Trình bày về các mô hình trí nhớ?
kiến thức chung
Có 5 mô hình trí nhớ đó là: Mô hình xử lý thông tin, mô hình cấp độ xử lý, mô hình chuyển đổi phù hợp, mô hình xử lý phân phối song song và mô hình hệ thống đa trí nhớ.
1. Mô hình xử lý thông tin:
Mô hình xử lý thông tin là một mô hình trí nhớ trong đó quá trình ghi nhớ thông tin là quá trình thông tin được xử lý qua 3 giai đoạn: Trí nhớ cảm giác, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
Ở giai đoạn trí nhớ cảm giác, thông tin đi vào từ các giác quan được giữ lại trong một khoảng thời gian ngắn và thường ít hơn một giây.
Ở giai đoạn trí nhớ ngắn hạn, các thông tin trong trí nhớ cảm giác tiếp tục được phân tích và mã hóa thông qua tri giác để tạo nên trải nghiệm có ý nghĩa được giữ lại trong trí nhớ ngắn hạn trong khoảng 20 giây.
Ở giai đoạn trí nhớ dài hạn, các thông tin trong trí nhớ ngắn hạn tiếp tục được xử lý được lưu giữ vào trí nhớ dài hạn.
2. Mô hình các cấp độ xử lý:
Mô hình các cấp độ xử lý cho rằng yếu tố quyết định mức độ ghi nhớ một thông tin là cấp độ thông tin đó mã hóa hay xử lý khi nó được tiếp nhận lần đầu tiên.
Có hai cấp độ xử lý thông tin là ôn tập duy trì và ôn tập chi tiết
Ôn tập duy trì là quá trình lặp đi lặp lại thông tin nhằm giữ chúng trong trí nhớ ngắn hạn.
Ví dụ: Nhẩm lại các đồ cần phải mua khi đi từ nhà ra tiệm tạp hóa.
Ôn tập chi tiết là quá trình suy nghĩ về mối quan hệ giữa của thông tin mới với thông tin đã biết trong trí nhớ dài hạn.
Ví dụ: Tìm mối liên hệ giữa ngày tháng của sự kiện lịch sử với ngày sinh của người thân.
3. Mô hình quá trình chuyển đổi phù hợp:
Mô hình quá tình chuyển đổi phù hợp là mô hình trí nhớ cho rằng yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả trí nhớ là sự phù hợp giữa quá trình tái hiện và quá trình mã hóa thông tin ban đầu.
Ví dụ: Sinh viên được thông báo kiểm tra trắc nghiệm nhưng sau đó phải làm bài tự luận sẽ khó làm bài hơn sinh viên được cho làm bài trắc nghiệm
4. Mô hình xử lý phân phối song song:
Mô hình xử lý phân phối song song là mô hình trí nhớ cho rằng các thông tin liên kết với nhau tạo thành một mạng lưới dựa trên cơ sở mạng thần kinh gồm các tế bào thần kinh liên kết với nhau; do đó thông tin mới không chỉ được lưu giữ và tái hiện một cách riêng lẻ mà nó được liên kết và tái hiện cùng với các thông tin khác trong mạng lưới.
Ví dụ: Khi nhắc đến bóng đèn bạn sẽ nhớ đến các loại bóng đèn, các hình dạng, màu sắc, chức năng, vị trí lắp đặt hay những trải nghiệm liên quan đến bóng đèn.
5. Mô hình hệ thống đa trí nhớ:
Mô hình hệ thống đa trí nhớ là mô hình trí nhớ cho rằng bộ não có chứa một vài hệ thống trí nhớ riêng biệt nằm ở những vùng khác nhau và thực hiện các chức năng khác nhau.
Ví dụ: Trí nhớ tiềm ẩn và trí nhớ rõ ràng hoạt động theo những nguyên lý khác biệt và dựa trên hoạt động của những vùng não khác biệt.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Phi Thoại