Tư tưởng quản lý trong đạo đứa kinh của Lão Tử là gì?
kiến thức chung
I. VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ LÃO TỬ VÀ ĐẠO GIA
1. Lão Tử
Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam, người ở xóm Khúc Nhân, làng Lệ, huyện Khổ, người nước Sở. Sự tồn tại của ông trong lịch sử vẫn còn có nhiều bàn tán. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỷ IV TCN. Lão Tử làm quan giữ sách trong thư viện triều đình nhà Chu. Sau này, ông nhận thấy chính sự của đất nước đang tan rã và quyết định ra đi.
Lão Tử là một trong những nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc. Ông được coi là người viết Đạo Đức Kinh và ông được công nhận là khai tổ của Đạo giáo.
2. Đạo gia
Đạo gia do Lão Tử sáng lập vào khoảng những năm 580 – 500 TCN. Trong lịch sử triết học cổ đại Trung Hoa, Lão Tử lần đầu tiên dùng hình thức tư duy lý luận sáng lập hệ thống lý luận triết học hoàn chỉnh lấy Đạo làm trọng tâm, trở thành vị thuỷ tổ của học phái Đạo gia. Đạo gia dùng phương thức suy luận độc đáo để quan sát hiện tượng xã hội, quan sát sự phát triển của giới tự nhiên, tìm hiểu quy luật tự nhiên, mở rộng phạm vi suy nghĩ của con người từ nhân sinh đến vũ trụ. Đạo gia đi sâu đến vấn đề vũ trụ bản thể luận, rồi từ đó hướng sang nghiên cứu nhân sinh luận và chính trị luận. Đạo gia thực sự có vai trò quan trọng đối với con người và cả xã hội. Bản thể của Đạo gia được khắc họa rõ nét trong cuốn Đạo Đức Kinh.
II. ĐẠO ĐỨC KINH
1. Hoàn cảnh ra đời của Đạo Đức Kinh
a. Hoàn cảnh lịch sử xã hội
Xuân Thu Chiến Quốc là tên gọi giai đoạn lịch sử từ năm 722 – 481 TCN, là thời kì “ lễ băng, nhạc hoại” (lễ tan, nhạc vỡ) quyền lực của vua nhà Chu suy yếu, thế lực các nước chư hầu ngày càng lớn mạnh và liên tục phát động những cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau để giành quyền bá chủ. Những cuộc chiến tranh thôn tính khốc liệt đã phá vỡ trạng thái cô lập, tĩnh của đời sống Trung Quốc. Sự truyền bá văn hóa ngày càng rộng rãi, những xung đột giao thoa văn hóa... đã tạo nên một bộ mặt mới cho nền văn hóa. Bên cạnh đó, các nước chư hầu trong cuộc tranh hùng xưng bá vẫn chưa xây dựng được hình thái quan niệm thống nhất. Môi trường học thuật sôi động cởi mở này chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà tư tưởng tự do độc lập sáng tạo. Thời kỳ này nổi bật lên nhiều trường phái như Nho gia, Mặc gia, Đạo gia,…
b. Hoàn cảnh ra đời
Đạo Đức Kinh là quyển sách triết gia do Lão Tử viết vào khoảng năm 600 TCN. Theo truyền thuyết thì Lão Tử vì chán chường thế sự nên cưỡi trâu xanh đi ở ẩn. Doãn Hỷ lúc đó đang làm quan giữ ải Hàm Cốc níu lại xin một bộ sách. Lão Tử bèn ở lại cửa ải Hàm Cốc viết bộ Đạo Đức Kinh, dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó thì đắc đạo. Do đó Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.
Đạo Đức Kinh có 81 chương và khoảng 5000 chữ được chia làm hai phần Thượng Kinh và Hạ Kinh. Thượng Kinh gồm 37 chương luận chữ Đạo nên còn được gọi là Đạo Kinh. Hạ Kinh gồm 44 chương luận chữ Đức nên còn được gọi là Đức Kinh. Như vậy có thể thấy Lão tử đề ra hai tư tưởng của Đạo gia là Đạo và Đức.
