Trịnh Nguyễn phân tranh (1627 - 1672)
Thời kỳ trị vì của Lê Thánh Tông là đỉnh cao của nền quân chủ chuyên chế Đại Việt.
Nhưng Hiến Tông và Túc Tông, những người đủ sức duy trì nó lại mất quá sớm. Uy Mục và Tương Dực hoang dâm vô độ, sứ Minh sang Đại Việt bình phẩm Uy Mục là "vua Quỷ" còn Tương Dực là "vua Lợn", tiên đoán sớm muộn triều Lê cũng mất. Quả đúng như vậy, quần hùng nổi lên khắp nơi, vua Lê (cụ thể là Chiêu Tông và Cung Hoàng) chỉ là 1 con rối trong tay các quyền thần, cuối cùng thiên hạ về tay Mạc Đăng Dung (1527).
6 năm sau thời điểm mà Đăng Dung lập ra nhà Mạc, Nguyễn Kim tìm được con rốt vua Chiêu Tông rồi lập làm vua, sử cũ gọi là Lê Trang Tông, mở đầu thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh trong sử Việt, cũng là mở đầu cho nội chiến Nam - Bắc triều (1533 - 1592). Đại Việt từ đó nội chiến liên miên gần 300 năm, bao gồm: Nội chiến Nam - Bắc triều (1533 - 1592), Trịnh Nguyễn phân tranh (1627 - 1672), Tây Sơn - Gia Định - Lê Trịnh - Nguyễn (1771 - 1802). Cuối cùng, Gia Long hoàng đế tiêu diệt Tây Sơn, nhất thống sơn hà.
Nội dung bài này của mình nói về Trịnh - Nguyễn phân tranh, một trong 3 cuộc nội chiến mà mình kể trên. Nhưng cho đến nay, thì việc nghiên cứu về thời kỳ này cũng còn hơi mờ nhạt. Bạn nào muốn tìm đọc thời kỳ này, có thể đọc trong Việt Nam sử lược, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Việt sử: Xứ Đàng Trong, Xã hội Việt Nam qua bút ký người nước ngoài, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục tiền biên, Đai Nam liệt truyện tiền biên.
Chiến tranh, thường thì luôn có người thắng kẻ bại. Chiến tranh ở Việt Nam cũng thế, phần nhiều luôn phân rõ ràng ai là người thắng và ai là kẻ bại. Nhưng trong số đó, có 1 cuộc chiến mà không phân định rõ ràng thắng bại ở bề ngoài, nhưng nếu đi sâu vào phân tích thì sẽ nhận ra người thắng và kẻ bại. Đó là Trịnh Nguyễn phân tranh, 1 trong 3 cuộc nội chiến ở Việt Nam thời trung đại (3 cuộc nội chiến này bao gồm: Nội chiến Nam – Bắc triều, 1533 – 1592; Trịnh Nguyễn phân tranh, 1627 – 1672 và Nội chiến Tây Sơn – Trịnh – Nguyễn, 1771 – 1802).
Nói về hai chủ thể tham gia cuộc nội chiến này, thì chỉ ngắn gọn là “Trước là đồng minh, sau là kẻ thù”. Sở dĩ nói vậy, vì tổ của họ Trịnh (Thế Tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm) và tổ của họ Nguyễn (Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế - Đoan quận công Nguyễn Hoàng), vốn dĩ là mối quan hệ anh rể - em vợ. Vì Trịnh Kiểm lấy Nguyễn Thị Ngọc Bảo (chị gái Nguyễn Hoàng, con gái Chiêu Huân Tĩnh vương Nguyễn Kim). Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, binh quyền giao lại cho Trịnh Kiểm, và 2 anh em Nguyễn Uông – Nguyễn Hoàng (2 con trai của Nguyễn Kim) đều bị Trịnh Kiểm coi là “cái gai trong mắt”. Nguyễn Uông chết không rõ nguyên nhân, còn Nguyễn Hoàng thì nghe lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhờ chị gái Ngọc Bảo xin Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam). Kiểm đồng ý ngay vì mong muốn đất Thuận Quảng “rừng thiêng nước độc” sẽ thay mình trừ họa tâm phúc, nhưng không ngờ rằng mầm mống của 1 cuộc phân tranh bắt đầu từ đây.
Nguyễn Hoàng vào Nam, thi hành cai trị nhân đức, tích cực xây dựng lực lượng để đối chọi với họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Nhưng dưới thời Nguyễn Hoàng thì ông còn nể tập đoàn Lê Trịnh nên vẫn giúp đỡ nhà Lê Trịnh đánh tàn quân họ Mạc. Nhưng sau khi họ Mạc bị đánh bật khỏi Thăng Long, phải chạy lên Cao Bằng (1592), sau 8 năm bị Trịnh Tùng giam lỏng, đến khi trốn thoát được vào Nam (1600) thì Nguyễn Hoàng không bao giờ trở ra Bắc nữa, quyết ý tranh hùng cùng họ Trịnh. Đến đời con ông là chúa Nguyễn Phúc Nguyên cai trị, được Đào Duy Từ giúp đỡ thì họ Nguyễn Phúc quyết ý “rạch đôi sơn hà” tranh hùng cùng họ Trịnh.
Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài trong 45 năm (1627 – 1672), với 7 cuộc chiến tranh lớn nhỏ, trong đó 6 lần là quân họ Trịnh đem quân đánh vào Đàng Trong còn 1 lần là quân họ Nguyễn đem quân đánh ra Đàng Ngoài. 7 cuộc chiến này có thể được mô tả như sau:
1. Đánh nhau lần thứ 1: Năm Đinh Mão (1627), nhân khi nhà Minh bên Tàu còn đang chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao Bằng thì về hàng. Trịnh Tráng mới sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng vua Lê sai vào đòi tiền thuế từ 3 năm trước. Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu, và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi không chịu. Trịnh Tráng thấy vậy, bèn quyết ý đánh họ Nguyễn, sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5000 quân đi làm tiên phong vào đóng ở xã Hà Trung (tục gọi là Cầu Doanh), rồi đem đại binh, rước vua Lê đi đánh mặt Nam. Chúa Sãi sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ làm tiết chế cùng với Nguyễn Hữu Dật đem binh mã ra giữ các nơi hiểm yếu. Quân họ Trịnh đến đánh, chết hại rất nhiều. Bọn Nguyễn Hữu Dật lại đặt ra một kế khiến cho quân Trịnh phải rút về, sai người đi nói phao ra rằng ở ngoài Bắc có Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp làm loạn. Trịnh Tráng nghe tin ấy trong bụng sinh nghi, không biết thực hư thế nào, bèn rước vua Lê và rút quân về Bắc.
2. Đánh nhau lần thứ 2: Năm Canh Ngọ (1630), chúa Sãi nghe lời Đào Duy Từ, sai người đem sắc dụ ra trả vua Lê, rồi sai tướng đánh lấy phía Nam sông Linh Giang để chống với quân họ Trịnh. Đến năm Quý Dậu (1633), nhân khi chúa Sãi có người con thứ ba tên là Ánh, trấn thủ Quảng Nam, có ý muốn tranh quyền, bèn sai người đưa thư ra Thăng Long xin chúa Trịnh đem quân vào đánh bắn súng làm hiệu, thì sẽ làm nội ứng. Ánh lại xin chúa Sãi cho ra trấn thủ đất Quảng Bình để cho tiện làm mưu gian, nhưng chúa Sãi có lòng ngờ, không cho. Khi Trịnh Tráng được thư của Ánh gửi ra, liền đem đại binh vào đóng ở cửa Nhật Lệ. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống giữ. Quân họ Trịnh đến đợi hơn 10 ngày, không thấy tin tức gì của Ánh, bèn lui quân ra để chờ. Quân lính đợi lâu thành ra lười biếng, quân họ Nguyễn mới xuất kỳ bất ý, đổ ra đánh đuổi. Trịnh Tráng thấy sự không thành, rút quân về.
3. Đánh nhau lần thứ 3: Năm Ất Hợi (1635), chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên mất, con là Nguyễn Phúc Lan lên nối nghiệp làm chúa, gọị là chúa Thượng. Lúc ấy, Ánh ở Quảng Nam nghe tin chúa Sãi mất rồi, anh lên nối nghiệp bèn phát binh làm phản. Bấy giờ có Nguyễn Phúc Khê giúp chúa Thượng, sai quân vào đánh bắt được Ánh, lấy nghĩa “Anh em là tình riêng, phép nước là nghĩa lớn” đem giết đi. Trịnh Tráng thấy anh em họ Nguyễn tranh nhau, sai tướng vào đánh đất Nam Bố Chính, giết được tướng họ Nguyễn là Bùi Công Thắng, rồi tiến lên đóng ở cửa Nhật Lệ. Đến năm 1643, Trịnh Tráng đem đại binh và rước vua Lê vào đất Bắc Bố Chính. Nhưng bấy giờ đang tiết tháng tư, khí trời nóng lắm, quân sĩ chết hại rất nhiều, Trịnh Tráng phải rút về Bắc.
4. Đánh nhau lần thứ 4: Năm Mậu Tý (1648), Trịnh Tráng sai Đô đốc Tiến quận công là Lê Văn Hiểu đem quân thủy bộ vào đánh miền Nam; bộ binh tiến lên đóng ở đất Nam Bố Chính; còn thủy quân thì vào đánh cửa Nhật Lệ. Bấy giờ có hai cha con Trương Phúc Phấn cố sức giữ lũy Trường Dục, quân họ Trịnh đánh mãi không tiến lên được. Chúa Nguyễn sai con là Nguyễn Phúc Tần đem binh ra chống giữ với họ Trịnh, khi ra đến Quảng Bình, Nguyễn Phúc Tần hội các tướng lại bàn rằng “Quân kia tuy nhiều, nhưng mà người đánh giỏi thì ít. Nếu đến đêm ta cho voi xông vào rồi đem đại quân đến đánh là chắc phá được”. Đoạn rồi, một mặt cho thủy quân đi phục sẵn ở sông Cẩm La để chặn đường quân Trịnh chạy về; một mặt sai Nguyễn Hữu Tiến đem 100 con voi đến canh năm xông vào trại quân Trịnh, quân bộ tiếp sau vào đánh phá. Quả nhiên quân Trịnh thua to chạy về Bắc, lại gặp quân thủy của họ Nguyễn đón đường đuổi đánh mãi đến sông Lam Giang mới thôi. Trận ấy quân họ Nguyễn bắt được mấy người tướng và 3000 quân của họ Trịnh. Trịnh Tráng thấy quân mình thua, sai Lê Văn Hiểu cùng với Trần Ngọc Hậu lĩnh 1 vạn quân đóng ở Hà Trung, Lê Hữu Đức cùng với Vũ Lương đóng ở Hoàng Sơn, Phạm Tất Toàn đóng ở đất Bắc Bố Chính để phòng giữ quân họ Nguyễn. Lúc bấy giờ ở trong Nam thì chúa Thượng mất, truyền nghiệp chúa lại cho con là Nguyễn Phúc Tần, gọi là chúa Hiền. Ở ngoài Bắc thì vua Chân Tông mất không có con, Trịnh Tráng lại rước Thần Tông, Thái thượng hoàng, về làm vua lần nữa. Họ Trịnh vào đánh họ Nguyễn đã mấy phen, đánh phen nào thì hao binh tổn tướng phen ấy, thế mà vẫn không chịu thôi việc chiến tranh. Đến năm 1655, quân nhà Trịnh lại vào đánh đất Nam Bố Chính. Bấy giờ chúa Hiền mới quyết ý đem quân ra đánh họ Trịnh.
