Trí thức Việt tại Hàn Quốc như thế nào?
kiến thức chung
CÂU HỎI: Trí thức Việt tại Hàn Quốc như thế nào?
TRẢ LỜI:
- Trong sâu thẳm trái tim nhiều trí thức người Việt ở Hàn luôn đau đáu ngày trở về, để đóng góp xây dựng quê hương...
Trong chuyến công tác tại Hàn Quốc mới đây, chúng tôi may mắn được đến thăm một số trường Đại học ở Hàn-nơi có nhiều Giáo sư, trí thức trẻ người Việt đang làm việc và học tập. Được chứng kiến không khí say mê học tập, nghiên cứu của họ, mới thấy hết nỗi vất vả của những trí trẻ Việt Nam ở ngoài.
Bắt đầu một ngày làm việc của các sinh viên, nghiên cứu sinh đến cả những Giáo sư đều ở trong phòng thí nghiệm từ 6 giờ sáng đến 11, 12 giờ đêm. Bữa cơm cho ngày hôm sau của họ hầu như được chuẩn bị vào lúc giữa đêm, sau giờ họ ở phòng thí nghiệm trở về.
“Chúng tôi thường trở về nhà lúc hơn 11 giờ đêm và khi đó bắt đầu nấu cơm cho bữa sáng và cả ngay hôm sau. Vừa nấu cơm, chúng tôi có thể vừa làm các công việc cá nhân hoặc đọc sách, báo. Thường thì gần 1 giờ đêm mọi người mới đi ngủ và thức dậy lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị 6 giờ sáng là có mặt ở phòng thí nghiệm. Công việc học tập và nghiên cứu khá áp lực, vì thế phải biết thu xếp, sắp xếp mọi chuyện, từ chuyện gia đình đến chuyện ăn uống, nghỉ ngơi”- Nghiên cứu sinh Phạm Tấn Việt, ngành công nghệ sinh học tại Đại học Konkuc, Seoul, Hàn Quốc chia sẻ.
Vất vả là vậy, nhưng ai cũng đầy tinh thần học tập, nghiên cứu. Bởi hầu như ai ra nước ngoài học cũng mong muốn được tiếp thu những gì mới mẻ ở nước bạn để về phục vụ đất nước. Và sự say mê, học tập nghiên cứu của những trí thức trẻ Việt Nam luôn được các sinh viên, nghiên cứu sinh và các Giáo sư nước bạn ghi nhận và trân trọng.
Giáo sư Kim Joong Soon, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Inha (Hàn Quốc) nhận xét rằng, trong số học sinh các nước đang học tại trường, GS đánh giá cao sinh viên, nghiên cứu sinh và các GS Việt Nam, vì đa số họ là những người chịu khó học hỏi, tìm hòi và thích nghi cao với sự vất vả trong việc học tập, nghiên cứu và đạt nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu. Vì thế họ luôn chiếm được cảm tình không chỉ của các sinh viên, GS Hàn Quốc và cả người dân Hàn.
Với những trí thức trẻ người Việt đang nghiên cứu hay giảng dạy ở Hàn Quốc, dù được nhiều tổ chức, công ty và các trường Đại học phía bạn đánh giá cao, thậm chí họ được mời gọi với mức lương ưu đãi, môi trường làm việc lý tưởng, nhưng nhiều người không coi đây là bến đỗ cuối cùng của mình, mà vẫn mong mỏi một ngày được trở về quê hương đóng góp xây dựng đất nước.
Giáo sư Bùi Hồng Thủy, giảng dạy tại trường Đại học Konkuc cho biết, mức lương Giáo sư của chị ở đây đủ để trang trải cho cả gia đình chị có một cuộc sống đầy đủ, hai con theo học trong các trường quốc tế danh tiếng ở Hàn. Nếu so với cuộc sống ở Việt Nam, thì đây là một môi trường khá lý tưởng đối với chị và các con. Nhưng chị vẫn luôn đau đáu một ngày được trở về làm việc ở chính nơi mình đã chôn nhau cắt rốn, để các con chị được trưởng thành trên ngay mảnh đất quê hương. Cũng có lẽ vì thế, năm ngoái chồng chị là GS Nguyễn Văn Thuận- một GS có uy tín ở Hàn- đã khước từ tất cả sự hậu đãi ở đây để trở về sống và làm việc ở trong nước.
Không muốn đi xây nhà hàng xóm
“Anh Thuận đã nung nấu ý định về nước từ lâu, đến nay thì không thể chờ lâu hơn nữa, anh đã quyết định về nước giảng dạy. Hiện giờ hai cháu còn học dở chương trình ở đây, cháu lớn cũng sắp tốt nghiệp lớp 12, cháu học song tôi cũng sẽ trở về. Vợ chồng tôi sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng lúc nào cũng hướng về Việt Nam, chúng tôi thường nói với nhau rằng, làm việc ở nước ngoài chẳng khác nào đi xây nhà cho hàng xóm”- GS Bùi Hồng Thủy tâm sự.
Anh Phạm Tấn Việt, hiện cũng đang là nghiên cứu sinh ngành công nghệ sinh học tại Đại học Konkuc, thì chia sẻ, sau thời gian làm Tiến sĩ ở đây, chắc chắn anh sẽ trở về Việt Nam, nhất là vừa mới đây, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng: “Tôi sẽ cố gắng học tập để hoàn thành khóa học. Sau đó tôi sẽ tiếp tục về giảng dạy ở trường Đại học Công nghiệp TP HCM. Một số người sau khi đi du học, vì nhiều lý do và có thể vì cả sự hậu đãi ở nước ngoài, họ đã ở lại. Cũng không thể nói như thế là tốt hay không tốt vì ai cũng có lý do của mình, có người ở lại nhưng vẫn đóng góp về trong nước. Nhưng với bản thân tôi, chắc chắn tôi sẽ về Việt Nam. Nếu nói lý do vì tình yêu đất nước thì lớn lao quá, nhưng vì trách nhiệm mình đang có, trách nhiệm đầu tiên là với ba mẹ và thứ hai là trách nhiệm với thế hệ tiếp theo”.
Còn đối với Nguyễn Đình Trường, một nghiên cứu sinh khác ở Hàn Quốc, sau 5 năm đi làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, anh cũng đang chuẩn bị trở về trường Đại học nông lâm TP HCM, nơi đã cử anh đi học.
“Dù đã ở Hàn 5 năm, nhưng tôi vẫn chưa thích nghi được với cuộc sống ở đây, dù điều kiện để nghiên cứu có thể gọi là lý tưởng. Tôi luôn nghĩ tới việc trở về, dù biết điều kiện vật chất, nhất là điều kiện cho công tác nghiên cứu ở Việt Nam còn khó khăn. Mỗi người có một lý tưởng sống khác nhau, còn riêng tôi, tôi muốn được cống hiến ở quê nhà. Nếu những thế hệ như tôi mà không đi tiên phong trong việc trở về thì làm sao có thể khuyến khích được các thế hệ tiếp theo và sau này về quê hương cống hiến”- Trường trải lòng.
Cũng như Trường, mặc dù đã nhiều năm học tập và làm MC cho một Đài phát thanh ở Hàn Quốc, công việc và thu nhập ở đây khá ổn định, nhưng Hoàng Minh Ngọc cũng đang tính chuyện cùng chồng trở về Việt Nam làm việc.
Cô tâm sự, cuộc sống và môi trường làm việc ở Hàn Quốc đối với một người mẹ trẻ sắp sinh như Ngọc khá tốt, nhưng cô vẫn thấy như “không ở nhà mình”. Mỗi khi Tết đến, dù có rất đông người Việt ở bên cạnh, nhưng Ngọc luôn phải đối diện với nỗi cô đơn, nhớ nhà, nhất là Hà Nội- nơi cô đã từng gắn bó từ thuở lọt lòng.
Ngọc tâm sự, nếu làm việc ở Việt Nam, cô cũng lường trước được nhiều khó khăn đang đón đợi, nhất là việc xa Việt Nam đã lâu, sự thích nghi với công việc ở trong nước thật sự không dễ dàng. Rồi điều kiện về cuộc sống, sinh hoạt, chăm sóc em bé…
“Tôi đã thấy được tất cả mọi khó khăn, nhưng tôi đã quyết tâm, sớm muộn sẽ cùng chồng về Việt Nam làm việc. Không đâu bằng quê hương của mình, dù khó khăn, vất vả hay thế nào đi nữa, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì được sống và làm việc trên chính mảnh đất quê hương”.
Tâm sự của Hoàng Minh Ngọc cũng là mong mỏi của nhiều trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Nhiều người dù đã thành danh ở xứ người, nhưng trong sâu thẳm trái tim họ vẫn đau đáu mong mỏi ngày trở về, để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, để không phải luôn mang trong mình nỗi day dứt như vợ chồng Giáo sư Bùi Hồng Thủy là đang đi “xây nhà hàng xóm”.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn cho biết, hiện có hơn 5.000 người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc, nhưng chỉ có 1.600 là sinh viên, còn 3.400 là học sau Đại học, Tiến sĩ... Trong những năm qua, sinh viên Việt Nam sang Hàn Quốc ngày càng tăng, bởi vì Hàn Quốc đã chứng tỏ được là một xã hội có nền giáo dục rất tốt, đặc biệt là giáo dục về khoa học công nghệ.
Hàn Quốc là một trong số ít nước trên thế giới công nghiệp hóa xong trong vòng 30 năm. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu của những năm 60 thế kỷ trước, với thu nhập bình quân đầu người 85 USD/năm, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 1986 với 15.000 USD/người và đến nay, Hàn Quốc đã đạt trên 26.000 USD/người.
Với thu nhập bình quân như vậy, Hàn Quốc trở thành một trong 7 nền kinh tế đứng đầu thế giới. Đó là một thành quả vĩ đại và chính là nhờ phát triển nhân tố con người trong những năm qua. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã tổng kết, nước này không có tài nguyên khoáng sản, tài nguyên duy nhất của họ là con người. Xã hội Hàn Quốc trong nhiều năm qua tập trung cho yếu tố con người và cuối cùng họ đã thành công.
Chính vì vậy, xã hội Hàn Quốc đang trở thành nơi cho nhiều sinh viên các nước châu Á, trong đó có sinh viên Việt Nam.
Theo Đại sứ Trần Trọng Toàn, những năm qua, sinh viên Việt Nam với tư chất là những người cần cù, siêng năng học tập và thông minh đã được các Giáo sư Hàn Quốc đánh giá rất cao.
Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, các Giáo sư đã sử dụng sinh viên Việt Nam rất hiệu quả và có rất nhiều sinh viên Việt Nam đã có hàng trăm bài báo đã được đăng trên các tạp chí khoa học, công nghệ của Hàn Quốc cũng như trên thế giới. Qua đó họ cũng đã đóng góp vào nền khoa học của Hàn Quốc, vào sự phát triển KHCN của Hàn Quốc, đồng thời sinh viên Việt Nam cũng có rất nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, như: quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị bão lụt trong nước, ủng hộ chiến sĩ Trường Sa, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam...
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc thường động viên anh chị em học tập, nghiên cứu ở Hàn phải gắn chặt với thực tế ở Việt Nam để khi về nước họ có thể đóng góp ngay vào được sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Vân Đức