2. Tư tưởng chủ đạo của Đạo Đức Kinh
a. Tư tưởng Đạo trong Đạo Đức Kinh
Đạo Đức Kinh có viết về Đạo như sau “Đạo không thể gọi tên được; Nó là Vô, là Vô Danh". Bản thân Đạo là một khái niêm trừu tượng, chính Lão Tử cũng đã nói “Đạo mà định nghĩa được thì không phải là Đạo” (Chương 1: Thể Đạo). Đó chính là một sự siêu hình của Đạo gia.
Đạo là nguyên thuỷ của trời đất là nguồn gốc nguyên nhân sinh thành thế giới, Lão tử nói Đạo chính là mẹ của vạn vật (Chương 1). Bản thân Đạo là Vô và là Hữu, là vô hình và là hữu hình. Do đó Đạo trở nên quá huyền diệu, khó nói danh trạng. Đạo trở thành huyền vi sâu thẳm và có sự kết hợp hài hoà của Vô và Hữu (Chương 6: Thành Tượng). Bên cạnh đó, Đạo thể hiện cả sự vô vi. Lão Tử viết: Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. (Thánh nhân dùng vô vi mà xử sự, dùng “vô ngôn” mà dạy dỗ).
Một ý nghĩa cao hơn của Đạo là Thường Đạo. Thường Đạo là sự sinh động vững mạnh, bất biến. Khi con người hiểu Đạo cần phải hiểu Thường để tìm thấy sự rảnh rang, nhàn hạ, tìm được sự tĩnh tâm (Chương 34: Thường Đạo). Thường Đạo biểu hiện ở mọi nơi, ở mọi vật nó thể hiện bản tính tự nhiên của Đạo.
b. Tư tưởng Đức trong Đạo Đức Kinh
Khi Đạo sinh ra vạn vật thì Đức là cái bao bọc nuôi dưỡng tới thành thục vạn vật. Đức và Đạo đều là nền tảng của thế giới, nó như trời và đất. Khác nhau nhưng lại quan hệ mật thiết với nhau. Theo Đạo gia cái gì có Đạo thì ở đó sẽ xuất hiện Đức. Đức chính là nguyên lý hữu hình của Đạo.
Còn theo Đạo Đức Kinh, Đức là thiện, là trung thực, là trung tín, là không tranh chấp. Đạo thuộc về vô vi thì Đức thuộc về hiện tượng. Hiểu một cách khái quát, Đức là vật thuộc về Đạo và không thể phân lìa khỏi Đạo. Đức bao gồm những đặc tính mà chỉ Đạo mới có. Đạo và Đức cùng bao trở và nuôi dưỡng thế giới vạn vật muôn loài. Đạo là gốc, Đức là công cụ; Đạo quyết định Đức, Đức làm sáng tỏ Đạo. Đạo là nhận thức luận và Đức là chính trị quan, lịch sử quan. Chương 21: Hư Tâm chỉ ra: “Dung nghi của bậc Đại Đức, khuôn theo Đạo”. Đạo Đức của Đạo gia chính là một phạm trù vũ trụ quan, nó đã đóng góp vào việc giải thích bản thể của vũ trụ trong Đạo gia.
c. Vô Vi và Hữu Vi: Lão Tử cho rằng bản tính nhân loại có hai khuynh hướng: Vô Vi và Hữu Vi.
Lão Tử có nói: “Đạo thường không làm, nhưng không gì không làm” (Chương 37: Vi Chính). Vô Vi là sống đúng cách, phù hợp với tự nhiên, không làm gì trái với tự nhiên. Vô Vi không phải là “không làm gì cả”, nó là không dùng tư tâm mà xen vào việc của người khác, không dùng lòng tham cá nhân mà xen vào mọi việc. Hành sự hợp lẽ, thuận theo quy luật của tự nhiên. Tư tưởng Vô Vi còn được thể hiện nhiều ở tính nhu của Đạo. Đó là cách lấy cái nhu mềm mà chiến thắng cái cương cứng, và thể hiện cái nhu mềm luôn trường tồn, vững chắc. Lão Tử cho rằng nhu mềm là biểu hiện của sức sống sung mãn, cứng rắn là dấu hiệu của tử vong. Ông có nói: “Cái mềm nhất trong trời đất chi phối được cái cứng nhất trong trời đất. Cái “không có” lọt được vào chỗ “không có kẽ hở”. Vì thế nên ta biết được lợi ích của vạn vật.” (Chương 43: Biến Dụng).
