Truyện Kiều còn - Tiếng ta còn - Tiếng ta còn - Nước ta còn! (Phạm Quỳnh diễn thuyết về cụ Nguyễn Du và Kiều)
Thưa các Ngài,
Hôm nay là ngày giỗ Cụ Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh, là bậc đại thi nhân của nước Nam ta, đã làm ra bộ văn chương tuyệt tác là truyện Kim Vân Kiều.
Ban Văn học Hội Khai Trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quí báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi.
Chúng tôi thiết nghĩ một bậc có công với văn hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một nhà một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ niệm riêng của một nhà một họ nữa, chính là ngày kỷ niệm chung của cả nước.
Hiện nay suốt quốc dân ta, trên từ hàng thượng lưu học thức, dưới đến kẻ lam lũ làm ăn, bất cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết truyện Kiều, ai ai cũng thuộc truyện Kiều, ai ai cũng kể truyện Kiều, ai ai cũng ngâm truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công nghiệp của Cụ Tiên Điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ Cụ và nghĩ đến cái ơn của Cụ tác thành cho tiếng nước nhà.
Muốn cảm cái ơn ấy cho đích đáng, hẵng thử giả thiết Cụ Tiên Điền không xuất thế, Cụ Tiên Điền có xuất thế mà quyển truyện Kiều không xuất thế, quyển truyện Kiều có xuất thế mà vì cớ gì không lưu truyền, thời tình cảnh tiếng An Nam đến thế nào, tình cảnh dân tộc ta đến thế nào?
Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào?
Than ôi! mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai,
hay là:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì,
Bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhẩy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!…
Có nghĩ cho xa xôi, cho thấm thía, mới hiểu rằng truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái quí giá vô ngần.
Một nước không thể không có quốc hoa, truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân ông một cõi sơn hà gấm vóc.
Xem video:
Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển truyện Kiều ta vậy.
Gẫm trong người ấy báu này
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!
Báu ấy mà lọt đến tay ta, thật cũng là một cái phúc duyên cho ta, nhưng báu ấy ở trong tay Cụ lại chính là một cái túc duyên của Cụ. Thiên văn tự tuyệt bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết tinh lại mà thành ra, những khi đêm khuya thanh vắng vẫn thường tỉ tê thánh thót trong lòng ta, như:
"Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà!"
vậy!!!
Cái áng văn chương tuyệt tác cho người đời đó, an tri lại không phải là một thiên lịch sử thống thiết của tác giả?
Truyện Kiều quan hệ với thân thế Cụ Tiên Điền thế nào, lát nữa ông Trần Trọng Kim sẽ diễn thuyết tường để các ngài nghe.
Nay tôi chỉ muốn biểu dương cái giá trị của truyện Kiều đối với văn hóa nước ta, đối với văn học thế giới, để trong buổi kỷ niệm này đồng nhân cảm biết cái công nghiệp của bậc thi bá nước ta lớn lao to tát là dường nào.
Đối với văn hóa nước nhà, cái địa vị truyện Kiều đã cao quí như thế; đối với văn học thế giới cái địa vị truyện Kiều thế nào?
Không thể so sánh với văn chương khắp các nước, ta hẵng so sánh với văn chương hai nước có liền tiếp quan hệ với ta, là văn chương Tàu và văn chương Pháp. Văn chương Tàu thật là mông mênh bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với truyện Kiều, mà xét cho kỹ có lẽ không có sách nào giống như truyện Kiều. Gốc truyện tuy do một bộ tiểu thuyết Tàu mà ra, nhưng vào tay Cụ Tiên Điền ta biến hóa hẳn, siêu việt ra ngoài cả lề lối văn chương Tàu, đột ngột như một ngọn cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác vậy. Có người sánh truyện Kiều với Li-tao, nhưng Li-tao là một bài than, từ đầu đến cuối toàn một giọng bi đát thảm thương, so với Cung oán của ta có lẽ đúng hơn. Có người lại sánh với Tây sương, nhưng Tây sương là một bản hát, từ điệu có véo von, thanh âm có réo rắt, nhưng chẳng qua là một mớ ca từ cho bọn con hát, không phải là một nền văn chương chân chính. Cứ thực thi truyện Kiều dẫu là đầm thấm cái tinh thần của văn hóa Tàu, dẫu là dung hòa những tài liệu của văn chương Tàu, mà có một cái đặc sắc văn chương Tàu không có. Cái đặc sắc ấy là sự “kết cấu”. Nhà văn, nhà thơ Tàu, ngoài những bài thơ bài văn nho nhỏ ngăn ngắn, phàm làm sách chỉ biết cách biên tập, không sành cách kết cấu. Biên tập là cóp nhặt mà đặt liền lại; kết cấu là thu xếp mà gây dựng lên, thế nào cho thành một cái toàn bức các bộ phận điều hòa thích hợp với nhau, không thêm bớt được chút nào. Truyện Kiều là một cái toàn bức như thế, mà là một bức tranh thế thái nhân tình vẽ sự đời như cái gương tầy liếp vậy.
