TRUST NO ONE: Đừng tin ai cả, hãy tự mình kiểm chứng!
Những cám dỗ, những lừa lọc trên thị trường tài chính này đều xuất phát từ lòng tham lớn hơn sự hiểu biết của bản thân mỗi chúng ta về nó.
Mỗi chúng ta đều có những câu chuyện riêng để bắt đầu, để trải nghiệm và những bài học nhớ đời. Con đường này đều bình đẳng với tất cả chúng ta, nhưng dĩ nhiên, ai là người đi đến cuối cùng, ai là người thành công với nó lại là một câu chuyện khác, rất khác.
Tiêu đề bài viết cũng là tên một bộ phim tài liệu có thật vừa ra mắt của Netflix thời gian vừa qua. Mình đã dành thời gian cuối tuần để nghiền ngẫm, ngay cả khi xem xong, mình vẫn cảm nhận được đâu đó xung quanh mình, vẫn rất nhiều người rơi vào vòng xoáy đó, vòng xoáy của sự tham lam mù quáng, của sự thiếu hiểu biết, và vòng xoáy của việc muốn làm giàu nhanh.
Nói qua nội dung phim một chút để mọi người dễ hình dung. Một chàng trai tên là Gerald Cotten(Gerry) — sáng lập QuadrigaCX, một công ty giải quyết việc trao đổi giao dịch tiền điện tử(sàn giao dịch). Nó được thành lập vào năm 2013 và đã trở nên phổ biến theo thời gian, cho đến khi nó trở thành một trong những loại hình lớn nhất ở Canada. Mọi thứ dường như sẽ trở nên tuyệt vời cho tất cả những người có liên quan cho đến năm 2018 khi tất cả sụp đổ thành hư vô. Cái chết kỳ quặc đúng lúc của Giám đốc điều hành, Gerald Cotten đã khiến QuadrigaCX ngừng mọi hoạt động và nộp đơn phá sản vào tháng 2 năm 2019. Một nhóm những người dùng bị mất tiền đã lập một group telegram để trao đổi về những bí ẩn, những âm mưu đằng sau vụ việc đó. Nhưng cuối cùng thì tất cả số tiền 250 triệu đô của những nạn nhân mãi mãi không thể lấy lại được.
Điều cuối cùng còn đọng lại với chúng ta không phải là trả lời cho việc liệu Gerry còn sống hay không?! Mà đơn giản nó cho chúng ta thấy quan điểm của những người đã trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo này. Có những người làm lụng vất cả cả chục năm, tích góp được chút tiền, để trang trải cuộc sống, để mua một căn nhà, thế rồi mọi thứ tan vỡ hết chỉ vì một vụ định nghĩa là hai chữ “đầu tư” với tư duy giàu nhanh. Họ bị kích thích bởi những dòng tin tức giật tít của những người giàu nhanh chóng bởi tham gia vào thị trường này, hay ngay cả bạn bè của họ cũng đã giàu lên nhờ điều đó.
Ở quan điểm cá nhân của mình, mình trách công ty lừa đảo kia một, thì mình trách người tham gia mười. Đành rằng, ai mà chả có mưu cầu, mong muốn cuộc sống giàu sang, ai chả muốn kiếm tiền, nhưng đổi lại, chúng ta không thể thiếu hiểu biết được, không thể mù quáng tin tưởng như vậy được, cũng không thể bỏ một số tiền lớn của bản thân vào thế được, đó không còn là đầu tư nữa rồi, định một cú all-in đổi đời sao? Thật buồn!!!
Bạn có biết Binance không? Một trong những sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới bây giờ, vào những thời điểm thị trường biến động lớn, bạn có biết họ đã chặn cả việc rút tiền ra khỏi sàn không? Tất nhiên đó không phải lừa đảo, nhưng ngay cả sàn lớn như vậy họ còn ngăn cản việc đó thì nói gì đến sàn nhỏ, tiền đôi khi làm mờ mắt, ngay từ đầu có thể họ làm tử tế, nhưng ai mà biết được chuyện gì có thể xảy ra cơ chứ?!!!
Một sàn giao dịch, hay thậm chí là ngân hàng, họ không thể đáp ứng được một lượng lớn tiền giao dịch cùng một thời điểm, vì tiền của họ không để ở một chỗ. Ở Việt Nam, ngày xưa có vụ bầu Kiên bị bắt, khách hàng của ngân hàng ACB đổ xô đi rút, họ cũng đâu thể đáp ứng được ngay đâu, đúng không? Trên thị trường crypto thì càng dễ, mọi giao dịch đều có thể check được, nếu tiền của bạn để ở ví thì không sao, nhưng nếu để trên sàn sẽ khác, vì nghiệp vụ ở sàn là tiền sẽ được collect về một chỗ, địa chỉ ví của bạn nhìn thấy ở trên sàn, thực chất không phải ví của bạn, vì bạn chỉ có quyền view mà thôi, giao dịch mà bạn rút ra ngoài thực chất là từ một ví tổng của sàn gửi ra ngoài, cái này bạn check được thông qua mã giao dịch được.
