Từ Điển Thuật Ngữ Dành Cho Một Content Creator
Content marketing vẫn còn là một nhánh rất mới mẻ, vì vậy sẽ có rất nhiều thuật ngữ chưa có định nghĩa chính thức ngay cả trong tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Tuy nhiên, dưới môi trường làm việc cụ thể, chúng ta hoàn toàn có thể định nghĩa được một số thuật ngữ theo cách hiểu đơn giản và dễ hình dung nhất. Vậy thì khi nhắc tới lĩnh vực này, chúng ta có thể sẽ gặp phải những thuật ngữ nào? Ý nghĩa của chúng là gì? Từ điển dưới đây sẽ tổng hợp những thuật ngữ mà một content creator thường gặp nhất và lý giải chúng theo cách dễ hiểu nhất dành cho bạn.
Agency - công ty cung cấp dịch vụ marketing, truyền thông
Agency là một đơn vị buôn chất xám, bán ý tưởng. Từ những yêu cầu và thông tin được cung cấp từ phía client (khách hàng), agency phải đưa ra được những giải pháp marketing - truyền thông phù hợp và chịu trách nhiệm thực thi các giải pháp đó.
Agency là một điểm đến thú vị nếu bạn muốn ngụp lặn thật sâu trong lĩnh vực này!
Client - khách hàng của agency
Hiểu một cách đơn giản, client chính là đơn vị trả tiền để mua dịch vụ chất xám của agency. Client có nhiệm vụ đưa ra yêu cầu và cung cấp các thông tin phù hợp để nhận được dịch vụ chất xám tốt nhất từ agency.
In-house - làm việc chính thức trong một công ty
Là nhân sự phụ trách hoạt động chuyên môn (ở đây là content) trong doanh nghiệp, công ty, tổ chức. Trong trường hợp này, người đưa ra yêu cầu và thông tin sẽ là cấp trên trực tiếp.
Account team
Là nhóm nhân sự “cầu nối” giữa agency và client. Account có nhiệm vụ truyền đạt ý tưởng và thuyết phục client, đồng thời đảm bảo tiến độ công việc trong nội bộ agency để có được thành quả tốt nhất. Tuyệt đối đừng nhầm lẫn giữa account và sale.
Creative team
Creative team chính là những người trực tiếp đưa ra các sản phẩm sáng tạo của agency. Một creative team thường sẽ có copywriter, designer... Một số agency có quy mô lớn hơn hoặc cung cấp các dịch vụ chuyên sâu hơn sẽ có cả creative director, art director, content producer...
Media service
Media service là bộ phận chịu trách nhiệm lựa chọn và đặt chỗ quảng cáo trên các kênh truyền thông, theo dõi để đảm bảo nội dung và tần suất xuất hiện đúng như kế hoạch. Nhân sự nhóm này có thể được gọi bằng những cái tên cụ thể hơn như media buyer, social media executive, facebook ad executive...
Với các creative agency chỉ tập trung vào mảng sáng tạo, bộ phận media có thể là bộ phận thuê ngoài.
Video production house
Video production house thường nằm ngoài quy mô của một agency, được agency trả tiền để sản xuất video theo ý tưởng của agency. Agency nào cũng mong muốn tìm được một video production house làm được việc và phối hợp ăn ý.
Tùy vào cơ cấu tổ chức và độ chuyên sâu của các dịch vụ mà agency cung cấp bạn còn có thể bắt gặp những cái tên khác như planner, researcher, developer... Ngoài ra còn có những nhân vật cơ bản như hành chính nhân sự, kế toán hoặc thậm chí là music composer, freelancer...
Audience - công chúng
Audience là nhóm người sẽ xem content của bạn. Họ chỉ xem, chưa chắc đã mua, vì vậy đừng nhầm lẫn giữa công chúng (audience), khách hàng (customer) hay người tiêu dùng (consumer). Ngoài ra, còn có thuật ngữ công chúng mục tiêu (target audience), thuật ngữ này thường hẹp hơn audience, vì đó là một nhóm người cụ thể bạn muốn thu hút, có độ tuổi, giới tính, hành vi, insight xác định.
