Từ "Em là bà nội của anh" đến "Tháng năm rực rỡ", kịch bản chuyển thể là công thức thành công cho phim Việt?

  1. Phim ảnh

Trào lưu remake phim ngoại dường như được đẩy lên đáng kể từ khi "Em là bà nội của anh" (Miss Granny - cũng của Hàn) ra rạp và được công chúng đón nhận nồng nhiệt do chất lượng đồng đều về kết cấu kịch bản, diễn xuất và phần đầu tư về âm nhạc.

Sau đó, nhiều phim khác cũng được remake lại: Sắc Đẹp Ngàn Cân (200 Pounds Beauty); Yêu Đi, Đừng Sợ (Spellbound)... nhưng đều gây thất vọng. Chỉ đến khi "Tháng năm rực rỡ" (TNRR) - phim điện ảnh được chuyển thể từ Sunny của Hàn Quốc ra rạp năm 2011 công chiếu và được khán giả yêu mến, người ta mới dậy lên câu hỏi: "Remake có phải là công thức thành công cho phim Việt hiện nay?"

Mình share một số ý kiến cá nhân. Ai thích phim có ý nào hay mời góp ý thử.

Nói có cũng... không đúng, vì rõ ràng, không phải phim nào remake lại cũng thành công. Như Sắc Đẹp Ngàn Cân (200 Pounds Beauty), dù giống bản gốc đến từng scene, ngay cả âm nhạc cũng làm lại... na ná, người ta vẫn không khen nổi. Nghĩa là dù có kịch bản tốt, nhưng phần chuyển thể không tốt, không dung hòa được yếu tố văn hóa, ngôn ngữ và âm nhạc, thì vẫn sẽ không thành công được ở thị trường Việt. Người ta khen "Em là bà nội của anh" vì nó dùng nhạc Trịnh, vì những hồi ức chiến tranh có thể được hiểu và đồng cảm ở Việt Nam. Người ta khen TNRR vì cảnh Đà Lạt nên thơ, vì những bản nhạc không thể Việt hơn, vì yếu tố lịch sử được chuyển đổi hợp lý và hài hòa... Trong khi đó, Sắc Đẹp Ngàn Cân dù kịch bản tốt, nhưng không thể phủ nhận chủ đề phẫu thuật thẩm mỹ còn khá lạ với người Việt, thêm bối cảnh ngành công nghiệp showbiz xem thì đã mắt, nhưng chỉ dừng ở đó... nên khán giả không tìm thấy điểm đồng cảm, cũng là dễ hiểu.

Nhưng nói remake không phải công thức thành công cho phim Việt cũng không đúng. Rõ ràng việc remake từ một bộ phim đã gây được tiếng tăm đem lại lợi thế lớn về kịch bản. TNRR không thể thành công đến thế nếu không có một câu chuyện về thanh xuân rực rỡ, bao hàm nhiều mảnh đa dạng. Hiếm có kịch bản nào có thể vừa phân đất diễn cho quá đông nhân vật như TNRR, mà vẫn giữ được kết cấu mạch lạc, đồng nhất từ đầu đến cuối như vậy.

Nên mình nghĩ, phải chăng công thức remake thành công ở Việt Nam là: Kịch bản phù hợp + adapt văn hóa có tâm + âm nhạc?!?

Từ khóa: 

phim ảnh

điện ảnh đối với mình mà nói . 1 điện ảnh là từ cuộc sống. 2 chỉ có điện ảnh mang trend cho mọi người, ko có chuyện từ trend thành phim

Trả lời

điện ảnh đối với mình mà nói . 1 điện ảnh là từ cuộc sống. 2 chỉ có điện ảnh mang trend cho mọi người, ko có chuyện từ trend thành phim

Có nhiều cách để định nghĩa cho sự thành công của một bộ phim, tuy nhiên trong bối cảnh của câu hỏi này thì có lẽ đang bàn tới khía cạnh thương mại hóa thành công, nhiều người xem được & cảm thấy hay, chứ không phải kiểu phim nghệ thuật kén người coi, nên mình mạn phép bình luận trong ngữ cảnh này nha.