Ngược lại, Hữu Vi nghĩa là “làm những việc bày vẽ, trái với tự nhiên”. Lão tử nhắc đến nhiều những cái hại của Hữu Vi hơn là những đóng góp của Hữu Vi trong hình thành vạn vật. Ông cho rằng nhiều thói quen xấu đều từ Hữu Vi mà ra. Do đó cần dùng Vô Vi để làm giảm bớt cái Hữu Vi quá thịnh. Ông từng nói: "Không học thì không phải lo. Đem cái hữu hạn xét cái vô hạn, há phải chăng là ngốc lắm sao? Càng theo học thì mỗi ngày dục vọng, lòng "Hữu Vi" càng tăng, theo Đạo thì mỗi ngày dục vọng càng giảm, lòng "Vô Vi" càng tăng". Lão Tử cũng nói: “Vì không tranh giành nên thiên hạ không ai tranh giành với mình…” (Chương 22: Ích Khiêm).
III. TƯ TƯỞNG QUẢN LÝ THỂ HIỆN QUA ĐẠO ĐỨC KINH
Trước khi phân tích tư tưởng quản lý thể hiện qua Đạo Đức Kinh, chúng tôi xin đề cập qua một chút về quản lý và tư tưởng quản lý. Những tư tưởng quản lý đã có từ rất lâu, nhưng đến tận thế ký XIX quản lý mới được nghiên cứu và nhìn nhận như một môn khoa học. Hiện nay có rất nhiều trường phái, học thuyết đưa ra những định nghĩa khác nhau về quản lý. Chúng tôi xin được trích dẫn định nghĩa về quản lý như sau: “Quản lý là tác động có ý thức, bằng quyền lực theo quy trình của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý để phối hợp các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức trong điều kiện môi trường biến đổi.” (Theo Bài giảng Khoa học Quản lý Đại Cương – Trần Ngọc Liêu).
Tư tưởng là những hệ thống mục đích và quan điểm giúp điều chỉnh mục tiêu, dự tính và hành động của con người. Như vậy, tư tưởng quản lý chính là những hệ thống mục đích và quan điểm về quản lý giúp điều chỉnh mục tiêu, dự tính và hành động của con người trong hoạt động quản lý. Trong đây, chúng tôi xin được phân tích tư tưởng quản lý thể hiện qua Đạo Đức Kinh trên khía cạnh quy luật quản lý, nghệ thuật quản lý và phương pháp quản lý.
1. Về quy luật quản lý
“Đạo” của Lão Tử là thứ quy luật, phép tắc vận hành của xã hội, và cũng là quy luật, phép tắc vận hành của giới tự nhiên. Quy luật vận hành của xã hội tuân theo quy luật của giới tự nhiên. Tự nhiên ở đây là tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Lão Tử định vị xã hội con người và sự quản lý của nó vào trong vũ trụ, coi con người là một thứ sinh vật trong tự nhiên để đổi xử, yêu cầu con người tuân theo phép tắc tự nhiên để sinh tồn và phát triển. Trong chương 16 (Quy Căn), Lão Tử có chỉ ra: “Trở về cội rễ là tĩnh, tĩnh là phục mệnh, phục mệnh tức là trường cửu. Biết trường cửu mới là sáng suốt, không biết trường cửu sẽ làm càn và gây hung họa. Biết trường cửu sẽ ung dung như công hầu vương tước, sẽ hợp với Trời, với Đạo. Hợp với Đạo rồi sẽ cửu trường…”
Như vậy trong hoạt động quản lý phải tuân theo quy luật phát triển khách quan của xã hội và giới tự nhiên. Người quản lý phải “thuận theo tự nhiên” mới có thể giành được hiệu quả tốt trong quản lý.
