Triều Nguyễn và lệ "Tứ bất lập"

  1. Lịch sử

Nếu như bạn là một người thích đi dạo phố ở Thủ đô Hà Nội, hoặc là một người có thói quen để ý đến những danh nhân lịch sử được đặt tên cho đường, phố ở Thủ đô thì rất dễ để bạn nhận ra rằng, có rất ít danh nhân của triều Nguyễn được đặt tên đường, phố ở Hà Nội. Có thể kể ra một vài danh nhân của triều Nguyễn được đặt tên đường, phố ở Hà Nội như Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Trịnh Hoài Đức, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương…; nhưng bấy nhiêu đó còn quá ít bởi triều Nguyễn đã xuất hiện rất nhiều danh nhân mà đến nay chưa được đặt tên đường, phố ở Hà Nội như Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh, Ngô Tòng Châu, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Trương Đăng Quế, Trương Minh Giảng…. Phải chăng là Nhà nước hiện nay vẫn còn tồn tại những định kiến với triều Nguyễn?

Ngày nay, xu hướng cởi mở học thuật trong nghiên cứu lịch sử đang ngày càng phát triển; Nhà nước đã tiến hành cấp phép xuất bản và tái bản đối với các ấn phẩm của những học giả thuộc chế độ cũ, những học giả Việt Nam định cư ở nước ngoài hay những học giả nước ngoài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, ví dụ như: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 của Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của GS. Lê Thành Khôi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 – 1885) của GS. Yoshiharu Tsuboi. Đây là một xu hướng đáng mừng, rất đáng hoan nghênh nhưng bên cạnh đó thì vẫn tồn tại những quan điểm không công bằng đối với triều Nguyễn, theo Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1) mô tả về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX thì “Các vua nhà Nguyễn… kế tiếp nhau xây dựng và củng cố nền thống trị, bảo vệ chế độ phong kiến trong bối cảnh khủng hoảng, suy vong. Tuy nhiên, trong hơn nửa thế kỉ tồn tại dưới triều Nguyễn, xã hội Việt Nam hầu như không phát triển lên được theo chiều hướng tiến bộ của thời đại…”

[1]
.

Tuy nhiên, so với trước đó thì đây cũng là một quan điểm tiến bộ. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng khốc liệt, yêu cầu cần thiết đặt ra là phải có một ngọn cờ lịch sử để cố kết lòng dân thành một khối thống nhất; giới sử học miền Bắc đã chọn vương triều Tây Sơn để đối chọi với giới sử học miền Nam đã chọn vương triều Nguyễn. Thế cho nên, việc giới sử học miền Bắc nâng tầm nhà Tây Sơn vượt qua những giá trị thật của lịch sử thì việc hạ thấp triều đại nhà Nguyễn cũng không có gì là khó hiểu. Quan điểm này của giới sử học miền Bắc đã được thể hiện rất rõ trong lời giới thiệu bộ Đại Nam thực lục (38 tập) do NXB Sử học xuất bản vào những năm 60 của thế kỷ XX: “Đại Nam thực lục tiền biênchính biên là bộ sách lịch sử lớn do nhà Nguyễn cho biên soạn nhằm đề cao nhà Nguyễn. Đó là sự thật mà ai nấy đều biết… Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh, những công việc mà các vua nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy, tự chúng, chúng có ý nghĩa sự thực khách quan, tự chúng chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta. Theo lệnh của các vua nhà Nguyễn, bọn sử thần của nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam thực lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật của lịch sử vẫn nổi bật lên cứng mạnh như gang thép, sáng tỏ như ánh mặt trời để phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức…

[2]
. Quan điểm này của giới sử học miền Bắc những năm 60 của thế kỷ XX thể hiện xu hướng “Đỏ” trong nghiên cứu lịch sử, hay còn là biểu hiện của việc các nhân tố chính trị chi phối khoa học lịch sử. Cũng bởi vậy mà những định kiến sai lầm về triều Nguyễn đã xuất hiện và còn ảnh hưởng đến tận ngày hôm nay, và “Tứ bất lập” là một định kiến như thế.