5. Đánh nhau lần thứ 5: Tháng tư năm 1655, chúa Hiền sai Thuận Nghĩa hầu là Nguyễn Hữu Tiến, Chiêu Vũ hầu là Nguyễn Hữu Dật đem quân qua sông Linh Giang ra đánh đất Bắc Bố Chính, tướng họ Trịnh là Phạm Tất Toàn về hàng. Quân nhà Nguyễn tiến lên đánh Hoành Sơn, gặp quân của Lê Hữu Đức, đánh đuổi một trận, rồi thừa thắng đánh đến đồn Hà Trung, Lê Văn Hiểu chống không nổi, phải cùng với Lê Hữu Đức rút quân về giữ An Trường (tức là thành Nghệ An bây giờ). Nguyễn Hữu Tiến đem binh đến đóng ở huyện Thạch Hà, Lê Văn Hiểu và Lê Hữu Đức lại sang đóng ở xã Đại Nại. Trịnh Tráng thấy bọn Lê Văn Hiểu binh bại ở Hà Trung, bèn cho sứ vào triệu về kinh, và sai Trịnh Trượng vào làm thống lĩnh, kinh lược đất Nghệ An. Lê Văn Hiểu bị đạn ở chân, về đến nửa đường thì chết; còn bọn Lê Hữu Đức, Vũ Lương đều phải giáng chức cả. Trịnh Trượng tiến binh lên đến huyện Kỳ Hoa, cho thủy binh vào đóng ở cửa Kỳ La. Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh đã tiến, bèn rút quân về sông Linh Giang để nhử quân nghịch. Nhưng mà Trịnh Trượng thấy tự nhiên quân Nguyễn bỏ về như vậy, sợ có mưu kế gì, không dám đuổi, bèn đóng quân ở lại Lạc Xuyên, rồi cho 500 người vào đóng ở đồn Hà Trung. Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh không đuổi, bèn đem quân đến đánh quân Trịnh ở Lạc Xuyên; còn Nguyễn Hữu Dật thì đem thủy binh ra đánh cửa Kỳ La, đuổi chiến thuyền của họ Trịnh về cửa Châu Nhai. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật thừa thắng tiến binh lên đánh quân họ Trịnh, rồi chiếm giữ lấy đồn Lạc Xuyên. Binh tướng họ Trịnh phải chạy về An Tràng. Bấy giờ những huyện ở phía Nam sông Lam Giang (tức là sông Cả bây giờ) là huyện Kỳ Hoa, huyện Thạch Hà, huyện Thiên Lộc, huyện Nghi Xuân, huyện La Sơn, huyện Hương Sơn, huyện Thanh Chương, cả thảy là 7 huyện, đều thuộc về họ Nguyễn cả. Tin quân Trịnh thua ở Lạc Xuyên ra đến Thăng Long, Trịnh Tráng giáng Trịnh Trượng xuống làm đô đốc, rồi sai con là Trịnh Tạc vào Nghệ An làm thống lĩnh để chống giữ với quân họ Nguyễn. Bọn Nguyễn Hữu Tiến thấy quân Trịnh Tạc lại tiến, liền lui quân về đóng ở Hà Trung để giữ trận thế. Nhưng bấy giờ ở ngoài Bắc lắm việc, Trịnh Tráng phải gọi Trịnh Tạc về, để tướng là Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An, đóng ở An Tràng, sai Thân Văn Quang, Mẫn Văn Liên đóng ở làng Tiếp Vũ (thuộc huyện Thiên Lộc), thủy quân đóng ở sông Khu Độc (thuộc huyện Nghi Xuân). Qua năm Bính Thân (1656), quân họ Nguyễn đến đánh đồn Tiếp Vũ, bọn Thân Văn Quang bỏ chạy, Nguyễn Hữu Tiến đem quân đến đóng ở sông Tam Chế. Còn Nguyễn Hữu Dật tiến binh đến núi Hồng Lĩnh, gặp quân họ Trịnh đánh đuổi đến đất Mẫn Tường, rồi lại gặp thủy binh của Vũ Văn Thiêm đánh phá một trận, Văn Thiêm thua chạy. Quân họ Nguyễn thừa thắng tiến lên đến làng Minh Lương và làng Bình Lạng gặp quân của Đào Quang Nhiêu, hai bên đánh nhau một trận rất dữ. Đào Quang Nhiêu thua chạy về An Tràng, dâng biểu tạ tội và xin viện binh. Trịnh Tráng sai người con út là Ninh Quận công Trịnh Toàn (tục hay gọi là ông Ninh) vào