Trước khi học cách viết hay, hãy học cách viết “sạch sẽ”

  1. Truyền thông đa phương tiện

  2. Sáng tác

  3. Thấu Ngành Hiểu Nghề

Gần đây, có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi Nga rằng: ” Chị ơi, làm sao để viết hay ?”

Đối với những câu hỏi này, đầu tiên, Nga muốn khuyên các bạn một điều rằng: Trước khi muốn trở thành một người viết hay, bạn cần là một người viết “sạch sẽ”.

Thế nào là viết “sạch sẽ”?

Trong quan niệm của những người sống bằng nghề viết, thì viết “sạch sẽ” là viết một cách ngắn gọn, dễ hiểu, câu cú và ngữ pháp đầy đủ. Nói chung là viết một cách dễ hiểu và gọn gàng. Việc này nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng quả thực nó đòi hỏi bạn phải một kiến thức nền tảng căn bản về viết lách.

Hiện nay, có những tác giả viết sách cũng chỉ đạt ở mức “sạch sẽ” nhưng vẫn được công chúng đón nhận rất nhiều. Bởi những cuốn sách đó của họ đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Đối với mỗi độc giả, mục đích họ mua sách là để đọc, để hiểu và thu nhận thêm thông tin từ cuốn sách đó. Vậy nếu bạn diễn đạt quá khó hiểu, quá phức tạp thì cuốn sách của bạn bán cho ai?

Có nhiều bạn kinh nghiệm còn yếu, nhưng cũng cố nhồi nhét những từ ngữ phức tạp, văn hoa vào trong bài viết của mình. Để rồi biến bài viết của mình trở thành một mớ hỗn tạp, không thể thẩm thấu được.

Ví dụ như bài viết này, Nga vô tình đọc được trên báo VOV, các bạn thử đọc xem nó có vấn đề gì?

https://cdn.noron.vn/2022/01/22/minh-hoa-hocvietcungnga-1642845027.jpg

Nhận xét: Trích đoạn trên, câu cú quá rối rắm và tối nghĩa. Việc lạm dụng những cụm từ như “khát vọng bao đời”; “phủ sắc hồng hạnh phúc”… khiến bài viết trở nên nặng nề và sáo rỗng. Mới đọc tưởng chừng bay bổng nhưng khi đọc xong, tôi thực sự không hiểu thông điệp tác giả muốn nói là gì?

Do đó, lời khuyên Nga dành cho các bạn là hãy viết một cách dễ hiểu, mạch lạc và đúng trọng tâm. Để viết dễ hiểu, bạn hãy viết những câu đơn, không nên sử dụng nhiều câu ghép. Khi nào đã thành thạo kỹ năng viết rồi, bạn muốn viết câu gì cũng được.

Muốn học cách viết hay, hãy xác định dạng bài viết cụ thể

Tiếp theo, muốn học cách viết hay, bạn cần xác định rằng: “Bạn muốn viết hay ở lĩnh vực nào?”

Bạn muốn viết văn, viết truyện hay viết kịch bản truyền hình, hay viết bài PR, hay bài bán hàng? Nói chung là trước khi viết, bạn cần xác định được loại hình viết, kênh thông tin bạn muốn truyền tải và đối tượng hướng đến của bạn là ai?

Mỗi một dạng bài viết khác nhau sẽ có văn phong khác nhau. Văn phong của báo chí phải khác với văn phong của truyện ngắn hay tản văn…

Đối với viết dạng tản văn, nó thường là dạng bài chia sẻ những cảm xúc trong cuộc sống. Do đó, đây là dạng bài dễ viết nhất và cũng phổ biến nhất. Với dạng bài viết này, đôi khi chúng ta có thể bỏ qua những yêu cầu khắt khe về ngữ pháp. Nhưng yêu cầu về lối hành văn mạch lạc thì vẫn không thể bỏ qua. Nga xin nhắc lại một lần nữa: Nếu độc giả không hiểu bạn đang viết gì, thì bài viết của bạn có còn ý nghĩa gì nữa? Do đó, hãy thực sự lưu tâm vấn đề này!

