Tục mai táng phơi thây

  1. Văn hóa

  2. Tôn giáo

Tục phơi thây cho chim

Có những nền văn hóa có một quan điểm rất khác về việc táng xác so với tục địa táng mà ta thấy phổ biến ở khắp nơi. Ở đây tôi giới thiệu sơ về tục phơi thây cho kền kền ăn ở văn hóa Tây Tạng và văn hóa Celt cổ ở Iberia.

Văn hóa Tây Tạng:

Đối với niềm tin của người Tây Tạng, xác người không còn là người đó nữa mà chỉ là một cái vỏ đã được bỏ đi, bởi linh hồn của họ mới chính là họ. Trong trường hợp này, mục đích của họ không phải là làm ô uế xác. Việc làm này thậm chí còn được coi là một hành động hào phóng: xác chết nuôi dưỡng những sinh vật khác, vì chưng chúng sinh bình đẳng trong quan niệm Phật giáo.

https://cdn.noron.vn/2021/11/19/vulturefeedingonbodydetailskyburialartwithvulturesatlitangmonasterytibetin2009cropped-1-1637267949.jpg

"Kền kền ăn xác" ở tu viện Lý Đường, Tây Tạng.Bởi Antoine Taveneaux - Opus proprium, CC BY-SA 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=78109106

Theo một bài nghiên cứu “Kền kền và việc mai táng trời ở cao nguyên Thanh-Tạng”, hơn 80% trong số 6,28 triệu người Tây Tạng cuối cùng cũng sẽ để xác cho kền kền Himalaya ăn trong nghi thức mai táng trời.

[1]

Luật pháp địa phương còn cấm các hành động quấy rối ở những địa điểm chim ăn xác. Thậm chí, những người chết vì lý do nhiễm độc hoặc các bệnh truyền nhiễm cũng không được phép phơi xác nhằm bảo vệ loài kền kền.

[2]

Văn hóa Celtiberia:

Người Vaccaei và Celtiberi cũng có tục phơi thây cho kền kền. Tuy nhiên, cái nhìn của họ khác với người Tây Tạng. Không phải ai cũng “được” mai táng theo hình thức này, mà chỉ dành cho những chiến binh tử trận.

Đối với người Celtiberi, tử trận là một cái chết vinh quang, xứng đáng với một hình thức mai táng vinh quang. Kền kền là những động vật thiêng liêng, chúng ăn xác và bay lên trời cũng là mang xác chiến binh lên trời cao tới chốn của thần linh.

https://cdn.noron.vn/2021/11/19/picture2-1637267948.jpg
Tranh vẽ nghi thức mai táng phơi thây của người Celtiberi (Vẽ bởi L. Pascual Repiso; lấy từ lịch Pintia 2013)

Có hai nguồn tác giả cổ điển nhắc đến tục này của họ

“[…] hīs pūgnā cecidisse decus, corpusque cremārī tāle nefās: caelō crēdunt superīsque referrī, impāstus carpat sī membra iacentia vultur.”

(Silius Italicus, Punica, 3, 341-343)

“Đối với họ, hy sinh trên chiến trường là một vi nh hạnh, và đốt xác như thế là nhục: họ tin rằng, kền kền đói mà rỉa xác của lính tử trận, thì sẽ mang họ lên trời và lên nơi cao.”

“Βακκαῖοι ῾γένος δὲ τοῦτο Ἑσπέριον᾽ τῶν ἀποθνησκόντων νόσῳ τοὺς νεκροὺς ὑβρίζοντες ὡς ἀνάνδρως καὶ μαλακῶς τεθνεώτων θάπτουσι πυρί, τοὺς δὲ ἐν πολέμῳ τὸν βίον καταστρέψαντας ὡς καλοὺς καὶ ἀγαθοὺς καὶ ἀρετῆς μετειληχότας γυψὶ προβάλλουσιν, ἱερὸν τὸ ζῷον εἶναι πεπιστευκότες.”

(Claudius Aelianus, De Natura Animalium, 10, 22).

“Người Vaccaei phẫn nộ với thi thể của những người chết vì bệnh tật vì họ cho rằng họ đã chết một cách hèn nhát và hèn hạ, và họ đem đốt đi; Nhưng những người đã hy sinh trong chiến tranh được coi là cao quý, dũng cảm và can đảm, do đó, họ trao xác cho kền kền vì họ tin rằng đây là những con vật linh thiêng.”

Đây là một bài hát bằng tiếng TBN nói về tục này của người Celtiberi.

https://www.youtube.com/watch?v=piIc-i8Nya4

Descarnatio của nhóm Salduie, từ album Ambaxtos, 2021.

Trong bài hát có câu:

“Al luchar por siempre tu alma será inmortal. Que el buitre te eleve a la eternidad. Te aguardan los dioses. Pues esta digna muerte te enaltecerá.”“Khi chiến đấu, linh hồn anh sẽ trở nên bất tử. Hãy để kền kền nâng anh lên đến ngàn thu. Những thần linh chờ anh. Bởi cái chết cao quý này sẽ tôn vinh anh.”

Về tục địa táng:

Địa táng là hình thức mai táng phổ biến nhất và gần như là thường thức, nhưng tôi sẽ vẫn bàn một chút nhằm so sánh với hình thức mai táng ở trên.

"Chôn xác kẻ chết" là một trong những mối thương người trong Kitô giáo: "Opera corporālis misericordiae speciātim cōnsistunt in [...] mortuīs sepeliendīs."