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu “Tứ bất lập” là gì? Đây là một định kiến tồn tại từ hơn nửa thế kỷ qua về triều Nguyễn, được các sử gia hiện đại “vẽ ra” nhằm bôi nhọ triều Nguyễn. Có rất nhiều cách giải thích về “Tứ bất lập”, nhưng cách giải thích phổ biến hơn cả là “Tứ bất lập” bao gồm: Bất lập Tể tướng, Bất lập Hoàng hậu, Bất lập Thái tử và Bất lập Trạng nguyên

[3]
. Tuy nhiên, thông qua quá trình khảo cứu những sử liệu được biên soạn và ban hành dưới triều Nguyễn (Đại Nam liệt truyện chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chính biên) thì không hề tồn tại cái gọi là “Tứ bất lập”. Dưới đây, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích cũng như đưa ra những bằng chứng xác đáng nhằm chứng minh “Tứ bất lập” là một ngộ nhận sai lầm nghiêm trọng của hậu nhân về triều Nguyễn.

+ Bất lập Tể tướng:

Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Tể tướng là ai. Theo Từ điển chức quan Việt Nam thì “Thời phong kiến, tể tướng là tên gọi chung những người chấp chính

[4]
, trong lịch sử Việt Nam thì tùy từng triều đại mà chức danh này được gọi bằng chức quan khác nhau (thời Lê Đại Hành đặt quan, năm 986 cho Từ Mục giữ chức tổng quản coi việc quân dân, có thể coi là tể tướng
[5]
; Lý Thái Tổ cho Trần Cảo làm tướng công cũng coi là tể tướng
[6]
…).

Tuy nhiên, đến đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), nhằm mục đích tập trung quyền lực vào tay Hoàng đế cũng như hạn chế tối đa việc quyền thần lấn át thiên tử nên ông đã bãi chức này, việc lớn giao cho trọng thần

[7]
.

Do vậy, chúng ta có thể thấy rằng, quan niệm “bất lập Tể tướng” đã có từ thời Lê Thánh Tông (khoảng thế kỷ XV) và nhà Nguyễn không phải là triều đại khai sinh ra quan niệm này. Việc nhà Nguyễn kế thừa quan niệm “bất lập Tể tướng” của thời vua Lê Thánh Tông, phần nào đó cũng thể hiện quan điểm “Pháp tiên vương” của hệ tư tưởng Nho giáo – hệ tư tưởng nắm giữ vị thế độc tôn trong đời sống chính trị nước ta ở kỷ nguyên Hậu Lê – Nguyễn (1428 – 1884).

+ Bất lập Hoàng hậu:

Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Hoàng hậu là ai. Theo Từ điển chức quan Việt Nam thì “Từ Tần trở về sau, hoàng hậu nghĩa là chính thê của hoàng đế. Có thể gọi tắt là hậu

[8]
. Tuy nhiên, tùy từng triều đại khác nhau mà có thể có một hoặc nhiều hoàng hậu. Ví dụ, theo Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư – quyển V – Tiền Ngô vương: “Kỷ Hợi (939), năm thứ 1 (Tấn Thiên Phúc năm thứ 4). Mùa xuân, vua mới xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu…
[9]
, theo Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư – quyển II - Thái Tổ hoàng đế: “Bính Thìn, năm thứ 7 (1016, Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 3, lại lập 4 hoàng hậu: Tá Quốc hoàng hậu, Lập Nguyên hoàng hậu, Lập Giáo hoàng hậu…
[10]
.

