Vài suy nghĩ về chuyện trường chuyên

  1. Giáo dục

Gần đây một anh vừa đăng bài trên VietPhD nói về vấn đề nên bỏ hay giữ trường chuyên. Đó cũng không phải là lần duy nhất chuyện trường chuyên được đem ra bàn luận trong thời gian này. Là một người từng học chuyên, tôi có một vài ý kiến.

Đầu tiên, nếu những người bàn luận về vấn đề này không có kinh nghiệm thực tế, ý kiến của họ thường là sao chép hoặc vô giá trị. Một người không tốt nghiệp trường chuyên, không làm nghiên cứu về chính sách, cũng không làm quản lý giáo dục, thì thường chỉ nhìn thấy một góc của vấn đề mà người nào dù thiếu thông tin cũng thấy. Tôi nghĩ rằng nghe thầy bói luận về voi thì chẳng có lợi ích gì. Tôi sẽ đi tìm quản tượng, hay nếu có điều kiện, một nhà động vật học.

Những người đó đang nói về trường chuyên mà không ý thức rằng có sự khác biệt lớn giữa các nhóm trường chuyên với nhau. Trường chuyên của một tỉnh khác với trường chuyên của các thành phố lớn như Hà Nội hay HCM. Các trường chuyên của tỉnh, thành phố khác với các trường chuyên thuộc các trường Đại học. Các trường chuyên thuộc các ĐH thuộc BGD thì khác với các trường chuyên thuộc các ĐHQG. Sự khác biệt là đủ lớn để một vài nhận xét tổng thể của họ trở nên không đúng.

Tôi nói về trường chuyên với tư cách một cựu học sinh chuyên, không phải là phụ huynh, không phải một nhà nghiên cứu hay nhà quản lý.

Đầu tiên, khi bàn đến chuyện bỏ hay giữ trường chuyên, nên biết tại sao trường chuyên được thành lập. Thầy của tôi nói với chúng tôi rằng trường chuyên có hai nhiệm vụ. Thứ nhất là đào tạo học sinh tham gia các đội tuyển quốc gia quốc tế. Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trong đó, nhiệm vụ thứ hai là quan trọng hơn. Ngày nay, không cần gắn chữ “cho đất nước” vào nhiệm vụ đó nữa, nhưng nó vẫn là nhiệm vụ quan trọng hơn. Những người có năng lực sẽ đóng góp cho đất nước bằng cách này hay cách khác. Một vài vị GS. nổi tiếng như Ngô Bảo Châu hay Đàm Thanh Sơn tốt nghiệp từ cùng hệ thống trường của tôi. Hàng năm những vị này đóng góp rất nhiều cho công tác đào tạo người Việt và hoạt động nghiên cứu của Việt Nam nói chung. Không thể phủ nhận những đóng góp của họ chỉ vì họ ở nước ngoài. Trong một phần lớn trường hợp khác, tôi nghĩ rằng gửi kiều hối về nước cũng là đóng góp, thậm chí lớn hơn đóng góp của những người làm việc trong nước. Chỉ nghĩ về nhiệm vụ thứ nhất khi nói về trường chuyên là thiển cận.

Thứ hai, cần làm rõ rằng Việt Nam không phải là nước duy nhất có trường chuyên. Trường dành cho học sinh có năng khiếu đặc biệt tồn tại trên khắp thế giới, dù không phải quốc gia nào cũng có. Các nước tư bản lâu đời như Anh, Đức, Mỹ, Nhật, v.v. cũng có trường chuyên, đây không phải là sản phẩm của các nước đang phát triển hay XHCN. Lý do của họ cũng tương tự như của chúng ta. Tôi nghe nói rằng Thái Lan đã học tập mô hình trường chuyên của Việt Nam và thành công rực rỡ.

Các vấn đề được đặt ra với trường chuyên là tiêu cực trong quá trình tuyển chọn và quá trình học, cuộc chạy đua mệt mỏi và không cần thiết đối với học sinh, sự bất bình đẳng với các trường khác và học sinh các trường đó, sự phân bổ tài nguyên bất hợp lý trong hệ thống giáo dục, và … hết. Hay ít nhất là tôi chưa được nghe và cũng không tự nhìn thấy vấn đề nào khác. Tôi cho rằng không có một lý do nào trên đây có thể được coi là một lý do chính đáng để loại bỏ hệ thống trường chuyên. Chúng ta chỉ nên dẹp bỏ trường chuyên khi mà nó không còn khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình, hoặc chúng ta có thể hoàn thành những nhiệm vụ ấy mà không cần có nó. Bây giờ, hãy bàn về từng vấn đề với trường chuyên.

