TRIẾT LÝ BÓNG ĐÁ, NHÌN TỪ MAN CITY CHO TỚI PREMIER LEAGUE
Triết lý sống của bạn là gì? Hãy trả lời câu hỏi đó. Rồi chúng ta sẽ cùng nhau hiểu, thực sự, triết lý chẳng là cái gì cao siêu quá mức kinh khủng cả dù thực sự, TRIẾT bản thân nó là một từ mang nội hàm rất lớn, rất rộng mà không phải ai cũng dám đụng tới. Và ngay cả việc đứng trước một đại diện cho một triết thuyết, mỗi người cũng sẽ hiểu mỗi khác, từ đó dẫn tới “vùng mờ” của tri thức, vùng mà đúng và sai có thể lẫn lộn, sự khác biệt trong nhận thức chỉ có phân biệt được bẳng cảm.
Ví dụ, chúng ta mới nghe chuyện tác gia Kim Dung qua đời, và rất nhiều người tiếc thương ông, phân tích tác phẩm của ông với vẻ ngoài văn chương nghe rất sâu sắc. Nhưng đã ai đụng được đến tầng tri thức triết học của Kim Dung hay chưa? Hình như hiếm. Đơn cử như Thiên Long Bát Bộ, bộ tiểu thuyết mà Kim Dung lấy lõi cảm hứng từ bát bộ phi nhân của tôn giáo cổ (đừng tra wiki để hiểu lầm là của Phật giáo đơn thuần) là Deva, Naga, Yaksha, Gandharva, Arura, Garuda, Kinnara và Mahoraga. Vậy thì những ai trong số các nhân vật là hiện thân của Asura? Nội câu hỏi đó thôi, đủ để khuấy động chúng ta chưa? Asura, hay còn gọi là A-tu-la (mà ngoài Bắc xưa hay có câu nói vui “Tu lác giật dây” để ám chỉ những kẻ quái ác) sẽ là những ai trong Thiên Long Bát Bộ? Theo tôi, đó có thể là nàng A Tử, vì cái cách đặt tên nhân vật thiên tuyệt của Kim Dung (A Tử có thể phát âm rất gần với Asura), và vì cái tính cách quái ác của nàng rất giống sự ganh ghét mà các Asura dành cho Deva. Ấy vậy mà chỉ cần ta đổi địa chỉ sinh ra, lớn lên, sống và tiếp nhận văn hoá tri thức thôi ta sẽ nghĩ khác. Avesta, bộ kinh của người Ba Tư cổ, vốn dĩ rất gần với Veda của người Aryan Ấn độ, lại có cái nhìn về Asura rất khác. Người Ấn coi Deva là thần, Asura là một dạng thần bị đọa qủy (như Lucifer) và ngược lại, người Ba Tư, trong Avesta của mình lại coi Asura là thần còn Deva là qủy đoạ từ thần.
Bạn có thể bỏ qua đoạn trên, khỏi đọc, vì rối rắm quá, nhưng nếu tìm Veda và Avesta để đọc thì rất nên. Còn tôi, tôi quay lại với câu chuyện của bóng đá, câu chuyện của Triết Lý, của thứ mà chúng ta dễ sa vào tranh cãi vô hồi, vô thủy, vô chung với nhau nhất.
Nếu bạn chơi Football Manager, ở các phiên bản trước bản 2019 mới ra mắt, và chọn làm HLV của Monaco, ngay từ đầu game, các bạn đã được gặp một đối thoại rất hay. Ở tư cách HLV trưởng, bạn gặp ông chủ CLB, và ông ta (Rybolovlev) sẽ nói “Ờ, chúng tao chả có triết lý nào cả. Mày có gợi ý triết lý nào không?”.
