Trình bày cơ cấu tổ chức của Chính quyền địa phương của Nhật Bản
kiến thức chung
Chính quyền địa phương Nhật Bản có vai trò tự quản cao, có quyền ban hành luật và quyết định về cơ cấu tổ chức hành chính trong luật của địa phương mình. Có hai loại hình: Chính quyền địa phương thông thường (Ordinary Local Government) gồm 47 đơn vị ở cấp tỉnh (Prefecture) và 1.718 ở cấp thành phố, quận; Chính quyền địa phương đặc biệt (Special Local Government) gồm các phường, quận đặc biệt ở Tokyo và các liên hiệp thành phố (Municipal Cooperatives). Cụ thể, chính quyền địa phương thông thường được duy trì theo 2 cấp: cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương (1 Đô- 都, 1 Đạo- 道, 2 Phủ- 府, 43 tỉnh 県) và cấp quận thành phố thuộc tỉnh, thị trấn- làng xã thuộc tỉnh. Các tỉnh, thành phố trung ương này có 4 chức năng cơ bản: “(1) Quyết định những vấn đề liên quan đến địa phương, chuẩn bị kế hoạch phát triển với các vùng dân cư, núi, sông hồ; (2) Quyết định những vấn đề đảm bảo tính thống nhất trong cả nước như duy trì công tác giáo dục đào tạo, giáo dục bắt buộc trong nhà trường đảm bảo mức chuẩn mực quốc gia, quản lý đều hành lực lượng an ninh; (3) Quyết định những vấn đề liên quan đến việc liên kết, hợp tác giữa các cấp cơ sở, cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giữa chính phủ trung ương với cấp cơ sở; (4) Quyết định những vấn đề vượt quá mức khả năng của cấp cơ sở hoặc cấp cơ sở không thể đưa ra mức giải quyết chính xác như việc thành lập và duy trì các trường đại học, trung học, phòng thí nghiệm cao cấp, bảo tàng quốc gia”. Chính quyền địa phương đặc biệt có tổ chức và chức năng giống như chính quyền địa phương của các thành phố thuộc tỉnh. Sở dĩ phân riêng thành chính quyền địa phương đặc biệt bởi cơ cấu chính quyền của thủ đô Tokyo chia thành 23 quận hoạt động ngang bằng, mỗi quận lại đáp ứng đủ điều kiện để trở thành một thành phố thuộc tỉnh.
Người đứng đầu cơ quan chấp hành ở tỉnh là Thống đốc, ở thành phố là Thị trưởng. Hội đồng địa phương (Local Assembly) có ở cấp tỉnh và cấp thành phố, đều có nhiệm kỳ 4 năm và được quyền ban hành luật. Số lượng thành viên Hội đồng được quy định theo luật của từng địa phương. “Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương có quyền: ban hành các quy định để giải quyết vấn đề địa phương; chuẩn bị kế hoạch và thực hiện ngân sách; quy định về mức thuế và thu thuế; quy định về lệ phí, xử phạt hành chính; kiểm kê, quản lý, hủy bỏ các vấn đề tài sản; thành lập tổ chức hoạt động và hủy bỏ việc sử dụng các phương tiện công cộng; đệ trình các vấn đề liên quan đến tài khoản, thống kê, xin ý kiến hội đồng. Tùy theo quy định của địa phương mà cơ quan bổ trợ cho người đứng đầu có thể là một hoặc nhiều cấp phó hoặc kế toán. Người đứng đầu cơ quan hành chính có quyền giải tán nghị hội, phủ quyết với những quyết định của nghị hội”.
Nghị hội được thành lập với tư cách là cơ quan lập pháp, có quyền ban hành luật ở từng địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, giải quyết ngân sách như: quy định vấn đề về thuế, mức giá thuế; các vấn đề liên quan đến đầu tư, phương tiện thanh toán, chuyển nhượng hoặc cho thuê tài sản công;…
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Bách Phong