Còn đối với báo chí, mỗi một loại hình báo chí lại có một ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ của báo phát thanh sẽ có những điểm khác với báo truyền hình, báo internet, báo in và ngược lại.

Trong mỗi loại hình báo chí lại có nhiều thể loại báo chí khác nhau như bản tin, phóng sự, tọa đàm, phim tài liệu…Và mỗi thể loại báo chí trong một loại hình báo chí lại có môt cách diễn đạt khác nhau. Giả dụ như ngôn ngữ của phóng sự truyền hình sẽ khác ngôn ngữ của bản tin truyền hình…

Có lẽ để thực sự hiểu được ngôn ngữ báo chí như thế nào, bạn cần phải tự tìm hiểu thêm trên mạng hoặc qua sách vở, tài liệu. Bởi chỉ trong giới hạn một bài viết này, Nga khó có thể chia sẻ hết với bạn.

Để viết tốt, hãy mở rộng vốn từ của mình

Đây là một yêu cầu tất yếu của việc nâng cao kỹ năng viết. Để viết hay, bạn nên tìm nhiều cách diễn đạt khác nhau cho cùng một vấn đề. Ví dụ như diễn tả về sự cô đơn, không phải lúc nào cũng viết là cô đơn. Mà còn có rất nhiều từ khác, cũng có thể diễn tả nó, ví dụ như “hiu quạnh”, “lạc lõng” “cô quạnh” quạnh quẽ” “đìu hiu” “lẻ bóng”…

Thậm chí bạn có thể học hỏi những cách diễn đạt đột phá như các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã từng sử dụng. Như 2 câu thơ dưới đây của Nhà thơ Xuân Diệu mà Nga rất thích.

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng, như là rơi nghiêng

https://cdn.noron.vn/2022/01/22/nen-viet-cau-don-cang-ngan-gon-xuc-tich-cang-tot-1642845064.png

Nên sử dụng từ tượng hình và tượng thanh trong bài viết

Đây không phải là yêu cầu bắt buộc, đây chỉ là một kinh nghiệm mà tự Nga trải nghiệm và thấy nó hữu ích. Hoặc cũng có thể, Nga chuyên viết kịch bản truyền hình nên Nga yêu thích các từ tượng hình và tượng thanh?

Nhưng Nga thấy, nếu sử dụng các từ tượng hình hoặc tượng thanh, sẽ kích thích trí tưởng tượng của người nghe tốt nhất.

Để giúp người đọc đạt được cảm xúc tốt nhất, hãy khiến họ tưởng tượng. Nga nghĩ vậy! Bởi bản thân Nga khi đọc bất cứ thứ gì, Nga cũng hay tưởng tượng như mình đang xem một cuốn phim quay chậm trước mặt mình. Khi đó, Nga sẽ cảm nhận được cảm xúc của nhân vật một cách chân thực và rõ rệt nhất.

Đơn giản như hai câu thơ trên của nhà thơ Xuân Diệu, nếu đổi lại ông viết rằng

“tiếng rơi rất nhẹ, như là rơi nghiêng” thì câu thơ sẽ không đạt được cảm xúc như “tiếng rơi rất mỏng, như là rơi nghiêng”. Từ mỏng là một từ tượng hình đó các bạn!

Hay quay trở lại với ví dụ về từ cô đơn lúc nãy. Nếu bạn viết một cách đơn thuần như thế này:

  • Tôi cảm thấy mình cô đơn trong cuộc đời.

Thay vì thế, bạn viết rằng:

– Tôi cảm thấy mình lẻ loi trong cuộc đời.

Rõ ràng từ “lẻ loi” vẫn nói lên sự cô đơn, nhưng nó gợi lên 1 hình ảnh rất cô độc. Và ở đây, từ “lẻ loi” đã mang lại cảm xúc cho người đọc tốt hơn hẳn so với từ “cô đơn”.

https://cdn.noron.vn/2022/01/22/cach-viet-bai-hay-1642845065.png

Lời khuyên cuối cùng: Hãy đọc và viết thật nhiều

Nga sẽ không phân tích về giá trị của việc đọc và viết thật nhiều nữa. Bởi nếu bạn là một người thực sự đam mê viết lách, mong muốn nâng cao kỹ năng viết, thì chắc hẳn bạn đủ hiểu giá trị của nó rồi.

