Trong lịch sử phát triển lãnh thổ, các núi non ở nước ta đã được hình thành trong những thời kì nào?
kiến thức chung
Trong lịch sử phát triển của lớp vỏ Trái Đất nói chung, và của cả châu Á, các nhà địa chất học đã xác định được các thời kì xảy ra các vận động tạo núi lớn sau đây:
- Thời kì trước Đại Cổ Sinh cách đây hàng nghìn triệu năm đã có một vài lần xảy ra các vận động tạo núi.
- Trong Đại Cổ Sinh, cách đây từ 285 triệu năm đến 570 triệu năm đã có 2 thời kì vận động tạo núi lớn:
a) Vận động tạo núi Calêđôni cách đây trên 400 triệu năm.
b) Vận động tạo núi Hecxini cách đây khoảng 300 triệu năm.
- Trong Đại Trung Sinh cũng có 2 thời kì vận động tạo núi lớn:
a) Vận động tạo núi Inđôxini cách đây khoảng trên 200 triệu năm.
b) Vận động tạo núi Kimêri cách đây khoảng trên 150 triệu năm.
- Trong Đại Tân Sinh, vào kỉ Đệ Tam, cách đây từ 25 đến 67 triệu năm, có thời kì vận động tạo núi hết sức mãnh liệt. Đó là vận động tạo núi Himalaya – Anpi.
Các thời kì tạo núi lớn đó đều có ít nhiều ảnh hưởng đến sự hình thành địa hình trên lãnh thổ nước ta.
Trước hết, cách đây hang nghìn triệu năm, chắc chắn là trên lãnh thổ nước ta đã có nhiều núi xuất hiện. Những núi đó dần dần đã bị phá huỷ, trở thành các nền cổ mà một vài bộ phận còn sót lại cho đến ngày nay.
Trong vận động tạo núi Calêđôni ở đầu Đại Cổ Sinh, ở miền Bắc các khối nền cổ Vòm Sông Chảy, Phanxipăng và Sông Mã đã được nâng cao và mở rộng thêm. Ở phía Nam nền cổ Inđôxini cũng bị nứt vỡ mạnh và nhiều bộ phận đã bị sụt lún xuống sâu.
Vận động tạo núi Hecxini xảy ra tương đối yếu ở miền Bắc, chắc chắn đã hình thành nên nhiều dãy núi uốn nếp đá vôi, nhưng các dãy núi này về sau lại bị các vận động tạo núi trong Đại Trung Sinh phát triển tiếp hoặc cải tạo lại. Ở miền Nam vận động tạo núi Hecxini lại khá mạnh, phần lớn các núi non ở phía bắc Đà Nẵng và ở Nam Trung Bộ đều xuất hiện trong thời kì này. Ngoài ra, suốt từ Trường Sơn Bắc trở xuống phía nam đều có hiện tượng xâm nhập hoặc phún xuất măcma.
Trong các vận động tạo núi Trung Sinh, ở miền Bắc hình thành các dãy núi đá vôi dọc song Đà, chạy dài suốt từ Sơn La đến Ninh Bình và các dãy núi cánh cung ở Đông Bắc đều chụm về Tam Đảo. Nhiều hiện tượng xâm nhập và phún xuất mắc ma cũng đã xảy ra. Trong Đại Trung Sinh, hầu hết lãnh thổ Việt Nam đã có chế độ lục địa. Cũng từ đây, tác động bào mòn địa hình của các ngoại lực đã kéo dài khoảng 50 triệu năm, làm cho bề mặt lãnh thổ nước ta bị san bằng và núi non thấp đi rõ rệt.
Trong Đại Tân Sinh, do ảnh hưởng của vận động tạo núi Himalaya xảy ra với nhiều đợt cách nhau, nên địa hình nước ta được trẻ hoá lại. Ở phía bắc, lãnh thổ nước ta đã được cấu tạo vững chắc từ cuối Đại Trung Sinh và gắn liền vào khối Hoa Nam, nên ảnh hưởng của vận động tạo núi Himalaya chỉ gây nên các nếp uốn ngầm, nâng cao ở nơi này, làm sụt lún, đứt gãy ở những nơi khác. Do vận động diễn ra thành nhiều đợt có thời gian, cách nhau khá xa, nên địa hình cũng được nâng lên thành nhiều bậc có độ cao khác nhau.
Một ảnh hưởng quan trong nữa của vận động Himalaya là hoạt động mạnh mẽ của macma đã tạo nên những khu vực ba dan rải rác (như ở Điện Biên, Thanh Hoá, Phủ Quỳ, Vĩnh Linh…). Đặc biệt, hiện tượng phún xuất xảy ra rất mạnh ở phía nam, đá ba dan trào ra đã phủ những diện tích rộng trên các cao nguyên nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ.
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Đinh Công Mạnh