Trình bày các kiểu ý nghĩa của từ đa nghĩa.
kiến thức chung
Từ đa nghĩa hay còn gọi là từ nhiều nghĩa là những từ mà có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh sử dụng. Các ý nghĩa này không tồn tại rời rạc lẻ tẻ mà có mối liên hệ, quy định lẫn nhau làm thành một kết cấu.
- Căn cứ vào sự khác nhau của những mối quan hệ với sự vật, có thể chia ra nghĩa trực tiếp và nghĩa gián tiếp. Nghĩa trực tiếp là nghĩa phản ánh sự vật một cách trực tiếp, không thông qua ý nghĩa nào khác của từ này. Nghĩa chuyển tiếp là ý nghĩa phản ánh đối tượng gián tiếp thông qua ý nghĩa khác.
VD: Từ “chân” trong Tiếng Việt là để chỉ bộ phận cuối cùng của cơ thể người hoặc động vật, có chức năng nâng đỡ toàn bộ cơ thể và di chuyển. Khi đó từ “ chân “ đang mang nghĩa gốc. Còn khi từ “chân “ được đặt trong câu” anh ta là một chân bóng đá cừ khôi” thì từ “chân” đó lại mang nghĩa chuyển tiếp thông qua phương pháp hoán dụ, để chỉ một người đá bóng giỏi.
- Căn cứ vào sự khác nhau của mối quan hệ đối với nhận thức, có thể chia thành nghĩa thông thường và nghĩa thuật ngữ; nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nghĩa thông thường phản ánh những đặc điểm bên ngoài của sự vật, đủ để phân biệt những đối tượng cùng loại được khái quát trong ý nghĩa đó với những đối tượng khác. Nghĩa thuật ngữ phản ánh những thuộc tính bản chất của sự vật, hiện tượng .VD: Nghĩa thông thường của từ nước là “chất lỏng nói chung” và nghĩa thuật ngữ là “hợp chất của hidro và oxy”.
Nghĩa đen là nghĩa vốn có của từ, không hình tượng còn nghĩa bóng có hình tượng. VD: từ “ ánh sáng” có nghĩa là “ nguồn sáng phát ra từ một số vật thể làm cho ta thấy được các vật thể xung quanh” thì nó sẽ mang nghĩa đen trong câu” ánh sáng mặt trời chói chang” còn trong câu” anh là ánh sáng của đời em” thì từ “ ánh sáng” đó đã mang nghĩa bóng. Không phải là anh có thể soi sáng cuộc đời em mà là anh làm cho cuộc sống của em trở nên tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.
Thực chất, nghĩa bóng cũng là một loại nghĩa chuyển tiếp. Nghĩa bóng biểu thị sự vật gián tiếp thông qua nghĩa đen. Tuy nhiên không phải tất cả các nghĩa chuyển tiếp đều là nghĩa bóng.
- Căn cứ vào sự khác nhau của mối quan hệ đối với các từ khác trong ngôn ngữ, có thể chia thành nghĩa chính và nghĩa phụ, nghĩa tự do và nghĩa hạn chế.
Nghĩa chính là nghĩa thường dùng, nghĩa phổ biến nhất còn nghĩa phụ là nghĩa chỉ được hiểu trong một số ngữ cảnh nào đó.
VD: từ “đầu” trong câu “ đầu anh ta rất to” thì nó mang nghĩa chính. Ai cũng hiểu là đó là bộ phận cao nhất trên cơ thể con người. nhưng trong câu” cậu ta có đầu kinh doanh” thì từ “ đầu đó lại mang nghĩa là “ khả năng kinh doanh giỏi”
Nghĩa tự do là nghĩa liên hệ trực tiếp với sự phản ánh hiện tượng của thực tế khách quan. VD : cổ là bộ phận nối giữa đầu và mình, nó có thể ngắn, dài, sạch , bẩn, … như vậy từ cổ có thể kết hợp được với những từ đó. Nhưng cổ không thể suy nghĩ, cười, khóc, vui, buồn,… nên không thể kết hợp được với những từ như suy nghĩ, cười, khóc,…
Nghĩa hạn chế là nghĩa được thực hiện trong những cụm từ cố định.
VD: Người Việt Nam vẫn hay nói anh trai, chị gái. Lô-gic mà nói, chúng ta đều biết anh thì nhất định phải là con trai tương tự thì chị ắt hẳn phải là con gái. Nhưng ở đây, những từ “ trai và “gái” đều có nghĩa hạn chế là “ ruột thịt”.
- Căn cứ vào sự hình thành và phát triển của từ có thể chia thành nghĩa gốc và nghĩa phái sinh. Nghĩa gốc là nghĩa đầu tiên của từ, nghĩa phái sinh là nghĩa phát triển của nghĩa gốc thông qua thời gian.
VD: Từ “ cái” có nghĩa gốc là sông, rạch, kênh ngòi. Theo thời gian thì từ “ cái” xuất hiện nghĩa phái sinh là chỉ địa danh như “ Cái Răng”, “Cái Bè”, “ Cái Vọ”, “Cái Chiên”,…
Nội dung liên quan
Huyền Lưu