ta có nhiều cảm xúc lẫn lộn buồn vui.
Vui vì qua báo chí, chúng ta thấy vẫn có rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo vẫn có nhiều tấm gương học sinh vượt khó, nhặt được của rơi trả lại người mất... Tuy nhiên, những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục không khỏi buồn lòng trước thông tin xảy ra một số vụ bạo lực học đường ở một số nơi như các vụ bạo lực học đường xảy ra ở trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) ,trường THCS Diễn Hùng (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)...
Về nguyên nhân, hậu quả, và các biện pháp xử lý cũng đã có nhiều nghiên cứu, phân tích, đánh giá ở các khía cạnh nhìn nhận khác nhau. Là một đã từng trải công tác Đoàn – Đội nên tôi xin được nêu ý kiến và phương hướng giải quyết theo cách nhìn này.
Trong trường học, hầu hết đều có các tổ chức, hội, đoàn thể như tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, ở các trường tiểu học và trung học cơ sở có tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Có thể nói, các tổ chức hội, đoàn thể nói trên có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, định hướng đạo đức, ý thức thức tổ chức kỷ luật, nề nếp, lối sống cho học sinh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên ở những nơi nào công tác đoàn, đội được quan tâm, thực hện một cách thực chất thì mới mang lại hiệu quả thực chất và ngược lại. Như trong trường hợp của em nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng, mà theo như phản ánh thì đã bị nhiều lần nhưng hầu như không được nhà trường, các tổ chức đoàn thể quan tâm đúng mức. Điều đó cho thấy ngoài nguyên nhân tắc trách, thiếu quan tâm của Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, thì vai trò của Tổng Phụ trách đội và các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường vẫn còn hạn chế trong việc nắm bắt tình hình tâm lý học sinh cũng như chưa phát huy được vai trò, định hướng cái hay, cái tốt cũng như giáo dục nề nếp, ý thức tổ chức kỷ luật cho đội viên, đoàn viên.
Bản thân tôi, thời còn học ở mái trường phổ thông, có thể nói tôi và các bạn học rất may mắn vì thời chúng tôi đi học các ngôi trường đã trải qua hầu như rất ít xảy ra các vụ việc đánh nhau, hiếm hoi lắm mới có vài vụ va chạm, xích mích nhưng chủ yếu giữa các nam sinh với nhau, chứ hầu như không nghe đến các vụ bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh. Và, tôi còn nhớ, các thầy cô dạy chúng tôi rất nghiêm khắc với các hành vi bạo lực, nếu mà có vụ việc đánh nhau nào xảy ra thì giáo viên sẽ báo ngay cho Ban giám hiệu, tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường và đặc biệt là sẽ mời phụ huynh, và giáo chủ nhiệm có thể sẽ thu xếp thời gian đến tận nhà của các bạn có hành vi gây gổ, đánh nhau để cùng phụ huynh học sinh có biện pháp uốn nắn, giáo dục học sinh cũng như ngăn chặn không để tái diễn các hành vi bạo lực học đường dù xảy ra trong nhà trường hay ngoài nhà trường.
Tôi và có lẽ nhiều bạn bè còn nhớ rất rõ, trong các buổi sinh hoạt chào cờ, chúng tôi luôn được các thầy, cô Tổng phụ trách đội, đại diện tổ chức Đoàn thanh niên nhà trường thường xuyên nhắc nhở các hành vi bị cấm trong học đường như quay cóp, trễ học,trốn học...trong đó đánh nhau là hành vi bị lên án nặng nề nhất.
Trong các buổi sinh hoạt Liên đội, Chi đội, Chi Đoàn, các đoàn viên, đội viên đều được quyền trao đổi, góp ý với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm, với tổ chức Đoàn, Đội, nêu các thắc mắc, nguyện vọng, các ý kiến góp ý để từ đó nhà trường, Đoàn, Đội nắm được tâm tư của các em để có hướng xử lý giúp đỡ học sinh. Đặc biệt những trường hợp bị đe dọa hành hung nhưng vì sợ bị trả thù nên không dám phát biểu tại cuộc họp, học sinh được phản ánh riêng với Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, hay Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn để có biện pháp ngăn chặn các hành vi bị cấm.
Có thể khẳng định, trách nhiệm phòng chống bạo lực học đường không chỉ của riêng cá nhân, tổ chức nào mà đó là trách nhiệm của cả xã hội, của tất cả mọi người. Trong đó việc phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường có vai trò hết sức quan trọng, góp phần đẩy lùi những mặt xấu, phát huy những mặt tốt trong giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh.