Trồng cây và Mèo (Phần 01)
Việc trồng cây khi bạn nuôi mèo rất đơn giản, chỉ cần bạn chịu khó dành chút thời gian để tìm hiểu đặc tính của các loài cây cũng như những bé mèo của bạn. Mèo thường bị thu hút bởi những cây có hương thơm và thân mỏng, cho nên nếu bạn muốn an toàn cho các bé mèo nhà bạn thì nên các loại cây phù hợp để tránh việc các bé phá cây cũng như bị ngộ độc.
Dưới đây là tổng hợp các cây trồng trong nhà an toàn, các cây thảo mộc giúp cho các bé mèo cũng như có thể làm các bé ngộ độc, bạn nào có ý định trồng cây khi đang có nuôi các em mèo thì tham khảo nhé.
Các cây trồng trong nhà an toàn:
1. Cây Kim Ngân: cây có thân mỏng màu xanh lá cây với những chiếc lá hình chân vịt.
2. Cây cau Hawai, cây cọ cảnh (Chamaedorea elegans) từ lâu đã được trồng làm cây cảnh ở Hoa Kỳ. Cây thích nghi với môi trường ít ánh nắng, có thể chịu nhiệt độ thấp và mọc thành đám khá đẹp với tán lá kết cấu mỏng che phủ những thân cây mỏng.
3. Cây mật cật hay Cọ mảnh, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cọ Rhapis đã được trồng trong nhiều thế kỷ và rất dễ trồng. Chúng mọc thành cụm giống như tre và thân cây được bao phủ nhiều lớp lá xơ, sẫm màu. Lá hình rẻ quạt có màu xanh đậm.
4. Cau Tiểu Trâm: có tên khoa học Chamaedorea elegans, là loại cây thuộc họ nhà cau, có nguồn gốc từ Trung Mỹ và được du nhập về Việt Nam từ rất lâu. Cây có hình dáng giống một cây dừa mini với chiều cao trung bình từ 15 -40 cm, lá cau mọc từ thân chính, các bẹ lá và thân cau có màu vàng.
5. Cây đuôi công: Loài cây này thuộc loài thân thảo, sống lâu năm. Chiều cao cây đuôi công dao động khoảng 25 – 70cm. Thân rễ cây nằm dưới mặt đất giống như các giống cây dong riềng.
Các cây thảo dược tốt cho các bé mèo:
1. Cỏ xạ hương: có tên khoa học là Teucrium marum – là những nhánh hoa dạng bông lau điểm xuyết màu xám và hồng. Cỏ xạ hương nở vào mùa hè. Cỏ xạ hương có cùng công dụng với cỏ bạc hà và được dùng cho mèo con dễ bị mắc bệnh. Nhược điểm của loại cây này là mùi giống mùi mốc làm con người khó chịu nhưng loài mèo lại bị loại mùi này thu hút.
2. Cỏ bạc hà mèo: Cỏ bạc hà mèo là một loại thảo dược trị bệnh cho mèo lâu năm thuộc họ bạc hà. Thành phần hóa học là nepetalactone trong cỏ gây ra phản ứng hưng phấn trong não của những con mèo nhạy cảm. Nếu mèo không phản ứng với cỏ bạc hà, bạn có thể dùng cây nho bạc (silver vine) hoặc cây kim ngân hoa.
3. Cây nữ lang: Cây Nữ lang là một loại thảo dược trị bệnh cho mèo có nguồn gốc từ Châu Âu và cũng mọc ở châu Á và Bắc Mỹ. Nó được dùng để điều trị chứng mất ngủ của con người. Tác dụng của cây nữ lang tương tự như cỏ bạc hà đối với những con mèo nhạy cảm. Cây nữ lang hoạt động như một chất kích thích tự nhiên (mèo ít vận động có thể sử dụng loại cây này để hoạt động thể chất nhiều hơn).
4. Cây bạc hà, hương thảo: Dầu chiết xuất từ các loại thảo mộc này có đặc tính làm dịu da cho mèo bị ngứa và còn có tác dụng chống sâu bệnh tự nhiên. Bạn có thể làm thảo dược trị bệnh cho mèo bằng cách sử dụng một, hai hoặc cả ba loại thảo mộc này với nhau.
