Trình bày đặc điểm dịch vụ giao thông vùng Kanto?
kiến thức chung
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, vùng Kanto cùng thủ đô Tokyo đóng vai trò là trung tâm của vùng đại đô thị, là trung tâm giao thông nội địa và quốc tế lớn nhất Nhật Bản với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không phát triển hiện đại.
Bản đồ giao thông vùng Kanto
Nguồn: mall.aflo.com
1. Đường sắt
Hệ thống đường sắt Kanto
Nguồn: lahistoriaconmapas.com
Hiện tại, Tokyo là thành phố có mạng lưới đường sắt đô thị lớn nhất trên thế giới. Mạng lưới đường sắt ở Kanto được mở rộng ra từ thủ đô Tokyo. Toàn bộ hệ thống đường sắt được đầu tư xây dựng và quản lý bởi nhiều nhà điều hành như JR East, công ty tư nhân Metro Tokyo và Cục giao thông vận tải đô thị Tokyo thuộc Chính phủ.
Tàu hỏa và tàu ngầm là loại hình giao thông công cộng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lưu chuyển trong khu vực và giữa các vùng trên cả nước. Đặc biệt, hệ thống tàu điện ngầm (subways) và các đường sắt, bao gồm cả mạng lưới đường sắt đi trên cao (nội - ngoại ô - liên vùng) đi lại trong khu vực Tokyo trở nên bận rộn nhất Nhật Bản khi sự di chuyển dân cư diễn ra mỗi ngày.
Hệ thống xe điện ở Kanto gồm: Toden , Kokuden, tàu điện ngầm và tàu cao tốc Shinkansen.
- Toden lưu thông cùng các phương tiện giao thông khác giữa đường phố như hệ thống xe buýt.
- Kokuden lưu thông riêng biệt với các phương tiện giao thông khác. Lượng hành khách vận chuyển nhiều hơn và tốc độ của Kokuden nhanh hơn Toden.
- Tàu điện ngầm Tokyo Metro về cơ bản hoạt động tương đối giống Kokuden.
- Tàu cao tốc Shinkansen có tốc độ cao 320km/h, tiết kiệm thời gian, tiện nghi và hoạt động đúng giờ.
2. Đường bộ
Nhật Bản đã xây dựng hệ thống đường cao tốc nối thủ đô tới các điểm khác trong vùng đại Tokyo, vùng Kantō và các đảo Kyushu và Shikoku: Quốc lộ 1 (quốc lộ 246) - Đường cao tốc Tomei, Quốc lộ 20 - Đường cao tốc Trung tâm, Quốc lộ 17 (Quốc lộ 254) - Đường cao tốc Kanetsu, Quốc lộ 119 - Đường Nikko Utsunomiya, Quốc lộ số 4 - Đường cao tốc Tohoku, Quốc lộ 6 - Đường cao tốc Joban…
Đường cao tốc thường có hai chiều riêng biệt, rào lại bằng tường hộ lan mềm hoặc tấm chắn, mỗi chiều có 3 làn xe trở lên, giao nhau khác mức bằng cầu vượt hoặc hầm chui, qua các khu dân cư hoặc đô thị hai bên đều có hệ thống tường rào cách âm cao 3m trở lên. Tất cả được điều khiển bằng hệ thống giao thông thông minh như ( Camera, điện thoại, trạm quan sát, trung tâm điều khiển, bảng thông báo điện tử, trạm thu phí đường bộ tự động,…) nhằm quản lý khai thác tối ưu, hạn chế tắc đường do tai nạn, thiên tai.
Hệ thống đường phố được thiết kế đa dạng và hợp lý. Hầu hết các giao lộ lớn đều có cầu vượt hoặc hầm đường bộ để sang đường. Tất cả hệ thống đường giao thông ở Nhật Bản đã được chuẩn hóa từ vùng quê cho đến thành phố, dải phân cách rõ ràng nơi dành cho ô tô, xe máy… và có lối đi riêng dành cho người đi bộ.
