Truyền kỳ về những kẻ sĩ ẩn dật thời Đông Hán
Hứa Do (許由) dẩn dật ở núi Cơ (Cơ sơn 箕山)
Hậu Hán thư – Dật dân liệt truyện (後漢書 – 逸民列傳)
[Lưu Tống (劉宋) – Phạm Diệp (范曄) soạn
Đường (唐) – Lý Hiền (李賢) chú]
Tích Dã dịch
Kinh Dịch (易) chép “Ý nghĩa của quẻ Độn [Độn (遯): nghĩa là ẩn trốn] thật là lớn lắm thay!” Lại chép “Không thờ vương hầu, nêu tính cao thượng.” Cho nên vua Nghiêu (堯) dẫu là thiên tử cũng không ép được tính cao thượng của bậc ẩn dật ở phía bắc sông Dĩnh (潁) [1], vua Vũ Vương (武王) dẫu đức tốt cũng phải giữ trọn tiếng trong sạch của con vua nước Cô Trúc (孤竹) [2]. Từ đó về sau, thói ẩn dật được truyền rộng rãi, cách đi ẩn dật không khác nhau, mà nguyên nhân đi ẩn dật cũng không chỉ có một. Có kẻ ở ẩn để nêu đức, có kẻ bỏ về để trọn đạo [3], có kẻ náu thân để giữ tính, có kẻ bỏ nguy để cầu an, có kẻ lánh đời để nêu danh, có kẻ ghét ác để tỏ chí. Nhưng xem những người ẩn dật vui lòng ở giữa đồng ruộng, tiều tụy ở trên sông biển [4], há chỉ muốn gần gũi với chim cá và vui vẻ với cây rừng thôi sao? Cũng vì tính cách mỗi người dẫn đến như thế. Cho nên cũng có bọn [Liễu Hạ Huệ (柳下惠)] bị nhục nhiều lần bị đuổi nhưng cũng không chịu bỏ nước [5], [Lỗ Trọng Liên 魯仲連)] khí tiết nhảy xuống biển, dẫu vua nước nghìn cỗ xe cũng không dời được ý mình [6]. Nếu mà thay đổi nguyên nhân đi hay ở thì bọn ấy cũng không thể làm những việc ấy [7]. Bọn ấy dù ngang bướng có vẻ giống mua danh [8], nhưng mà như ve sầu thoát xác ở trong bụi trần, tự bỏ ra ở ngoài cõi đời, là khác với kẻ dùng trí xảo để theo đòi cái lợi phù du chăng! Đúng như Tuân Khanh (荀卿) có nói “Ý chí cao thượng thì cười nhạo phú quý, đạo nghĩa sâu dày thì coi khinh vương công” vậy.
[1] Bậc ẩn dật ở phía bắc sông Dĩnh là nói về Sào Hứa [Sào Hứa (巢許) là Sào Phủ (巢父) và Hứa Do (許由)].
[2] Con vua nước Cô Trúc là nói về Di Tề [Di Tề (夷齊) là Bá Di (伯夷) và Thúc Tề (叔齊)].
[3] Luận ngữ (論語) chép: Khổng Tử (孔子) nói “Ở ẩn để nêu chí mình, làm việc nghĩa để giữ đạo mình.” Nêu chí là nói về Trường Thư (長沮)-Kiệt Nịch (桀溺), giữ đạo là nói về chuyện Tiết Phương (薛方) nói dối Vương Mãng (王莽) để náu mình.
[4] Trang Tử (莊子) chép: Vua Thuấn (舜) muốn đem thiên hạ nhường cho người phương bắc là Vô Trạch (無擇), Vô Trạch nói “Lạ thay cho lối làm việc vua. Vua vốn là kẻ ở giữa đồng ruộng rồi vào nhà của vua Nghiêu (堯), chẳng bằng chỉ như thế là được rồi.” Lại chép: Náu ở đầm cỏ, chơi ở bãi rộng, đấy là điều mà kẻ sĩ ẩn dật ở sông biển hay kẻ tránh đời loạn và kẻ thích nhàn hạ vốn ưa làm vậy.
[5] Liệt nữ truyện (列女傳) chép: Liễu Hạ Huệ chết, vợ ông tụng nói rằng “Chịu nhục cứu người, đức rộng lớn thay, ba lần bị biếm, chí vẫn không đổi.”
