Triệu Đà là giặc hay là tổ tiên của người Việt?
Câu chuyện về Mị Châu chắc hẳn là quá nổi tiếng rồi. Nhưng hôm nọ em có đọc được một thông tin cho rằng Triệu Đà là tổ tiên của chúng ta. Em thấy rất khó hiểu về cái này :)
triệu đà
,nguồn gốc
,lịch sử
Trước hết, cần phải lưu ý một điều: đó là sử sách giai đoạn này rất mù mờ. Bên phía Trung thì sử họ gộp chung hết các dân tộc phía nam là Bách Việt - là lũ man di mọi rợ chưa được giáo hoá nên không cần ghi chép nhiều. Thành ra ghi chép đã ít, lại còn kiểu ghi chép nhiều khi xung đột với nhau. Còn bên mình thì ghi chép sớm nhất cũng từ thời Lý - Trần - cách nhau cả ngàn năm nên rất khó đánh giá.
Thành ra nghiên cứu về giai đoạn này phần nhiều là phỏng đoán. Không có cơ sở quá rõ ràng.
Còn theo sách sử (mình chủ yếu lấy 4 bộ quốc sử với các bộ dã sử lâu đời như Lĩnh Nam chích quai Việt Điện U Linh...), đại khái là như thế này:
Các cụ ngày xưa theo học thuyết thiên mệnh, nên không quan tâm nguồn gốc dân tộc như bây giờ. Chỉ cần làm cho dân có cơm ăn áo mặc, là mặc định nắm được "thiên mệnh" và có quyền làm chủ đất nước.Theo sách cũ, thì Hùng Vương là vua chính thống của nước Việt. Sau bị Thục Phán (An Dương Vương) dẫn quân sang cướp nước. Tùy nguồn sử liệu, mà An Dương Vương lúc là người Ba Thục, lúc là thủy tinh,... Nói chung là theo nguồn nào thì An Dương Vương cũng không phải là vua chính thống của nước Việt.
Ngoài ra, triều đại của An Dương Vương có vẻ cũng không được lòng dân cho lắm. Bằng chứng là ngay trong các truyền thuyết dân gian, hay sách sử thường hay nhắc đến chuyện An Dương Vương bị "yêu quái" quấy rối. Yêu quái ở đây có thể ngầm hiểu là đại diện cho người dân và những tàn dư của thời đại Hùng Vương.
Trong khi đó, Triệu Đà được miêu tả là một vị vua có tài đức. Sau khi đánh bại An Dương Vương, Triệu Đà thống nhất một số quốc gia thuộc Bách Việt (các cụ ngày xưa coi cả Bách Việt là anh em một nhà) lập ra nhà Nam Việt. Duy trì độc lập tương đối với phương bắc. Một số chỗ còn miêu tả Triệu Đà sau khi làm vua đã quên hết phong tục của người Hán, biến thành người Việt.
Triều đại của Triệu Đà cũng có vẻ là khá dễ chịu. Nên giai đoạn này không có ghi chép gì về khởi nghĩa, nổi loạn hay "yêu quái" quấy phá.
Chưa kể, từ khi Triệu Đà cai trị thì nho giáo bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam. Nói theo kiểu các cụ nho xưa là: dân Việt được khai hoá, mở man dân trí, thoát khỏi cảnh man di mọi rợ.
Cho nên, các cụ thời Lý Trần (có thể là cả trước đó nữa) coi Triệu Đà là vua chính thống của nước Việt. Vì ơn đức của ông với dân không phải là ít. Với cả thời Lý - Trần, các cụ vẫn luôn nuôi mộng bắc tiến. Nên cần phải công nhận triều Triệu Đà là vua chính thống để "hợp pháp hoá" việc bắc tiến.
Đến thời Hậu Lê, thì tham vọng bắc tiến không còn mạnh như trước. Nên vai trò của Triệu Đà bắt đầu bị xét lại nhưng không quá nhiều. Chủ yếu là các cụ sử quan kêu ca là Triệu Đà được ca ngợi hơi quá.
Tới sau Cách mạng tháng 8, chủ nghĩa dân tộc ở VN bắt đầu phát triển mạnh. Thì xuất hiện tư tưởng truy xét về nguồn gốc dân tộc. Cụ thể là giờ đây, một vị vua muốn được công nhận là vua nước Việt, thì phải là người gốc "Việt"
Đến lúc này, do Triệu Đà không phải "người gốc Việt" nên không còn được coi là vua nước Việt mà trở thành giặc, quân cướp nước,...
Vai trò của An Dương Vương cũng được xem xét lại. An Dương Vương trở thành một người tài đức, thay thế Hùng Vương. Rồi anh hùng dân tộc chống phương bắc,...
Đấy là sơ bộ về quá trình biến đổi vai trò của Triệu Đà trong lịch sử nước Việt. Còn cụ thể hơn thì... Khó nói lắm. Nó đụng đến nhiều vấn đề dân tộc phức tạp. Nói nữa thì khéo lệch sóng tuyên truyền của sử đại chúng. Nên mình xin phép kết thúc ở đây 🐧
Nội dung liên quan
Trần Long