Từ 1945 đến nay, Việt Nam có những ứng xử như thế nào với văn hóa Đức?
kiến thức chung
1. Giai đoạn 1975 - 1990:
• Bối cảnh lịch sử:
Việt Nam: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi đến hồi kết với chiến thắng hào hùng của cả dân tộc Việt Nam. Bắc - Nam thống nhất một nhà, đất nước giành được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam bước đầu thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất và tìm kiếm con đường Đổi mới đất nước phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Trên thực tế, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và khủng hoảng trong giai đoạn này, bởi công cuộc đổi mới vẫn chưa tìm ra được con đường đúng đắn nhất.
Đức: Giai đoạn những năm 1970, nước Đức vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc Chiến tranh Lạnh, Bức tường Berlin vẫn còn đó, người dân Đức vẫn phải chịu cảnh đất nước bị chia rẽ. Bằng những nỗ lực của các bên, chính sách tiếp cận giữa Đông Đức và Tây Đức được thực hiện, rào cản giữa Đông Đức và Tây Đức dần được xóa bỏ. Tháng 11/1989, Bức tường Berlin chính thức sụp đổ. Ngày 3/10/1990 được coi là ngày tái thống nhất CHLB Đức. Đức tiếp tục bù đắp những tổn thất do cuộc chiến tranh Lạnh gây ra và tái xây dựng đất nước về nhiều mặt. Ngày 23/9/1975, Đức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
• Nhận xét:
Giai đoạn 1975 - 1990, Việt Nam và Đức đều đang trong quá trình thống nhất đất nước, tìm kiếm con đường xây dựng và phát triển đất nước phù hợp với xu hướng của thời đại cũng như hồi phục tiềm lực đất nước sau chiến tranh. Lúc này, giao lưu văn hóa chưa phải là điều được ưu tiên nhất. Khoảng cách địa lý cũng như những khó khăn sau thống nhất đất nước trở thành rào cản giao lưu văn hóa giữa hai nước. Biểu hiện giao lưu văn hóa vì vậy không có nhiều điểm đáng lưu ý.
2. Giai đoạn 1990 đến nay:
• Bối cảnh lịch sử:
Việt Nam: Việc Đảng và Chính phủ tìm ra con đường Đổi mới đúng đắn từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI (1986) đã đem lại những dấu hiệu tích cực cho cục diện đất nước trên toàn mặt. Việt Nam hướng tới chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi Mới về kinh tế được thực hiện song song với Đổi Mới trên các mặt khác như hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục... Đất nước Việt Nam ngày càng đi lên và phát triển hơn nữa, thiết lập mối quan hệ ngoại giao với bạn bè quốc tế. Đối với thị trường Châu Âu, Đức hiện là đối tác lớn nhất và quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Đức: Sau thống nhất, Đức rất nhanh vực dậy nền kinh tế - chính trị, văn hóa... Hiện nay, Đức là nền kinh tế lớn và mạnh nhất châu Âu. Trên quy mô thế giới, về GDP danh nghĩa, Đức xếp thứ 4 toàn thế giới. Nền văn hóa Đức được du nhập và phát triển mạnh mẽ mọi nơi trên thế giới. Tiếng Đức nằm trong top 7 loại ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới (theo kết quả của The Power Language Index năm 2016). Tháng 10/2011,Việt Nam và CHLB Đức đã thống nhất nâng tầm quan hệ lên thành đối tác chiến lược.
• Nhận xét:
Từ những năm 1990, quan hệ hợp tác kinh tế và hoạt động thương mại giữa Việt Nam và CHLB Đức phát triển mạnh mẽ. Nhiều hiệp định thương mại kinh tế quan trọng được ký kết giữa 2 bên, đồng nghĩa với việc giao lưu và du nhập văn hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ và thuận tiện hơn. Nhu cầu tìm hiểu văn hóa của nhân dân 2 nước tăng lên nhiều, đặc biệt là về phía Việt Nam.
Viện Goethe là một tổ chức văn hoá của Cộng hoà liên bang Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Tại Hà Nội, Viện được thành lập năm 1997, lúc đó là phân viện trẻ nhất ở châu Á. Mục đích quan trọng của Viện là hỗ trợ việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Đức và châu Âu. Viện Goethe Hà Nội ủng hộ và tổ chức nhiều chương trình để giới thiệu văn hóa Đức đến Việt Nam, nhằm tăng cường đối thoại văn hóa giữa hai nước. Tháng 9/2017, Viện đã tổ chức thành công Liên hoan phim Đức tại Việt Nam lần thứ 8, thu hút nhiều sự quan tâm của dân chúng nói chung và giới làm phim Việt Nam nói riêng.