Rất hiếm các CLB lớn, có lịch sử, có bề dày mà ở thời đại này còn không có một triết lý xương sống của mình. Triết lý ấy được hình thành từ văn hoá của nền bóng đá, từ bản sắc của CLB và cuối cùng là đến từ sở nguyện của chủ CLB, nhất là khi đó là một ông chủ mới, vừa tiếp quản CLB và muốn thay đổi mọi thứ. Rybolovlev là vậy. Ông ta chưa định hình triết lý nào cho Monaco cả. Nhưng ông ta có mục tiêu. Đó là mua trẻ, rẻ và tiềm năng để bán đắt. Còn thành tích, có thì càng tốt. Miễn là CLB phải có lời trước đã.
Chỉ mua cầu thủ ngôi sao cũng có thể là một triết lý, dù triết lý ấy chưa đủ làm nền tảng cho lối chơi của đội bóng. PSG là một dạng như thế. Họ chỉ mua ngôi sao nhưng song song đó, họ có triết lý gì? Chơi kiểm soát bóng ư? Hay chơi phòng thủ phản công? Hoặc là chơi kiểm soát không gian? Họ không có triết lý cụ thể ở cách chơi bóng. Thế nên, cách tuyển lựa HLV của họ không có tính chuyển tiếp. Từ Ancelotti tới Laurent Blanc, từ Emery tới Tuchel, họ có thể có chút xíu gần nhau về quan điểm nhưng hoàn toàn không kể kế tục nhau để tạo ra một PSG có diện mạo đủ định hình trong lòng người hâm mộ. Phải chăng, đó là lý do họ chưa một lần thành công ở Champions League?
Bây giờ, chúng ta quay lại với chủ đề chính, Man City và lăng kính rộng hơn là Premier League, triết lý chung là gì? Mỗi nền bóng đá hiện đại đều có cả trăm CLB và sự đa dạng muôn màu muôn vẻ đã khiến các giải bóng đá có sự hấp dẫn riêng. Nhưng cũng không thể vì thế phủ nhận rằng mỗi giải đấu, mỗi nền bóng đá quốc gia đều có một triết lý chung, ít ra là trong một khoảng thời gian nào đó. Chính triết lý chung ấy khiến sự “luân chuyển cán bộ” trên băng ghế huấn luyện ở các giải đấu lớn dễ dàng hơn, và ĐTQG cũng ăn ý hơn bởi sự thống nhất của cả nền bóng đá.
Những ai sinh ra ở thập niên 80, 70 hoặc sớm hơn hẳn sẽ cảm giác ĐTQG Đức đánh mất chính mình ở sau mốc 1998. Không còn hình ảnh một đội bóng chơi thực dụng, hướng lên phía trên, chuyển đổi nhanh, luôn sử dụng libero nữa. Đó là một cuộc thay đổi triết lý vĩ đại. Và nó mang lại chức VĐTG năm 2014, với một đội tuyển Đức chưa bao giờ kỹ thuật đến thế. Nhưng nhìn vào quãng thời gian mà người Đức bắt đầu cách mạng cho tới thời điểm thành công của họ, ta thấy rõ họ phải mất ít nhất vài lứa cầu thủ. Và để được chấp nhận dễ dàng, họ phải đợi lứa khán giả sinh ra từ thập niên 90 về sau này trở thành lực lượng khán giả chủ đạo, với tiếng nói chủ đạo.
Và bây giờ, khi thay đổi đã được ghi nhận, chúng ta mới nhận ra rằng, không còn CLB Đức nào chơi bóng kiểu “Đức xe tăng” cả. Tất cả đã mềm mại như một nền bóng đá latin và những cái gọi là sự hiện đại của tham góp công nghệ đều chỉ là điểm xuyết mà thôi.
