Vai trò của việc trung bình lợi nhuận trong định lượng
Đối với các công ty thuộc ngành sản xuất/dịch vụ thông thường, tiềm năng thành công và mức sinh lời của khoản đầu tư phụ thuộc khá nhiều vào thứ gọi là “Suất sinh lợi trung bình – Average Earning Power“. Cách tính không có gì đặc biệt, chỉ là tính trung bình lợi nhuận trong một giai đoạn của một doanh nghiệp mà thôi.
Điều này không có nghĩa là các công ty thuộc lĩnh vực khác thì không cần phải quan tâm đến lợi nhuận, không có lợi nhuận thì kinh doanh để làm gì? Vấn đề ở đây là suất sinh lợi phản ánh khá rõ ràng giá trị của một công ty thuộc ngành sản xuất/dịch vụ – chúng ta lưu ý điều này.
Về bản chất, suất sinh lợi trung bình là dựa vào các khoản lợi nhuận thường kỳ (nhiều năm/quý) trong quá khứ & hiện tại để ước tính (hay nói là dự phóng cũng được – thứ mà các công ty chứng khoán hay làm trong các bản báo cáo phân tích) một khoản lợi nhuận trong tương lai.
Vai trò của mức sinh lợi trung bình đó là giúp loại bỏ được các yếu tố bất thường/các khoản đột biến lợi nhuận của doanh nghiệp, để từ đó đánh giá chính xác hơn khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là áp dụng với điều kiện kinh tế ổn định, còn trong môi trường kinh tế mang tính bất ổn/chuyển dịch, thì suất sinh lợi trung bình sẽ bị hạn chế tính khách quan hơn. Nếu chúng ta sử dụng lợi nhuận trung bình của giai đoạn kinh tế năm 2014-2017 và dự phóng EPS của doanh nghiệp vào giai đoạn 2020s chẳng phải sẽ rất khập khiễng hay sao?
Giống như định giá theo PEG thường được dành cho các công ty tăng trưởng đều, thì suất sinh lợi trung bình được sử dụng một cách linh hoạt với các công ty thuộc dạng chu kỳ nhiều hơn, giá cổ phiếu phản ánh của các công ty sẽ đi theo một mô hình khác nhau tùy vào đặc thù ngành. Hơn nữa, các công ty dạng chu kỳ sẽ có các khoản lợi nhuận đột biến, chính bởi thế, nếu broker đưa ra con số lợi nhuận của một doanh nghiệp để dự phóng target cổ phiếu hay khuyến nghị mua vào thì chúng ta nên xem đó là yếu tố tham khảo và không được bỏ qua các yếu tố quan trọng khác như tính chu kỳ ngành, mức ảnh hưởng của vĩ mô hay đơn giản là các tiêu chí còn lại trong 4 chữ cái M.
Về mặt định lượng, khi một NĐT sử dụng con số lợi nhuận trung bình, anh ta sẽ tính toán các hệ số khác như Thu nhập trên vốn đầu tư (ROIC) một cách chính xác hơn. Ngoài ra, anh ta sẽ không bị lợi nhuận trước mắt làm che đi tầm nhìn về các rủi ro hiện hữu trong tương lai, cũng bởi hầu hết những khoản lợi nhuận cực lớn bất chợt thường mang tính ngắn ngủi, không thể lấy đó làm định giá cho một cty được.
Đối với các doanh nghiệp tăng trưởng đều như MWG hay VNM, chúng ta sẽ không quá cần thiết phải sử dụng suất sinh lợi trung bình. Thay vào đó, ta sẽ cân nhắc đến
Cùng với ý tưởng trên, có một chỉ số khác gọi là CAPE ratio, chỉ số này khác với Average Earning Power ở chỗ, thay vì đo lợi nhuận trung bình của một doanh nghiệp, thì chỉ số nó đo lợi nhuận trung bình của toàn thị trường niêm yết trong khoảng một giai đoạn kinh tế ổn định (tầm 10 năm). Để tối ưu hóa cách tính này, thì nếu là ở thị trường VN, ta có thể lấy tổng lợi nhuận ròng của toàn thị trường trong giai đoạn 2009 – 2017, rồi chia cho số năm (8 năm) là hợp lý – theo quan điểm cá nhân. Với cách tính đó, ta tránh được các yếu tố bất thường, hơn nữa, ta nên loại bỏ cả các khoản thu nhập tài chính, thu nhập từ đánh giá lại tài sản, bản tài sản – những thứ chỉ ghi nhận trong một năm.