2. Về nghệ thuật quản lý
Lão Tử đề xuất biện pháp quản lý nhu hòa. Nghệ thuật quản lý nhu hòa của Lão Tử có những đặc điểm sau:
Đầu tiên, là tĩnh quan đãi biến, cho thấy nhà quản lý cần chú ý quan sát sự vật, hiện tượng, nắm bắt quy luật biến hóa và đề ra những quyết sách chính xác.
Thứ hai, là thủ nhược dụng nhu, cho thấy nhà quản lý không nên tranh cường hiếu thắng, mà nên dùng biện pháp nhu mềm để điều khiển được những thứ cứng rắn, hay nói như trên là dùng cái Vô Vi để điều khiển cái Hữu Vi.
Thứ ba, tri doanh xử hư, nhà quản lý khi đã công thành danh toại càng phải chú ý thái độ của bản thân trong sự đối xử với sự vật hiện tượng xung quanh.
Thứ tư, cư thượng khiêm hạ, khuyên nhà quản lý khiêm nhường đối đãi với thuộc hạ mới có thể yên ổn ở ngôi cao.
Thứ năm, bất tranh chi tranh, nhà quản lý bề ngoài tỏ ra không tranh với người thì trong thiên hạ chẳng có kẻ nào có thể cạnh tranh cùng được.
Thứ sáu, kiến vi tri trứ, nghĩa là nhìn cái ẩn vi mà biết cái sẽ hiển lộ. Điều này có nghĩa nhà quản lý phải có tầm nhìn, dự đoán trước được những việc xảy ra một cách chính xác nhất, từ đó đề ra phương án dự phòng.
Thứ bảy, dục thủ tiên dữ, tạo điều kiện để đối phương nhanh chóng thất bại.
Thứ tám, dĩ khúc cầu toàn, nghĩa là lấy bộ phận để chiếm toàn thể, khuyên nhà quản lý dùng cái ẩn mà lấy được cái hiện, lấy ít có được nhiều, tránh xa tham lam nếu không sẽ dễ bị mê hoặc.
Cuối cùng, tàng nhi bất lộ. Bí mật quản lý không nên dễ dàng tùy tiện nói cho người khác biết. Càng ít người biết càng tốt.
3. Về phương thức quản lý
Phương thức quản lý ở đây nói một cách đơn giản chính là phương pháp và cách thức để thực hiện hoạt động quản lý. Vì vậy, để thực hiện được những phương thức quản lý ta cần đến những công cụ và cách thức. Chúng tôi xin được chỉ ra công cụ quản lý và cách thức quản lý trong Đạo Đức Kinh như sau:
Về công cụ quản lý, như đã phân tích bên trên, Đạo Đức Kinh đưa ra các công cụ “Đạo”, “Đức”, “Vô Vi” để tiến hành hoạt động quản lý.
Về cách thức sử dụng, nhà quản lý tuân theo “Đạo”, đem thái độ “Vô Vi” để xử lý mọi việc, để vạn vật hưng khởi tự nhiên mà không can thiệp, để vạn vật sinh trưởng tự nhiên mà không xem đó là của mình, sự nghiệp thành đạt mà không khoe khoang bản thân. Quản lý như vậy, công trạng mới vĩnh viễn không mai một.
Lão Tử coi trọng “Vô Vi” cốt để phản đối kẻ thống trị không tuân theo quy luật khách quan mà làm ăn sai trái. Như đã nói, “Vô Vi” không phải là không làm gì mà là “không làm trái tự nhiên”. Lão Tử nói rõ: “Muốn đem thiên hạ làm theo ý mình, ta thấy không thể được. Thiên hạ là đồ vật linh thiêng, không thể làm theo ý mình. Hễ làm thì hỏng, hễ giữ thì mất… Cho nên thánh nhân ngăn cản sự xa xỉ, thái quá, tham lam.” (Chương 29: Vô Vi). Lão Tử còn đưa ra quan niệm “làm như không làm”, “làm cái làm như không làm”. Dùng biện pháp Vô Vi để đạt được cái Hữu Vi mới là cốt tủy tư tưởng quản lý của Lão Tử.
