Trường phái trị liệu nhận thức (1) - Trị liệu cảm xúc hành vi hợp lý
Trị liệu nhận thức được xây dựng trên 3 thuyết
(1) Lý luận hiện tượng học,
(2) Lý luận cấu trúc và Tâm lý học chiều sâu,
(3) Tâm lý học nhận thức,
Trong đó tâm lý học nhận thức tập trung vào cấu trúc cá nhân, vai trò của niềm tin và hành vi. Những lý luận ban đầu của trị liệu nhân thức được Beck đề xướng trong các công trình nghiên cứu về trầm cảm, ông nhận thấy trầm cảm hình thành và duy trì nhờ những yếu tố chính như thành kiến tiêu cực trong nhận thức của bệnh nhân, từ đó ông phát triển các lập luận về rối loạn cảm xúc. Đối với Ellis, ông nhận định rằng niềm tin phi lý, phi thực tế của cá nhân là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của họ.
Lý luận chủ đạo
Trong trị liệu nhận thức, vai trò của hoạt động xử lý thông tin trong việc đáp ứng và thích nghi giúp con người tồn tại tốt ngoài môi trường xã hội. Luận điểm của trị liệu nhận thức là phản ứng của con người bao gồm nhiều yếu tố cấu thành gồm: nhận thức, cảm xúc, động cơ, hành vi. Trong đó, nhận thức đóng vai trò giải thích hay đưa ra cách xử lý đối với các sự kiện và tình huống bên ngoài. Như vậy, nhận thức ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại là cảm xúc, động cơ, hành vi của con người để tạo ra phản ứng. Một khi nhận thức bị sai lệch, diễn dịch méo mó thực tế dẫn đến phản ứng của con người bị nhiễu loạn và không phù hợp, kém thích nghi.Mỗi dạng rối loạn tâm lý lại có một cấu trúc nhận thức mang tính đặc trưng nhưng chúng vẫn mang những nét giống nhau là cá nhân diễn dịch sai lệch, bóp méo thực tế hoặc cá nhân có cái nhìn tiêu cực về tình huống. Để trị liệu qua nhận thức, nhà trị liệu cần dựa nào nền tảng lập luận cần điều chỉnh những nhận thức méo mó (tái cấu trúc nhận thức), sai lệch, niềm tin phi lý về bản thân và nguyên nhân gây ra vấn đề của bản thân, về người khác, về thế giới xung quanh và về bối cảnh phát sinh vấn đề.Đối với mỗi nhà trị liệu nhận thức sẽ đi theo một biến thể lý thuyết riêng chúng ta sẽ phân tích lý thuyết dựa trên các kỹ thuật trị liệu sử dung.
Trị liệu cảm xúc hành vi hợp lý
- Con người có khả năng sáng tạo, học tập từ sai lầm, hiện thực hóa tiềm năng bản thân để trưởng thành. Nhưng họ cũng có thể tự hủy hoại mình, theo đuổi những khoái lạc, mê tin, cố chấp, né tránh hiện thực hóa bản thân. Đây là 2 mặt trái ngược của mỗi con người.
- Gia đình và áp lực xã hội có thể làm tăng khuynh hướng niềm tin phi lý, thói quen tự hủy hoải, mơ tưởng viển vông, cố chấp.
- Con người thường tư duy, tri giác biểu lộ cảm xúc cùng lúc, những cảm xúc của con người thường đi kèm với sự đánh giá nội dung và tình huống cụ thể.
- Phương pháp trị liệu này cho rằng hầu hết rối nhiễu đến từ tư duy phi lý, phi logic, tự hoại, như vậy, nguyên nhân gây ra rối nhiễu chủ yếu nằm ở bên trong con người chứ không phải những gì xảy đến với họ dù điều xảy ra với họ cũng có thể ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của cá nhân.
Niềm tin hợp lý
- Linh hoạt và thường được diễn đạt bằng các từ ngữ tích cực.
- Chân thực, phù hợp với thực tế.
- Phần sau của niềm tin logic với phần đầu.
- Giúp cho cá nhân đạt được những mục tiêu thực tế trong cuộc sống.
Niềm tin phi lý
- Căng cứng, võ đoán và thường được diễn tả bằng ngôn ngữ tiêu cực.
- Không chân thực, không phù hợp thực tế.
- Không logic
- Không thực tế cản trở cá nhân đạt được mực tiêu trong cuộc sống.