Trình bày các phương pháp nghiên cứu Tâm lý học học?
kiến thức chung
Nghiên cứu Tâm lý học học gồm 4 mục tiêu: Mô tả, dự đoán, kiểm soát và giải thích hành vi và các tiến trình tinh thần. Các nhà Tâm lý học học sử dụng một số phương pháp nghiên cứu gồm quan sát tự nhiên, nghiên cứu trường hợp, khảo sát, nghiên cứu tương quan và thực nghiệm để đạt những mục tiêu này.
a. Quan sát tự nhiên:
Quan sát tự nhiên là quá trình quan sát hành vi trong đó không có sự can thiệp đến hành vi, để hành vi diễn ra một cách tự nhiên.
Phương pháp này thường được sử dụng để thu thập thông tin về các hành vi trong điều kiện tự nhiên, không bị can thiệp.
Ưu điểm của phương pháp này là: (1) Có thể quan sát hành vi trong nhiều tình huống, (2) Cung cấp một lượng lớn dữ liệu về hành vi.
Nhược điểm của phương pháp này là: (1) Hành vi của người được quan sát có thể không còn được tự nhiên khi họ biết mình bị quan sát, (2) Dữ liệu quan sát có thể bị bóp méo bởi kỳ vọng của người quan sát.
Để giải quyết vấn đề thứ nhất, các nhà nghiên cứu thường tiến hành quan sát trong một thời gian đủ dài để những người được quan sát quen với tình huống và bắt đầu hành động một cách tự nhiên hơn.
Để giải quyết vấn đề thứ hai, các nhà nghiên cứu thường không cho người quan sát biết những kết quả kỳ vọng của nghiên cứu.
b. Nghiên cứu trường hợp:
Nghiên cứu trường hợp là phương pháp nghiên cứu phân tích sâu một vài hiện tượng ở một cá nhân, nhóm hay hoàn cảnh nhất định.
Nghiên cứu trường hợp có thể bao gồm các bài kiểm tra, các cuộc phỏng vấn, phân tích nội dung thư, bảng điểm, hoặc những văn bản viết tay.
Nghiên cứu trường hợp thường được sử dụng khi nghiên cứu những vấn đề mới mẻ, phức tạp hay tương đối hiếm.
Ưu điểm của nghiên cứu trường hợp là cung cấp những thông tin chi tiết về những hiện tượng mới, phức tạp hoặc hiếm gặp để làm cơ sở cho những nghiên cứu mở rộng
Nhược điểm của nghiên cứu trường hợp là các thông tin mà nó thu được không có tính đại diện cho đa số.
c. Khảo sát:
Khảo sát là phương pháp nghiên cứu nhằm thu thập thông tin về quan điểm, niềm tin, ý kiến, dự định… của nghiều người thông qua các cuộc phỏng vấn hoặc các bộ câu hỏi.
Phương pháp khảo sát thường được sử dụng khi muốn thu thập một lượng lớn thông tin có thể đại diện cho đa số
Ưu điểm của phương pháp khảo sát là cung cấp một lượng lớn dữ liệu mô tả tương đối nhanh chóng và tiết kiệm
Nhược điểm của phương pháp khảo sát là chất lượng của dữ liệu mô tả phụ thuộc vào việc chọn mẫu, chất lượng câu hỏi, thành kiến của người trả lời.
d. Nghiên cứu tương quan:
Nghiên cứu tương quan là phương pháp nghiên cứu kiểm tra mối quan hệ giữa các biến nhằm phân tích các xu hướng của dữ liệu, kiểm tra các dự đoán, đánh giá các lý thuyết và kiến nghị những giả thuyết mới.
Nghiên cứu tương quan được thực hiện trên cơ sở những dữ liệu thu được từ quan sát tự nhiên, nghiên cứu trường hợp và khảo sát.
Ưu điểm của nghiên cứu tương quan là nó giúp kiểm tra các dự đoán, các lý thuyết và kiến nghị những giả thuyết mới.