5. Cây hải cẩu vàng: Cây hải cẩu vàng được sử dụng như một chất khử trùng vết thương và làm dịu vết dị ứng tự nhiên cho mèo. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể được sử dụng để làm thuốc, nhưng người ta dùng phần rễ để pha trà và đắp thuốc nhiều nhất.
6. Ngoài ra, Rau mầm cũng rất tốt cho mèo. Rau mầm có thể cung cấp nguồn thực vật hữu cơ tươi sống dồi dào nhưng giá lại rẻ vô cùng.
Các loại cây nguy hiểm cho các bé mèo, dưới đây là các loại cây phổ biến được trồng:
1. Nha đam (lô hội): Khá độc. Nhai hoặc ăn có thể làm chó, mèo bị nôn mửa, tiêu chảy, giảm cảm giác thèm ăn hoặc run cơ.
2. Cây Trầu Bà: Khá độc. Nhai hoặc tiêu hóa cũng làm miệng và họng bị kích ứng như những loại cây trên. Chó, mèo cũng không thể tránh khỏi việc chảy nước dãi và nôn mửa.
3. Cây Trạng Nguyên: Khá độc. Miệng và vòm họng chó, mèo sẽ bị kích ứng nếu tiếp xúc với loại cây này. Tuy nhiên, cây Trạng Nguyên không độc như mọi người nghĩ. Chó, mèo phải tiêu hóa một lượng lớn thì mới biểu hiện những dấu hiệu nhiễm độc nhẹ.
4. Cây Vạn Niên Thanh: Khá độc. Tiêu hóa loại cây này có thể gây ra kích ứng miệng và cổ họng. Chó, mèo cũng có thể bị chảy nước dãi hoặc nôn mửa
5. Cây Sung: Khá độc. Tiếp xúc với cây có thể làm chó, mèo bị dị ứng da. Nhai hoặc tiêu hóa loại cây này làm chó, mèo bị nôn mửa và tiêu chảy.
6. Cây Thiết Mộc Lan: Khá độc. Chảy dãi, nôn mửa và loạng choạng là những vấn đề chó, mèo sẽ mắc phải nếu tiếp xúc với cây
7. Cây lưỡi hổ: có thể gây ra tiết nước bọt quá mức, đau, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy khi chó, mèo ăn phải.
Các cây gây nguy hiểm cho mèo nếu bạn muốn trồng thì nên trồng ở những nơi mèo nhà bạn Không thể nào với tới hoặc trèo lên được. Như mình trồng cây lưỡi hổ hay trầu bà thì mình để lưỡi hổ ngoài kệ cao ban công mèo mình ko thể nhảy lên được và trầu bà thì mình treo cao trên gần trần nhà luôn. Trộm vía là hơn 1 tháng nay trồng cây, các bé mèo nhà mình ko hề phá cây hay ăn lá của cây gì hết. Mình chuẩn bị trồng thêm thảo dược để cho tụi nhỏ có ăn trúng thì cũng chỉ “phê phê” với tốt thôi.
Mong là bài tổng hợp trên sẽ giúp ích cho những “con sen” muốn có 1 lối sống Xanh bên cạnh các “boss” nha. Mình chỉ đang tổng hợp những cây mà mình biết trước, các phần sau sẽ có đa dạng cây hơn để khi mọi người có ý định mua thì cân nhắc
Nguồn:
1.
2.
3.
Nhung Đinh.
trồng cây
,nuôi mèo
,sống xanh
,nông nghiệp
,sinh vật cảnh
Hẳn là bạn rất yêu chó mèo nên mới gia công tìm hiểu kĩ càng đến vậy :) đã bao giờ mèo hoặc chó nhà bạn bị ngộ độc bởi một trong số các loài cây kể trên chưa?
Nguyenphuhoang Nam
Hẳn là bạn rất yêu chó mèo nên mới gia công tìm hiểu kĩ càng đến vậy :) đã bao giờ mèo hoặc chó nhà bạn bị ngộ độc bởi một trong số các loài cây kể trên chưa?
Patrick
Đúng lúc mình cũng đang tìm vài loại cây an toàn để trong nhà, cảm ơn bạn hehe
Kiet Tí Tởn
Cái này thấy hơi ngộ à nhà tôi cũng nuôi 3 con mèo... Trồng đủ thứ cây. Chẳng lẽ mèo lại ăn lá cây nhỉ hahah.