Trung Quốc Thời đế quốc?
kiến thức chung
Vạn Lý Trường Thành dài hơn 6.400 km, được xây dựng trong suốt 2.000 năm nhằm bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc trước các cuộc xâm nhập của những người du mục trên thảo nguyên phương Bắc. Đây được coi là biểu tượng cho sức lao động của nhân dân Trung Hoa
Thời kỳ Chiến Quốc kết thúc vào năm 221 TCN, sau khi nước Tần chinh phục sáu vương quốc khác và thiết lập quốc gia Trung Hoa thống nhất đầu tiên. Tần vương Doanh Chính tuyên bố bản thân là "Thủy hoàng đế", tức hoàng đế đầu tiên, và tiến hành cải cách khắp Trung Quốc, đáng chú ý là cưỡng bách tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ, đo lường, chiều dài trục xe, và tiền tệ. Triều đại Tần chỉ tồn tại trong 15 năm, nó bị diệt vong không lâu sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, do các chính sách Pháp gia hà khắc và độc đoán dẫn đến nổi dậy rộng khắp.[33][34]
Triều đại Hán cai trị Trung Quốc từ 206 TCN đến 220 CN, thiết lập một bản sắc văn hóa Hán bền vững trong dân cư và tồn tại cho đến nay.[33][34] Triều đại Hán mở rộng đáng kể lãnh thổ thông qua các chiến dịch quân sự đến bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ và Trung Á, và cũng tạo điều kiện thiết lập Con đường tơ lụa tại Trung Á. Trung Quốc dần trở thành nền kinh tế lớn nhất của thế giới cổ đại.[35] Triều Hán chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng quốc gia, đây vốn là một tư tưởng triết học phát triển vào thời kỳ Xuân Thu. Mặc dù triều Hán chính thức bãi bỏ hệ tư tưởng chính thức của triều Tần là Pháp gia, song những thể chế và chính sách Pháp gia vẫn tồn tại và tạo thành nền tảng cho chính phủ triều Hán.[36]
Sau khi triều Hán sụp đổ là một giai đoạn chia rẽ được mang tên Tam Quốc.[37] Sau một thời kỳ thống nhất dưới quyền triều đại Tây Tấn, Trung Quốc tiếp tục chia rẽ trong các giai đoạn Đông Tấn-Thập Lục Quốc và Nam-Bắc triều. Năm 581, Trung Quốc tái thống nhất dưới quyền triều đại Tùy. Tuy nhiên, triều đại Tùy suy yếu sau khi thất bại trong chiến tranh với Cao Câu Ly kéo dài từ 598 đến 614.[38][39]
Dưới các triều đại Đường và Tống, công nghệ và văn hóa Trung Quốc bước vào một thời kỳ hoàng kim.[40] Loạn An Sử trong thế kỷ VIII đã tàn phá quốc gia và khiến triều Đường suy yếu.[41] Triều Tống là chính phủ đầu tiên trong lịch sử thế giới phát hành tiến giấy và là thực thể Trung Hoa đầu tiên thiết lập một hải quân thường trực.[42] Trong các thế kỷ X và XI, dân số Trung Quốc tăng lên gấp đôi, đến khoảng 100 triệu người, hầu hết là nhờ mở rộng canh tác lúa tại miền trung và miền nam, và sản xuất dư thừa lương thực. Thời Tống cũng chứng kiến một sự hưng thịnh của triết học và nghệ thuật, nghệ thuật phong cảnh và tranh chân dung đạt được trình độ mới về sự thành thục và độ phức tạp,[43] và các tầng lớp tinh hoa trong xã hội tụ tập để chiêm ngưỡng nghệ thuật, chia sẻ tác phẩm của họ và giao dịch các tác phẩm quý báu. Thời Tống chứng kiến một sự phục hưng của Nho giáo, đối lập với sự phát triển của Phật giáo vào thời Đường.[44]
Tường thành Bình Dao tại Sơn Tây được xây dựng từ thời Minh, một trong bốn tường thành cổ được bảo tồn tốt nhất tại Trung Quốc.