Brand - thương hiệu
Brand là một cái tên đã ghi dấu trong lòng công chúng với những đặc điểm và cảm xúc nhất định. Brand có thể trùng với tên doanh nghiệp (P&G, Unilever), tên sản phẩm (Lavie, Dasani), tên dòng sản phẩm (Tea Tree Oil - The Body Shop) hoặc không trùng với bất kỳ điều gì ở trên nhưng vẫn có sự liên tưởng.
Brief - bản yêu cầu sáng tạo
Brief là tài liệu cung cấp cho creative team, bao gồm những thông tin cô đọng nhất về sản phẩm và thương hiệu cũng như yêu cầu cụ thể của client. Brief là công cụ giao tiếp của agency và client. Brief giúp agency hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của client và giúp client nghiệm thu thành quả sáng tạo của agency.
Campaign - chiến dịch marketing - truyền thông
Campaign là một chiến dịch marketing, truyền thông kéo dài trong một thời gian nhất định nhằm phục vụ một mục đích cụ thể. Trong một campaign, bạn sẽ cần tìm kiếm hoặc xây dựng những phần sau:
Insight
Là những suy nghĩ, mong muốn, động cơ ẩn sâu bên trong mỗi người, có thể khiến cho họ bị thu hút và phát sinh nhu cầu mua một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Insight được xây dựng bằng cách trả lời câu hỏi tại sao, lý giải hành vi cụ thể của công chúng mục tiêu.
Concept - ý tưởng chủ đạo
Là ý tưởng nền cho một campaign, được gói gọn trong một vài câu. Từ concept, creative team có thể phát triển ra nhiều hướng thể hiện khác nhau. Concept bao gồm bối cảnh câu chuyện, nhân vật...
Idea - ý tưởng thể hiện
Là những ý tưởng thể hiện cụ thể của concept. Idea phải đưa ra được cách truyền tải cụ thể bằng lời và chữ.
Key message - thông điệp chủ đạo
Là thông điệp xuyên suốt trong một chiến dịch. Mọi thể hiện trong chiến dịch đều phải xoay quanh thông điệp này.
Key visual - hình ảnh xuyên suốt
Là hình ảnh xuất hiện xuyên suốt một campaign, giúp thể hiện key message và tạo điểm nhấn thị giác đặc trưng cho campaign đó.
Copy - lời
Là phần chữ trong một content, quảng cáo. Phần copy trong content, quảng cáo cần thể hiện được key message và ý chí của key visual.
Slogan - khẩu hiệu
Là một câu hô hào của một campaign quảng cáo. Tuổi đời của slogan cũng chính là tuổi đời của campaign đó.
Headline - tiêu đề
Là dòng chữ “to” nhất trong một bài viết, có thông tin mang tính đại diện cho toàn bài hoặc là dòng chữ đầu tiên mà người dùng sẽ nhìn thấy.
Budget - ngân sách
Là khoản tiền tối đa mà bạn có thể chi tiêu cho hoạt động marketing, truyền thông.
KPI - key performance indicator
Là chỉ số dùng để đo lường, đánh giá hiệu quả công việc của bạn. KPI cũng như một lời hứa của agency với client: đã hứa thì phải tìm cách làm bằng được.
Proposal - bản đề xuất
Là bản tổng hợp thể hiện ý tưởng. Proposal sẽ được đưa cho client, sếp phê duyệt trước khi lập kế hoạch cụ thể.
Plan - kế hoạch
Một bảng biểu cụ thể bao gồm concept, ideas, các hoạt động, phân bổ kế hoạch theo thời gian, ngân sách cho dự án hoặc chiến dịch truyền thông sắp tới.
