Vài chia sẻ của một cảnh sát chính tả :)

  1. Giáo dục

Có một số từ trong tiếng Việt không được thông dụng lắm, hoặc thường được dùng không đúng. Những từ này có thể sẽ ngày càng hiếm gặp và biến mất, hoặc phổ biến hơn và không ai phải tra cứu khi gặp chúng nữa. Danh sách dưới đây là những từ mình nhớ ra được, sẽ cập nhật thêm trong vòng vài tháng tới. Mong là giúp các bạn giảm thời gian tra từ điển khi đọc sách 🙂

Đi học

Hình: Các em học sinh ở Katsura, Kyoto trên đường trở về nhà trong một chiều thu.

-----


Ngõ hầu:
 Rồi ra mới có thể.

Có kháng chiến ngõ hầu mới giành được độc lập.

Vị tất:
 Chắc gì; chưa chắc.

Vị tất anh ta đã tin.

Tục huyền:
 Lấy vợ khác, sau khi vợ trước chết.

Rất nhiều người không phân biệt được tái giá và tục huyền. Tái giá chỉ dùng cho phụ nữ, tục huyền chỉ dùng cho đàn ông.

Tu mi: 
mày râu, chỉ người đàn ông.

Thường gặp: “đấng mày râu,” “trang tu mi nam tử.”

Thảy:
 tất thảy, hết thảy, tất cả

(từ ít dùng)

(…) thế rồi tôi trở về nhà, lẩn thẩn như một thằng say rượu, lòng còn say sưa với hết thảy cái gì là không thực ở đời (Nguyễn Tuân).

Cứu cánh:
 Mục đích cuối cùng

nghệ thuật là phương tiện, không phải là cứu cánh.

Yếu điểm:
 (H. yếu: quan trọng; điểm: nơi) Chỗ quan trọng

Chí Linh là một yếu điểm về quân sự (Chớ lầm yếu điểm với điểm yếu tức là nhược điểm).

Tham quan:
 Xem xét một nơi nào

Đi tham quan khu gang thép. (thường hay bị viết sai chính tả thành “thăm quan“)

Khuyến mãi:
 Kích thích việc mua (mãi: 買)

Hàng khuyến mãi. (Lưu ý: Không có từ “khuyến mại,” đó chỉ là cách dùng sai từ “khuyến mãi.”)

Tựu trung:
 
trong khoảng, trong đoạn
cái chính trong số đó

(…) từ tối đến giờ ngồi nói với nhau đủ mọi thứ chuyện, tựu trung vẫn là chuyện chính trị (Nguyễn Khải)

 Lưu manh nói chung đều ngoan cố, tựu trung cũng có đứa giáo dục được.

Vô hình trung:
 tuy không chủ ý, chủ tâm nhưng tự nhiên lại là như thế [tạo ra, gây ra việc nói đến]

Cách tính gộp vô hình trung gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Sáp nhập:
 nhập vào với nhau làm một

Sáp nhập ba xã làm một.

Phong thanh
: đồn đại, chưa có gì thật chính xác.

Nghe phong thanh anh sắp lấy vợ. (Có khi bị nhầm với “phong phanh.”)

Bàng quan
: Làm ngơ, đứng ngoài cuộc, coi như không dính líu gì đến mình

 thái độ bàng quan; bàng quan với mọi việc chung quanh.

Thường hay bị nhầm với bàng quang: túi chứa nước tiểu từ thận tiết ra (bọng đái; bong bóng).

Trong những từ ở trên, có những từ ít gặp, ví dụ như “ngõ hầu” hay “vị tất”; cũng có những từ hay gặp nhưng hay bị dùng sai, ví dụ như “cứu cánh”; có nhiều từ thì thường bị viết sai chính tả, ví dụ như “vô hình trung.”

Chúng ta biết rằng ý nghĩa của từ ngữ có thể thay đổi theo thời gian. Những từ có ý nghĩa hiện tại khác với nghĩa nguyên gốc không được liệt kê ở đây. Ví dụ quan ngại vốn là danh từ có nghĩa là vật cản trở, ngày nay nó có nghĩa là quan tâm và lo ngại. Tuy nhiên mình không xếp nó vào những từ bị dùng sai, vì nghĩa của nó đã thay đổi.

Những từ được liệt kê ra ở trên nghĩa chưa bị thay đổi, và được viết đúng chính tả. Nếu bạn đọc được bài báo nào viết những từ đó với nghĩa khác hoặc chính tả khác, thì 99% là tác giả bài báo viết sai. Tồn tại 1% còn lại là do mình có niềm tin rằng trên đời này không có thứ gì chắc chắn cả.

Nếu trên đời có một triệu người và một ngàn người trong số đó viết sai, ta nói một ngàn người ấy viết sai. Tuy nhiên nếu một trăm năm sau chỉ có một ngàn người viết đúng và gần một triệu người còn lại viết sai, thì những người đúng hóa ra lại trở thành sai. Đó là một nghịch lý về sự biến chuyển của ngôn ngữ. Ngày nay, cái đúng vẫn còn đang đúng, nhưng một số người mang danh nhà báo hoặc nhà văn lại đang đi theo cái sai.

Mình sợ rằng một trăm năm nữa khi cái sai trở thành cái đúng, những người nghiên cứu ngôn ngữ chân chính lại phải mệt mỏi giải thích tại sao lẽ ra từ nào đó phải có nghĩa này hay phải được viết thế này, mà nay lại mang nghĩa khác và được viết khác. Để tránh hoặc kéo dài thời gian đến cái ngày không mấy vui vẻ đó, chúng ta rất cần những người viết có lương tâm và đạo đức. Với nghề viết, học hành nghiêm chỉnh có lẽ nên được công nhận là một nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp căn bản. Chúng ta tất nhiên nghĩ đó là hiển nhiên, nhưng một số người làm nghề thì không có đủ trí tuệ và lương tâm để nhận ra điều hiển nhiên đó, nên có lẽ nó phải được phát biểu rõ ràng để người ta có thể nghe.


-----

Các từ điển dùng để tham khảo trong bài viết này:

Từ điển Hồ Ngọc Đức

Từ điển Lạc Việt

Từ điển VLSP

Từ điển Hán Nôm

----------


Originally posted here:

Một số từ tiếng Việt – 一期一会

inthehereinthenowiamhome.wordpress.com

Từ khóa: 

chính tả

,

tiếng việt

,

giáo dục

Những từ này mình vẫn gặp trong các tác phẩm văn học hiện đại á, mà là sách dịch luôn :)) Bạn quan tâm đến chính tả vậy có thể tham khảo cuốn "Chữ xưa còn môt chút này" của admin page Ngày Ngày Viết Chữ, đây là một cuốn khá hay giải nghĩa những từ cổ, từ ít dùng và những từ hay bị sai trong chính tả. Trang này cũng rất hay rất đáng để follow 🙂
Trả lời
Những từ này mình vẫn gặp trong các tác phẩm văn học hiện đại á, mà là sách dịch luôn :)) Bạn quan tâm đến chính tả vậy có thể tham khảo cuốn "Chữ xưa còn môt chút này" của admin page Ngày Ngày Viết Chữ, đây là một cuốn khá hay giải nghĩa những từ cổ, từ ít dùng và những từ hay bị sai trong chính tả. Trang này cũng rất hay rất đáng để follow 🙂