Có thể tóm gọn 2 yếu tố lớn cho bộ phim thành công là:

  1. Là một phim hay: Có nhiều yếu tố để tạo nên phim hay, từ thoại, diễn viên, đạo diễn, âm nhạc, ... Nhưng yếu tố đầu tiên phải là kịch bản. Phim hay phải được kể từ câu chuyện hay, lôi cuốn người xem hào hứng theo dõi. Những yếu tố như diễn viên, góc quay, âm thanh,... là yếu tố để góp phần kể nên câu chuyện bằng hình ảnh sống động cho khán giả xem (đó cũng là điều tạo nên sự khác biệt giữa phim và tiểu thuyết).

Vậy thì phim remake có 1 lợi thế đầu tiên đó là kịch bản hay, đã được kiểm chứng ở một hoặc vài thị trường khác. Phim hay người ta mới remake, chứ ai chọn phim dở remake bao giờ? Và thách thức cũng là đây, bà con cô bác đã từng xem phim đó, biết tình tiết diễn biến câu chuyện cả rồi, giờ làm sao khiến người ta đi coi?

Có một sự thật đẹp đẽ là, người Việt vẫn thích xem phim Việt. Ai cũng muốn xem phim hay, đó là điều tất nhiên, nhưng nếu đó là phim Việt hay, thì bà con cô bác ủng hộ hà rầm, còn truyền thông miễn phí giùm nhà sản xuất nữa. Phim Tây, Tàu chả có được sự tự hào hay ủng hộ như zậy sau khi xem đâu. Còn phim dở hay không hợp thị hiếu dân chúng thì dù Tây hay Tàu cũng bị ngó lơ như thường, chứ nói chi phim Việt, vốn bị gắn mác (do đa số) là hổng hay, do kịch bản, do diễn xuất, do phim hổng đẹp, bla bla..

Phim remake vốn là phim của nước khác, làm cách nào để Việt hóa hoàn toàn thành một bộ phim thuần Việt cho người Việt xem chính là thách thức của nhà làm phim. Em Là Bà Nội Của Anh và Tháng Năm Rực Rỡ đã làm tốt yếu tố này. Bằng hình thức nào thì ai xem phim cũng đã thấy, từ trang phục, bối cảnh đều tái hiện được những nét rất Việt Nam. Lời thoại, diễn xuất của diễn viên và âm nhạc cũng tuyệt hay, người ta không thấy phô hay gượng mà còn rất đáng yêu, có nét duyên VN trong đó. Phim hay thế, tất nhiên phải coi ủng hộ nước nhà rồi!

2. Phim được quảng bá tốt: Sản phẩm tốt nhưng muốn nhiều người dùng hơn thì phải làm sao cho nhiều người biết tới. Đây là sự thật hiển nhiên về marketing ai cũng biết. Sản phẩm này lại hơi khác các loại sản phẩm khác là không bán quanh năm, phim chỉ chiếu một thời điểm nhất định thui, cho nên phim hay thì vẫn phải dành sức quảng bá để bà con cô bác sắp xếp thời gian đi thưởng thức. Không những vậy, các yếu tố như đối tượng khán giả mục tiêu là ai, số lượng đông đảo không, thời điểm ra mắt nên là lúc nào,... là những yếu tố phải cân nhắc kĩ nếu muốn (ai mà chả muốn) doanh thu khủng.

Mấy phim remake đều có các yếu tố này, nếu mọi người để ý và phân tích sẽ thấy. Sắp tới chắc sẽ có nhiều phim remake, hiện mình đang thấy quảng bá phim Ông Ngoại Tuổi 30 nè, cùng chờ coi phiên bản remake này sẽ thế nào nhé. Cá nhân mình rất ủng hộ phim Việt hay, với kịch bản hoàn toàn của Việt Nam, viết cho người Việt, chứ coi remake hoài cũng hụt hẫng á, lại bùi ngùi không biết bao giờ mới có thêm nhiều phim Việt hay?

Vài chi tiết khác về bộ phim - cũng do anh Bình Bồng Bột chia sẻ:

---

Vết thù trên lưng ngựa hoang

Lần đầu tiên nghe bản “Vết thù trên lưng ngựa hoang” qua giọng của Elvis Phương, mình bị chinh phục hoàn toàn. Giọng ca và tiếng huýt sáo của anh Phương quá hay rồi, lại thêm cách hòa âm mới lạ, làm liên tưởng đến những gã cao bồi viễn tây, vạn lý độc hành trên yên ngựa.