[6] Sử ký (史記) chép: Lỗ Liên (魯連) bảo Tân Viên Diễn (新垣衍) rằng “Nếu vua Tần (秦) lên xưng đế (帝) thì Lỗ Liên nhảy xuống biển Đông mà chết thôi.” Sau này Lỗ Liên có công giúp lấy được Liễu Thành (聊城), được Điền Đan (田單) muốn phong tước cho, nhưng Lỗ Liên trốn tránh ở bờ biển.
[7] Người đểu có chí mà mình thích, không thể đổi được chí của người. Khổng Tử nghe được lời của Trường Thư-Kiệt Nịch, bèn bảo Tử Lộ (子路) rằng “Người trong thiên hạ đều có đạo, Khâu không thay đổi được.”
[8] Luận ngữ chép: Khổng Tử gõ khánh ở nước Vệ (衛), có người là Hà Quỹ (荷蕢) đi qua cửa nhà thầy Khổng nói “Người gõ khánh có tâm làm sao!” Rồi lại nói “Thô thay! Bướng bỉnh thay! Không biết tài mình vậy.” Lại chép: Tử Cống nói “Có ngọc đẹp ở đây, gói bọc mà cất dấu đi, hay là tìm nhà buôn giỏi mà bán đắt đi?” Khổng Tử nói “Bán đi thôi! Bán đi thôi! Ta đợi nhà buôn đến đây.” Bán đắt là rao bán vậy.
Nhà Hán [Hán thất (漢室)] giữa đường suy yếu bị Vương Mãng (王莽) cướp ngôi, nhiều kẻ sĩ giữ nghĩa ấm ức trong lòng. Bấy giờ những kẻ xẻ mũ cắt cổn, lôi kéo nhau mà bỏ đi nhiều không thể hết [9]. Dương Hùng (楊雄) nói “Chim hồng bay cao cao, thợ săn bắt được sao? [10]” Ý nói là bỏ đi xa để tránh vạ. Vua Quang Vũ (光武) trải chiếu một bên tiếp đón bậc ẩn dật, tìm người hiền như sợ không làm kịp [11], xe ngựa cắm cờ mao lót cỏ bồ kéo đến dài liền nhau trên đường vào vách núi [12]. Như bọn Tiết Phương (薛方)-Phùng Manh (逢萌) được đến mời nhưng không chịu ra [13], bọn Nghiêm Quang (嚴光)-Châu Đảng (周黨)-Vương Bá (王霸) về triều rồi nhưng không chịu nhận quan tước. Bấy giờ mọi chuyện yên ổn, kẻ sĩ vui lòng, điều ấy vốn gọi là “Tiến cử bậc ẩn dật thì thiên hạ theo về” [14] chăng! Vua Túc Tông (肅宗) cũng dùng lễ gọi Trịnh Quân (鄭均) và mời Cao Phượng (高鳳) để nêu tính cao thượng của bọn ấy. Sau đó nhà vua đức kém, kẻ gian tà nắm triều chính. Do đó bậc ẩn dật ngay thẳng thấy thẹn vì ở cùng hàng với công khanh, bèn liền ghét bỏ mà không quay lại, phần nhiều làm mất cái đạo trung dung. Cho nên tôi kể chuyện những ẩn sĩ không quay lại [15] và những bậc ẩn dật ở đời thường [16], chép xếp chung vào một quyển này.
[9] Tả truyện (左傳) chép: Vương sai Đam Hoàn Bá (詹桓伯) nói với vua Tấn (晉) rằng “Nếu bá phụ xẻ mũ cắt cổn, nhổ gốc chặn nguồn.” Mao thi tự (毛詩序) chép: Trăm họ chẳng ai không dắt kéo nhau mà bỏ đi.”
[10] Tống Trung (宋衷) nói “Bắt là tóm lấy. Chim hồng bay cao cao trên trời, dẫu có thợ săn khéo đến mấy cũng tóm lấy sao được? Ví như người hiền ở ẩn cũng chẳng phải là tránh được cái vạ bạo loạn sao?”
[11] Quốc ngữ (國語) chép: Phu nhân của Việt Vương (越王) bỏ trải chiếu một bên mà ngồi.” Vi Chiêu (韋昭) chú rằng “Một bên giống đặc biệt. Theo lễ, người được coi trọng thì trải chiếu đặc biệt mà ngồi.” Tiền thư Công Tôn Hoàng tán (前書公孫弘贊) chép “Nhà vua đang muốn dùng văn võ, tìm người hiền như sợ không kịp.”