Xét về cách kết cấu thì văn chương nước Pháp lại là sở trường lắm. Cho nên truyện Kiều có thể sánh với những áng thi văn kiệt tác của quí quốc, như một bài bi kịch của RACINE hay một bài văn tế của BOSSUET vậy. Đó là nói về cái thể tài văn chương. Còn về đường tinh thần thời trong văn học Pháp có hai cái tinh thần khác nhau, là tinh thần cổ điển và tinh thần lãng mạn. Tinh thần cổ điển là trọng sự lề lối, sự phép tắc; tinh thần lãng mạn là trong sự khoáng đãng, sự li kỳ. Truyện Kiều gồm được cả hai cái tinh thần ấy, vì vừa có cái đạo vị thâm trầm của Phật học, vừa có cái nghĩa lý sáng sủa của Nho học, vừa có cái phong thú tiêu dao của Trang Lão, lấy lẽ phải ông Khổng mà chế lại sự thần bí của nhà chùa, sự khoáng dật của hai họ. Nhưng mà ngay trong văn chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như truyện Kiều, vì truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự “phổ thông”. Phàm đại văn chương, không những ở nước Pháp, ở nước nào cũng vậy, chỉ có những người thượng lưu học thức mới thưởng giám được, kẻ bình dân không biết tới. Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch RACINE hay là đọc văn BOSSUET. Người Nam thời ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, “lẩy” Kiều để ứng dụng trong sự ngôn ngữ thường, kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, kẻ tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn.
Thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa. Tưởng dễ chỉ có một truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc 18, 20 triệu người, già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.
Như vậy thì truyện Kiều, không những đối với văn hóa nước nhà, mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quí.
Văn chương ta chỉ có một quyển sách mà sách ấy đủ làm cho ta vẻ vang với thiên hạ, tưởng cũng là một cái kỳ công có một trong cõi văn thế giới vậy.
Cái kỳ công ấy lại dũ kỳ nữa là ngẫu nhiên mà dựng ra, đột nhiên mà khởi lên, trước không có người khai đường mở lối, sau không có kẻ nối gót theo chân, đột ngột giữa trời Nam như cái đồng trụ để tiêu biểu tinh hoa của cả một dân tộc. Phàm văn chương các nước, cho được gây nên một nền thi văn kiệt tác, phải bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu nhà văn, trong bao nhiêu năm lao công lục lực, vun trồng bón xới mới thành được. Nay bậc thi bá nước ta, đem cái thiên tài ít có trong trời đất, đúc cái khí thiêng bàng bạc trong non sông, một mình làm nên cái thiên cổ kỳ công đó, dẫu khách thế giới cũng phải bình tình mà cảm phục, huống người nước Nam được trực tiếp hưởng thụ cái ơn huệ ấy lại chẳng nên ghi tạc trong lòng mà thành tâm thờ kính hay sao?
Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái cảnh mộ Cụ Tiên Điền ta; lại có các quí hội viên Tây và các quí quan đến dự cuộc là để chứng kiến cho tấm lòng thành thực đó. Nhưng còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ.
"Thác là thể phách, còn là tinh anh!"
Áng tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập chừng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chi hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”
Nguồn:
văn hóa
,sách
Ngày xuân này thử vui vài câu bói Kiều xem sao? đầu năm mình được một câu khá dữ dội nhưng chắc trấn áp được.
Tiên Tích Tầm Long
Ngày xuân này thử vui vài câu bói Kiều xem sao? đầu năm mình được một câu khá dữ dội nhưng chắc trấn áp được.