làm thống lĩnh trấn thủ đất Nghệ An. Trịnh Toàn vào đến Nghệ An, đốc chư quân tiến lên đến Thạch Hà, sai Đào Quang Nhiêu và Dương Hồ đem binh đến đóng ở làng Hương Bộc và ở làng Đại Nại, sai Lê Sĩ Hậu, Bùi Sĩ Lương đem thủy quân đến đóng ở Nam Giới, và sai Vũ Văn Thiêm đem thủy quân đến đóng ở Châu Nhai. Nguyễn Hữu Tiến thấy quân họ Trịnh cử động như vậy, bèn sai bọn Dương Trí, Tống Phúc Khang cùng với Nguyễn Hữu Dật đem thủy bộ quân đến đánh quân Trịnh ở Nam Giới, lấy được hơn 30 chiếc thuyền, rồi tràn xuống sông Lam Giang đánh Vũ Văn Thiêm ở Châu Nhai. Vũ Văn Thiêm phải bỏ thuyền mà chạy. Trịnh Toàn thấy các đạo thủy binh của mình đã thua, bèn rút về đóng ở bến Hoạt, bỗng nghe tin toán quân của Đào Quang Nhiêu bị vây ở Hương Bộc, lập tức đem quân đến cứu, hai bên đánh nhau ở làng Đại Nại, quân họ Nguyễn chạy về Hà Trung. Trịnh Toàn và Đào Quang Nhiêu đem quân đuổi đến Tam Lộng, bị quân của Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đón đường đánh phá. Trịnh Toàn lại thua, phải chạy về An Tràng. Trịnh Toàn từ khi vào trấn thủ đất Nghệ An, hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân, lòng người đều phục; nhưng chẳng được bao lâu, Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên thay, thấy em có nhiều người mến phục, lấy làm nghi kỵ, bèn cho con là Trịnh Căn vào cùng trấn đất Nghệ An, có ý giữ để cho khỏi biến loạn. Đoạn rồi cho người vào đòi Trịnh Toàn về kinh, trách sao không về chịu tang, bắt bỏ ngục giam chết. Binh quyền ở Nghệ An giao lại cho Trịnh Căn. Đến tháng 6 năm Đinh Sửu (1657), Trịnh Căn chia quân làm 3 đạo, sai Lê Hiến làm tướng trung quân, sai Hoàng Nghĩa Giao làm tướng tả quân, sai Trịnh Thế Công làm tướng hữu quân, sang sông Lam Giang rồi tiến lên đánh tướng nhà Nguyễn là Tống Hữu Đại ở làng Nam Hoa (thuộc huyện Thanh Chương). Nhưng vì có người báo trước, bọn Nguyễn Hữu Tiến đã phòng bị cả, đến khi quân Trịnh đến, thì mắc kế phải thua, may nhờ có quân Trịnh Căn tiếp ứng, cho nên mới rút về được. Từ đó quân 2 bên cứ giữ nhau ở sông Lam Giang, thỉnh thoảng đánh nhau 1 trận, như tháng Chạp năm Mậu Tuất (1658) đánh ở làng Tuần Lễ (huyện Hương Sơn), quân họ Nguyễn phải lùi; đến tháng 8 năm Canh Tý (1660) đánh ở Nghi Xuân, quân họ Trịnh thua bỏ thuyền mà chạy; qua tháng 9 năm ấy đang khi quân họ Nguyễn còn đóng ở làng Hoa Viên (tức là làng Xuân Viên bây giờ), Trịnh Căn định sang lấy núi Lận Sơn để giữ trận thế, bèn sai Hoàng Nghĩa Giao và Phan Kiêm Toàn đem binh sang sông Lam Giang ở làng Âm Công, và sai Lê Hiến đi xuống phía Hội Thống rồi sang sông, chờ đến nửa đêm thì hai đạo cùng tiến cả. Đạo quân của Hoàng Nghĩa Giao đi đến Lận Sơn bị quân của Nguyễn Hữu Dật đánh và vây ngặt lắm. Bấy giờ Trịnh Căn đứng thị chiến trên núi Quyết Dũng (ở gần Bến Thủy bây giờ), trông thấy quân mình bị vây nguy cấp lắm, liền sai quân sang cứu, và truyền cho thủy quân đến bờ sông mà bắn lên, quân họ Nguyễn phải lùi. Còn đạo quân của Lê Hiến và Mẫn Văn Liên sang đến làng Tả Ao gặp quân họ Nguyễn, hai bên đánh nhau. Mẫn Văn Liên