Tìm hiểu trong Đại Nam liệt truyện chính biên, chúng ta không khó nhận ra là triều Nguyễn không phải là không có Hoàng hậu. Có thể kể ra một vài cái tên tiêu biểu như: Thừa Thiên Cao hoàng hậu (vợ của vua Gia Long, mẹ đẻ của Anh Duệ hoàng thái tử)

[11]
, Tá Thiên Nhân hoàng hậu (vợ của vua Minh Mệnh, mẹ đẻ của vua Thiệu Trị)
[12]
, Nghi Thiên Chương hoàng hậu (vợ của vua Thiệu Trị, mẹ đẻ của vua Tự Đức)
[13]
… Và trong gần 150 năm tồn tại, triều Nguyễn đã ghi nhận 3 vị Hoàng hậu được sách phong ngay khi còn sống, bao gồm: Thừa Thiên Cao hoàng hậu (vợ vua Gia Long), Lệ Thiên Anh hoàng hậu (vợ vua Tự Đức)
[14]
và Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại).

Khi chúng ta muốn chứng minh một quan điểm nào đó là sai, chỉ cần chúng ta đưa ra một bằng chứng phản lại quan điểm đó thì hoàn toàn có thể kết luận quan điểm đó là sai. Ở đây, chúng tôi chứng minh quan điểm “Triều Nguyễn không tồn tại lệ bất lập Hoàng hậu” bằng việc đưa ra bằng chứng về trường hợp của Thừa Thiên Cao hoàng hậu.

Do Thừa Thiên Cao Hoàng hậu được phối thờ cùng vua Gia Long tại gian chính giữa của Thế Tổ miếu

[15]
nên trong phần quy chế sách, bảo của Hoàng hậu thì chúng tôi không trình bày về quy chế sách, bảo của Hoàng hậu ở Tả miếu nữa. Bởi vì, Thế miếu nằm ở phía Tây Nam trong hoàng thành
[16]
, các vị Hoàng hậu được phối thờ ở đây đều có quy chế sách, bảo riêng biệt
[17]
, nên Thế miếu còn được gọi là Hữu miếu; còn Thái miếu nằm ở phía Đông Nam hoàng thành
[18]
, các vị Hoàng hậu được phối thờ ở đây chỉ có quy chế kim sách
[19]
, nên Thái miếu còn được gọi là Tả miếu. Thái miếu là nơi thờ thần khám các vị Hoàng đế và Hoàng hậu thời chúa Nguyễn
[20]
(các vị Hoàng hậu này đều là truy phong), Thế miếu là nơi thờ thần khám các vị Hoàng đế và Hoàng hậu thời vua Nguyễn
[21]
(các vị Hoàng hậu này có cả sách phong và truy phong).

Theo Đại Nam liệt truyện tập 2 – quyển I – Thế Tổ Thừa Thiên Cao Hoàng hậu: “Thế Tổ Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, họ Tống, là người ở quý huyện (tức huyện Tống Sơn) tỉnh Thanh Hóa, con gái Quý quốc công Tống Phúc Khuông, mẹ là họ Lê… Năm thứ 5 (1806), mùa thu, tháng 7, ngày Kỷ Mùi, lập làm Hoàng hậu. Sách văn rằng: Trộm nghĩ thế của thuần khôn, sánh với kiền nguyên, bắt đầu vương hóa, gây ở nội trị; cùng tôn cùng quý đối với lễ là trinh. Nghĩ đến vương hậu họ Tống: tiếng nghĩa rộng khắp, nết tốt đầy đủ; giữ việc trong cung cho Trẫm, chốn nấu ăn được nghiêm lặng. Lúc trước trong khi xiêu giạt, trẫm lo nghĩ khó nhọc ở ngoài, Hậu siêng năng giúp đỡ ở trong; gian nan cùng giúp lẫn nhau, hiểm bằng nếm đủ tất cả; khoan thai khép nép rất là kính, tiến dâng ngon ngọt hết đạo hiếu; ơn huệ để cho con cháu, đức trạch khắp tới quân nhưng; ôn hòa kính cẩn kiệm ước đã giúp đỡ ta, đức tốt như ngọc hành ngọc vũ làm khuôn phép trong cung cấm, thói hay ở thơ Quang thủ đem giáo hóa cả thiên hạ, tu tề trị bình, cũng nhờ ở đấy. Trẫm mới hợp lời đình thần tâu xin, đã chính vì hoàng đế; nghĩ tới ngôi hậu ở trong cùng trẫm cùng trị, chúc ở trong cung; tốt ở triều đình là gốc. Đã dâng lời tâu xin chỉ Hoàng thái hậu, sai Chưởng thần vũ quân kiêm coi quân thần sách là Kiêm quận công Phạm Văn Nhân mang cờ tiết, Hộ bộ thượng thư, Tích thiện hầu là Nguyễn Kỳ Kế làm phó, mang sách vàng ấn vàng, tấn phong làm Hoàng hậu; cho long trọng vị hiệu. Hậu nên nhận lấy danh hiệu cao quý ấy, sửa sang chính sự ở trong cung, kính cẩn việc thờ phụng ở nhà tôn miếu, làm khuôn phép người mẹ cho thần dân, kính siêng sửa đức nghĩ điều nghĩa cho sáng thêm; được hưởng nhiều phúc, giữ tốt mãi không chán…