[12] Mao thi tự (毛詩序) chép “Cờ mao, là cờ rất đẹp đẽ.” Có thơ rằng “Cờ mao phần phật, dựng ở thành Tuấn (浚).” Dịch Bí quái lục ngũ (易賁卦六五) chép “Đến thăm ở vườn đồi, mang bó lụa nho nhỏ.” Xe lót cỏ bồ, lấy cỏ bồ lót ở trong xe để ngồi cho êm. Tiền thư (前書) chép Vũ Đế (武帝) đem xe lót cỏ bồ đến mời ẩn sĩ nước Lỗ (魯) là Thân Công (申公) vậy.
[13] Tiền thư (前書) chép Tiết Phương (薛方) tên chữ là Tử Dung (子容).
[14] Là lời Luận ngữ.
[15] Trang Tử (莊子) chép: Nhan Hồi (顏回) nói với Trọng Ni (仲尼) rằng “Phu tử bước chậm thì tôi cũng bước chậm, phu tử đi nhanh thì tôi cũng đi nhanh, phu tử chạy nhanh cắt bụi thì tôi chỉ có thể dõi mắt nhìn theo sau mà thôi.” Tư Mã Bưu (司馬彪) chú rằng “Ý nói là đi theo không kịp.” Hàn thi ngoại truyện (韓詩外傳) chép “Kẻ sĩ bỏ vào ở núi rừng thì một đi không quay lại.”
[16] Luận ngữ chép: Người hiền một là lánh đời, sau là lánh ngôi vị, sau nữa là tránh nữ sắc, sau nữa là lánh nghe lời sàm. Phu tử nói “Có bảy người làm chuyện như thế.”
Hai ông già ở huyện Dã Vương (野王), không biết là người thế nào. Trước đây, vua Quang Vũ (光武) chia tách với vua Canh Thủy (更始), gặp buổi miền Quan Trung (關中) nhiễu loạn, [vua Quang Vũ] bèn sai Tiền tướng quân (前將軍) là Đặng Vũ (鄧禹) đi đánh dẹp ở miền tây [chỉ miền Quan Trung], chia tay ở trên đường rồi về, nhân đó đi săn ở huyện Dã Vương, dọc đường gặp hai ông già cũng đang đi săn. Vua Quang Vũ hỏi rằng:
– “Hai ông đi săn phía nào?”
Hai ông già cùng trỏ tay về phía tây nói:
– “Trong chỗ ấy có nhiều hổ, chúng tôi hễ săn được thì cũng bị hổ ăn mất. Đại vương chớ đến chỗ ấy.”
Vua Quang Vũ nói:
– “Nếu ta phòng bị rồi thì hổ cũng có gì đáng lo.”
Hai ông già nói:
– “Sao đại vương nói xằng vậy! Ngày xưa vua Thang (湯) bắt được Kiệt (桀) ở đất Minh Điều (鳴條) và đắp thành lớn ở đất Bạc (亳) [17], Vũ Vương (武王) cũng bắt được Trụ (紂) ở đất Mục Dã ( 牧野) mà đắp thành lớn ở đất Hiểm Nhục (郟鄏) [18]. Hai vị vua ấy phòng bị không gì là không sâu xa vậy. Cho nên ta bắt được người thì người cũng có thể bắt được ta, há lơ là được sao!”
Vua Quang Vũ hiểu ý ấy, ngoảnh lại bảo tả hữu rằng:
– “Đấy là người ẩn dật vậy.”
Vua Quang Vũ muốn dùng hai ông già ấy, nhưng họ từ chối mà bỏ đi, chẳng ai biết đi đâu.
[17] Đế vương kỷ (帝王紀) chép: Xét Mạnh Tử (孟子) chép Kiệt chết ở Minh Điều là ở đất của người Đông Di (東夷). Có sách chép ở huyện Bình Khâu (平丘 ) quận Trần Lưu (陳留) ngày nay có đình Minh Điều [Minh Điều đình (鳴條亭)]. Chỉ có Khổng An Quốc (孔安國) chú Thượng thư (尚書) chép Minh Điều ở phía tây huyện An Ấp (安邑). Xét lời của ba nhà trên thì lời của Khổng [An Quốc] là đúng hơn.