Từ đó, phóng chiếu ra TBN, BĐN, Pháp, chúng ta nhận thấy rõ triết lý chung của 3 nền bóng đá ấy là chơi “kiểm soát bóng”. Điểm phân biệt giữa họ chỉ là tiếp cận cách chơi kiểm soát bóng như thế nào mà thôi. Điển hình là người Pháp, ở thời điểm đầu thập niên 2000, thống kê cho thấy 19/20 CLB Ligue 1 lựa chọn sơ đồi 4-2-3-1. Sau đó, 4-2-3-1 thịnh hành toàn cõi châu Âu. Người Pháp có thể yếu ở cúp châu Âu nhưng rõ ràng, triết lý của họ đã tạo dấu ấn.
Với TBN, triết lý kiểm soát bóng còn rõ rệt hơn. Sẽ khá nhiều người ngạc nhiên rằng tại sao khi Pep Guardiola ra đi, Barca vẫn duy trì được lối chơi kiểm soát bóng thuyết phục của mình với những Tito, Tata Martino, Enrique và giờ là Valverde. Những người như Martino, Valverde có trưởng thành từ La Masia đâu mà sao lại hiểu Barca đến thế? Đơn giản, triết lý của Barca là kiểm soát bóng và họ cần các HLV cũng say mê triết lý đó. Và lối chơi kiểm soát bóng của họ đã hình thành từ lâu chứ không phải đợi đến khi Pep đến. Pep chỉ nâng tầm nó, tạo ra phong thái riêng cho nó trên nền tảng chung. Nên nhớ, người ta đặt tên tiki-taka cho lối chơi của TBN trước chứ không phải cho Barca trước. Và đó mới là chìa khóa để nói câu chuyện triết lý này.
Man City đã và đang chơi rất hay kể từ khi Pep đến, nhưng Man City có tiki-taka không? Chắc chắn là không. Ban lãnh đạo Man City mê mẩn triết lý của Barca, và chuẩn bị trải chiếu cho Pep bằng việc mời những nhân tố quan trọng trong quản trị từ Barca đến thành phố của họ làm việc trước khi Pep tới. Mô hình lò đào tạo trẻ của họ cũng học hỏi từ Barca rất nhiều. Rõ ràng, Man City hướng tới lối chơi kiểm soát bóng, nhưng không phải thứ tiki-taka xa lạ nào đó. Và hôm nay, họ chơi thứ bóng đá nhuần nhuyễn nhưng trực diện hơn hẳn của Barca thời Pep còn cầm quân. Không phải họ hiện đại hơn Barca, mà vì họ không có con người kiểu Barca. Nói thế để hiểu, văn hoá bóng đá của Barca để tạo ra cái “tiki-taka” đặc trưng catalan đã có từ lâu, kể từ kỷ nguyên mà Laureano Ruiz làm HLV đội trẻ của Barca năm 1972, và phát kiến ra lối tập chuyền bóng gọi là Rondo, thứ rất gần với cách đá ma (đá banh khờ) của Việt Nam hôm nay.
Pep đến và chỉ điểm xuyết vào đó bằng quan điểm bóng đá riêng của mình mà thôi. Và ở Bayern, Pep cũng biến đổi người khổng lồ Đức nhưng rõ ràng Bayern không hề chơi giống Barca. Bây giờ là Man City, đội bóng không hề có chút Barca nào nhưng thể hiện lại vô cùng Pep.
Để hiểu điểm khác của Pep, ta phải nhìn vào Valverde lúc này. Ông ta là ai mà hiểu rõ văn hoá, triết lý Barca vậy? Ông duy trì, phát triển theo cách riêng, lối chơi kiểm soát bóng của Barca nhưng không hề còn lại chút dấu tích chuyền ngắn, một chạm, đa số đường chuyền là đơn giản (safe pass để duy trì kiểm soát) đợi chờ đối thủ sơ hở như Pep. Ngay cả Tito, Tata hay Enrique cũng để Barca chuyền bóng khác thời Pep. Và bản thân Pep, khi làm việc ở Bayern và Man City, ý thức được cầu thủ của mình không còn là những Xavi, Iniesta, Messi nữa, ông cũng đã chơi rất khác. Ở Bayern và Man City, đó mới là Pep nhất. Còn ở Barca, đó là Pep thuộc về Barca.