Đầu tiên là chuyện tiêu cực. Có tiêu cực trong quá trình xét tuyển vào một số trường chuyên, với bảng điểm được sửa và các suất quan hệ. Mặc dù không có điều tra nào về mức độ phổ biến của những hiện tượng tiêu cực này, mọi người có vẻ chắc chắn nó xảy ra ở mọi trường chuyên. Cứ cho rằng điều đó là đúng, tại sao chúng ta không kiến nghị giải thể các chính phủ trong khi có điều tra rõ ràng rằng tham nhũng tồn tại ở hầu hết các chính phủ ở các mức độ khác nhau? Tôi nghĩ rằng bị bệnh thì phải đi chữa bệnh chứ không phải tự sát để hết bệnh.

Về cuộc chạy đua để vào trường chuyên và cuộc đua thành tích khi đã vào trường chuyên cũng như cuộc chạy đua giữa các trường, cá nhân tôi cho rằng đây không phải là vấn đề của trường chuyên. Đây là vấn đề của xã hội. Tư tưởng trọng thành tích đã đi sâu vào nếp nghĩ của dân tộc chúng ta, nó hiển nhiên không phải là sản phẩm của trường chuyên. Không có trường chuyên thì các trường thường vẫn cứ chạy đua với nhau, và các bậc phụ huynh vẫn ép con mình học đến mức giỏi hơn con nhà người ta.

Về vấn đề phân bổ nguồn lực, trước hết phải nói rằng không phải trường chuyên nào cũng giống trường chuyên nào. Có ý kiến cho rằng ngân sách dành cho các trường chuyên lớn hơn ngân sách dành cho các trường bình thường, nhưng cần phải biết rằng có những trường chuyên không hề dùng đến ngân sách của BGD. Trường phổ thông tôi học trước đây dùng ngân sách của trường đại học, giáo viên của các môn chuyên nói chung là giảng viên đại học. Thầy của chúng tôi cũng chính là những thầy dạy bồi dưỡng cho thầy cô giáo của nhiều trường chuyên khác. Có một số ít giáo viên là cơ hữu, còn lại một số môn là giáo viên hợp đồng ngắn hạn mời từ bên ngoài. Chúng tôi không làm ảnh hưởng gì đến các trường phổ thông khác, cơ sở vật chất của trường tôi khi tôi còn đi học thậm chí không hơn một trường cấp huyện. Có một bài viết nói rằng trường Ams tiêu tốn quá nhiều ngân sách nhưng lại chỉ phục vụ cho một số ít học sinh. Không sai, nhưng đó là câu chuyện của trường Ams, không phải là câu chuyện của trường chuyên. Không nên vơ đũa cả nắm. Nếu đó là vấn đề, thì cách giải quyết cũng không phải là loại bỏ trường Ams, mà là thay đổi cách hoạt động của nó.

Cuối cùng, sự thật là có sự bất bình đẳng giữa học sinh trường chuyên và học sinh trường thường, ở chỗ học sinh chuyên có thể tiếp cận nhiều cơ hội hơn và có giáo viên có mặt bằng chung cao hơn so với trường thường. Ngoài ra, tôi không thấy có khác biệt lớn nào. Học sinh chuyên có được cộng điểm thi đại học không? Học sinh chuyên có được đóng học phí rẻ hơn không? Không. Vậy là có một chút bất công, nhưng chắc chắn làm cho cuộc chơi “công bằng” hơn bằng cách loại bỏ trường chuyên là một ý tồi. Loại bỏ trường chuyên mới là bất công. Tại sao?

Nếu bạn chưa xem bộ phim 2081, có lẽ bạn sẽ muốn tìm hiểu nội dung của nó. Phim nói về một xã hội mà mỗi người đều “tuyệt đối bình đẳng”: người chạy nhanh bị gắn tạ vào chân, người xinh đẹp phải đeo mặt nạ, người nhanh trí phải đeo vào tai các thiết bị liên tục phát ra âm thanh quấy nhiễu việc suy nghĩ. Nhà nước do thám người dân và kiểm soát chặt chẽ người dân để đảm bảo sự bình đẳng ấy. Đó là một xã hội dystopia, nhưng nó bình đẳng. Nếu bạn có thời gian, hãy thử xem phim ấy. Nếu không, hãy dành một vài giây suy nghĩ, và nói cho tôi biết, bạn có thích sống trong xã hội như thế không?

Nếu câu trả lời của bạn là có, tôi biết mọi điều tôi vừa nói ở đây đối với bạn là nhảm nhí, tôi không đủ tầm để thuyết phục bạn, và xin từ bỏ việc đó. Bạn không cần đọc tiếp nữa. Nhưng nếu câu trả lời của bạn là không, thì bạn nghĩ tại sao lại cần loại bỏ trường chuyên? Việc ấy có khác gì đẩy những đứa trẻ nằm trong nhóm ưu tú nhất trong thế hệ của chúng vào cái thế giới dystopia “tuyệt đối bình đẳng” kia? Điều đó là bất công với chúng. Cá nhân tôi tin rằng chừng nào giáo viên những giáo viên xuất sắc vẫn chưa có mặt ở khắp mọi nơi, và không phải học sinh nào cũng có cơ hội được tiếp cận với những thầy cô giáo giỏi nhất, chúng ta vẫn cần đến trường chuyên. Rồi một ngày nào đó, khi chúng ta trở thành một siêu cường, khi trường Sư phạm là điểm đến của những bạn trẻ ưu tú nhất của mỗi thế hệ, có thể trường chuyên sẽ không còn cần thiết nữa, nhưng chưa phải hôm nay.