[18] Đỗ Dự (杜預) chú Tả truyện (左傳) chép: Ở quận Hà Nam ( 河南) ngày nay. Phía tây huyện Hà Nam có bờ Hiểm Nhục [Hiểm Nhục mạch (郟鄏陌)].
Hướng Trường (向長) tên chữ là Tử Bình (子平), người huyện Triều Ca (朝歌) quận Hà Nội (河內). Ở ẩn không ra làm quan, tính chuộng sự trung hòa, ưa đọc sách Lão Tử (老子) và kinh Dịch (易), nhà nghèo không đủ ăn, người hâm mộ cấp đồ ăn cho ông, ông chỉ lấy đủ dùng mà trả lại phần còn thừa. Bấy giờ viên Đại tư không (大司空) của Vương Mãng (王莽) là Vương Ấp (王邑) gọi ông, nhiều năm ông mới đến gặp, [Vương Ấp] muốn tiến cử ông cho Mãng, ông cố từ chối mới thôi. Ông ẩn dật ở nhà, đọc kinh Dịch đến phần quẻ Tổn (損) và quẻ Ích (益) [19], bùi ngùi than rằng:
– “Ta đã biết giàu không bằng nghèo, sang không bằng hèn, nhưng chưa biết chết có bằng sống hay không mà thôi.”
Giữa những năm Kiến Vũ (建武), khi con trai và con gái đã cưới gả xong, ông dứt bỏ việc nhà không quan hệ với nhau xem như mình đã chết. Từ đó ông bèn thỏa thích làm theo ý mình, cùng với người bạn thân cùng quận là Cầm Khánh (禽慶) [20] đi chơi ở các ngọn núi cao, rút cuộc không biết cuối đời ông ra sao.
[19] Dịch Tổn quái (易損卦) chép: “Hai cái khay dùng đựng đồ cúng tế được. Bớt chỗ thừa bù chỗ thiếu, tùy thời mà làm.” Ích quái (益卦) chép: “Bớt chỗ cao đắp chỗ dưới, vui vẻ vô ngần.”
[20] Tiền thư (前書) chép Khánh tên chữ là Tử Hạ (子夏).
Phùng Manh (逢萌) tên chữ là Tử Khang (子康), người huyện Đô Xương (都昌) quận Bắc Hải (北海). Nhà nghèo, ông dấn thân cho huyện làm chức Đình trưởng (亭長) [21]. Bấy giờ quan Úy (尉) đi qua đình, Manh chờ đón bái yết, thế rồi quẳng thuẫn than rằng:
– “Đại trượng phu há để cho người sai khiến sao!”
Ông bèn bỏ chức, đến học ở thành Tràng An, thuộc làu kinh Xuân thu (春秋經). Bấy giờ Vương Mãng (王莽) giết con mình là Vũ (宇) [22], Manh bảo người bạn rằng:
– “Tam cương (三綱) [23] mất rồi! Nếu không bỏ đi thì họa sẽ đến thân.”
Ông liền cởi mũ treo ở cửa Đông Đô [Đông Đô môn (東都門)] [24], bỏ về quê, đem người nhà vượt biển đến làm khách ở quận Liêu Đông (遼東)。
[21] Đình trưởng (亭長) chủ việc bắt trộm giặc, do đó phải cầm thuẫn (楯).
[22] Tiền thư (前書) chép: Vương Mãng ngăn chặn nhà ngoại của Bình Đế (平帝) là nhà họ Vệ [Vệ thị (衛氏)], con Mãng là Vũ (宇) sợ bị Thái hậu (太后 ) của Bình Đế oán người nhà mình, lại cho là không thể can ngăn được Mãng mà theo đuổi việc thờ quỷ thần, liền nhân buổi đêm lấy máu quệt lên cửa nhà Mãng, quan thuộc phát giác được chuyện ấy, Mãng bèn bắt Vũ tống vào ngục, cho uống thuốc độc mà chết.
[23] Là nói quan hệ vua-tôi, vợ-chồng, cha-con.
[24] Hán cung điện danh (漢宮殿名) chép: Cửa Đông Đô [Đông Đô môn (東都門)] là cửa Xanh [Thanh môn (青門)] ngày nay. Tiền thư âm nghĩa (前書音義) chép: Là của thứ nhất đầu phía bắc vòng thành ngoài phía đông của kinh đô Tràng An (長安).
