Tư lệnh ngành y tế

  1. Tin Tức


Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Tháng 4/2014, tôi đến đưa tin trong cuộc họp báo Chính phủ vào chiều muộn. Lúc đó, dịch sởi bùng phát ở nhiều tỉnh, thành và đã để lại những hậu quả nặng nề. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt tại cuộc họp báo và trả lời nhiều câu hỏi nóng. 


Khi được hỏi “có nghĩ đến vấn đề từ chức”, bà Tiến nói “lúc này toàn ngành đang phải tập trung giành giật sự sống cho các cháu, nên tôi chưa nghĩ đến vấn đề từ chức”.


Câu trả lời đó dường như được chấp nhận, khi Bộ trưởng Kim Tiến đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2016. Bà là thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ và cũng là Bộ trưởng duy nhất không phải Trung ương uỷ viên. 


Tình cờ, chiều nay tôi ngồi chờ tin Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến để xuất bản. Bà Tiến rời ghế lãnh đạo Bộ Y tế, sau 8 năm Bộ trưởng, 5 năm thứ trưởng. Tổng cộng 13 năm “ghế nóng”. 


Theo chương trình làm việc của Quốc hội, Chính phủ không trình nhân sự Bộ trưởng mới để các đại biểu xem xét phê chuẩn. Như vậy có thể hiểu từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XII (đến giữa năm 2021), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ủy viên ban cán sự Đảng Chính phủ, người cách đây hơn một tháng đã nhận quyết định kiêm chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Y tế, sẽ được giao quyền Bộ trưởng. 

 

Vì nhiều lẽ, trong dư luận cũng như trên diễn đàn Quốc hội, y tế và giáo dục luôn là hai trong số các lĩnh vực nóng nhất. Nóng qua nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng chứ không hẳn với cá nhân nào. Ở các nước khác, chắc rằng lĩnh vực y tế cũng được quan tâm hàng đầu. Bà Hillary trong hồi ký gần đây chia sẻ rằng, bà được Tổng thống Obama ủng hộ khi chạy đua với ông Donald Trump. Bởi nhiều lý do, trong đó điều quan trọng là nhiều di sản chính sách của Obama suốt 8 năm ở Nhà trắng sẽ được duy trì khi người kế nhiệm là Hillary, còn nếu đó là Donald Trump thì “quên đi”. ObamaCare - Chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ là một ví dụ. Nó đã bị đảo ngược khi Nhà trắng có ông chủ mới chứ không phải một bà chủ.


Vào đầu tuần này, tự đánh giá nhiệm kỳ của mình khi trả lời Tuổi trẻ, bà Tiến đúc kết một số việc đã làm được, gồm:

(i) Cải thiện thái độ của cán bộ y tế;

(ii) Cải thiện tình trạng nằm ghép ở bệnh viện;

(iii) Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều bệnh viện, khoa điều trị được đầu tư xây mới, mở ra với điều kiện khang trang, hiện đại, trang thiết bị không kém so với các nước trong khu vực. Nhiều kỹ thuật cao trong ngành y tế đã sánh ngang tầm khu vực, quốc tế, được ứng dụng để phòng chữa bệnh cho người dân.


Bộ trưởng Tiến cũng cho rằng bản thân đã vượt qua rất nhiều khó khăn, áp lực để đổi mới tài chính, giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ với giá trị thật. Nôm na là tăng viện phí và bù lại bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn. 

“Với cơ chế tài chính mới, có những chi phí do bảo hiểm chi trả chứ không phải người dân bỏ tiền túi ra, trong khi bảo hiểm giai đoạn này đã phủ kín toàn dân”, bà nói. 


Một số việc bà Tiến tự nhận chưa làm tốt và cần phải tiếp tục, như:


(i) Đầu tư và đẩy mạnh hơn chất lượng các hoạt động về dịch vụ y tế dự phòng, tức là chăm sóc sức khỏe cho người dân, người nghèo. Thay đổi tư duy mạnh hơn theo hướng "phòng bệnh hơn chữa bệnh";

(ii) Hệ thống y tế cơ sở kể cả tư nhân và công lập đều chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, trong khi đây là vấn đề nền tảng;

(iii) Đổi mới đào tạo nhân lực dù đã bắt đầu nhưng chưa ra sản phẩm hoàn chỉnh.


Mỗi người từ nhận thức của mình sẽ có đánh giá riêng về di sản của lãnh đạo ngành y tế trong 13 năm qua, nhất là 8 năm bà Tiến ở cương vị Bộ trưởng. Trong đó có những việc không đơn thuần chuyên môn, song hành xử ở vai trò chính khách lại trở thành điểm nóng. Đơn cử vụ ba cháu tử vong do tiêm văcxin ở Quảng Trị, bà Tiến đã không đi thăm gia đình ngay từ đầu. 


“Sáng hôm đó tôi muốn đi ngay, thứ nhất là đi thăm và muốn điều tra nguyên nhân ngay. Tuy nhiên, anh em ở địa phương lúc đó nói không đi được, các gia đình còn đang bức xúc, có thể nóng nảy. 


Trong giai đoạn này truyền thông của ngành y tế cũng không tốt, báo chí phỏng vấn không trả lời gây ra ác cảm. Nói thẳng là truyền thông trong hệ thống ngành y tế giai đoạn đó yếu, chưa có kinh nghiệm. 


Còn với bản thân tôi, lúc đó tôi rất đau đớn. Tôi là một người rất yêu trẻ con, đến bệnh viện nào tôi cũng vào khoa nhi, khi đó tôi rất buồn, đau xót. Sau đó, tôi âm thầm đi thăm lại, chia sẻ với các gia đình, đến khi những gia đình đó sinh cháu thứ hai, thứ ba, tôi cũng đã đến thăm. Bản thân tôi lúc đó cũng mới nhận nhiệm vụ, áp lực cũng lớn, anh em trong ngành có chia sẻ nhưng không có cách nào chia sẻ với truyền thông, sau đó là những đợt chấn chỉnh lớn trong tiêm chủng”, bà Tiến kể lại.


Có thể cảm nhận được sự chân thực trong chia sẻ trên. Bà Tiến đã đề cập đến cái yếu của truyền thông Bộ Y tế. Song nếu Bộ trưởng bản lĩnh hơn, có thể bà đã hành xử theo cái tâm của mình mà không một chút băn khoăn. 


Dù mọi việc nói lúc này là nói khi nó đã trôi qua. Nhưng đánh giá di sản của bất cứ bộ trưởng nào đều cần thiết, có thể trên báo chí hoặc các diễn đàn phù hợp khác.


Tết năm nay sẽ không còn chương trình Táo quân. Mọi người sẽ không có dịp gặp lại Táo y tế. Không có gì tủi thân hơn với những người hành nghề y trong đêm giao thừa. Khi họ vất vả trực trong bệnh viện thì dưới mái ấm gia đình, người người cười vang với cảnh nhét đồng xu vào miệng Táo y tế.


Thật buồn, nhưng biết trách ai được.


Từ khóa: 

thành võ

,

tin tức