Tại Việt Nam, văn hóa Đức được du nhập chủ yếu qua môi trường giáo dục. Với nền giáo dục tân tiến và hiệu quả bậc nhất thế giới, có đến hơn 12% sinh viên theo học tại các trường đại học Đức từ khắp các quốc gia. Hầu hết các trường đại học ở Đức đều miễn học phí và nếu có thì học phí cũng "phải chăng" hơn nhiều quốc gia phát triển khác nên Đức trở thành địa điểm lý tưởng để sinh viên Việt Nam lựa chọn đi du học.
Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) thúc đẩy sự phát triển tiếng Đức ở Việt Nam. Tại Trung tâm Việt-Đức có các khóa học tiếng Đức cho mọi đối tượng. Tại Việt Nam có ba Trường Đại học Đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Đức, đó là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Hà Nội. Tại Đại học Quốc gia Hà Nội còn có thể học Cao học ngành Ngôn ngữ Đức. Cả Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Hà Nội đã có quan hệ Hợp tác với các Trường Đại học Đức. Toàn bộ ba Trường Đại học này đều có sự hỗ trợ Giảng dạy của các Giảng viên DAAD.
Ngoài ra, Đức còn có chương trình dạy thí điểm tiếng Đức là ngoại ngữ hai tại một số trường phổ thông tại Hà Nội như trường THPT Việt – Đức, trường THPT chuyên ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nước Đức phát triển với xã hội văn minh, môi trường trong sạch và điều kiện sống ổn định là điểm thu hút và khiến người dân Việt Nam luôn quan tâm, tìm hiểu về văn hóa Đức. Năm 2015, Việt Nam và Đức vừa kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc và mới lạ như: Buổi hòa nhạc của ban nhạc Raggabund trong buổi khai mạc Lễ hội nước Đức, Triển lãm áo dài, Biểu diễn tác phẩm kịch Hip-Hop Đức - Việt, Triển lãm "Hội họa mới từ Đức", Liên hoan Phim Đức 2015, Liên hoan Múa Đương đại, Trình chiếu ánh sáng nghệ thuật,Liên hoan âm nhạc Châu Âu tại Hà Nội... Nhân lễ kỉ niệm, người dân Việt Nam hiểu hơn về quan hệ song phương, cũng như văn hóa, âm nhạc, ẩm thực... của nước Đức.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò của cộng đồng người Việt sinh sống tại Đức. Thời điểm người Việt di cư sang Đức đông nhất là sau chiến tranh năm 1975. Cao điểm là năm 1989 ước tính có 8 vạn người Việt Nam sang Đức. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, CHLB Đức và Việt Nam đã ký hiệp định hiệp thương cho những người Việt Nam ở lại. Đến nay, đã có hơn 100.000 người Việt Nam ở Đức, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức; 80% trong số còn lại đã có quy chế cư trú hợp pháp.
Thế hệ người Việt thứ hai tại Đức hội nhập khá thành công và được chính quyền sở tại đánh giá cao. Có thể nói chính thế hệ thứ hai này là cầu nối vô cùng quan trọng làm tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Đức nói chung và nhân dân hai nước nói riêng. Đất nước con người Việt Nam được biết đến nhiều hơn, được kính trọng hơn là nhờ tầng lớp này.
Tuy nhiên, việc không có ngôn ngữ chung giữa các thế hệ trở thành vấn đề khó giải quyết đối với cộng đồng người Việt tại Đức. Đa phần thế hệ người Việt thứ nhất tại Đức chỉ nói được một ít tiếng Đức, trong khi thế hệ thứ hai lại nói tiếng Việt không tốt. Rõ ràng, đây là vấn đề đáng lo ngại và cần tìm được hướng giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, có thể nhắc đến một số dự án biểu trưng cho sự hợp tác của Đức trong lĩnh vực văn hóa là dự án bảo tồn và trùng tu cổng và bức bình phong khu lăng mộ vua Tự Đức ở Huế, ngôi đình cổ ở làng Trần Đăng ở Hà Nội, Đền Tối Linh Từ ở Huế... Trong tương lai, các hoạt động trên có thể đem đến những hướng đi tích cực cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa đối với nhân dân Việt Nam - Đức.
Nội dung liên quan
Lê Hương Giang