Manh vốn thấu tỏ thuật bói Âm Dương (陰陽), biết Mãng sẽ thua, có lúc bèn đội cái ang gốm [25] lên đầu, khóc ở chợ rằng:
– “Tân ơi Tân ơi [26]!”
Nhân đó ông sống ẩn dật.
[25] Ang là cái bồn (盆).
[26] Vương Mãng được phong làm Tân Đô Hầu (新都侯), kịp lúc soán ngôi bèn đặt tên nước là nhà Tân [Tân thất (新室)]. Do đó khóc gọi như vậy.
Kịp khi vua Quang Vũ (光武) lên ngôi, ông bèn đến núi Lao [Lao sơn(勞山)] [27] ở quận Lang Da (琅邪), nuôi chí tu đạo, người dân ở đấy đều khen đức của ông.
[27] Ở phía đông nam huyện Tức Mặc (即墨) thuộc Lai châu (萊州) ngày nay có núi Đại Lao (大勞) và Tiểu Lao (小勞).
Thái thú Bắc Hải vốn nghe tính cao thượng của ông, sai quan thuộc đem lễ vật đến gặp, Manh không đáp. Thái thú ôm lòng giận mà sai người đi bắt ông. Quan thuộc rập đầu nói:
– “Tử Khang là bậc đại hiền, thiên hạ cùng nghe nói đến, được người dân kính như cha. Nay ta đến chắc không bắt được, lại cũng chịu sỉ nhục thôi.”
Thái thú giận, bắt trói quan thuộc ấy tống vào nhà ngục, lại sai quan thuộc khác đi, đến núi Lao, quả nhiên người dân kéo nhau đem binh khí cung nỏ ngăn chặn, quan thuộc bị thương chảy máu, bỏ chạy mà về. Sau này [vua Quang Vũ] có chiếu thư gọi Manh, Manh mượn cớ già lão, lầm đường đông tây, bảo sứ giả rằng:
– “Triều đình gọi tôi là vì tôi có ích cho việc chính trị. Nhưng nay tôi còn không biết phương hướng chỗ nào, sao giúp đời được gì?”
Sứ giả đành quay xe về. Triều đình nhiều lần gọi ông cũng không đi. Cuối cùng chết thọ.
Trước đây, Manh thân thiết với người cùng quận là Từ Phòng (徐房), người quận Bình Nguyên (平原) là Lý Tử Vân (李子雲)- Vương Quân Công (王君公), đều là người hiểu thuật Âm Dương, ôm chí ẩn dật ở giữa cõi dân thường. Phòng cùng Tử Vân đều dạy nghìn học trò. Quân Công gặp loạn không bỏ đi, làm mối lái mua bán bò mà tự ở ẩn, người thời ấy luận về ông rằng “Ẩn dật ở chợ đông, ấy là Vương Quân Công [28].”
[28] Cao sĩ truyện (高士傳) của Kê Khang (嵇康) chép: Quân Công hiểu rõ kinh Dịch, làm quan Lang (郎), nhiều lần dâng biểu nói lên việc triều chính nhưng không được dùng, bèn thông dâm với người hầu gái của nhà quan để tự làm xấu tiếng tăm của mình, bãi quan về quê. Ở quê giả ngây mà làm mối lái buôn bán bò, miệng không nói hai giá tiền.
Châu Đảng (周黨) tên chữ là Bá Huống (伯況), người huyện Quảng Vũ (廣武) quận Thái Nguyên (太原). Nhà có nghìn vàng, thủa nhỏ mồ côi, được người trong họ nuôi nấng nhưng đối đãi không đúng đạo lý. Kịp khi lớn lên, người họ hàng cũng không trả lại tiền của cho Đảng. Đảng đến sở quan hương huyện tố cáo, người họ hàng mới trả lại tiền của cho. Sau đó Đảng phân chia tiền của phát cho họ hàng, tha bỏ hết nô tỳ, rồi đến thành Trường An du học.
Trước đây, Hương tá (鄉佐) [29] từng làm nhục Đảng giữa chốn người đông, Đảng lâu ngày vẫn ôm lòng hận việc ấy. Sau khi đọc kinh Xuân thu (春秋) biết được cái lẽ báo thù [30], liền nghỉ học mà về, báo tin cho nhau với Hương tá, hẹn ngày đánh tay đôi. Sau khi giao phong thì Đảng bị Hương tá đâm trúng thương, ngã sập. Hương tá cảm nghĩa ấy, chở Đảng về chăm sóc, mấy ngày sau mới sống lại. Đảng tỉnh ngộ rồi về. Từ đấy Đảng giữ mình tu chí, châu lí khen tính cao thượng ấy.
