Từ vụ ly hôn đình đám của ông bà chủ Trung Nguyên?

  1. Giới tính

Khi vợ chồng khác nhau lẽ sống

PHONG LINH

Có nhiều giả thuyết đặt ra để giải thích cho mối xung đột giữa ông Nguyên Vũ và bà Diệp Thảo. Ngoài khái niệm mà mọi người thường đề cập đến là tiền thì đằng sau câu chuyện của họ, còn nổi lên một vấn đề đáng suy nghĩ, đó là khi vợ chồng khác nhau lẽ sống.

Người ta tiếc cho một mối tình đồng cam cộng khổ, sợ cảnh tình người ấm lạnh, xót thương những đứa trẻ tuy có cha mẹ nhưng chẳng thể vui vầy… Biết làm sao khi đến một lúc nào đó, người vợ hoặc chồng không còn có thể hiểu nổi đối phương.

Bà Thảo muốn thêm 5% cổ phần công ty cho mỗi đứa con, ông Vũ kiên quyết muốn 70% về phía mình. Có thể thấy, bản chất của sự tranh chấp ở đây không phải là tiền mà là cổ phần, cũng đồng nghĩa với thực quyền kiểm soát Trung Nguyên. Từ khi ông Vũ bắt đầu thay đổi đường lối phát triển Trung Nguyên, cũng là lúc gia đình họ nảy sinh mâu thuẫn.

Nếu hệ giá trị sống khác nhau, “đồng sàng dị mộng”, buộc một phía phải chấp nhận hy sinh, phải mài mòn bản thân để hoà hợp, một gia đình không thể có tiếng nói chung sẽ khó đạt hạnh phúc viên mãn

Cái chính ở chỗ, bà Thảo muốn vận hành Trung Nguyên theo cái cách nó đã thành công từ trước đến nay. Còn ông Vũ muốn biến Trung Nguyên thành tập đoàn tiên phong dẫn dắt tư tưởng không những ở tầm quốc gia mà rộng ra cả nhân loại. Ông Vũ muốn để lại những di sản tầm cỡ, muốn Trung Nguyên vươn đến những giá trị tinh thần cao xa. Bà Thảo lại không muốn mạo hiểm những gì mình đang có, bà muốn đặt nền móng vững chắc cho các con thừa kế. Họ khác nhau lẽ sống.Bà Thảo nghĩ chồng mình bị tâm thần, ông Vũ bị tổn thương; ông Vũ cho rằng vợ mình “phá Trung Nguyên”, bà Thảo cảm thấy bị xúc phạm. Đến khi mệt mỏi, bà Thảo muốn được rút đơn ly hôn thì ông Vũ không đồng ý. Bởi hơn 5 năm tranh chấp, đủ để mọi việc đi quá xa. Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời con người, từ đó nó định ra những luật, những qui chuẩn ứng xử của bản thân. vợ chồng có thể khác nhau về xuất thân, chênh lệch học vấn, ngoại hình, lẫn thu nhập cá nhân… nhưng quan trọng nhất là phải hiểu được lẽ sống của nhau. Ví như, một người cực đoan cho rằng sống là phải làm từ thiện, tích đức, còn bạn đời thì lại cười cợt trên những nghĩa cử đó và cảm thấy việc cho đi rất hoang phí, việc tích lũy cho bản thân mới quan trọng. Đó gọi là không cùng lẽ sống, không chung một hệ giá trị.

Thử nghĩ, người đầu ấp tay gối, cùng xây dựng tương lai, khắng khít đến mức có thể cùng nhau đi lên, hay tuột dốc trong cuộc đời, lại luôn phản đối, hoặc không thể đồng hành với hoài bão và sứ mệnh bạn đã đặt ra, vậy tiếp tục để làm gì?Các nhà khoa học đã đo được tuổi thọ của tình yêu chính xác là 2 năm, 6 tháng và 25 ngày, vậy sau đó các cặp đôi tiếp tục hôn nhân của mình bằng gì? Bằng tình nghĩa, bằng lý trí, bằng sự gắn kết. Nếu cùng chung lẽ sống, sự gắn kết không chỉ về mặt con cái, tài sản mà còn về tinh thần, chí hướng, mục tiêu. Điều đó giúp bạn thoải mái hơn khi cùng nhau đi đến hết đời.

Chọn bạn đời là chọn người có thể cùng mình đắp xây một gia đình, nơi đó dẫu có những sóng gió nhưng luôn là biểu tượng của sự bình yên, an tâm gửi gắm. Nếu hệ giá trị sống khác nhau, “đồng sàng dị mộng”, buộc một phía phải chấp nhận hy sinh, phải mài mòn bản thân để hoà hợp, một gia đình không thể có tiếng nói chung sẽ khó đạt hạnh phúc viên mãn. Đến một lúc nào đó, một phía sẽ nhận ra bạn đời chẳng thể chung đường, và cứ thế vỡ tan, gây tổn thương sâu sắc cho cả hai, và đặt một dấu lặng lên cuộc đời những đứa con.

Hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của một người. Vì thế, trước khi quyết định kết hôn, hãy thử một lần ngồi lại với người bạn đã chọn, chia sẻ những hoài bão của chính mình, tìm ra tiếng nói chung, để gia đình có thể trở thành nền tảng (chứ không phải vật cản), thành sức bật giúp bạn có được hạnh phúc, có được một cuộc đời đáng sống.

Từ khóa: 

giới tính

Bài viết rất hay, xin tặng coin... Mà mình nghĩ nó nên là bài viết chứ không nên là câu hỏi.

Trả lời

Bài viết rất hay, xin tặng coin... Mà mình nghĩ nó nên là bài viết chứ không nên là câu hỏi.