Tưởng có tất cả hóa ra trắng tay

  1. Hướng nghiệp

Chắc bạn đang nghĩ vừa mới hãnh diện khoác lên mình tấm áo cử nhân để bước vào đời mà sao lại bị nói là trắng tay vậy nhỉ? Khá bực đúng không, thôi chúng mình cứ bình tĩnh đọc đầu đuôi bài viết này để xem thực hư câu chuyện là gì nhé!

Tưởng có tất cả

Nhớ ngày đầu bước chân vào trường Đại học, chúng ta nghĩ mình là số 1, luôn là ngôi sao nhưng rồi cũng phải học cách thích nghi, chấp nhận mình chỉ là số 0 giữa một rừng các sinh viên ưu tú khác. Đại học giúp chúng ta tích lũy trong suốt bốn năm năm học với vô vàn kiến thức và môn học hóc búa. Từ kinh tế lượng tới xác suất thống kê rồi tài chính doanh nghiệp, kế toán, thậm chí cả những môn khó nhằn như Triết học, Kinh tế chính trị cũng chinh phục được hết. Lẽ dĩ nhiên, ta có quyền nói mình đã đầy đủ kiến thức để thực chiến rồi, giờ là lúc ra ngoài xã hội để thể hiện.

bulliedstudent

Đại học là thử thách đầu tiên

Hóa ra...trắng tay

Bao nhiêu là nhiệt huyết, đam mê và năng lượng tích cực, vậy mà đến lúc gặp nhà tuyển dụng câu đầu tiên họ chí mạng nói với chúng ta rằng “Nhận em vào, doanh nghiệp phải đào tạo nhiều lắm”.

Vậy có nghĩa là sao?

Các bạn thân mến ơi, thực tế đúng là như vậy đó.

Những kiến thức học ở trường Đại học, những thứ các bạn tự hào thực chất chỉ là kiến thức nền tảng, giúp các bạn có tư duy, các bạn biết cách vận hành chung còn lại khi bắt tay vào công việc, chúng ta phải học lại từ đầu.

Còn nhớ ngày tôi bắt đầu làm nhân viên kinh doanh của ngân hàng thậm chí học lại từ cách nghe một cuộc điện thoại, cách trả lời khách hàng, cách bắt tay, cách ngồi, cách đi đứng, tất cả thứ mà ta tưởng như quen thuộc và dễ như ăn kẹo đều là thứ cần phải học.

Điều đáng sợ nhất là rất nhiều người lại không nhận ra vấn đề và cố chấp với thứ mình đang có. Đây cũng là nguyên nhân mà các bạn ra trường thất nghiệp, doanh nghiệp không đáp ứng được mong muốn của các bạn, các bạn nghỉ, nghỉ vô tội vạ, nghỉ đột ngột thậm chí còn cố tình phá hoại công ty vì mình thích thế.

Chấp nhận tuyển dụng sinh viên mới ra trường là một trong những đầu tư dài hạn của bất kì công ty nào vì thứ các bạn đang có là rất ít ỏi so với nhu cầu thực tiễn, chưa kể đào tạo các bạn xong các bạn lại dễ dàng ra đi. Rất nhiều người than phiền rằng tổ chức coi thường sinh viên, không tôn trọng sinh viên nhưng chưa bao giờ đặt câu hỏi ngược lại chúng ta đã làm gì để đóng góp cho sự phát triển của tổ chức.

Có thể nói trong quãng đường sự nghiệp của tôi thì những năm đầu tiên đi làm là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, lũ trẻ ra trường sàn sàn tuổi nhau, đam mê như nhau và cùng nhau cố gắng, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Bạn không biết cách gọi điện, tôi gọi giúp bạn.

Bạn không biết cách tư vấn khách hàng, tôi đi cùng bạn.

Bạn sợ phải gặp khách khó tính, tôi song hành bên bạn.

Tất cả đều là sự bọc lót, trợ giúp nhau vô tư không toan tính. Điều này cũng là một thứ học hỏi, học hỏi từ nhau, học hỏi cả sự tử tế của nhau.

67375176_1336592999840314_630983708563734528_n

Khi đi làm chúng ta lại phải trải qua cảm giác trắng tay thêm lần nữa

Trắng tay là điều tốt

Gần đây tôi có đi nghe thầy Thích Tâm Đức (Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhi, Ấn Độ) thuyết giảng, có một điều tôi rất tâm đắc khi thầy nói Buông bỏ không phải là đánh mất, buông bỏ là trí tuệ.

Nhiều khi thứ khiến ta đau đớn nhất lại là thứ ta cố chấp tìm mọi cách níu giữ lại, nhưng khi buông bỏ được, ta thực sự an nhiên xiết bao.

Vậy thì một sinh viên mới ra trường, một cử nhân mà trắng tay đâu phải là điều gì đáng buồn. Thứ ta có vẫn ở đấy, ở trong trí tuệ ấy, vẫn nằm trong con người ấy, chỉ là tâm thái của chúng ta, đặt mọi thứ xuống, sẵn sàng đón nhận những điều mà cuộc sống này dạy chúng ta.

Đôi khi một lời nhắc nhở đánh máy vẫn bị lỗi.

Đôi khi một lời góp ý ăn mặc sao cho chỉn chu.

Đôi khi một lời định hướng đừng thể hiện lo sợ đi gặp khách hàng.

Đấy mới là thứ làm đầy lên kho kinh nghiệm và đầy lên sự chuyên nghiệp cho chúng ta.

Hãy trân trọng điều đó.

learned-uk

Học điều gì?

Vậy khi đã chuẩn bị tâm thế xong rồi, chúng ta cần học điều gì?

Thực sự không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này vì có quá nhiều thứ để học. Nó phụ thuộc vào yêu cầu công việc của mỗi người.

Lại là ví dụ về nhân viên của Ngân hàng, chúng tôi cần học từ:

-       Trang phục ăn mặc sao cho phù hợp

-       Đi lại nói năng sao cho thanh lịch

-       Học về sản phẩm để tư vấn cho khách hàng hiểu

-       Học cách ứng phó với phản ứng, từ chối khách hàng

-       Học về thị trường, kiến thức tài chính để trao đổi với khách hàng

-       Học cách chăm sóc khách để họ không dễ dàng rời bỏ mình

Có vô vàn gạch đầu dòng thử thách chúng ta và cho chúng ta gợi ý để làm tốt công việc của mình. Vì vậy, sau một thời gian vào việc hãy ngồi xuống bình tâm xem lại xem thứ ta thực sự cần là gì để bồi đắp cho mình. Và đừng quên đọc sách – sách sẽ cho chúng ta kho kiến thức vô tận, cho chúng ta nhiều ý tưởng mới và các bài học thực sự quý báu.

Ngoài ra đừng đặt nặng việc học ở đâu, chúng ta có thể học ở khắp mọi nơi, từ đường phố, từ người lái grab, từ cô bán trà đá tới anh chủ doanh nghiệp, ai cũng là người thầy của ta và dạy cho ta những điều thú vị.

Lời kết

Đừng tự ái khi ai đó nói rằng sinh viên mới ra trường là đối tượng cần phải học hỏi nhiều, điều đó là thực tế, chỉ khi nào mở lòng ra, đặt tâm thái bàn tay trắng để hấp thụ kiến thức, kinh nghiệm từ cuộc sống này, lúc ấy thành công sẽ sớm gọi tên ta.

Trần Huyền.

Từ khóa: 

hướng nghiệp