Brainstorm - bão não
Là hoạt động sáng tạo theo nhóm mà team creative cùng làm để ra được concept và idea.
Pitching - đấu thầu hợp đồng
Nếu một doanh nghiệp muốn tìm ra ý tưởng tốt nhất từ agency, họ sẽ mở một buổi pitching. Trong buổi pitching này, các agency sẽ thuyết phục doanh nghiệp chọn ý tưởng và dịch vụ. Doanh nghiệp in-house cũng sẽ có hoạt động pitching để lấy ý tưởng từ team nội bộ, mức độ cạnh tranh có thể thấp hơn buổi pitching có agency tham gia.
Approve - duyệt
Là khi client hay cấp trên hoàn toàn nhất trí với phương án mà bạn đưa ra. Giờ thì bạn không cần phải sửa nữa, chỉ việc bắt tay vào làm thôi!
Booking - đặt bài
Là việc trả tiền để các phương tiện truyền thông đăng tải content của bạn.
Đặt bài PR trên báo là một hoạt động booking hoặc thuê Lê Bích sản xuất & đăng content quảng cáo cũng là hoạt động booking.
Seeding - gieo mầm
Là hoạt động “tự biên tự diễn” các cuộc đối thoại trên mạng xã hội (comment seeding) hoặc trên diễn đàn (forum seeding) nhằm làm tăng niềm tin của người đọc.
Outsource - thuê ngoài
Outsource là hoạt động thuê nhân sự ở ngoài doanh nghiệp để thực hiện một công việc ngắn hạn. Thông thường, hoạt động outsource sẽ diễn ra khi doanh nghiệp không có người thực hiện hoặc nguồn lực nội tại không thể thực hiện công việc đó.
KOL - key opinion leader
Người có tầm ảnh hưởng đến suy nghĩ của khách hàng hoặc công chúng mục tiêu. KOL, trước đây được gọi là Influencer - người tạo ra ảnh hưởng, có thể là ca sĩ, diễn viên, một sinh viên có thành tích nổi bật, một beauty blogger hay đơn giản là một hot girl có 100.000 follower trên Instagram.
Publisher - nhà xuất bản
Publisher là người sở hữu các trang web và cho phép đặt quảng cáo trên trang web của họ. Ví dụ, dantri là một publisher, cho phép các bên thuê đặt quảng cáo trên các vị trí khác nhau. Tùy thuộc vào lượng truy cập website, vị trí banner, thời gian đặt banner... publisher sẽ đưa ra mức giá tương ứng.
Traffic - lượt truy cập
Là chỉ số cho biết số lượt truy cập vào một website. Lưu ý: số lượt truy cập cao hơn số người truy cập vì một người có thể truy cập nhiều lần.
Viral - lan truyền
Một sản phẩm truyền thông chỉ khi đã lan truyền thành công thì mới được coi là viral. Bạn lên kế hoạch xây dựng sản phẩm truyền thông và kỳ vọng vào mức độ viral của sản phẩm đó. Tuy nhiên, nếu chọn sai thời điểm (có một sự kiện truyền thông cực nổi bật trùng thời điểm và trùng công chúng mục tiêu) nên sản phẩm đó không lan truyền như kỳ vọng. Như vậy, sản phẩm đó không được coi là viral.
content
,content marketing
,content creator
,marketing
,truyền thông đa phương tiện
Mấy từ này giờ giới trẻ dùng rất nhiều, ai cũng nên biết ^^
Hà Minh Khuê
Mấy từ này giờ giới trẻ dùng rất nhiều, ai cũng nên biết ^^
Nguyễn Ngọc Bảo Long
Mấy bữa này lên mạng thấy nhiều ta dùng mấy từ này nhiều mà ko hiểu hết, thanks 👍👍
Nguyenphuhoang Nam
Rất thú vị và bổ ích, anh tin những chia sẻ căn bản này sẽ hỗ trợ nhiều cho những bạn đang có dự định trở thành content creator trong tương lai :)