[22]
.

Về quy chế mũ áo, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chính biên – quyển 78 – Mũ áo Hoàng hậu: “Mũ 9 con phượng, thân mũ dùng lông đuôi ngựa, mở chỗ búi tóc. Trán mũ đều trang sức hình rồng bò phượng lượn bằng vàng tốt, mỗi thứ 9 con, 9 miếng bồn khoan bằng bạc, 1 mảnh cặp tóc chạm mây và hoa, 1 mảnh bác sơn, 12 cành hoa con bướm, bức trâm hoa 4 đóa, phía trước thắt 2 cành dây leo bọc tóc 1 vòng 4 đóa hoa mai, 2 đoạn hoa dây leo để trang sức chỗ chân tóc, 1 mảnh cầu đằng sau phô hình con phượng bằng vàng bọc 1 đoạn sợi, 4 cái ống trâm bằng bạc, đều chuỗi ngọc trân châu hạng nhỏ 198 hạt để kết dải rũ xuống, khảm các hạng pha lê 231 hạt. Khăn bít trán bằng đoạn đậu 8 sợi tơ nõn màu thiên thanh, trong lót lĩnh đại tào màu vàng chính, đều trang sức 4 cái khuyên vàng tốt, 4 sợi dây tơ.

Áo hoàng bào bằng đoạn đậu 8 sợi tơ nõn sắc vàng chính thêu hoa đoàn phượng

[23]
, thủy ba, trong lót trừu hoa và chim phượng, bốn bông hoa màu đỏ. Cổ áo bằng nhiễu lai lộ màu tuyết trắng, lĩnh trắng bóng.

Xiêm bằng đoạn đậu 8 sợi tơ màu tuyết sen lẫn hoa đoàn phượng bằng vàng, lót và đai lưng bằng lụa Cao bộ, màu tuyết trắng.

Đai vàng, thân bằng sa trúc màu chín kỹ bọc đoạn đậu 8 sợi tơ nõn màu vàng chính đều trang sức bằng các hình biểu vuông màu vàng tốt, cộng 18 mảnh và lót mặt kính khảm hoa vàng trổ trống, 2 cái móc vàng.

Hài bằng tơ lông màu đỏ, thêu con phượng màu lục. Bí tất dùng lĩnh bóng nam, màu tuyết trắng

[24]
.

Về quy chế sách, bảo của Hoàng hậu, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chính biên – quyển 83 – Sách, bảo của Hoàng hậu: “Sách: làm bằng vàng 10 tuổi, có 6 tờ trước và tờ sau chạm khắc rồng mây, 4 tờ giữa khắc sách văn dài 5 tấc 5 phân, ngang 3 tấc 5 phân, dày 2 ly. Khuyên tròn bằng vàng 4 chiếc, dùng hòm bằng bạc để chứa. Bốn chung quanh và nắp ở trên đều khắc rồng mây, hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài.