tử trận, nhưng quân họ Nguyễn phải bỏ Hoa Viên lui về đóng ở Nghi Xuân. Lúc ấy đại quân của Nguyễn Hữu Tiến đóng ở Nghi Xuân, còn Nguyễn Hữu Dật thì đóng ở Khu Độc. Chúa Hiền cũng đem binh đến tiếp ứng, đóng ở làng Phù Lộ (nay là làng Phù An thuộc huyện Bình Chính, Quảng Bình). Nguyễn Hữu Dật lẻn về ra mắt chúa Hiền, kể đầu đuôi mọi việc đánh lấy thế nào, chúa Hiền mừng lắm, cho Hữu Dật một thanh bảo kiếm bằng vàng và lại sai trở lại đánh giặc. Nguyễn Hữu Tiến biết việc ấy, trong bụng lấy làm không bằng lòng, và bấy giờ lại nhân có những sĩ tốt mới hàng ở đất Nghệ An, thường hay bỏ trốn, Hữu Tiến bèn hội chư tướng lại để bàn xem nên đánh hay là nên lui về. Mọi người đều muốn lui về, duy chỉ có Nguyễn Hữu Dật không chịu. Khi các tướng họ Nguyễn đang bàn bạc, thì có tin rằng Trịnh Căn sai bọn Lê Hiến đi men bờ bể đến làng Cương Gián, bọn Hoàng Nghĩa Giao đến làng Lũng Trâu và làng Mãn Trưởng, rồi tiến lên đánh ở làng An Điền và ở làng Phù Lưu; quân họ Nguyễn thua. Được tin ấy Nguyễn Hữu Tiến quyết ý đem quân về, nhưng bề ngoài giả tảng truyền lệnh cho các tướng rằng đến tối 28 thì các đạo đều phải tiến sang đánh An Tràng, Nguyễn Hữu Dật đem binh đi hậu tiếp. Đoạn rồi, dặn riêng các tướng đến nửa đêm rút quân về Nam Bố Chính, không cho Nguyễn Hữu Dật biết. Nguyễn Hữu Dật sắm sửa đâu vào đấy, chờ mãi không có tin tức gì, đến khi cho người đi thám về nói mới biết quân mình đã rút về Nam rồi. Lúc ấy quân họ Trịnh đã sang sông đến đánh đồn Khu Độc. Hữu Dật mới dùng kế nghi binh để cho quân Trịnh không dám tiến lên, rồi đem binh chạy về, đến Hoành Sơn mới gặp quân của Nguyễn Hữu Tiến. Bấy giờ quân Trịnh Căn vừa đuổi đến, hai bên đánh nhau một trận chết hại rất nhiều. Trịnh Căn lui về đóng ở Kỳ Hoa. Còn bên kia Nguyễn Hữu Tiến đóng ở Nhật Lệ, Nguyễn Hữu Dật đóng ở Đông Cao, giữ các chỗ hiểm yếu. Từ bấy giờ 7 huyện ở vùng sông Lam Giang lại thuộc về đất Bắc. Trịnh Căn thấy quân họ Nguyễn giữ gìn mọi nơi chắc chắn lắm, liệu thế đánh không được, bèn sai Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An và kiêm lĩnh cả đất Bắc Bố Chính để phòng giữ mọi nơi, rồi về Thăng Long.
6. Đánh nhau lần thứ 6: Đến tháng 10 năm Tân Sửu (1661), Trịnh Tạc cử đại binh và đem vua Lê vào đánh chúa Nguyễn; sai Trịnh Căn làm thống lĩnh, Đào Quang Nhiêu làm tổng suất, Lê Hiến và Hoàng Nghĩa Giao làm đốc suất, Lê Sĩ Triệt và Trịnh Tế làm đốc thị, đem binh sang sông Linh Giang rồi đến đóng ở làng Phúc Tự. Quan trấn thủ Nam Bố Chính của họ Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật đóng ở làng Phúc Lộc chia quân ra đắp lũy, giữ vững mọi nơi, quân Trịnh đánh mãi mấy tháng không được. Đến tháng 3 năm Nhâm Dần (1662), quân mệt, lương hết, Trịnh Tạc phải thu quân và rước vua về Bắc. Nguyễn Hữu Dật đem binh đuổi đánh đến sông Linh Giang mới thôi. Năm ấy Thần Tông về, rồi đến tháng 9 thì mất, Trịnh Tạc lập thái tử là Duy Vũ lên làm vua, tức là vua Huyền Tông. Huyền Tông làm vua được 8 năm thì mất. Trịnh Tạc lại lập hoàng đệ là Duy Hội lên làm vua, tức là vua Gia Tông.