[3]

Với người Kitô hữu, một con người bao gồm cả hồn lẫn xác. Và giáo lý Kitô giáo dạy về việc xác loài người ngày sau sống lại.

[4]
Ngày ấy xác và hồn sẽ đoàn tụ.

https://cdn.noron.vn/2021/11/19/picture3-1637267948.jpg
Người chết trỗi dậy trong ngày sau hết, bởi Gislebertus, một phần của cổng nhà thờ ở Autun.

Trong nền văn minh Hy-La cổ đại, việc chôn cất xác rất quan trọng trong niềm tin tôn giáo. Người chết phải được chôn cất đường hoàng và đó cũng là điều các thần linh muốn. Ví dụ trong những sử thi về chiến tranh như Iliad hay Aeneid, hai bên dù đang giao chiến, vẫn có lúc đình chiến chỉ để cả hai phe được chôn cất lính tráng tử trận.

[5]
[6]
Trong vở Antigone của Sophocles, Antigone bất chấp cả tính mạng để chôn cất xác Polyneices, dù làm trái lệnh của Creon là vị vua đang nắm quyền, rằng ai chôn Polyneices sẽ bị xử tử. Theo cô, luật của thần linh cao hơn luật của thế gian, và chôn cất người chết là điều phải làm. Người Rasna thậm chí xây nghĩa địa như “thành phố kẻ chết” (necropolis) theo nghĩa đen. Họ xây cất nhà cửa đường đi giống như thành phố cho kẻ sống.

https://cdn.noron.vn/2021/11/19/lytrasnikiforosantigonepolynices-1637267949.jpg
"Antigone và Polyneices." Nikiforos Lytras, Public domain, via Wikimedia Commons

Việc chôn cất người chết là tục được nhiều nền văn hóa coi trọng. Nếu không phải là "chôn", thì họ cũng "cất" bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ đốt xác hay ướp xác. Việc giữ đầu lâu người ở văn hóa thời kì tân đồ đá tiền đồ gốm B (PPNB) có thể là liên quan đến việc thờ tổ tiên, hoặc cũng có thể liên quan đến việc săn đầu người.

Dù sao đi nữa, hiện nay hầu hết mọi nền văn hóa đều không hoặc không còn tục giữ và trưng bày xác người. Ví dụ, ở Mỹ có luật chống việc dùng xác người (abuse-of-corpse laws) để tránh xúc phạm hoặc dùng vào những điều sai trái, ví dụ như ái tử thi (necrophilia).

Việc chôn cất người chết, ngoài những ý nghĩa về tôn giáo hay văn hóa, còn mang tính thiết thực. Chôn cất xác chết thì gia đình người thân không phải thấy người đã khuất phải chịu hư nát xác thịt. Quan trọng nhất, việc chôn cất có ý nghĩa vệ sinh, tránh các loại vi khuẩn, dòi bọ, và mùi.

Kết

Mỗi nền văn hóa và tôn giáo có cái nhìn khác về việc mai táng. Trừ những trường hợp phơi xác làm nhục kẻ thù, ta có một điểm chung rằng không ai trên đời lại xúc phạm người đã khuất cả. Thần linh cũng phải chặn lại việc người anh hùng Achilles làm nhục xác của Hector.

Tôi xin mượn lại vở Antigone để kết. Creon, với cái tôi ngạo mạn, muốn xác của kẻ thù không được chôn. Sự sụp đổ của nhân vật này bắt đầu từ lúc ông quyết định đưa ra cái luật rằng không ai được chôn Polyneices!


[1]
MaMing, Roller, Li Lee, Xiaomin Yang, and Paul Buzzard. Vultures and Sky Burials on the Qinghai-Tibet Plateau.

[2]
Ibid.

[3]
Catechismus Ecclesiae Catholicae, 2447.

[4]
Ibid., 988-1004.

[5]
Iliad, VII, 380-385.

[6]
Aeneid, XI.


Tham khảo

A., Laura. “Necrópolis.” Ecos de la Antigua Iberia. Wordpress, April 18, 2016. https://ecosdelaantiguaiberia.wordpress.com/tag/necropolis/?fbclid=IwAR3VoJEjOLPXkI2dhMuLOdDgfDpOZfgTRJMHmTvq1txc91jcrL0IxLgsvx8.

Aelianus, Claudius. “De Natura Animalium.” Edited by Rudolf Hercher. Perseus Digital Library. Accessed November 9, 2021. http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=urn%3Acts%3AgreekLit%3Atlg0545.tlg001.perseus-grc1%3A10.

Italicus, Silius. “Punica.” Edited by Walter C Summers and John P Postgate. Silius Italicus, Punica, book 3. Accessed November 9, 2021. http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=urn%3Acts%3AlatinLit%3Aphi1345.phi001.perseus-lat1%3A3.

MaMing, Roller, Li Lee, Xiaomin Yang, and Paul Buzzard. “Vultures and Sky Burials on the Qinghai-Tibet Plateau.” Vulture News 71, no. 1 (March 29, 2018): 22. https://doi.org/10.4314/vulnew.v71i1.2.

Từ khóa: 

mai táng

,

chôn cất

,

phơi thây

,

phơi xác

,

văn hóa

,

tôn giáo

Bài này siêu hay và cuốn luôn anh ơiiii

Trả lời

Bài này siêu hay và cuốn luôn anh ơiiii

Mạng ký cá nhân của mình bên Wordpress:

Bây giờ còn tục mai táng phơi thây ko bạn?