Bảo: thì làm bằng vàng 10 tuổi, vuông 2 tấc 5 phân, dày 4 phân 5 ly, núm làm bằng 2 con rồng dâng ngọc châu, cao 1 tấc 5 phân, khắc 4 chữ triện “Hoàng hậu chi bảo” đựng bằng hòm gỗ sơn đỏ, vẽ phượng và mây, thếp vàng, hộp son bằng bạc

[25]
.

Về quy chế sách, bảo của Hoàng hậu ở Hữu miếu, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ - quyển 83 – Sách, bảo của Hoàng hậu ở Hữu miếu: “Sách: Làm bằng vàng 8 tuổi hoặc 5 tuổi, có 5 tờ: tờ trước tờ sau, khắc rồng mây, 3 tờ giữa khắc sách văn, dài 6 tấc 3 phân, ngang 3 tấc 5 phân 1 ly, dày 2 ly. Khuyên tròn bằng vàng 4 chiếc. Hòm đựng bằng bạc, chung quanh và nắp trên khắc rồng mây, hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài, 4 góc bịt bạc.

Bảo: làm bằng vàng 8 tuổi hay 5 tuổi, vuông 2 tấc 3 phân, dày 3 phân, núm rồng phủ phục, cao 1 tấc 2 phân. Hòm gỗ đỏ để đựng chân khắc chữ triện dây, 4 góc bịt bạc

[26]
.

+ Bất lập Thái tử:

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu xem Thái tử là ai. Theo Từ điển chức quan Việt Nam thì “Người kế thừa ngôi vua, vốn gọi là Thái tử. Từ thời Đường về sau cải gọi hoàng thái tử

[27]
; cũng theo sách này thì “Ở Trung Quốc vào thời Chu, người con nào của thiên tử được lập làm tự quân thì gọi là thái tử, con của các chư hầu thì gọi là thái tử hoặc thế tử. Từ thời Tần về sau, người kế nghiệp hoàng đế gọi là thái tử, nói chung là con trưởng của hoàng đế, nhưng cũng có ngoại lệ, có khi do hoàng đế tự chọn mà lập nên. Từ thời Đường về sau gọi là hoàng thái tử.

Nhà Thanh từ vua Ung Chính trở đi không lập hoàng thái tử mà do hoàng đế tự viết mật thư tên của tự quân, cất sau bức hoành Chính Đại Quang Minh. Khi vua chết, một vị đại thần đặc nhiệm lấy xuống đọc tên người được mật thư phong làm hoàng đế

[28]
.

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, thì việc lập Thái tử luôn là một việc rất quan trọng của triều đình. Ví dụ, theo Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư – quyển I – Ngọa Triều hoàng đế: “Kỷ Dậu, năm thứ 2 (1009, Tống Đại Trung Tương Phù năm thứ 2)… Mùa đông, tháng 10…, ngày Quý Sửu, Lý Công Uẩn tự lập làm vua… Sách lập con trưởng là Phật Mã làm hoàng thái tử…

[29]
. Cũng chính vì việc này đã tạo ra mầm mống cho Loạn Tam vương vào năm 1028, khi mà bầy tôi đều đến cung Long Đức xin hoàng thái tử vâng chiếu lên ngôi thì ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh, Vũ Đức nghe tin ấy đều đem quân mình vào phục sẵn trong cấm thành
[30]
. Cuộc nổi loạn ấy nhanh chóng bị dập tắt, Vũ Đức vương bị Lê Phụng Hiểu chém chết; Đông Chinh vương và Dực Thánh vương chạy thoát được
[31]
. Ngày Kỷ Hợi, hai vương là Đông Chinh và Dực Thánh đến cửa khuyết xin chịu tội, vua xuống chiếu tha cho và lại cho tước như cũ
[32]
.