[29] Tục Hán chí (續漢志) chép Hương tá (鄉佐) là quan chủ về thu phú thuế.
[30] Xuân thu kinh (春秋經) chép: “Kỷ Hầu (紀侯) phải rời bỏ nước của mình.” Công Dương truyện (公羊傳) chép: “Sao phải bỏ đi? Vì bị diệt. Ai diệt nước ấy? Tề (齊) diệt nước ấy. Sao lại không nói thẳng là Tề diệt nước ấy?” Là vì kỵ húy Tương Công (襄公) vậy. Tổ tiên chín đời của vua nước Tề thụy Tương Công (齊襄公) là Ai Công (哀公) được nhà Châu (周) ban thưởng, nhưng bị Kỷ Hầu nói gièm, cho nên Tương Công ôm lòng thù với nước Kỷ. Mối thù chín đời có thể báo không? Dẫu trăm đời cũng báo được vậy.”
Kịp khi Vương Mãng dòm ngó ngôi vua, Đảng mượn cớ bệnh đóng cửa không ra ngoài. Từ đó về sau thì giặc dữ hoành hành, tàn diệt quận huyện, Đảng chỉ đến huyện Quảng Vũ nhưng lướt qua mà không vào thành.
Giữa những năm Kiến Vũ, triều đình vời Đảng làm Nghị lang (議郎), lại lấy cớ bệnh bỏ chức, rồi đưa vợ con đến ở huyện Miễn Trì (黽池). Lại bị gọi, bất đắc dĩ Đảng bèn áo vải đơn ngắn, lấy vỏ cây dó buộc tóc trên đầu mà đợi gặp quan Thượng thư (尚書). Kịp khi vua Quang Vũ sai người dẫn vào gặp thì Đảng nép mình nhưng không chịu đáp để tự bày tỏ ý mà mình muốn giữ lấy. Vua bèn chịu theo.
Bác sĩ (博士) là Phạm Thăng (范升) tấu cợt Đảng rằng:
– “Thần nghe vua Nghiêu (堯) không cần Hứa Do (許由)-Sào Phủ (巢父) mà vẫn nêu danh với thiên hạ, nhà Châu không dùng Bá Di (伯夷)-Thúc Tề (叔齊) mà vương đạo cũng thành. Cúi nghĩ bọn người quận Thái Nguyên là Châu Đảng, người quận Đông Hải (東海) là Vương Lương (王良), người quận Sơn Dương (山陽) là Vương Thành (王成), đều chịu nhận ân dày, sứ giả ba lần đến thăm mới chịu ngồi xe đi ra. Kịp lúc dẫn gặp ở triều đình, Đảng không dùng lễ vâng mệnh, cúi mình nhưng không đáp, ngạo mạn kiêu căng, cùng lúc đều bỏ về. Như bọn Đảng, văn không giải nghĩa xong, võ không chết vì vua được, thế mà đều được nêu tiếng thơm, ở gần ngôi Tam công (三公). Thần xin ngồi nói chuyện với bọn ấy ở dưới Vân đài, xét hỏi cái đạo trị quốc. Nếu bọn ấy không như thần nói thì thần xin chịu tội xằng bậy. Nếu đúng bọn ấy dám tự nêu danh hão, khoe khoang tự kiêu thì đều phải chịu tội bất kính.”
Tấu xong, thiên tử đem thư ấy cho công khanh xem, hạ chiếu rằng:
– “Những vị vua hiền chúa sáng từ xưa cũng hẳn là có kẻ sĩ không chịu phục mình, ví như Bá Di-Thúc Tề không ăn thóc của nhà Châu. Nay người quận Thái Nguyên là Châu Đảng không nhận lộc của trẫm, cũng đều có chí như vậy. Nay ban cho bốn chục bó lụa.”
Đảng cuối cùng ẩn dật ở huyện Miễn Trì. Soạn sách có hai chương thượng-hạ xong thì chết. Người trong huyện cho là hiền mà dựng miếu thờ Đảng.