Sau một thời gian nghe đi nghe lại, mình nhận ra: “Vết thù trên lưng ngựa hoang” không phải là bài ca trên lưng ngựa, mà là bài ca về chính những con ngựa hoang, sinh ra tự do và chết cũng tự do.

Phạm Duy là nhạc sĩ vĩ đại nhất thì nền tân nhạc Việt Nam. Gia tài sáng tác của ông quá đồ sộ, ông viết nhạc dễ như lấy đồ trong túi, cần gì phải kết hợp với ai để cho ra tác phẩm. Nhưng cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, ông đã kết hợp với một nhạc sĩ bạn ăn ý để cùng cho ra những ca khúc để đời. Đấy là Ngọc Chánh với tam tuyệt: “Bao giờ biết tương tư”, “Tuổi biết buồn” và đặc biệt hơn cả, là “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Trong tam tuyệt này, Ngọc Chánh viết nhạc, Phạm Duy là người bổ túc phần lời.

Trở lại với “Vết thù trên lưng ngựa hoang”. Đây là bài hát chính trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, chuyển thề từ tiểu thuyết “Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang” của Duyên Anh. Duyên Anh vốn là nhà văn chuyên viết về giới giang hồ Sài Gòn trong một giai đoạn lịch sử thật đặc biệt: từ sau Mậu Thân 1968 cho đến 1975. Những nhân vật trong văn Duyên Anh đều dựa trên nguyên mẫu ngoài đời của của một tay giang hồ lão luyện nào đó. Những tay giang hồ này đều mê văn nghệ, cô độc, có nghĩa khí và đặc biệt là bất mãn với thời thế.

Nhân vật chính trong “Vết thù trên lưng ngựa hoang” là Hoàng, chơi guitar cực giỏi nên có biệt danh là Hoàng guitar, em nuôi của một trong những ông trùm lớn nhất băng đảng Sài Gòn lúc ấy là Đại Cathay. Sau một thời gian lăn lộn giang hồ, anh muốn hoàn lương về mở lớp dạy đàn. Nhưng cuộc sống vẫn đẩy đưa anh trở lại với những cuộc thanh trừng hôi tanh mưa máu. Hoàng quyết định làm một phi vụ cuối cùng trước khi rửa tay gác kiếm. Nhưng kế hoạch bại lộ, anh ăn trọn một băng đạn M-16 từ phía sau. Con ngựa hoang “muốn về tắm sông, nhẫn nhục”, nhưng rốt cục không thoát khỏi cảnh “đời làm ngựa hoang chết gục”. Người đóng vai Hoàng Guitar là Trần Quang và vai nữ chính thuộc về Thanh Nga.

Trước khi mang tên Tháng Năm Rực Rỡ, tựa bộ phim của Nguyễn Quang Dũng trên giấy là Ngựa Hoang!

Tức là nửa thế kỷ sau khi xuất hiện trong bộ phim bất hủ của Lê Hoàng Hoa, “Vết thù trên lưng ngựa hoang” xuất hiện trở lại trong một phiên bản “giang hồ học đường” của Nguyễn Quang Dũng. Giọng ca của Phạm Anh Khoa – cũng là một con ngựa hoang trong đời – đơn giản là quá hợp. Và âm nhạc, trở thành một nhân vật quan trọng, giúp đẩy cảm xúc của phim một cách vô cùng nhịp nhàng và ăn ý.

Không chỉ “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, chúng ta còn gặp lại những bài hát bất hủ của Sài Gòn trong giai đoạn lịch sử đầy những biến động kể từ sau Mậu Thân 1968 cho đến 1975. Đó là Kim Ơi của Y Vũ, là Yêu của Văn Phụng, serie Phượng Hoàng của Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên, Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư, Cô Bắc Kỳ Nho nhỏ của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên hay Ru ta ngậm ngùi của Trịnh Công Sơn.

Nhờ cách lồng nhạc vào phim tài tình, Tháng Năm Rực Rỡ dù có những chỗ rớt về mặt kỹ thuật nhưng được bù đắp bởi một thứ cảm xúc tuyệt vời. Đoạn Hiểu Phương chia tay trai đẹp, ôm dù đi về nhà mình không chỉ tribute tuyệt vời cho Singing in the rain mà còn là một những đoạn đẹp nhất trong điện ảnh Việt nhiều năm trở lại đây. Cú one shot ấy không có gì cách mạng, nhưng việc thu live giọng hát của Hoàng Yến Chibi cho thấy Quang Dũng đã chọn cảm xúc thay cho kỹ thuật trong lần chuyển thể này.

