Trường phổ thông Albert Sarraut (Hà Nội) và hệ thống giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc
Trường Trung học Albert Sarraut (đọc là An-be Sa-rô) ở Hà Nội (tiền thân của trường THPT Trần Phú) là một trong những trường trung học nổi tiếng nhất ở Đông Dương.
Trường được thành lập năm 1919, giải thể năm 1965. Trường được đặt tên theo Toàn quyền Albert Sarraut, xây dựng theo mô hình trung học lớn, hoàn chỉnh vào năm 1914. Trường có cả Đệ nhất cấp (Cấp 2) và Đệ nhị cấp (Cấp 3), thu nhận học sinh Pháp và cả một số học sinh con em các quan lại cao cấp Việt, Miên, Lào. Đây là nơi nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Đông Dương từng học như Phạm Văn Đồng, Phạm Huy Thông, Võ Nguyên Giáp, Trần Lệ Xuân, Vũ Bằng,...
Năm học đầu tiên (1924 – 25), trường đã thu nhận 800 học sinh, có cả học sinh Miên, Lào và 370 học sinh Việt Nam. Kể từ năm học sau (1925 – 26), với ông Autigeon làm Quyền Hiệu trưởng, trường hạn chế nhận học sinh Việt Nam nên chỉ có 510 học sinh trong đó có 210 học sinh VN, phần lớn học sinh VN vào học ở trường Bảo Hộ (Lycée du Protectorat) được thành lập năm 1924 (tiền thân của trường THPT Chu văn An). Cao điểm nhất là năm 1940, trường có tới 1405 học sinh.
*Mình sẽ giới thiệu một chút về hệ thống giáo dục và thi cử thời đó, chương trình học của Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp rất khác so với mô hình các trường trung học thời nay.
Đệ nhất cấp học các môn như Việt văn, Công dân, Quốc sử, Địa lý, Thể dục và Toán. Ngoài ra còn học hai môn Âm nhạc và Ngoại ngữ (sinh ngữ) (có thể chọn tiếng Anh hoặc tiếng Pháp). Khoa học thì định rõ là Vật lý và Hóa học. Học sinh còn có thể chia ra học thêm môn Gia chánh hoặc Thủ công gỗ, Điện và Kim khí tùy theo nam hay nữ.
Đệ nhị cấp thì học sinh phải chọn trong bốn ban: Vạn vật (Ban A), Toán (Ban B), Văn chương (Ban C), hoặc Cổ ngữ (Ban D). Học sinh còn phải học thêm ngoại ngữ 2 (sinh ngữ) thứ hai, gọi là sinh ngữ phụ; nếu cấp 2 học tiếng Anh thì phải học thêm tiếng Pháp hoặc ngược lại. Riêng ban cổ ngữ thì có thể coi chữ Hán hoặc Latin là ngoại ngữ (sinh ngữ) thứ hai. Năm lớp 12 thì bất kể ban nào đều phải thêm môn Triết.
Học xong lớp 11 thì học sinh phải thi Tú tài 1, tức bán phần tú tài. Xong lớp 12 thì thi Tú tài 2, tức toàn phần tú tài. Kể từ năm 1973 trở đi chỉ thi một kỳ (bỏ kỳ thi Tú tài 1) gọi là Tú tài phổ thông bằng hình thức thi trắc nghiệm và được chấm thi bằng máy IBM. Kỳ thi này được tổ chức là một kỳ thi toàn quốc. (Mọi người có thể hiểu thi Tú tài 1 giống như thi giữa kì còn Tú tài 2 là cuối kì, có điều phạm vi lớn hơn ở mức tốt nghiệp)
Giờ học vật lí ở trường
Quay lại trường Albert Sarraut thì đến năm 1943 trường bị ném bom nên phải đi sơ tán lên Tam Đảo và Sầm Sơn để học ghép với các trường khác. Sau cuộc đảo chính 9/3 /1945, trường tạm ngừng hoạt động. Mãi cho đến năm 1947, trường mới được mở cửa trở lại và đón 700 học sinh. Sau thời gian sửa chữa và khôi phục cơ sở vật chất do chiến tranh thì đến niên khóa những năm 53-53, số học sinh lến đến 2400.
Sau này, sau hiệp định Genève năm 1954 thì trường buộc phải đổi mô hình giảng dạy theo chương trình 10 năm của Việt Nam, bằng tiếng Việt, trừ môn Toán; học sinh không phải đóng học phí. Duy trì giảng dạy mô hình mới được 10 năm thì đến năm học 1964 – 65 trường Albert Sarraut Hà Nội chính thức ngừng hoạt động hẳn.
Trong 46 năm hoạt động của mình, trường đã đào tạo ra nhiều học sinh xuất sắc, nhân vật chính trị quan trọng. Một số học sinh Lào đã từng học ở trường Albert Sarraut, về sau cũng rất nổi tiếng như hoàng thân Xu-va-na Phu-ma, hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Các cựu học sinh của trường, với các cống hiến to lớn của mình, xứng đáng là những tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam noi theo. Nhiều thế hệ học sinh Albert Sarraut sau này ở Việt Nam cũng đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp vàchống Mỹ; nhiều học sinh của trường những năm học sau 1954 đang hăng hái tham gia vào công cuộc Đổi Mới, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Cổng trường giờ tan học
Tài liệu tham khảo:
Vuong Thuy, PhD. Getting to Know the Vietnamese and their Culture. New York: Frederick Ungar Publishing Co., 1976. tr 61-83
Ngô Thế Long, "Trường Albert Sarraut dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955-1965) / Tạp chí Xưa và Nay số 366 (10-2010)"
Ảnh tư liệu:
Nguyễn Minh Vũ – Cựu học sinh chuyên khoa (1951 – 54)