Trước đây, Đảng với người cùng quận là Đàm Hiền (譚賢) tên chữ là Bá Thăng 伯升, người quận Nhạn Môn (鴈門) là Ân Mô (殷謨) tên chữ là Quân Trưởng (君長), đều giữ khí tiết không làm quan ở thời Vương Mãng, kịp đến thời giữa những năm Kiến Vũ được gọi cũng đều không đến.
Vương Bá (王霸) tên chữ là Nho Trọng (儒仲), người huyện Quảng Vũ (廣武) quận Thái Nguyên (太原). Thủa trẻ có khí tiết trong sạch, kịp lúc Vương Mãng soán ngôi, Đảng vứt đai mũ, dứt kết giao quan chức. Giữa những năm Kiến Vũ, gọi đến sở quan Thượng thư, bái xưng tên nhưng không xưng thần. Hữu ti (有司) hỏi vì sao thế, Bá nói:
– “Thiên tử có khi không phải xưng thần, chư hầu có lúc chẳng cần làm thân [31].”
Tư đồ (司徒) là Hầu Bá (侯霸) muốn nhường chức cho Bá. Diêm Dương (閻陽) [32] can ngăn nói:
– “Người quận Thái Nguyên có thói kết bè đảng ngang bướng [33], Nho Trọng cũng có thói ấy.”
Bèn thôi. Đảng lấy cớ bệnh về quê, ẩn mình giữ chí, ở nhà mái cỏ tranh cửa cỏ bồng. Triều đình nhiều lần gọi nhưng không đến, cuối cùng chết thọ.
[31] Lễ ký chép: Nhà Nho có khi trên không xưng thần với thiên tử, dưới không kết thân với chư hầu.
[32] Cao sĩ truyện (高士 傳) của Hoàng Phủ Mật (皇甫謐) chép viên Lệnh (令) trước đây của huyện Lương (梁) là Diêm Dương (閻陽).
[33] Tiền thư (前書) chép: Quận Thái Nguyên có nhiều con cháu họ hàng của vua nước Tấn, hay dùng trá lực xô đẩy nhau, khoe khoang công danh, báo thù quá mức. Khi nhà Hán nổi lên, người đất ấy có tiếng là khó giáo hóa, triều đình thường kén chọn mãnh tướng đến trấn giữ, có khi đánh dẹp ra oai. Lại nữa dù cha anh có bị tru diệt thì con em vẫn oán giận, đến nỗi cáo giác với quan Thứ sử (刺史), Nhị thiên thạch (二千石).
Nghiêm Quang (嚴光) tên chữ là Tử Lăng (子陵), còn có tên là Tuân (遵), người huyện Dư Diêu (餘姚) quận Cối Kê (會稽). Thủa trẻ có tiếng cao thượng, cùng du học với vua Quang Vũ. Kịp khi vua Quang Vũ lên ngôi, Quang bèn đổi họ tên, ẩn mình không ra. Vua nhớ tài của Quang, bèn sai người vẽ hình dong để đi tìm Quang. Sau đó người nước Tề dâng thư nói:
– “Có một người đàn ông mặc áo da cừu câu cá giữa đầm.”
Vua nghi đó là Quang, bèn sắm xe êm trải thảm đỏ sẫm, sai sứ đến thăm, ba lần mời mới ra, nghỉ ở trại quân phía bắc, cấp cho chăn giường, Thái quan (太官) sớm tối nấu cho ăn.
Tư đồ (司徒) là Hầu Bá (侯霸) vốn quen với Quang, sai người mang thư đến thăm [34], nhân đó bảo Quang rằng:
– “Hầu Công nghe nói tiên sinh đến, hồ hởi muốn đi thăm hỏi ngay, nhưng việc quan gấp vội, cho nên không đi được. Xin hẹn chiều tối mời ông đến nói chuyện.”
Quang không đáp, bèn gửi thư lại, nói miệng rằng:
– “Quân Phòng [Quân Phòng (君房) là tên chữ của Hầu Bá] túc hạ làm đến Đỉnh túc (鼎足), rất giỏi. Tôi chỉ có lời nhắn là ôm lòng nhân làm việc nghĩa thì thiên hạ vui mừng, làm chuyện a dua theo ý vua thì chuốc lấy mất mát.”
Bá nhận thư, gói lại tấu lên, vua cười rằng:
– “Thật đúng là kẻ sĩ ngang bướng vậy.”