Và nhờ cảm xúc, bộ phim lướt đi trong sự thích thú của khán giả. Dân Đà Lạt ngồi xem kín cái rạp Cinestar, chốc chốc lại trầm trồ vì một câu thoại hay, một bài nhạc rung động, một cảnh quay cảm động, đâu có ngồi phân tích “Ngày xưa Đà Lạt không thế này” hay “Sài Gòn chả như thế kia”. Dàn cast Ngựa Hoang hồi trẻ quá xuất sắc, có thể nói là một Dream Team. Hoàng Yến Chibi xinh vừa đủ, nhưng steal the show từ đầu đến cuối. Nhìn dàn cast trẻ trung diễn còn lấn át cả các đàn chị, thấy thật vui khi nghĩ về tương lai của điện ảnh Việt Nam.

Cũng là bối cảnh miền nam Việt Nam, cũng là những năm tháng cuối cùng trước biến cố 1975, năm mươi năm trước có con ngựa hoang Hoàng guitar muốn về tắm sông nhẫn nhục. Năm mươi năm sau có bầy ngựa hoang đi tìm nhau, cũng là tìm về một thuở thanh xuân rực rỡ. Bài hát năm nào của Phạm Duy - Ngọc Chánh là quá đủ để những người của tuổi trung niên nhớ lại tuổi trẻ của mình, rồi hòa vào hành trình tìm lại thanh xuân của nhóm ngựa hoang, đã rong ruổi cùng nhau suốt một thời tuổi trẻ.

Tháng năm rực rỡ, vì thế, đẹp một màu hoài niệm.

---

* Kịch bản chuyển thể có phải là công thức thành công cho phim Việt?

=> Không.

Vì công thức gồm nhiều món. Còn kịch bản chuyển thể chỉ là nguyên liệu (quan trọng) thôi.

* Công thức thành công của phim remake có phải là kịch bản phù hợp + adapt văn hóa có tâm + âm nhạc?

Rõ ràng, mà cộng thêm PR và diễn viên hợp vai nữa ạ.

Trừ bớt kỳ vọng. Vì Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Bạn gái tôi là sếp (phim này cũng remake hay mà ko ai nhắc tới zạ?) mới đầu đâu được đánh giá cao.

Sau đó facebook và báo khen, với nó ổn thiệt thì mới nổi mà.

Sau đợt này, có lẽ mọi người sẽ kỳ vọng và thất vọng nhiều hơn rồi lại kỳ vọng - như 1 quy luật.

Cơ bản thì chuyển thể từ sách, làm lại, làm phần sau, làm phần trước, làm ngoại truyện, chuyển thể từ truyền hình truyện tranh... đã có lâu lâu rồi.

Bây giờ mình được tiếp xúc với quá nhiều tác phẩm thì đào đâu ra nhiều ý tưởng gốc hay tới phát khóc?

Nên cũng từ bấy nhiêu bột mà người làm bánh người làm bún thôi ạ.

Với lại, thay vì ăn cắp hay vô tình giống rồi bị chúng chửi, thì tận dụng "trào lưu" remake để mua kịch bản nước ngoài cũng là 1 lựa chọn.

Thấy mấy bạn-nữ trong lứa 25-45 tuổi hào hứng với phim đó lắm, rõ ràng phim này có nhiều "định vị" hay và cụ thể hơn: thời học sinh, thời nữ sinh (mấy chị em hay tiếc thời này lắm), mấy rung động đầu đời lại còn lồng cả bối cảnh một thời bình yên hiếm hoi trước 75 và cái hoang mang của người trẻ trước biến cố giao thời nữa. Văn hoá phẩm (phim và sách) chỉ cần có khoảng 2-3 điểm "đắt" là xứng đáng khiến người tiêu dùng bỏ tiền ra rồi.

Cũng có thử so sánh với phim "Em là bà nội của anh" (ELBNCA) thì thấy ELBNCA hay nhưng bối cảnh và cách đặt vấn đề chưa "đắt" lắm, có vẻ hơi giống phim... truyền hình nội trợ (mẹ chồng nàng dâu, khoảng cách các thế hệ). Nhưng bù lại ELBNCA là phim gia đình, nhiều thế hệ đi xem được còn TNRR thì chắc một nhóm bạn cũ rủ nhau đi xem là hợp nhất.