Tìm hiểu trong Đại Nam thực lục chính biên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra là nhà Nguyễn không hề tồn tại cái gọi là “bất lập Thái tử”. Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển LII: “Bính Tý, Gia Long năm thứ 15 [1816, Gia Khánh năm thứ 21]… Tháng 3, ngày Canh Dần, đặt triều nghi ở điện Cần Chánh, triệu bầy tôi đến, đều cho ngồi. Dụ rằng: “Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của xã tắc. Thái tử là ngôi chừ nhị

[33]
của nước, cần phải sách lập để trọng chính thống mà giữ bền gốc nước”. Bèn triệu Thượng thư Lại bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết: “Lập hoàng tử Hiệu làm Hoàng thái tử” để đưa cho bầy tôi xem. Vua nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào”. Quần thần đều nói: “Ý thánh định trước, thực là phúc không cùng của xã tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh”.

Vua thung dung dụ rằng: “Cha con truyền ngôi cho nhau là đạo thường xưa nay. Từ đời Hán đời Đường trở xuống, ít người không theo. Hoặc có kẻ nói “đích tôn thừa trọng”, ta thực không hiểu thuyết ấy. Duy có vua Thái Tổ nhà Minh mê hoặc theo lời nói của Lưu Tam Ngô mà bỏ con là Yên vương Đệ lập đích tôn là Doãn Văn, rốt cùng sinh tai vạ. Phàm biết con không ai bằng cha. Nếu vua Thái Tổ nhà Minh cho Yên vương là hiền mà bấy giờ họp ngay đình thần, nói rõ là lập làm thái tử, thì một lời nói ra, ai dám không theo. Như thế thì làm sao sinh loạn được”. Quần thần đều vui phục

[34]
.

Về quy chế mũ áo, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ - quyển 78 – Mũ áo hoàng thái tử: “Gia Long năm thứ 15 (1816), đình nghị tâu lên được chỉ chuẩn: Phẩm phục đại triều của Hoàng thái tử, mũ dùng lối mũ đời Đường, 7 con rồng trang sức bằng vàng và ngọc. Áo bào dùng áo bào con rồng cuộn sắc đỏ thẫm. Xiêm thêu con rồng 5 móng. Đai trang sức bằng vàng chạm rồng. Mũ thường triều dùng mũ Xuân thu, trang sức bằng vàng và ngọc châu. Áo xiêm, bổ tử đều nền bằng vàng, thêu rồng 5 móng

[35]
.

Về quy chế đồ lỗ bộ của Thái tử, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ - quyển 79 – Lỗ bộ Thanh cung (Thái tử): “Gia Long năm thứ 15, làm nghi trượng của Hoàng thái tử: 1 xe bộ liễn, 1 tán tròn cán cong 7 rồng, 1 tán cán thẳng sắc đỏ, 4 tán vuông sắc đỏ, 2 lọng xanh, 2 lọng đi mưa lợp lụa quang dầu, đỏ, vảy vàng, 4 lọng đỏ, 6 lọng xanh vẽ rồng mây. Cờ phan truyền giáo, cờ phan giáng dẫn, cờ phan giáo chỉ, cờ tín phan, mỗi thứ 2 lá. Quạt vuông hoa đỏ, quạt vuông hoa xanh, mỗi thứ 4 chiếc. 1 cờ lệnh, 2 cờ xanh, 2 cờ đỏ, 2 cờ vàng, 2 cờ trắng, 2 cờ đen. Dù có ngù lông, nghi hoàng xưởng, qua xưởng, kích xưởng, mỗi thứ 6 cái. Ngô trượng, kim việt, đinh ba đứng, đinh ba nằm, cốt đóa, mỗi thứ 4 cái. Trống đồng, chiêng vàng mỗi thứ 2 cái. 2 đèn lồng căng sa đỏ, 4 cờ mao dải đỏ, đề lô bằng vàng, hộp hương bằng vàng mỗi thứ 1 cái.

Lại xuống chỉ: đồ lỗ bộ của Hoàng thái tử, phàm gặp các lễ Nam giao, Xã tắc, Văn miếu, các tiết Nguyên đán, Đoan dương và tiết Thiên xuân đều chuẩn cho bày dàn đúng như nghi tiết

[36]
.