Vậy vấn đề của việc này có thể giải quyết bằng cách chúng ta chia nhỏ số tiền ra qua 1,2 sàn giao dịch được coi là uy tín, sau đó hãy thực hiện một luồng nạp rút với số tiền tối thiểu để xem mức độ đáp ứng của sàn là thế nào rồi ta tính tiếp, đến lúc ta cần tiền gấp thì cũng có bản dự phòng ở nhiều nơi khác nhau. Đừng bao giờ enter 1 lệnh tất cả số tiền của mình vào 1 nơi, dù đó là nơi nào đi chăng nữa. Có ai tin ngân hàng của Nga vừa rồi bị mất hơn 90% giá trị chỉ sau vài hôm không? Hay gần đây vụ việc của AXS bị hack 600 triệu đô la?… Họ có thể làm tử tế, nhưng đâu có nghĩa là tiền của bạn không bị mất đâu? Vậy nên đừng tin ai cả, đừng để học 1 bài học mà mất hết số tiền mình có.
Vấn đề tiếp theo là về kiến thức. Khi bạn biết đến thị trường tài chính như chứng khoán, crypto, forex,… bằng những tin tức có đầy trên mặt báo, tức là bạn đã tiếp cận nó một cách bị động, mà khi bị động tức là bạn chưa trang bị kiến thức cho mình khi bước vào nó, những hào nhoáng làm giàu nhanh chóng, lãi suất khủng luôn làm lu mờ những rủi ro cực lớn ở phía sau câu chuyện. Hãy thử đặt câu hỏi xem, lãi khủng như vậy, dễ kiếm tiền như vậy sao họ không làm, họ lại muốn đi giúp bạn giàu có ư? Hoặc có những người mình biết, bị lừa một cách ngỡ ngẩn như việc muốn rút tiền ra thì cần nạp tiền vào mới được thực hiện, ủa trừ luôn tiền đi mắc mớ gì bắt nạp thêm mới trừ? Hoặc có tình huống lừa theo kiểu đưa tài khoản để họ đánh hộ, lên một số tiền lớn là mờ mắt. Nên nhớ, số tiền bạn nhìn thấy trên màn hình, không bao giờ phải là tiền của bạn, nó chỉ là những con số, trừ khi số tiền đó về túi của bạn.
Đôi khi mình vẫn tự hỏi, tại sau có những người lại bị lừa dễ dàng đến thế, ai lại làm giàu một cách ngây thơ đến vậy cơ chứ?!!!
Hãy luôn nghi ngờ mọi khoản đầu tư có lãi suất lớn hơn lãi suất ngân hàng, luôn luôn nhớ điều này!!!
Tiền của mình phải tự bảo vệ mình thôi, pháp luật chỉ khiến mọi thứ về quỹ đạo của nó, sáng tỏ minh bạch hơn, trách nhiệm thuộc về ai, chứ tiền của bạn đã mất, thì không thể quay lại được, đừng trông chờ ai đó giúp mình. Đừng để mất tiền vì thiếu hiểu biết.
Thị trường tài chính có rất nhiều cơ hội, cũng có rất nhiều rủi ro, nhưng để nhìn được ra và quản trị thật tốt, không gì khác là trang bị cho bản thân mình kiến thức, học hỏi thêm và tự mình trải nghiệm, như vậy có kiếm được tiền, hay mất tiền chúng ta cũng đều biết trước được vấn đề nằm ở đâu.
Một vài chia sẻ và góc nhìn của bản thân mong sao mọi người có thể tự bảo vệ mình, còn nhiều điều mình muốn chia sẻ về chủ đề tài chính lắm, nhưng thôi để bài khác vậy, bài này dài quá rồi:)
Xem thêm:
Nguyenphuhoang Nam
Minh Quang
Đọc xong bài viết như gãi đúng chỗ ngứa vậy, nhưng điều mà em áp dụng không phải là về chứng khoán hay đầu tư gì cả, nó chỉ đơn giản thử các quãng đường hiệu quả nhất từ nhà cho tới học đường thôi. Nhiều người bảo đi đường này nhanh, đường kia chậm, đến khi mình đi mới biết đường nào nhanh hơn, đường nào chậm hơn, vào khung giờ nào thì nên đi đường này hoặc đường kia. Có lúc còn tìm ra những con đường mới mẻ hơn, lại còn hiệu quả hơn nữa kkkk
Hải Đăng
Tìm hiểu là cốt lõi, nhưng bản thân cũng phải là người có chính kiến 😎
Lanchi Nguyeen
Bài này hay quá, mình thấy được đăng tải lên fanpage của Noron nè
Lê Minh Hưng
Dạo này tham gia món đầu tư à Cường?
Bao Ngoc
Cảm ơn anh về bài chia sẻ ạ.