Nhưng không lẽ chuyển thể mãi, đến khi nào thì Việt Nam mình nên làm kịch bản riêng nhỉ? Hồi đó có phim Lửa Phật cũng tự làm hết, mà Việt Nam làm phim fantasy có vẻ hơi quá sức nhỉ?

Câu chốt khá chuẩn và chính xác rồi, mình có thêm vài ý bổ sung là chỉ nên remake các phim của Nhật, Hàn, Thái (hay cùng lắm là Đài Loan, Hồng Kong) thôi, chứ đừng đi xa quá sang Ấn Độ hay Mỹ.

Còn muốn thành công về doanh thu thì ở Việt Nam bạn nhất định phải chơi thân với vài trang lá cải như Kênh 14, Saostar,... nữa. Hoặc có một ekip chuyên nghiệp về tạo drama như case của Ngô Thanh Vân :D

Sau cùng mới là dán / treo post ở dọc các cây cột điện trên đường Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Sư Vạn Hạnh,... :)))

nội dung khá hay, nhưng mình dislike phim xuyên tạc lịch sử Miền Nam Việt Nam

Cập nhật từ Facebook của anh Bình Bồng Bột (nhà báo):

---

Tựa phim ban đầu là Ngựa hoang.

Sau đó sửa thành Những tháng năm rực rỡ.

Cuối cùng khi ra rạp thành Tháng Năm rực rỡ.

Phong thủy đến từ những chuyện nhỏ nhặt thế thôi.

Tháng Ba phim công chiếu. Tháng Tư đạt 100 tỷ doanh thu.

Tháng Năm phá kỷ lục doanh thu, hỏi chứ có rực rỡ không?

Tháng Năm rực rỡ là thế đó. Phong thủy hết!

---

Cá nhân mình nghĩ, điện ảnh VN nói chung về kỹ thuật, bối cảnh, diễn viên, khả năng tiếp cận công nghệ... đã có một bước tiến lớn, ko còn khoảng cách quá xa với điện ảnh trong khu vực (chưa nói tới thế giới). Tuy nhiên vấn đề lớn nhất ở VN vẫn là biên kịch, các sản phẩm điện ảnh Việt bây giờ Đẹp thì nhan nhản (bối cảnh đẹp, diễn viên đẹp, góc quay đẹp, ánh sáng đẹp, màu phim đẹp...) nhưng kịch bản có chiều sâu, có sự thắt mở hợp lý, uyển chuyển thì hiếm vô cùng. Vì thế, Remake chính là một công thức an toàn cho các Nhà sản xuất phim Việt, ít nhất họ control được chi phí và hiệu quả ở mức độ nào đó khi họ bắt đầu triển khai một dự án.

Còn những ý sau về chuyện ko phải phim Remake nào cũng thành công thì mình nghĩ bạn đã phân tích cũng tương đối sâu rồi. Yếu tố con người (đạo diễn, nhà sản xuất) đóng vai trò rất lớn ở sự khác biệt này.

Có một điểm thú vị có thể cùng trao đổi, đó là chuyện hiện nay các Nhà sản xuất phim càng lúc họ càng ý thức tốt về vấn đề quảng bá phim & đang dần dần hình thành một thị trường phim ảnh chuyên nghiệp hơn từ khâu sản xuất, vận hành đến quảng bá, ra rạp. Nó ko đơn giản chỉ là một sự kiện Premiere với vài ba bài PR đơn giản như vài ba năm trc. Hai năm gần đây, các Nhà sản xuất đã có sự đầu tư rõ ràng, bài bản cho các chiến dịch quảng bá phim. Một phần cũng vì thị trường người xem càng lúc càng lớn, tần suất và chi trả lớn hơn nên việc mkt đâu đó cũng có nhiều đất làm hơn. Cũng có thêm một xu hướng là các Nhà sản xuất Phim bắt tay với các công ty, agency MKT, sáng tạo để làm phim - phát hành phim (gần đây có vụ bắt tay của Thiên Phúc với các thành viên nhà Isobar làm cái Siêu Sao Ngố :))