Về quy chế sách, bảo của Hoàng thái tử, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ - quyển 83 – Sách, bảo của Hoàng thái tử: “Sách: làm bằng vàng, có 5 tờ, tờ trước tờ sau khắc rồng mây, 3 tờ giữa khắc sách văn dài 5 tấc 6 phân 6 ly, ngang 3 tấc 2 phân 4 ly, dày 2 ly, đựng bằng hòm bạc, khắc rồng mây, hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài.

Bảo: làm bằng vàng, vuông 2 tấc 4 phân 3 ly, dày 3 phân 2 ly, núm rồng phủ phục, khắc 5 chữ triện “Hoàng thái tử chi bảo”. Đựng bằng hòm gỗ đỏ. Hộp son bằng đồng: 1 dấu bảo bằng bạc khắc chữ “thị tín”, vuông 6 phân 7 ly, dày 3 phân, núm rồng phủ phục

[37]
.

+ Bất lập Trạng nguyên:

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu xem Trạng nguyên là ai. Theo Từ điển chức quan Việt Nam: “Danh xưng người đỗ thứ nhất. Thời Đường có danh xưng trạng nguyên chỉ người đỗ thứ nhất trong sảnh thí. Thời Tống năm 975 gọi người thứ nhất trong sảnh thí là sảnh nguyên, người đỗ nhất trong điện thí là trạng nguyên, cũng gọi điện nguyên. Từ đó trạng nguyên là vinh dự cao nhất của khoa danh

[38]
.

Tuy nhiên, đến đời vua Lê Thánh Tông thì danh xưng Trạng nguyên đổi thành danh xưng Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh. Theo Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục - quyển XII – Thánh Tông Thuần hoàng đế (Thượng): “Nhâm Thìn năm thứ 3 (1472, Minh Thành Hóa thứ 8)… Định lệ tư cách của tiến sĩ. Đệ nhất giáp, người đỗ thứ nhất cho chánh lục phẩm 8 tư, người đỗ thứ nhì cho tòng lục phẩm 7 tư, người đỗ thứ ba cho chánh thất phẩm 6 tư, đều cho chữ tiến sĩ cập đệ…

[39]
.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, chính sử đã từng ghi nhận rất nhiều vị trạng nguyên. Ví dụ, theo Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư – quyển V – Thái Tông hoàng đế: “Đinh Mùi, năm thứ 16 (1247, Tống Thuần Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò. Cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên….

[40]
.

Dưới triều Nguyễn thì không lấy ai đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh. Tuy nhiên, không phải do triều Nguyễn “bất lập trạng nguyên” như một số người vẫn lầm tưởng, mà bởi không một sĩ tử nào hội tụ đủ các tiêu chuẩn của danh xưng này. Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển CLIV: “Ất Mùi, Minh Mạng năm thứ 16 (1835). Mùa hạ, tháng 6. Vua ngự nhà Duyệt thị, bảo Phan Huy Thực ở bộ Lễ rằng: “Thi Đình rất khó lấy được người đỗ đệ nhất giáp. Nếu không lấy thì là thiếu nhân tài, mà lấy phiếm e không làm thỏa được nguyện vọng của sĩ phu. Nghe nói: đời cựu Lê, đầu bài thi Đình rất nhiều, có người làm văn không làm đủ bài thì nhúng ướt quyển thi đi, là tại sao?”. Huy Thực thưa rằng: “Phép thi của đời cựu Lê, cốt lấy nhớ nhiều, nếu làm không đủ bài mà để lại e làm nhơ cho tiến sĩ cho nên nhúng ướt đi

[41]
.

Tuy rằng không lấy ai đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh nhưng triều Nguyễn vẫn đề ra những quy chế đối với danh xưng này, được ghi rõ trong Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ.

