Trung thu xưa và nay có gì khác?
Theo truyền thống, Trung thu là Tết đoàn viên được mở ra vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm, khoảng thời gian gia đình quây quần bên nhau để thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo, trà xanh. Đây cũng được coi là dịp Tết Thiếu nhi, người lớn sẽ bày cỗ, tặng đồ chơi, lồng đèn, mặt nạ cho trẻ em. Người Việt còn tổ chức múa lân, sư, rồng, hát trống quân và treo đèn lồng trước cửa nhà.
Giờ đây, không khí ngày Tết Trung thu đang đến gõ cửa từng ngôi nhà từ vùng quê đến những con phố. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, trải qua lớp bụi của thời gian, Trung thu xưa và nay đều có những đổi thay gắn với cuộc sống của con người.
Từ món quà Trung thu
Trung thu xưa...
Nếu như ở Trung thu xưa, hình ảnh bố vót tre làm lồng đèn, mẹ bày biện mâm cỗ, trẻ con háo hức nghe bà kể tích chuyện Trung thu xưa trở nên vô cùng quen thuộc với trẻ em xưa, thì đến ngày nay, điều đó trở nên xa lạ với trẻ em ở hiện đại.
và Trung thu nay.
Không còn những chiếc đèn cù, đèn ông sao giản dị mà các ông bố thường tự làm cho con, giờ đây, không cần mất công sức để làm, trẻ em luôn được bố mẹ mua cho những chiếc lồng đèn đa dạng màu sắc, đủ kiểu, có các chức năng phát sáng, phát nhạc... thời thượng.
Rồi cuộc sống hiện đại và tất bật khiến cha mẹ quên kể cho con nghe những câu chuyện về nguồn gốc và phong tục Trung thu xưa cũ. Trung thu không còn là Tết của trẻ con, mà còn trở thành dịp lễ để người lớn đi chơi, hoặc để những cha mẹ biếu quà cho cấp trên hay đối tác...
Đến cách phá cỗ
Ngày nay, mỗi khi Trung thu đến, người người, nhà nhà lại nhộn nhịp chuẩn bị đón Rằm tháng Tám vui nhộn. Tuy nhiên, không còn những buổi tối ấm áp ngồi ở nhà cùng nhau phá cỗ nữa, mà thay vào đó, cách phá cỗ, đi chơi đêm Trung Thu của các bạn trẻ cũng trở nên mới mẻ, hợp thời hơn. Nhiều người chọn cho mình cách vào bar, club chung vui với bạn bè,... hay đi liên hoan ở nhà hàng, quán ăn...
Trung thu xưa...
và Trung thu nay.
Trở lại với Trung thu xưa, đâu đâu bạn cũng nghe tiếng trống rộn ràng, những chú lân nhảy múa vui vẻ. Các gia đình cùng nhau phá cỗ ngắm trăng, sau đó cùng nhau đổ ra đường vui Tết truyền thống, có đèn lồng, bánh nướng thơm lừng và nghe những tiếng hát rước đèn của trẻ thơ... vô cùng vui nhộn.
Con người cũng đổi thay
Nếu như Trung thu xưa trở thành đêm hội truyền thống để mọi người, mọi nhà quây quần trong đêm phá cỗ trăng Rằm, thì ngày nay, cũng với con người ấy, không gian ấy, họ lại không còn cảm giác tha thiết như xưa nữa. Đối với những đứa trẻ, nếu như ngày xưa chúng rất thích ngắm trăng sáng như gương vào đêm trung thu, thì ngày nay, việc ngắm trăng trong thành phố khó khăn hơn do sự xuất hiện của nhiều cao ốc, tòa nhà cao tầng... Thay vào đó, trẻ em phải đi chơi Trung thu giữa phố xá đông nghẹt người, ồn ào và náo nhiệt để rồi con người dần dần lãng quên đi những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội cũng như những nét đẹp truyền thống vốn có...
Tham khảo: Đời sống & Pháp luật