Tuy nhiên, Nga chỉ muốn khuyên bạn là hãy lựa chọn sách để đọc sao cho phù hợp. Chứ không hẳn vớ cái gì cũng đọc, đọc bất chấp đúng sai. Điều đó thực sự sẽ tạo nên một phản ứng vô cùng đáng sợ trong tâm trí của bạn đấy. Việc đọc tràn lan sẽ khiến bạn càng chán nản hơn trên con đường đi tìm niềm cảm hứng viết lách của mình. Còn làm sao tìm được loại sách phù hợp, Nga nghĩ chỉ có bạn mới biết điều đó. Chỉ có bạn mới biết mình muốn trở thành người như thế nào? Muốn làm nghề gì? Muốn phát triển kỹ năng gì? Trả lời được những câu hỏi đó, bạn sẽ biết mình nên đọc sách gì và nên rèn luyện như thế nào?

Còn bây giờ, hãy bắt tay vào thực hiện ngay đi nhé! Đừng để những thứ Nga vừa chia sẻ với bạn chỉ mãi nằm trong đầu của bạn. Nga rất mong chờ được đọc những bài viết, những cuốn sách, những tâm sự hoặc những tác phẩm của bạn trong tương lai…

Chúc các bạn thành công và may mắn!

Nếu bạn muốn đọc thêm những bài chia sẻ hoặc tài liệu, kịch bản film truyền hình, sitcom, kịch bản phóng sự của Nga, mời ghé thăm Website của Nga dưới đây nhé!

Từ khóa: 

nâng cao kỹ năng viết

,

kỹ năng viết

,

kỹ năng nghề

,

truyền thông đa phương tiện

,

sáng tác

,

thấu ngành hiểu nghề

Cảm ơn bài viết của bạn nhé, rất bổ ích đối với 1 người đang tập tành viết như mình

Trả lời

Cảm ơn bài viết của bạn nhé, rất bổ ích đối với 1 người đang tập tành viết như mình

Mình thì lại nghĩ viết sạch sẽ là viết đúng, không viết láo. Mình thấy một bộ phận không nhỏ người theo nghiệp viết trong xã hội bây giờ không có lương tâm của nghề viết, nhiều bài viết của họ mình đọc được mình thực sự rất khó chịu trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, câu từ phản cảm mang ý nghĩa dắt mũi, làm lạc hướng người đọc theo những thứ vô bổ và vô giá trị. Mình nghĩ dù có viết hay, câu từ cô đọng, xúc tích,... mà nội dung không sạch thì đối với mình bài viết đó cũng như ng viết ra bài viết đó không xứng đáng được sự đón nhận của người đọc

Bài viết của bạn rất bổ ích. Tuy nhiên theo ý kiến riêng mình nghĩ cũng không nên quá giới hạn và rập khuôn. Đấy chính là lí do vì sao nhà phê bình không phải nhà văn. Mọi thứ trên đời này vốn không có gì là khái niệm bất di bất dịch. Viết sạch sẽ như một bản thuyết trình thì mãi mãi chỉ là một nhà phê bình. Những người viết tạo nên lịch sự đều là những người có con đường viết riêng. Đường nhựa thì rất sạch nhưng không có nghĩa là không phải là đường nhựa thì không đáng được dẫm chân lên. Đối với viết thì sẽ tùy theo góc độ cách nhìn nhận sẽ khác nhau.
Mình cũng từng bị chê viết rất nhiều. Những gì đúng tiếp thu, những gì là nét riêng thì theo mình nên phát triển.

Thích cách bạn dùng từ "sạch sẽ". Rất đúng là trước khi viết hay hãy viết rõ ràng, làm tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin rồi mới tới sự sáng tạo,