Chủ trương của Lão Tử là phương thức quản lý tương đối khoáng đạt, nghe theo tự nhiên mà không can thiệp quá nhiều vào những việc của kẻ dưới. Nhà quản lý lớn chỉ nên đưa ra các đường lối, nếu can thiệp quá nhiều vào công việc điều hành của từng bộ phận thì sẽ hỏng việc. Bên cạnh đó, Lão Tử có đưa ra bốn bậc trị dân: Bậc trị dân giỏi nhất là dân không biết có vua, thấp hơn một bậc là dân yêu quý và khen, thấp hơn bậc nữa là dân sợ, thấp nhất là bị dân khinh lờn. Theo đó, người quản lý giỏi là người khiến nhân viên làm được việc mà không cần có sự chỉ đạo từ trên xuống.
Một nhà quản lý tốt phải vô tư, không có thành kiến, coi ai cũng như ai, không thiên vị. Chương 19: Hoàn Thuần Lão Tử viết rõ: “Phải chú trọng điều này: Giữ vẹn tinh anh, chất phác; ít riêng tây, ít ham muốn.” Lão Tử còn dạy: “Sang lấy hèn làm gốc. Cao lấy thấp làm nền.” Nhà quản lý phải biết phân biệt đâu là điều đúng đắn, cư xử hài hòa, hợp lẽ thì “Dân không phải sai khiến mà tự chia đều cho nhau.” (Chương 32: Thánh Đức).
Lối sống hạn chế ham muốn, không nóng nảy, hiếu thắng, đối với người thì khiêm nhu như vậy thì lòng thanh thản, tâm thần vui và mạnh khiến cho thể chất cũng khỏe mạnh. Ông đưa ra lời khuyên răn: “Thánh nhân ôm giữ cái Đạo để làm mẫu mực cho thiên hạ. Không phô trương, cho nên sáng; không tự cho mình là phải, cho nên hiển dương; không kể công, nên có công; không khoe mình, nên hơn người.” (Chương 22: Ích Khiêm). Lão Tử còn kể ra tác hại của việc hiếu thắng, tranh giành: “Điều người xưa dạy, nay ta cũng dạy: Dùng bạo lực sẽ chết “bất đắc kỳ tử”. Đó là lời của thầy ta.” (Chương 42: Đạo Hóa).
Ưu điểm điểm của việc áp dụng học thuyết này vào hoạt động quản lý là tạo được bầu không khí làm việc dễ chịu, tâm lý thoải mái cho cả người quản lý và đối tượng quản lý. Việc này còn tăng cường tính độc lập cho cấp dưới và sự tin tưởng cho cả đôi bên. Giám đốc nhân sự thương hiệu khách sạn sang trọng số một thế giới Four Season cũng nói: “Mỗi nhân viên chúng tôi đều nỗ lực hết sức làm hài lòng khách hàng mà không đợi sự chỉ đạo của giám sát viên, quản lý. Đó là ý thức tự giác.” Người nhân viên nhận được sự tin tưởng của người quản lý cũng sinh ra tâm lý tự tin và làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, học thuyết trong Đạo Đức Kinh dạy cho cả người quản lý và đối tượng quản lý về thái độ xử sự trong tổ chức. Người quản lý phải công bằng, khách quan, không thiên vị, cư xử khéo léo, hài hòa. Còn người nhân viên phải cư xử đúng với bổn phận của mình, làm đúng công việc, hoàn thành tốt chức trách được giao. Học thuyết này còn làm giảm sự tham quyền cố vị trong tổ chức. Lão Tử viết: “Ai quý thiên hạ hơn thân mình thì có thể giao phó cho họ. Ai yêu thiên hạ hơn thân mình thì có thể giao phó cho họ được.”