Nếu chúng ta phân làn đường, những người đi tốc độ cao có thể tách ra khỏi làn tốc độ thấp và đến đích sớm hơn. Nếu không phân làn, ô tô xe máy sẽ đi lại lẫn lộn với nhau. Khi ấy, tốc độ của những phương tiện chậm nhất sẽ trở thành tốc độ chung. May mắn thì mọi người đều đến đích chậm, xui xẻo thì tai nạn xảy ra. Điều này kéo lùi tốc độ của tất cả mọi người, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của đất nước, chứ không phải chỉ ảnh hưởng đến những người đi nhanh. Khoảng cách về tốc độ giữa một đứa trẻ trường chuyên và một đứa trẻ trường thường có thể lớn đến nỗi bạn không thể tưởng tượng nổi nếu chưa được tiếp xúc với cả hai. Tại sao lại nhẫn tâm tước đi cái làn đường dành cho chúng? Nếu bạn nuôi đại bàng trong một đàn gà, chúng vẫn sẽ lớn lên và khỏe mạnh, nhưng cả chúng và chúng ta, đều có thể sẽ không bao giờ biết có những gì đã bị bỏ lỡ.

khai giang khoa 1 B0

Inaugural Opening Ceremony of B0 – VNU Specialized High School of Physics. Photo Courtesy: Vietnam National University, Hanoi


Originally posted on my blog - July 2020

Từ khóa: 

trường chuyên

,

giáo dục

Mình cũng là một học sinh trường chuyên đây. Thực ra cuộc tranh luận ở đây không phải là vấn đề có nên duy trì trường chuyên hay không. Mọi người đều đồng ý là phải có trường chuyên, vì năng khiếu học tập, tốc độ học tập của mọi người là khác nhau, do đó phải có những trường chuyên để dành riêng cho những người có năng khiếu, học tập nhanh hơn, tốt hơn những người khác. Nó giống như khái niệm phân làn oto mà bạn nói ở trên.

Điều mọi người tranh luận ở đây đó là: trường chuyên vốn dành cho số ít người có năng khiếu, nhưng lại đang dùng ngân sách công, và vì là đào tạo gà nòi nên chi phí thường đắt gấp 3-4 lần một trường thông thường. Nếu là chuyên ban, tư thục thì rất đơn giản. Vậy mấu chốt ở đây là:

  • Cả nước có bao nhiêu trường chuyên, nó có đáng kể so với trường thường hay không? Theo số liệu của bộ giáo dục năm 2017-2018, Việt Nam có khoảng 2,811 trường cấp 3.
  • Học sinh trường chuyên có mang về vinh quang cho đất nước, cho tỉnh, cho huyện hay không?
  • Đào tạo ra nhân tài có phải là trách nhiệm chung của cả gia đình và xã hội?

Thực sự thì mình thấy khối chuyên ở tỉnh rất cần phải duy trì.

Trả lời

Mình cũng là một học sinh trường chuyên đây. Thực ra cuộc tranh luận ở đây không phải là vấn đề có nên duy trì trường chuyên hay không. Mọi người đều đồng ý là phải có trường chuyên, vì năng khiếu học tập, tốc độ học tập của mọi người là khác nhau, do đó phải có những trường chuyên để dành riêng cho những người có năng khiếu, học tập nhanh hơn, tốt hơn những người khác. Nó giống như khái niệm phân làn oto mà bạn nói ở trên.

Điều mọi người tranh luận ở đây đó là: trường chuyên vốn dành cho số ít người có năng khiếu, nhưng lại đang dùng ngân sách công, và vì là đào tạo gà nòi nên chi phí thường đắt gấp 3-4 lần một trường thông thường. Nếu là chuyên ban, tư thục thì rất đơn giản. Vậy mấu chốt ở đây là:

  • Cả nước có bao nhiêu trường chuyên, nó có đáng kể so với trường thường hay không? Theo số liệu của bộ giáo dục năm 2017-2018, Việt Nam có khoảng 2,811 trường cấp 3.
  • Học sinh trường chuyên có mang về vinh quang cho đất nước, cho tỉnh, cho huyện hay không?
  • Đào tạo ra nhân tài có phải là trách nhiệm chung của cả gia đình và xã hội?

Thực sự thì mình thấy khối chuyên ở tỉnh rất cần phải duy trì.

Nhân tài đất nước có vô số tại sao cứ chuyên mới là tài, cho chuyên hết luôn và phát hiện, biết cách sử dụng nhân tài mới là thành công chứ ko phải là đào tạo thành công là đã xong, còn việc bỏ hay ko thì ko quan trọng, tôi nghĩ vậy