Trong quá trình giao lưu văn hóa của Việt Nam, ảnh hưởng của văn hóa Pháp tới Việt Nam là gì?
kiến thức chung
Ảnh hưởng của văn hóa pháp đến văn hóa việt nam
Dường như lịch sử đã ngẫu nhiên chọn văn hóa là điểm tiếp xúc đầu tiên và xuyên suốt của mối quan hệ Pháp - Việt: Vào thế kỉ 17, những người Pháp đặt chân đến Việt Nam là để truyền giáo - phổ biến một “sản phẩm” văn hóa mới tại đất nước này.
Những rào cản ngôn ngữ nhanh chóng được vượt qua và sự ra đời của cuốn từ điển Việt - Bồ - La năm 1651 do giáo sĩ Alexandre de Rhodes biên soạn lại dựa trên gốc đã được một số giáo sĩ tìm hiểu trước đó và để lại có thể được xem như một thành quả đáng trân trọng của cuộc tiếp xúc ban đầu này. Từ đây, Tiếng Pháp đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa, xã hội của người Việt. Tiếng Pháp được sử dụng trong các văn bản, giấy tờ của Chính phủ Bảo hộ và trong giảng dạy ở nhà trường, bên cạnh đó là các loại sách báo thâm nhập đời sống thường ngày của người dân. Và cũng nhờ giáo sĩ Alexandre de Rhodes, “Latinh hóa” chữ Việt ngày càng được phổ biến để trở thành Quốc ngữ- Tiếng Việt. Hiện nay, Tiếng Việt cũng có 1 số lượng không nhỏ từ mượn Tiếng Pháp: Nhà ga, xúc-xích,trứng ốp-lết, áo vét, găng tay...
Nhu cầu xây dựng các công trình công cộng và nhà ở cho người Pháp đã khai sinh ngành công nghiệp xây dựng ở Việt Nam và để lại những công trình kiến trúc độc đáo, một di sản chung cho cả hai quốc gia. Chúng ta có thể thấy Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Phủ Chủ Tịch, Nhà Thờ Lớn Hà Nội, Ngoài ra còn có các công trình như trụ sở Bộ Ngoại giao, đường Trần Phú, bệnh viện Xanh Pôn, thư viện quốc gia, chợ Đồng Xuân… Đây đều là những công trình đẹp, tiêu biểu cho phong cách Pháp ở Việt Nam.
Từ đầu thế kỷ 20, khi công cuộc khai thác thuộc địa đã đi vào ổn định, văn hóa Pháp cũng hòa quyện nhẹ nhàng vào văn hóa Việt tạo nên những con người, hiện tượng bất ngờ. Không chủ trương đồng hóa, Pháp không chủ động xóa văn hóa nên hệ thống các công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, lăng tẩm không bị phá hủy một cách có hệ thống. Nhiều lễ hội được tạo điều kiện tổ chức. Bản tính “mê” sưu tầm và nghiên cứu văn hóa của người Pháp đã tạo nên nhiều bảo tàng tại Việt Nam, trong số đó, có nhiều bảo tàng còn lại đến bây giờ hay ít nhất là cái vỏ văn hóa vẫn còn lại để giờ đây lại tiếp tục được sử dụng như bảo tàng lịch sử, bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng cách mạng…
Văn hóa Pháp cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới lớp thanh niên trí thức, thành thị của Việt Nam để tạo thành những phong trào như Thơ mới, nhạc tiền chiến. Hầu hết nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ lớn của Việt Nam đầu thế kỷ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa và ngôn ngữ Pháp. Sự giao lưu văn hóa và học thuật thời kỳ đầu thế kỷ 20 được những nhân vật nổi trội gây dựng và chăm sóc như Victor Tardieu, Nam Sơn Vạn Thọ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên…
Cũng dưới ảnh hưởng của văn hóa Pháp mà thể loại tiểu thuyết và kịch nói ra đời. Các thể chế nghệ thuật khác như nhà hát Opera Hà Nội, Opera Saigon, Opera Hải Phòng, rạp chiếu phim Cinema Palace (nay là rạp Công Nhân),… và tiếp tục tồn tại tới ngày nay. Một trong những điểm son chói lọi của cuộc gặp gỡ văn hóa Pháp - Việt là sự ra đời của một loạt trường hội họa như Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một, đại học Mỹ thuật Đông Dương (với sự hợp tác của Victor Tardieu và họa sư Nam Sơn). Các cuộc triển lãm đấu xảo tại Hà Nội và tại Pháp cũng là dịp để văn hóa Đông Tây được giao hòa với nhau.
Văn hóa ẩm thực Pháp còn thẩm thấu mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam để những thói quen mới được hình thành như uống cà phê, rượu vang, bánh mì, pa tê, các món trứng và thói quen dùng dao, nĩa.
Có thể nói kể từ khi du nhập vào Việt Nam, văn hóa Pháp có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Việt trong quá khứ. Cũng như trong thời đại giao lưu tiếp xúc văn hóa sâu rộng hiện nay, văn hóa Pháp Việt vẫn tích cực có sự giao thoa, ảnh hưởng. Các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Pháp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế đã góp phần làm cuộc hòa nhập của văn hóa Pháp- Việt trở nên sôi động.
Nội dung liên quan
Quân Ái