7. Đánh nhau lần thứ 7: Từ năm Tân Sửu (1661), quân họ Trịnh thua ở đất Bắc Bố Chính rồi, Trịnh Tạc về phải lo việc nước và phải đánh dẹp họ Mạc ở đất Cao Bằng, cho nên không dòm ngó đến phía nam; mãi đến năm Nhâm Tý (1672), Trịnh Tạc lại đem mấy vạn quân và rước vua Gia Tông vào đất Bắc Bố Chính để đánh họ Nguyễn, sai Trịnh Căn làm thủy quân nguyên súy, Lê Hiến làm bộ quân thống suất. Chúa Hiền cũng sai em thứ tư là Hiệp làm nguyên súy đem binh ra cùng Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Mỹ Đức giữ các nơi hiểm yếu để ngự địch, chúa Hiền đem đại binh đi tiếp ứng. Quân họ Trịnh đến đánh lũy Trấn Ninh rất hang, đã hai ba phen sắp phá được lũy, nhưng Nguyễn Hữu Dật hết sức chống giữ, quân Trịnh đánh mãi không được, phải lùi về Bắc Bố Chính. Đến tháng chạp, trời mưa rét và lại nghe tin rằng Trịnh Căn đi đến Linh Giang phải bệnh nặng, Trịnh Tạc bèn sai Lê Hiến ở lại trấn thủ Nghệ An, Lê Sĩ Triệt làm đô đốc đóng ở Hà Trung để giữ các nơi yếu lộ, lấy sông Linh Giang, tức là sông Gianh bây giờ, mà phân giới hạn Nam Bắc, rồi rút quân về Thăng Long.
Từ đó Nam Bắc thôi việc chiến tranh, mãi đến khi Tây Sơn khởi binh, thì họ Trịnh mới nhân dịp vào đánh lấy đất Thuận Hóa. Kể từ năm Đinh Mão (1627) đời vua Thần Tông lần thứ nhất, đến năm Nhâm Tý (1672) đời vua Gia Tông, vừa 45 năm họ Trịnh và họ Nguyễn đánh nhau cả thảy 7 lần. Trong bấy nhiêu lần, họ Nguyễn chỉ ra đánh họ Trịnh có 1 lần, đã lấy được 7 huyện ở phía Nam sông Lam Giang, nhưng vì các tướng họ Nguyễn không đồng lòng với nhau, cho nên lại phải bỏ về giữ đất cũ. Còn như thế lực binh lương thì họ Trịnh mạnh hơn họ Nguyễn, nhưng người Bắc phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, mà người Nam thì đánh ở đất nhà mình, có đồn lũy chắc chắn, tướng sĩ hết lòng, cho nên thành ra hai bên đối địch chứ không làm gì được nhau, chỉ khổ cho những dân sự, phải sưu dịch vất vả, và bị tàn phá thiệt hại rất nhiều.
Trong cuộc chiến này, tuy là hai bên bất phân thắng bại, nhưng xét kỹ ra, vào thế kỷ XVII thì họ Nguyễn đã là người thắng trong cuộc xung đột này, bởi vì họ đã trở nên độc lập đối với chính quyền Trung ương. Họ thắng mặc dù các phương tiện vật chất của họ không mạnh bằng họ Trịnh. Với 1 châu thổ phong phú và đông dân, họ Trịnh có thể chiêu mộ tới 20 vạn người (trong số này có 12 vạn là lính bộ binh), 500 thớt voi, 600 chiến thuyền, 500 thuyền tiếp tế. Đối đầu với đạo quân này, họ Nguyễn, theo Vachet (1674), chỉ có 133 chiến thuyền (bơi bằng chèo) và 4 vạn người trong đó 1,5 vạn đóng tại biên giới. Theo linh mục A.Rhodes, họ Nguyễn cũng chỉ có 200 thuyền, nhưng 1 phần trong số này còn phải bảo vệ Quảng Nam chống lại người Chăm.