Nhược điểm của nghiên cứu tương quan là không thể khẳng định được mối quan hệ nhân quả giữa các biến.
e. Thực nghiệm:
Thực nghiệm là một tình huống trong đó nhà nghiên cứu kiểm soát một biến và quan sát ảnh hưởng của sự kiểm soát đến một biến nào đó, trong khi giữ cho những biến khác không thay đổi.
Thực nghiệm được sử dụng để tìm hiểu mối quan hệ nhân quả giữa hai biến, biến độc lập và biến phụ thuộc.
Biến độc lập là biến được kiểm soát bởi người làm thực nghiệm
Biến phụ thuộc là biến chịu ảnh hưởng của biến độc lập
Trong thực nghiệm, những người tham dự được chia thành hai nhóm hoặc nhiều hơn gồm nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng.
Nhóm thực nghiệm là nhóm nhận được sự trị liệu.
Nhóm đối chứng là nhóm không nhận được sự trị liệu hoặc nhận được một sự trị liệu khác, làm cơ sở để so sánh với nhóm thực nghiệm.
Kết quả thực nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố được gọi là biến gây nhiễu.
Biến gây nhiễu, trong thực nghiệm, là các yếu tố cùng với hoặc thay thế biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc.
Khi có biến gây nhiễu, người làm thực nghiệm không thể khẳng định biến độc lập hay biến gây nhiễu đã tạo ra kết quả.
Có ba nguồn biến gây nhiễu là biến ngẫu nhiên, kỳ vọng của người tham gia và thành kiến của người làm thực nghiệm
(1) Biến ngẫu nhiên là những yếu tố không được kiểm soát, hoặc đôi khi không thể kiểm soát được, có thể ảnh hưởng đến biến phụ thuộc cùng với hoặc thay thế biến độc lập.
Ví dụ: Trong điều kiện nghiên cứu lý tưởng thì nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng phải hoàn toàn giống nhau trước khi kiểm soát biến độc lập. Tuy nhiên, trong thực tế, luôn luôn có sự khác biệt giữa hai nhóm về hoàn cảnh sống, nhân cách, kinh nghiệm sống,…
Thực tế, các nhà nghiên cứu chỉ có thể cố gắng hạn chế tối đa sự khác biệt giữa các nhóm bằng phương pháp phân bổ ngẫu nhiên
Phân bổ ngẫu nghiên là quá trình mà các biến ngẫu nhiên được phân bổ đồng đều trong thực nghiệm bằng cách đưa những người tham gia thí nhiệm vào các nhóm một cách ngẫu nhiên và cân bằng.
(2) Kỳ vọng của người tham gia có thể ảnh hưởng đến kết quả thực nghiệm khi người tham gia nỗ lực để chứng minh hiệu quả của phương pháp trị liệu vì mong muốn hoặc tin tưởng rằng phương pháp trị liệu có hiệu quả.
Hiệu ứng giả dược (placebo effect) là tình huống xảy ra khi hiệu quả của phương pháp trị liệu được tạo ra bởi kỳ vọng của người tham gia.
Giả dược (placebo) là một phương pháp hoàn toàn không có tác dụng trị liệu nhưng vẫn tạo ra được hiệu quả vì người được nhận trị liệu tin rằng nó hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu thường tiến thành thực nghiệm cùng với một nhóm giả dược và so sánh kết quả giữa nhóm thực nghiệm, nhóm giả dược và nhóm không nhận được trị liệu.
(3) Thành kiến của người làm thực nghiệm là một biến gây nhiễu xảy ra khi một người làm thực nghiệm vô tình khuyến khích người tham gia phản ứng theo hướng ủng hộ giả thuyết nghiên cứu.
Để giải quyết vấn đề này, nhà nghiên cứu thường sử dụng thực nghiệm mù kép.
Thực nghiệm mù kép (double*blind design) là một thực nghiệm trong đó cả người làm thực nghiệm và gười tham gia thực nghiệm đều không biết ai thuộc nhóm thực nghiệm và ai thuộc nhóm đối chứng do đó loại bỏ được thành kiến của người làm thực nghiệm và kỳ vọng của người tham gia.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Mỹ Nhất Du