Về quy chế mũ áo, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ - quyển 108 – Tiến sĩ quan phục: “Phàm mũ áo các Tiến sĩ: đệ nhất giáp Tiến sĩ, đệ nhất danh mũ làm bằng sa đen, đằng trước 1 cái hoa bằng vàng, đằng sau hoa bằng bạc, 1 cái bái sơn bằng bạc, 2 cái cánh chuồn 2 bên bọc bạc, áo bào màu lục bằng đoạn hoa to 8 sợi tơ bổ tử nền đỏ thêu con nhạn và mây, quần màu đỏ sa hoa rắc, đai bằng tre hoa bọc đoạn vũ màu đỏ, chung quanh có 10 mảnh hình vuông, trên mặc khảm sừng có hoa, trong 10 cái miếng vuông thí 5 cái bịt bạc, 5 cái bịt đồng và võng, khăn, giày, tất, hốt gỗ…

[42]
.

Về lệ chấm quyển thi Đình, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ - quyển 105 – Lệ chấm quyển thi Đình: “Năm thứ 10 (1829), chuẩn lời nghị: chấm duyệt quyển thi ở Điện theo y lệ chấm thi Hội

[43]

Lại chuẩn lời nghị; văn lý được 10 phân thì lấy đỗ “đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh”…

[44]
.


[1]
GS. Trương Hữu Quýnh (chủ biên) – GS. Phan Đại Doãn – PGS. Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 437.

[2]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 1), NXB Sử học, 1962, tr. 6 – 7.

[3]
Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2017, tr. 253.

[4]
PGS.TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 495.

[5]
PGS. TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 496.

   Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 142.

[6]
PGS. TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 496.

   Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 157.

[7]
PGS. TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 497.

[8]
PGS. TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 269.

[9]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 120.

[10]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 164.

[11]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 9 – 12.

[12]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 5 – 9.

[13]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 9 – 33.

[14]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 33 - 37.

[15]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam nhất thống chí (tập 1), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 33.

[16]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam nhất thống chí (tập 1), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 33.

[17]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 194.

[18]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam nhất thống chí (tập 1), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 32.

[19]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 194.

[20]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam nhất thống chí (tập 1), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 32.

[21]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam nhất thống chí (tập 1), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 33.

[22]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 10 – 11.

[23]
Là hoa bông tròn trong có hình 2 con phượng.

[24]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 126 – 127.

[25]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 193.

[26]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 194.

[27]
PGS. TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 272.

[28]
PGS. TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 511.

[29]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 153 – 157.

[30]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 168.

[31]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 169.

[32]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 171.

[33]
Chừ nhị: Dự bị để nối ngôi, coi như vị vua thứ hai.

[34]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2002, tr. 920 – 921.

[35]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 128.

[36]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 154 – 155.

[37]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 193.

[38]
PGS. TS. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thông tấn, 2019, tr. 595.

[39]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 668 – 669.

[40]
Ngô Sĩ Liên và các sử quan triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 278.

[41]
Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam thực lục (tập 4), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 674.

[42]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4b), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 109 – 111.

[43]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4b), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 57 – 63.

[44]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4b), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 63.

Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

triều nguyễn

,

lịch sử

Nghiên cứu sâu và viết ổn phết bạn ạ! Dẫn chứng và nguồn rất đầy đủ. Lâu lắm mới thấy một người viết triều Nguyễn chuẩn chỉnh như này. Đội sử trên này có đ/c Lê Hoàng Vũ Linh viết rõ ràng nhưng thiên về sử sau 1975 và cách mạng nhiều hơn. :))
Xin tặng vài coin gọi là... (like)
Trả lời
Nghiên cứu sâu và viết ổn phết bạn ạ! Dẫn chứng và nguồn rất đầy đủ. Lâu lắm mới thấy một người viết triều Nguyễn chuẩn chỉnh như này. Đội sử trên này có đ/c Lê Hoàng Vũ Linh viết rõ ràng nhưng thiên về sử sau 1975 và cách mạng nhiều hơn. :))
Xin tặng vài coin gọi là... (like)