Trung Quốc Thời Dân Quốc (1912–1949)?
kiến thức chung
Tôn Trung Sơn (ngồi bên phải), và Tưởng Giới Thạch.
Ngày 1 tháng 1 năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, Tôn Trung Sơn của Quốc dân đảng được tuyên bố là đại tổng thống lâm thời.[50] Tuy nhiên, sau đó chức đại tổng thống được trao cho cựu đại thần của triều Thanh là Viên Thế Khải, nhân vật này tuyên bố bản thân là hoàng đế của Trung Quốc vào năm 1915. Do đối diện với chỉ trích và phản đối rộng khắp trong quân Bắc Dương của mình, Viên Thế Khải buộc phải thoái vị và tái lập chế độ cộng hòa.[51]
Sau khi Viên Thế Khải mất năm 1916, Trung Quốc bị tan vỡ về chính trị. Chính phủ đặt tại Bắc Kinh được quốc tế công nhận song bất lực trên thực tế; các quân phiệt địa phương kiểm soát hầu hết lãnh thổ.[52][53] Đến cuối thập niên 1920, Quốc dân đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch thống nhất quốc gia dưới quyền quản lý của họ sau một loạt hành động khéo léo về quân sự và chính trị, được gọi chung là Bắc phạt.[54][55] Tuy nhiên, các quân phiệt địa phương vẫn chưa bị loại trừ hoàn toàn, họ vẫn nắm quyền tại nhiều địa phương và chỉ trung thành với chính phủ trung ương Quốc dân đảng trên danh nghĩa.
Quốc dân đảng chuyển thủ đô đến Nam Kinh và thi hành "huấn chính", một giai đoạn trung gian của phát triển chính trị được phác thảo trong chương trình Tam Dân của Tôn Trung Sơn nhằm biến đổi Trung Quốc thành một quốc gia hiện đại.[56][57] Nhưng ngay trong nội bộ Quốc dân đảng cũng bị chia rẽ. Năm 1930, do tranh chấp về quyền kiểm soát quân đội, trong nội bộ Quốc dân đảng nổ ra cuộc Trung Nguyên đại chiến, khi một số lãnh đạo của Quốc dân đảng đã liên minh với các quân phiệt địa phương để giao tranh với quân Tưởng Giới Thạch. Cuộc chiến tuy ngắn nhưng có sự tham gia của hơn 1 triệu lính, với khoảng 300.000 người bị thương vong.
Chia rẽ về chính trị tại Trung Quốc gây khó khăn cho Tưởng Giới Thạch trong việc chiến đấu với Đảng Cộng sản trong nội chiến từ năm 1927. Cuộc chiến này tiếp tục với thắng lợi ban đầu của Quốc dân đảng, đặc biệt là sau khi Đảng Cộng sản triệt thoái trong Trường chinh, kéo dài cho đến khi Nhật Bản xâm lược và sự biến Tây An năm 1936 buộc Tưởng Giới Thạch phải đối đầu với Đế quốc Nhật Bản.[58]
Chiến tranh Trung-Nhật (1937–1945) là một mặt trận của Chiến tranh thế giới thứ hai, thúc đẩy một liên minh miễn cưỡng giữa hai phe Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản. Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện Trung Quốc vào năm 1945. Đài Loan, bao gồm cả Bành Hồ, được đặt dưới quyền quản lý của Trung Hoa Dân Quốc. Trung Quốc đóng vai trò là quốc gia chiến thắng, song bị tàn phá và tài chính kiệt quệ. Sự thiếu tin tưởng giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản khiến nội chiến tái khởi động. Năm 1947, hiến pháp được thiết lập, song do xung đột đang diễn ra, nhiều quy định trong Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc chưa từng được thực thi tại Trung Quốc đại lục.[59]
Nhìn chung, trong giai đoạn 1912-1949, tuy Trung Hoa Dân Quốc được coi là chính phủ hợp pháp duy nhất tại Trung Quốc, nhưng chính phủ trung ương chưa từng kiểm soát được hoàn toàn đất nước. Trên thực tế thì Trung Quốc trong giai đoạn này bị phân liệt thành nhiều mảnh, chiến tranh diễn ra liên tục giữa các quân phiệt cát cứ, nạn thổ phỉ xảy ra khắp nơi và còn phải chịu ngoại xâm, giống như thời kỳ Ngũ đại thập quốc hồi thế kỷ thứ 10. Khoảng 30-40 triệu người Trung Quốc đã chết trong thời kỳ chiến tranh hỗn loạn này (bởi súng đạn hoặc bởi các nạn đói), trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công trong việc tái thống nhất đất nước và ổn định tình hình.
Nội dung liên quan
Nguyễn Thị Hà Nguyên