Ngoài việc xây dựng triết lý chuyền ngắn, đơn giản để duy trì kiểm soát chờ đối thủ sơ hở như đã làm ở Barca (và chỉ phù hợp với Barca), Pep còn một triết lý khác nữa. Đó chính là pressing và tấn công sau khi pressing thành công. Nguyên lý của Pep là luôn dồn đối thủ đang có bóng ra biên, càng gần biên càng tốt. Dễ hiểu, ở biên, không gian xử lý bóng khó hơn ở giữa sân rất nhiều, do đó khả năng mất bóng cũng lớn hơn nhiều. Pep dùng quân số để áp đảo ở khu vực dồn đối thủ cầm bóng ra biên và nguyên tắc của ông là nếu đoạt bóng ở biên nào, sẽ dùng chính lợi thế quân số (đến từ việc dồn nhân sự quây bóng) để tấn công ở ngay biên đó. Còn nếu không có lợi thế về nhân sự, điều cần làm là rả rích chuyền vào giữa sân và từ đó đổi hướng tấn công. Lối chơi này vô cùng khó chịu, và ở Man City, nó còn phát triển tới mức độ sử dụng bẫy pressing ở ngay khu vực giữa sân và nếu đoạt bóng, sẽ dùng thế lợi quân số mà tấn công ngay từ trung lộ.
Có thể nói, hôm nay, Pep đã hoàn thiện triết lý của Man City, và nếu sau này ông ra đi, chắc chắn Man City sẽ phải kiếm tìm một người cũng mê triết lý kiểm soát bóng để cầm quân thay thế ông. Mà một người kế tục như thế, ở Anh hình như chưa có trừ một phiên bản lỗi mang tên Brendan Rodgers.
Nhắc đến kế tục, chúng ta mới thấy tại sao Emery hoà nhập với Arsenal nhanh thế. Ông cũng là người chủ trương kiểm soát bóng, và Wenger cũng vậy. Nhưng Emery hiện đại hơn Wenger ở triển khai tấn công, cụ thể ở tốc độ và điểm phát động. Lẽ ra Emery đã tạo được dấu ấn tại PSG nếu ở đó người ta tin ông. Nhưng vì áp lực thành tích, họ chọn Tuchel, một người theo một triết lý “lai” giữa kiểm soát bóng và chơi trực diện với cái gọi là “vertical tiki-taka” như định nghĩa mớí của FM 2019.
Và chốt lại, chúng ta thử nhận diện xem triết lý của Premier League là gì? Sự đa dạng có thể là thứ người Anh tự hào về 20 CLB Premier League mỗi mùa mang lại nhưng thực sự, nền bóng đá của họ chưa định hình một triết lý thống nhất. Thời xưa, ít ra họ còn được định danh với tạt cánh, đánh đầu, kick & rush nhưng rồi sau đó là gì? Man United và Arsenal đua nhau nhiều năm lẽ ra đã có thể góp phần tạo ra một trào lưu nhưng Mourinho đã phá thế để phản công lên ngôi, rồi sau đó, Ranieri đưa Leicester khẳng định giá trị phản công thêm lần nữa. Để rồi hôm nay, 6 CLB lớn của Anh có những khác biệt so với nhau quá lớn để không thể tạo thành “chất chung của giải”. Nên nhớ, ở TBN, Barca và Real kình địch nhau đến thế nhưng họ vẫn có một triết lý chung là tấn công cống hiến và kiểm soát bóng. Và nhiều CLB khác cũng đang chơi như thế nên ĐTQG TBN luôn chơi kiểm soát bóng chứ không phải lối phản công thực dụng của Simeone dù Atletico đang là một đội rất mạnh ở tầm châu lục.\
Nguồn: