Trung tướng VNCH Ngô Quang Trưởng - một tướng tài chọn nhầm phe ...

  1. Lịch sử

Ngô Quang Trưởng là một tướng lĩnh cấp cao của Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Trưởng từng giữ quân hàm cao nhất là Trung Tướng QLVNCH. Khác với nhiều quan chức, tướng lĩnh tham nhũng, ham mê tửu sắc và bất tài, tướng Trưởng là một vị tướng “sạch”, có năng lực và luôn tận tụy với công việc nhà binh của mình. Ông cũng là người số có nguyên tắc, kỷ luật và luôn có cách cư xử đúng mực của người nhà binh, kể cả khi thất trận.

Ngô Quang Trưởng sinh năm 1929 tại Kiến Hòa, một vùng đất thuộc vùng châu thổ sông Mê Kông, đồng bằng sông Cửu Long, trong một gia đình điền chủ. Học xong phổ thông trung học theo chương trình Pháp với bằng tú tài Part 1 tại Cần Thơ, Ngô Quang Trưởng được bổ làm công chức ngoại ngạch ở Mỹ Tho rồi sau đó đã gia nhập khóa 4 trường sĩ quan trừ bị Thủ Ðức. Tới tháng 6/1954, ông ta ra trường với quân hàm thiếu úy. Ông được điều chuyển ra miền Bắc tăng cường cho Tiểu đoàn 5 nhảy dù đang tham chiến tại mặt trận Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, đơn vị chưa kịp điều động thì Điện biên phủ thất thủ.

Sau khi thoát chết ở Điện Biên Phủ, ông ta được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 1 của Tiểu đoàn 5 nhảy dù Quân đội Quốc gia Việt Nam. Khi Ngô Đình Diệm loại trừ Bảo Đại khỏi chính trường Nam Việt Nam, Ngô Quang Trưởng tiếp tục phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tháng 5/1955, Ngô Quang Trưởng tham gia cuộc tiễu trừ quân phiến loạn Bình Xuyên. Sau khi chiến dịch này kết thúc, Ngô Quang Trưởng được gắn lon Trung úy vào tháng 10.

Trải qua nhiều biến cố chính trị tại Nam Việt Nam, do không tham gia sâu vào chính trị, Ngô Quan Trưởng vẫn tiếp tục binh nghiệp một cách bình thường. Năm 1964, Trưởng lên Thiếu tá và được cử giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 nhảy dù. Năm 1965, Ngô Quang Trưởng được thăng cấp Trung tá và được giữ chức Tham mưu trưởng Sư đoàn nhảy dù. Một năm sau, Ngô Quang Trưởng lại được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó Sư đoàn dù, dưới quyền chỉ huy của tướng Dư Quốc Đống.

Năm 1966, sau biến cố bạo động ở miền Trung, Ngô Quang Trưởng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm – Tư lệnh quân đoàn 1 – vùng 1 chiến thuật.

Năm 1967, Sư đoàn 1 bộ binh do Trưởng làm tư lệnh đã có nhiều cuộc giao tranh với Quân Giải phóng ở mặt trận Thừa Thiên. Để cổ vũ tinh thần cho viên tư lệnh chiến trường, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thăng quân hàm cho Ngô Quang Trưởng lên Chuẩn tướng. Lực lượng của tướng Trưởng đã tấn công và phá vỡ hạ tầng cơ sở của lực lượng du kích địa phương trên 3 địa danh: Lương Cổ, Đồng Xuyên, Mỹ Xá thuộc quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Tháng 5/1968, sau chiến cuộc Mậu Thân, Trưởng được phong hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 4 – vùng 4 chiến thuật (khu vực miền Tây Nam Bộ). Tháng 11/1970, Ngô Quang Trưởng được thăng quân hàm Trung tướng.

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị-Thiên của QĐNDVN thực hiện những đợt tấn công như vũ bão vào các cứ điểm của QLVNCH đóng dọc theo vùng giới tuyến, gây ra cho đối phương nhiều tốn thất. “Mùa hè Đỏ Lửa 1972” đã “nóng” lên. Đầu tháng 5/1972, tướng Ngô Quang Trưởng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu hồi từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 ở Cần Thơ về Sài Gòn để giao nhiệm vụ mới. Ngay sau đó, Trưởng đã đáp máy bay ra Huế để thay Trung tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư lệnh Quân đoàn 1 – vùng 1 chiến thuật với trách nhiệm nặng nề là “tái chiếm cổ thành Quảng Trị từ tay Cộng quân”.

Tới Huế, tướng Trưởng đã tuyên bố “Đồng bào ở Huế từ nay không cần phải lo sợ nữa, vì quân đội Bắc Việt muốn chiếm được cố đô Huế phải bước qua xác chết của tôi…”Sau khi Trưởng nhậm chức ở Vùng 1 chiến thuật, chính quyền trung ương Sài Gòn đã tăng phái cho Ngô Quan Trưởng toàn bộ lực lượng tổng trù bị của QLVNCH, đồng thời còn nhận được sự yểm trợ từ xa rất tích cực của Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Sau nhiều giao tranh đẫm máu, lực lượng của tướng Ngô Quang Trưởng đã tái chiếm Cổ thành Quảng Trị và các phần đất ở phía nam sông Thạch Hãn, gây nhiều thiệt hại nặng cho các đơn vị của đối phương. Cả 2 phía đều chịu nhiều tổn thất lớn trong chiến dịch này. Nhưng cũng nhờ chiến công này mà tướng Trưởng trở thành “ngôi sao sáng”, là “cứu cánh” của chính quyền và quân đội Nam Việt Nam.

Nhìn chung, Ngô Quang Trưởng đã được coi như một viên tướng chiến trường vào loại khác biệt nhất trong quân đội Sài Gòn, vốn có rất phổ biến hiện tượng áp phe trong đội ngũ sĩ quan cao cấp. Gương mặt lạnh lùng, khô khan, rất ít biểu lộ cảm xúc con người, tác phong cứng nhắc theo đúng những điều ghi trong điều lệnh, Ngô Quang Trưởng không từ bất cứ việc gì mà ông ta cho là thích hợp với lệnh trên. Khi ra một mệnh lệnh gì đó cho thuộc cấp, Ngô Quang Trưởng cũng thường đích thân tới tận nơi kiểm tra thực tế xem mệnh lệnh của mình được thực hiện thế nào. Theo đại tướng Mỹ Abrams, Ngô Quang Trưởng là một viên tướng có khả năng về mọi mặt, nhất là về bình định nông thôn, một chương trình mà các cố vấn Mỹ đều cho rằng, chính phủ Việt Nam Cộng hòa cần phải thực hiện nhanh… Cũng chính Đại tướng Abrams đã cho rằng lính của tướng Trưởng tác chiến trong rừng giỏi hơn quân Mỹ…

Tháng 3 năm 1975, khi Quân Giải phóng mở chiến dịch đồng loạt Tổng tấn công trên khắp miền Nam, với chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu 1, ông Trưởng được lệnh phải giữ bằng được Huế. Trong tình hình này, ông tuyên bố: “Việt Cộng phải bước qua xác tôi mới vào được cố đô Huế”. Còn Tổng thống Thiệu thì tuyên bố trên đài Sài Gòn: “Bỏ Kon Tum, Pleiku để bảo toàn lực lượng, còn Đà Nẵng, Huế, Quân khu 3 sẽ phải giữ đến cùng”.

Quân giải phóng mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ngô Quang Trưởng đã liên tiếp nhận được những thông tin bại trận từ tiền phương. Tình thế của quân đội Sài Gòn một bi đát, Ngô Quang Trưởng liên tục gọi điện về Sài Gòn để xin Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên cho quân đội tăng phái để hòng cầm cự địa bàn. Tuy nhiên, hỏa lực quá mạnh của Quân giải phóng đã nhanh chóng làm lực lượng QLVNCH ở Vùng 1 Chiến thuật vỡ trận.

Khi Thủ tướng Khiêm đến Đà Nẵng, Tướng Trưởng đã triệu tập cuộc họp tất cả các Tư lệnh sư đoàn, Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Bộ Tham mưu, và các Trưởng phòng sở hành chính để nghe Trần Thiện Khiêm nói chuyện. Trước khi Thủ tướng Khiêm đến, Tướng Trưởng đã có cuộc gặp với những thành viên dự họp, đề nghị phải nói thẳng cho Thủ tướng biết thực trạng ở vùng 1 chiến thuật. Nhưng sau khi nghe Thủ tướng Khiêm nói chuyện xong, chẳng có ai phát biểu gì, chỉ duy nhất Đại tá Kỳ - Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị có ý kiến xin Thủ tướng cho biết phải làm gì đối với số công chức đã tự ý rời nhiệm sở trong những ngày qua. Nhưng, thủ tướng Trần Thiện Khiêm cũng không trả lời mà lại lảng sang một chuyện khác.

Ít lâu sau, có lệnh di tản Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I vào Đà Nẵng. Lại cộng thêm xích mích gay gắt giữa ông với Tổng thống Thiệu. Cùng lúc đó tin tức về việc bỏ Cao Nguyên cùng dòng người di tản hàng trăm ngàn người ùn ùn đổ vào Đà Nẵng khiến thành phố trở nên hoảng loạn và không thể kiểm soát được. Cộng với việc rút Sư đoàn Dù về Sài Gòn và tin đồn Tổng thống Thiệu muốn rút cả Sư đoàn Thủy quân Lục Chiến khiến tinh thần binh sĩ của tướng Trưởng đã xuống rất thấp, quan và lính tranh nhau lên máy bay, gây ra cảnh ẩu đả náo loạn. Sĩ quan, binh sĩ cùng với gia đình tháo chạy gây ra cảnh cướp bóc, bắn giết,… Hàng vạn lính mắc kẹt tại Đà Nẵng chạy ra bán đảo Sơn Trà hòng thoát về phía nam bằng đường biển, gây ra cảnh chen lấn giẫm đạp tranh nhau xuống tàu, binh lính đạp cả sĩ quan xuống biển. Cuộc di tản hoàn toàn thất bại, tổn thất toàn bộ lực lượng quân sự và cơ giới của Quân đoàn I trong thời gian rất ngắn. Thiệt hại đáng kể nhất là việc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mất hoàn toàn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ có 3 triệu dân, và việc tan rã 4 Sư đoàn quân chủ lực, trong đó có hai Sư đoàn thuộc hàng thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa là Sư đoàn 1 Bộ Binh và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, đưa đến sụp đổ toàn bộ miền Nam một cách nhanh chóng bất ngờ. Trong vòng 32 giờ, hơn 100.000 quân ở Đà Nẵng dưới quyền của tướng Trưởng đã hoàn toàn tan rã và đầu hàng.

Tướng Ngô Quang Trưởng đã không thể giữ lời hứa “chết trong thành phố Huế”, mà tìm cách bơi ra tàu chiến đang neo ngoài khơi Đà Nẵng để thoát khỏi vòng vây. Tướng Trưởng phải từ bơi ra tàu đang neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng, do sóng to và tàu neo xa bờ khiến ông khi lên được tàu trong tình trạng sức khỏe rất kém, phải thở bằng máy, tàu cập bến Cam Ranh chở theo ông và hơn 4.000 Thủy Quân Lục Chiến. Hạm trưởng được lệnh chuyển ông sang tàu khác tốt hơn và bỏ lại 4.000 Thủy Quân Lục Chiến ở Cam Ranh, chở 1 mình ông vào Sài Gòn nhưng ông từ chối. Tàu cập bến cảng Vũng Tàu, sau đó ông được chuyển vào Tổng Y Viện Cộng Hòa chữa trị.

Theo lời kể của một viên sĩ quan QLVNCH có mặt trên chuyến tàu hôm đó, sau khi được thuộc cấp dìu lên được tàu, Ngô Quang Trưởng đã bị ngất lịm đi vì mệt và đói. Khi chiếc tàu này đang trên đường di tản về Sài Gòn, tướng Ngô Quang Trưởng còn nhận được một lệnh khẩn của Tổng thống Thiệu chỉ đạo quay lại để “tái chiếm Đà Nẵng”, nhưng với một thực tế quá đỗi bẽ bàng, Tướng Trưởng đành phải phúc đáp cho Tổng thống Thiệu rằng hiện tại ông ta không thể lấy ai để thi hành nhiệm vụ vì lính tráng đã mỗi người một nơi, cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát

Những ngày cuối tháng 4/1975, một sĩ quan lục quân Mỹ từng làm việc với tướng Trưởng đã đến gặp gia đình ông và đề nghị di tản khỏi Sài Gòn trước khi Quân Giải phóng từ mọi hướng đổ về làm chủ thành phố. Ngô Quang Trưởng cho vợ con xuống tàu thủy để ra đi; còn riêng Ngô Quang Trưởng thì sẽ ở lại.

Tuy vậy, do tình hình ngày càng một xấu đi trên chiến trường, các tướng lĩnh thi nhau chạy trốn. Tướng Trưởng vẫn cố gắng ở lại để chiến đấu nhưng vô vọng. Sáng 30/04/1975, trên đường đào thoát, Nguyễn Cao Kỳ đã ghé vào trụ sở Bộ Tổng tham mưu QLVNCH và bắt gặp Ngô Quang Trưởng đang ngồi ở đó, thất thần nhìn bản đồ và hút thuốc. Lúc này tại đây đã rất vắng người vì đa phần nhân sự đều mạnh ai nấy chạy. Ông Trưởng rất thất vọng, mặc dù muốn tiếp tục chiến đấu nhưng lực bất tòng tâm. Thế là Nguyễn Cao Kỳ đã đưa Ngô Quang Trưởng lên máy bay để di tản cùng mình.

Có chuyện kể rằng khi đó ông Kỳ lừa ông Trưởng là sẽ chở ông ta ra mặt trận ngoại vi Sài Gòn, tướng Trưởng nghe theo và mặc nguyên đồ trận, đeo súng, đội mũ sắt lên trực thăng. Nhưng khi lên trực thăng rồi thì ông Kỳ lái tuốt ra biển, nơi có Hạm đội 7 đang chờ. Ông Trưởng bất đắc dĩ di tản ra hạm đội Mỹ. Từ đó, ông Trưởng đến đảo Guam để đoàn tụ gia đình. Nhưng cũng vì lí do kia mà ông Trưởng cũng giận ông Kỳ cho đến khi qua đời (!)

Tại đây, gia đình Ngô Quang Trưởng được Đại tá Sauvageot đến để cho biết rằng Tướng Cushman (từng là cố vấn quân sự của Mỹ tại vùng 4 chiến thuật VNCH) cử ông ta đến để đón gia đình Tướng Trưởng về cùng sinh sống với gia đình Cushman tại trường Chỉ huy tham mưu Leavenworth. Tại đây, với sự giới thiệu của Cushman, Tướng Trưởng và người con trai tên Diệp bắt đầu đi học nghề nông ở một nông trại cho đến lúc chuyển đến định cư tại Falls Church Virginia – miền Đông nước Mỹ.

Những ngày sống lưu vong trên đất Mỹ, Ngô Quang Trưởng không giống những tướng tá của chế độ VNCH trước đây là tham gia vào những cuộc hội họp, bình luận về sự kiện 30/04/1975, phân tích những nguyên nhân bại trận của họ hay đả phá chế độ trong nước. Ông ta sống rất lặng lẽ, bình lặng nhưng cũng trầm uất cay đắng của một viên tướng thua cuộc. Những cuốn sách mà Ngô Quang Trưởng đã viết ở Mỹ theo yêu cầu của Trung tâm Lịch sử quân sự Mỹ thường thiên về những phân tích thuần tuý quân sự chứ không đả động đến vấn đề chính trị.

Ai đó có cố gắng gặng hỏi điều gì về thời chiến cuộc, ông ta đều tảng lờ sang chuyện khác. Có chăng, Ngô Quang Trưởng chỉ ngậm ngùi bảo rằng: “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí”. Tướng Ngô Quang Trưởng qua đời vào 3h00 ngày 22/01/2007.

Ước nguyện cuối cùng của viên tướng bại trận tha hương là được đưa tro cốt về cùng đất mẹ. Mùa hè năm 2008, bà Nguyễn Tường Nhung – vợ ông, và là con gái của nhà văn Thạch Lam, cùng những đứa con đã làm theo di nguyện ấy, đưa tro cốt chồng, cha mình về Việt Nam

Theo Hoàng Hải- Quan điểm trong bài là quan điểm của người viết

https://cdn.noron.vn/2019/08/27/ea674d9b0019ee065f3a7fb9559eb091_1024.jpg
Từ khóa: 

ngô quang trưởng

,

tướng việt nam cộng hoà

,

lịch sử

Ông này là tướng giỏi của miền nam , từng vài lần đối đầu với ông lê trọng tấn , tướng trận mạc hàng đầu của bắc việt
Trả lời
Ông này là tướng giỏi của miền nam , từng vài lần đối đầu với ông lê trọng tấn , tướng trận mạc hàng đầu của bắc việt