Vua liền hôm đó đi xe đến chỗ Quang. Quang nằm không dậy, vua bèn đến nơi Quang nằm, vỗ bụng Quang nói:
– “Dậy dậy Tử Lăng! Ông không giúp tôi trị quốc được sao?”
Quang vẫn ngủ không đáp, hồi lâu mới mở mắt nhìn kỹ, nói:
– “Ngày xưa Đường Nghiêu (唐堯) nêu đức sáng thì Sào Phủ (巢父) rửa tai. Kẻ sĩ vốn có chí riêng, sao phải ép nhau thế?”
Vua nói:
– “Tử Lăng, ta rút cuộc không mời được ông sao?”
Do đó vua than thở, lên xe mà về.
[34] Cao sĩ truyện của Hoàng Phủ Mật chép: Bá sai Tây tào thuộc (西曹屬) là Hầu Tử Đạo (侯子道) mang thư đến gặp Quang, Quang không dậy, ngồi xí xổm trên giường ôm gối mở thư đọc xong, hỏi Tử Đạo rằng “Quân Phòng vốn ngu dốt, nay nắm ngôi Tam công, có gì sai sao?” Tử Đạo nói “Nắm được ngôi Đỉnh túc thì không ngu dốt đâu.” Quang nói “Sai ông đến đây muốn nói gì?” Tử Đạo liền kể lời của Bá. Quang nói “Ông nói không ngu dốt, là không phải lời nói ngu dốt sao? Thiên tử mời ta ba lần mới gặp. Ta còn không muốn gặp bậc làm vua, nói gì gặp bậc làm tôi?” Tử Đạo xin đáp thư. Quang nói “Tay ta không tự viết được”. Bèn nói miệng cho ghi lại, Tử Đạo chê ít câu, xin nhiều câu nữa. Quang nói “Dễ như mua rau sao? Đòi thêm nhiều làm gì?”
Vua lại dẫn Quang vào, nói chuyện ngày xưa, đối mặt nhau nói chuyện mấy ngày. Vua ung dung hỏi Quang rằng:
– “Trẫm ngày nay so với ngày xưa thế nào?”
Quang đáp nói:
– “Bệ hạ hơi béo hơn ngày xưa.”
Nhân đó cùng nằm nghỉ, Quang bắc chân lên trên bụng vua. Hôm sau, Thái sử (太史 ) tấu có sao khách [khách tinh (客星): ngôi sao xuất hiện trên trời rồi chốc lát tắt mất] phạm vào chòm Ngự Tọa (御坐), điềm thiên văn là sẽ có chuyện rất gấp. Vua cười rằng:
– “Là trẫm cùng nằm với bạn cũ là Nghiêm Tử Lăng mà thôi.”
Vua lấy Quang làm Gián nghị đại phu (諫議大夫), Quang không chịu làm quan, bèn tự làm ruộng ở núi Phú Xuân [Phú Xuân sơn (富春山)] [35]. Người đời sau gọi chỗ Quang câu cá là khe Nghiêm Lăng [Nghiêm Lăng lại (嚴陵瀨)] [36]. Năm Kiến Vũ thứ mười bảy, vua lại gọi, Quang không đến. Năm tám mươi tuổi thì chết ở nhà. Vua thương tiếc, hạ chiếu sai quận huyện tặng trăm vạn tiền-nghìn hộc thóc cho người nhà Quang.
[35] Ở huyện Phú Dương (富陽) thuộc Hàng châu (杭州) ngày nay vậy. Vốn tên là huyện Phú Xuân, tránh tên húy Trịnh thái hậu (鄭太后) của Tấn Giản Văn Đế (晉簡文帝), bèn đổi tên là huyện Phú Dương.
[36] Dư địa chí (輿地志) của Cố Dã Vương (顧野王) chép: Khe Thất Lí [Thất Lí lại (七里瀨) ] ở dưới sông Đông Dương [Đông Dương giang (東陽江)], gặp nhau với khe Nghiêm Lăng, chỗ ấy có núi Nghiêm [Nghiêm sơn (嚴山)]. Phía nam huyện Đồng Lư (桐廬) có chỗ câu cá của Nghiêm Tử Lăng, nay bên núi còn có một khối đá ở bên suối, trên mặt khối đá bằng phẳng, có thể cho mười người ngồi, gọi là đàn câu cá Nghiêm Lăng.