Ngoài tàu điện, phương tiện đi lại chủ yếu là xe bus, taxi. Xe bus do những hãng vận tải nhà nước và tư nhân điều hành các tuyến. Taxi hoạt động rộng rãi ở các khu đặc biệt, thành phố và nông thôn. Giá cước taxi ở Nhật Bản tương đối cao, chất lượng phục vụ khá tốt. Giá mở cửa (2km đầu tiên) khoảng 660~730 JPY, 5km trên đồng hồ khoảng 1600~1720 JPY.
3. Đường hàng không
Nằm trong nội thành Tokyo là sân bay Quốc tế Tokyo (Haneda, RJTT) chủ yếu phục vụ chuyến bay nội địa và đang tăng dần các chuyến bay quốc tế. Ngày 28/08/2014, sân bay quốc tế Tokyo (Haneda) đã trở thành sân bay Nhật Bản đầu tiên đạt chuẩn sân bay 5 sao trong bảng xếp hạng Sân bay toàn cầu Skytrax. Trong năm 2016, sân bay Haneda đã phục vụ hơn 79 triệu lượt khách, giành vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng những sân bay đông đúc, bận rôn nhất thế giới năm 2016 theo đánh giá của Hội đồng các sân bay quốc tế (ACI). Hằng năm, sân bay Haneda có lưu lượng hành khách lớn nhất và lượng hàng hóa vận chuyển hàng không đứng thứ hai trong cả nước.
Cùng với đó, xếp ở vị trí thứ hai về lưu lượng hành khách và vị trí thứ nhất về vận chuyển hàng hóa hàng không ở Nhật Bản là sân bay Quốc tế Narita (RJAA) ở tỉnh Chiba- cửa ngõ chính cho du khách quốc tế đến Nhật Bản. Đây là trung tâm hoạt động quốc tế của các hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways và là một trung tâm khu vực châu Á của các hãng Northwest Airlines và United Airlines. Tuy nằm khá xa trung tâm Tokyo ( mất 1 tiếng đi tàu Express) nhưng Tokyo lại là nguồn cung chính về hành khách và hàng hóa cho sân bay này.
Ngoài ra, Kanto còn các các sân bay khác như sân bay Ibaraki (RJAH), sân bay Chofu (RJTF), sân bay Oshima (RJTO), sân bay Niijima (RJAN), sân bay Kozushima (RJAZ), sân bay Miyakejima (RJTQ), sân bay Hachijozima (RJTH).
4. Đường biển
Các cảng biển chính của Kanto hầu hết đều tập trung ở vịnh Tokyo như cảng Tokyo, cảng Chiba, cảng Yokohama, cảng Yokosuka, cảng Kawasaki, cảng Kisarazu. Ngoài ra còn có cảng Ibaraki, cảng Kashima ở tỉnh Ibaraki. Trong đó, cảng Tokyo, cảng Yokohama và cảng Kawasaki nằm trong 5 cảng biển chiến lược Quốc tế国際戦略港湾 của Nhật Bản, đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế góp phần vô cùng quan trọng trong việc phát triển hoạt động vận tải biển của vùng Kanto nói riêng và Nhật Bản nói chung.
Số lượng tàu vận tải tại vịnh Tokyo giai đoạn 1997-2016
Nguồn: kaiho.mlit.go.jp
Xu hướng tai nạn tàu tại vịnh Tokyo giai đoạn 2007-2016
Nguồn: kaiho.mlit.go.jp
Hằng năm, số lượng tàu vận tải qua lại ở vịnh Tokyo khá lớn nhưng nhìn chung không ổn định, có xu hướng giảm trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2014, khi để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả vận chuyển, kích thước của các con tàu lớn hơn và tăng chuyên chở hàng nguy hiểm, đồng nghĩa với rủi ro sẽ cao hơn nếu xảy ra tai nạn. Thực tế cũng cho thấy, từ năm 2014 khi số tàu vận tải giảm, số tai nạn tàu cũng có xu hướng giảm đi đáng kể. Giao thông tại vùng vịnh Tokyo từ năm 2013 đã ổn định hơn so với trước.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Hung Van Nguyen