Tuy nhiên, nếu đem học thuyết này áp dụng vào quản lý không tránh khỏi những nhược điểm. Do khuyên người ta sống thuận theo tự nhiên, không tranh đấu nên không tạo được môi trường cạnh tranh để tạo động lực cấp dưới phát huy tối đa năng lực của mình. Lão Tử cho rằng trong đời sống xã hội nếu dẹp bỏ trí tuệ thì dân sẽ chất phác, nếu không coi trọng người hiền thì dân sẽ không tranh nhau, nếu không coi trọng của cải quý báu thì dân sẽ không trộm cắp. Nhưng tư tưởng này khiến con người dửng dưng trước thời thế. Bên cạnh đó, tư tưởng Vô Vi có phần lạc hậu so với nền kinh tế thị trường hiện nay. Một tổ chức, một doanh nghiệp không thể tồn tại trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt khi bị hạn chế tính sáng tạo, tầm nhìn, học tập kiến thức.
Qua đó, ta thấy được học thuyết này chỉ có thể áp dụng với những đối tượng quản lý là những người có ý thức tự giác, có kiến thức chuyên môn cao và có đầu óc sáng tạo. Điều này ta bắt gặp trong Thuyết Y, là thuyết quản trị nhân sự của Douglas McGregor đưa ra vào những năm 1960. Theo đó, học thuyết Vô Vi có thể được áp dụng vào những tổ chức có mô hình “quản lý theo mục tiêu” và các tổ chức nghiên cứu.
IV. LIÊN HỆ ĐẾN BỐI CẢNH VIỆT NAM HIỆN NAY
1. Bối cảnh chính trị - xã hội
Áp dụng học thuyết Vô Vi của Lão Tử vào việc quản lý nhà nước thể hiện ở việc xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong trật tự pháp quyền, quyền lợi của người dân là cao nhất. Nhà nước pháp quyền là nhà nước phục vụ cho người dân. Mặc dù vậy tư duy này chưa thực sự thấm vào hoạt động của nhà nước. Một triết lý đề cao tính phục vụ người dân trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà nước là cần thiết, để Quốc Hội ban hành được những đạo luật hợp lòng dân, Chính phủ phục vụ dân, ngành tư pháp là người bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
2. Bối cảnh kinh tế
Ngày nay, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường. Từ đó ta thấy Học thuyết Vô Vi thể hiện quan việc nhà nước quản lý và điều tiết thị trường bằng pháp luật, chính sách, kế hoạch và các đòn bẩy kinh tế nhằm kích thích tính năng động của con người trong hoạt động làm giàu bản thân và xã hội, đồng thời khắc phục tối đa những bất bình đẳng trong kinh tế. Sự khắc phục tối đa bất bình đẳng trong kinh tế nhờ sự điều tiết theo định hướng XHCN sẽ là cơ sở cho sự phát triển cùng chiều giữa đạo đức và kinh tế. Khi đó lợi ích cá nhân không đối lập và tách rời, chúng gắn liền với lợi ích xã hội. Khi đó con người gắn bó hơn với người khác. Tình cảm đạo đức, ý thức công dân, nghĩa vụ đạo đức, lương tâm… do vậy phát triển kinh tế có quan hệ với vấn đề đạo đức và sự hoàn thiện cơ chế thị trường.
V. KẾT LUẬN
Dù vẫn còn những hạn chế song chúng ta không thể không ghi nhận những giá trị to lớn về triết học, về đạo đức mà Đạo Đức Kinh mang lại. Đặc biệt, Đạo Đức Kinh cùng với tư tưởng Vô Vi để lại những bài học quý giá trong hoạt động quản lý, có thể ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu hay thậm chí trong cả việc tổ chức nhà nước.
VI. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://www.bachkhoatrithuc.vn/
2. http://doko.vn-79665-tu-tuong-Dao-gia-trong-cuon-Dao-Duc-Kinh/
3. http://www.hoavouu.com/images/file/_fpY9GAx0QgQAKws/daoduckinh-nguyenhienle
4. http://nhantu.net/TonGiao/DaoDucKinh/DaoDucKinh.htm
5. http://vi.wikipedia.org
6. Trần Ngọc Liêu, Bài giảng Khoa học Quản lý Đại cương, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.
Nội dung liên quan
Hoàng Đoan Thảo