Trong thế kỷ XIII, Trung Quốc dần bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục, Tây Hạ và Kim dần bị tiêu diệt. Năm 1271, đại hãn người Mông Cổ là Hốt Tất Liệt thiết lập triều đại Nguyên; triều Nguyên chinh phục tàn dư cuối cùng của triều Tống vào năm 1279. Trước khi Mông Cổ xâm chiếm, dân số Trung Quốc là 120 triệu; song giảm xuống 60 triệu trong điều tra nhân khẩu năm 1300.[45] Một nông dân tên là Chu Nguyên Chương lật đổ triều Nguyên vào năm 1368 và kiến lập triều đại Minh. Thời Minh, Trung Quốc bước vào một thời kỳ hoàng kim khác, phát triển một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trên thế giới và có một nền kinh tế giàu có và thịnh vượng, trong khi phát triển về nghệ thuật và văn hóa. Trong giai đoạn này, Trịnh Hòa dẫn đầu các chuyến thám hiểm vượt đại dương, tiến xa nhất là đến châu Phi.[46] Trong những năm đầu thời Minh, thủ đô của Trung Quốc được chuyển từ Nam Kinh đến Bắc Kinh. Cũng trong thời Minh, các triết gia như Vương Dương Minh tiếp tục phê bình và phát triển lý học với những khái niệm về cá nhân chủ nghĩa và đạo đức bẩm sinh.[47]
Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành là nơi các hoàng đế Trung Hoa thiết triều trong suốt 500 năm. Hình ảnh của nó được sử dụng làm quốc huy Trung Hoa hiện nay
Triều Thanh kéo dài từ năm 1644 đến năm 1912, là triều đại đế quốc cuối cùng của Trung Quốc. Trong thế kỷ XIX, triều đại này phải đương đầu với chủ nghĩa đế quốc phương Tây trong Chiến tranh Nha phiến. Trung Quốc buộc phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, trả bồi thường, cho phép người ngoại quốc có đặc quyền ngoại giao và nhượng Hồng Kông cho người Anh[48] vào năm 1842. Chiến tranh Thanh-Nhật (1894–95) dẫn đến việc triều Thanh mất ảnh hưởng tại Triều Tiên, cũng như phải nhượng Đài Loan cho Nhật Bản.[49] Trong những năm 1850 và 1860, cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc đã tàn phá miền nam Trung Quốc.
Lịch sử Trung Hoa thời kỳ đế quốc có những điều rất đặc biệt so với các đế chế khác cùng thời. Cũng như các đế chế khác, Trung Hoa đã nhiều lần bị ngoại tộc (Mông Cổ, Mãn Thanh...) xâm chiếm, hoặc trải qua các chia rẽ nội bộ. Trải qua hơn 2.500 năm, dù thịnh suy mỗi lúc khác nhau, nhưng đế quốc Trung Hoa vẫn không hề biến mất mà ngược lại ngày càng tích lũy nhiều thành tựu, trong khi các đế chế khác như La Mã, Ba Tư... cứ lần lượt xuất hiện rồi sụp đổ. Nguyên nhân là nền văn hiến thâm sâu của Trung Hoa (nổi bật là triết lý tổ chức xã hội của Nho giáo và triết lý dung hòa tự nhiên của Âm dương ngũ hành), đó là thứ không gươm giáo nào hủy hoại được, ngược lại nền văn hiến này đã lôi cuốn và cuối cùng đồng hóa luôn những thế lưc chinh phục, đồng thời còn ảnh hưởng sâu đậm tới những nước láng giềng (Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản). Không phải chính trị, cũng không phải vũ lực của Trung Quốc, mà chính văn hiến của Trung Quốc mới là vũ khí mạnh nhất của đế chế Trung Hoa.
Nội dung liên quan
Huyền Lam