Nhưng điểm bất lợi này lại được bù đắp bằng các yếu tố khác. Trước hết, họ Nguyễn chiến đấu ngay trên lãnh thổ của họ. Chiến trường chính là vùng Nam Bố Chính, làm thành 1 thứ doanh trại rộng lớn có thành lũy bảo vệ, bao gồm 1 dân cư chủ yếu mang tính quân sự: đó là các đồn điền của những người lính làm ruộng, dùng vũ khí để bảo vệ đồng ruộng của họ. Ngược lại, kẻ thù của họ lại phải giao chiến ở xa các căn cứ hậu cần, và nếu chiến tranh kéo dài, thì tình trạng thiếu lương thực, khí hậu, bệnh tật cũng đủ để buộc họ phải rút lui. Quân lính lại phải làm theo tham vọng của 1 dòng họ vốn đã tiếm đoạt quyền hành hợp pháp của nhà Lê: bởi vậy, họ chiến đấu không chút hang say. Cuối cùng, họ Nguyễn có được trong tay 1 đội pháo binh mạnh hơn nhờ sự giúp đỡ của người Bồ Đào Nha và 1 hệ thống phòng thủ vững chắc với những bức lũy lớn bảo vệ sông Nhật Lệ cùng các địa điểm tiếp xúc với biển.
Trên bình diện chính trị, họ Trịnh phải chiến đấu không chỉ chống lại họ Nguyễn mà chống lại cả họ Mạc, chống lại những cuộc nổi dậy của nông dân cùng các cuộc nổi dậy khác do những người trung thành với nhà Lê lãnh đạo. Các cuộc xung đột nội bộ cũng diễn ra thường xuyên trong chính dòng họ Trịnh. Nhà Nguyễn lợi dụng tất cả các nhược điểm này để tạo sự lộn xộn và mất trật tự trong hàng ngũ họ Trịnh: những tin đồn có tính vu khống tạo sự nghi ngờ nơi họ Trịnh đối với các tướng lĩnh của mình đến độ giết hay triệu hồi những kẻ bị nghi ngờ này; thông đồng với họ Mạc ở Cao Bằng và với phe chống đối họ Trịnh ở châu thổ; gửi người tới phía Bắc sông Gianh để reo rắc chống đối, tinh thần nổi loạn và đặc biệt, để ngăn cản dân nộp thuế.
Họ Nguyễn còn tạo được sự thống nhất lớn hơn trong hàng ngũ của họ. Những mâu thuẫn nội bộ, nếu có, thì cũng thuộc loại hạn chế. Họ có những viên tướng giỏi và 1 hậu phương vững mạnh hơn: sự trẻ trung của chế độ, diện tích đất canh tác rộng lớn, mật độ dân số thấp khiến các mâu thuẫn xã hội ít gay gắt hơn ở phía Bắc và cho phép họ Nguyễn huy động các nguồn lực 1 cách dễ dàng hơn.
Nhưng, dù thế nào thì những cuộc chiến tranh huynh đệ diễn ra trong 1 thời gian dài đã chỉ làm nặng thêm nỗi thống khổ đè lên người dân vốn đã phải è cổ dưới gánh nặng thuế khóa, lao dịch và sự tàn phá của thiên nhiên. Bản thân sức mạnh của dân tộc đã bị cạn kiệt.
lịch sử
Nếu chúa Trịnh ko gây áp lực liên tục thì đàng trong tách làm nước khác dễ lắm.
Đoàn Tâm Ảnh
Nếu chúa Trịnh ko gây áp lực liên tục thì đàng trong tách làm nước khác dễ lắm.
An Phạm
Nội dung hay quá, góp ý nhỏ là bạn nên trình bày heading cho rõ ràng hơn chút sẽ dễ đọc hơn ạ!