Trật tự Đơn cực (Singularity) - hiểm họa hay cơ hội? (P.1)
Những chủ đề như "trí tuệ nhân tạo" hay "cách mạng công nghiệp 4.0" có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với nhiều người. Trong bài viết này, tác giả xin mạn phép giới thiệu đến với bạn đọc một thuật ngữ mới, nhưng có liên hệ trực tiếp tới cả 2 chủ đề trên - đó là thuật ngữ Trật tự Đơn cực (Singularity).
Vậy thuật ngữ này mang ý nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nguồn: robohub.org
Trật tự Đơn cực (Singularity) nghĩa là gì?
Để có thể thực sự hiểu được định nghĩa của thuật ngữ này, có lẽ trước hết chúng ta nên cùng tìm hiểu lại định nghĩa của "trí tuệ nhân tạo", bởi vì như đã nói, những thuật ngữ này có liên hệ trực tiếp với nhau.
"Trí tuệ nhân tạo" (artificial intelligence - viết tắt AI) được định nghĩa là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tạo ra những phần mềm "thông minh" để giúp cho các thiết bị và máy móc thực hiện những công việc và hoạt động giống như một con người, ví dụ như khả năng nhận diện hình ảnh và giọng nói, khả năng học tập và lập kế hoạch, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng sử dụng công cụ, v.v...
Bạn đọc cần chú ý tránh nhầm lẫn giữa AI và các robot hoặc người máy. Một đại bộ phận con người đến tận thời điểm hiện tại vẫn nghĩ rằng AI và robot là cùng một thứ, nhưng điều này là hoàn toàn không chính xác. Robot vốn chỉ là những cái vỏ, cái khung, thường làm bằng kim loại, tự thân chúng không thể hoạt động được, trong khi AI chính là những phần mềm vi tính được cài đặt bên trong các robot, giúp chúng trở nên "thông minh" và có thể hoạt động.
Trong phim "Avengers: Age of Ultron", Ultron (xanh) và Jarvis (vàng) là hiện thân của các AI, trước khi được bỏ vào khung robot. Nguồn: YouTube
Vậy, "trật tự đơn cực", hay Singularity, có nghĩa là gì?
Bạn hãy tưởng tượng rằng vào một ngày đẹp trời, các nhà khoa học và kỹ sư tin học quyết định tạo ra một AI có khả năng tự học tập và mở rộng kiến thức của mình. AI này sau khi ra đời, sẽ liên tục cập nhật những luồng thông tin và kiến thức mới đến từ thế giới con người, và nhờ đó mà liên tục đổi mới và trở nên "thông minh" hơn mỗi ngày. Tại một thời điểm, AI này trở nên hiểu biết và thông minh đến mức nó quyết định sẽ tạo ra một AI còn thông minh hơn cả nó. Thế là các thế hệ AI liên tiếp ra đời, ngày một thông minh hơn. Đến một mức độ nào đó, AI này trở nên thông minh hơn cả trí thông minh kết hợp của toàn nhân loại. Nhờ vào trí thông minh vượt trội, AI này đã từng bước thao túng và chiếm lấy những nền tảng và hệ thống quan trọng nhất cấu tạo nên xã hội loài người, ví dụ như hệ thống kinh tế-tài chính, hệ thống quân đội, vũ khí hạt nhân, Internet, Big Data...tất tần tật. Lúc này, con người sẽ vĩnh viễn mất khả năng kiểm soát thế giới và hoàn toàn trở nên lệ thuộc vào các AI. Đây chính là lúc Trật tự Đơn cực đã được thiết lập.
Nguồn: Daily Express
Khi bạn hiểu thuật ngữ này theo khía cạnh ngữ nghĩa, "đơn cực" ở đây được hàm ý là toàn bộ quyền lực/quyền kiểm soát thế giới được tập trung tại một cực duy nhất - chính là các AI.
Tại sao Trật tự Đơn cực (Singularity) sẽ xảy ra sớm hơn dự đoán của chúng ta?
Khi đối diện với vấn đề Singularity (từ đây tác giả bài viết sẽ sử dụng thuật ngữ tiếng Anh này, vì lý do tiện lợi), nhiều nhà khoa học và kỹ sư tin học tài năng đến từ khắp nơi trên giới đã đưa ra nhiều quan điểm trái chiều.
Đối với nhiều người, sự ra đời của các AI siêu thông minh có thể là chìa khóa cho nhiều vấn đề trong xã hội con người, ví dụ như giải quyết nạn đói, chữa ung thư, năng lượng tự tái tạo, v.v...Với những người khác, AI siêu thông minh vào một thời điểm nào đó sẽ trở nên không thể kiểm soát được và sẽ tự ý làm những điều mà nó cho là đúng đắn, cho dù điều đó có nghĩa là tiêu diệt toàn bộ nhân loại.
Ngoài ra, một trường phái các nhà khoa học khác tin rằng Singularity không phải là một vấn đề đáng lo ngại, vì có thể nó sẽ không kịp xảy ra trong vòng một vài thế kỉ tới. Tuy nhiên, những nhà khoa học này đã quên không tính toán đến một điều: họ nhầm lẫn rằng tốc độ phát triển về khoa học và công nghệ trên thế giới sẽ tăng lên dần theo tỉ lệ cấp số cộng (linear growth), trong khi tốc độ phát triển này thực chất sẽ tăng nhảy vọt theo cấp số nhân (exponential growth). Sự nhảy vọt này được biểu hiện qua đồ thị sau:
Tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, được dự đoán sẽ nhảy vọt vào giai đoạn 2020-2040. Nguồn: Infinite Musings
Có lẽ, bạn đọc đang tự hỏi tại sao lại có chuyện như vậy xảy ra? Tại sao khoa học và công nghệ lại phát triển nhảy vọt theo cấp số nhân, thay vì từng bước theo cấp số cộng? Ấy là bởi vì, sự phát triển về khoa học và công nghệ giúp thúc đẩy chính quá trình phát triển này trở nên ngày càng nhanh chóng, vì càng ngày chúng ta càng có nhiều phát minh và công cụ hiện đại hơn, với khả năng giải quyết các vấn đề tốt hơn và mau chóng hơn. Để cho dễ hiểu, chúng ta hãy cùng xem xét tình huống giả định sau đây:
--------------------------------------------------------
Giả sử, bạn mượn được cỗ máy thời gian của Doraemon và quay ngược về quá khứ cách đây 300 năm, đi đến thời điểm năm 1700 (thời vua Lê chúa Trịnh). Khi đến nơi, bạn gặp một anh nông dân và bắt cóc anh ta, đem anh ta đến năm 2018, thời đại bạn đang sinh sống. Khỏi phải nói, bạn cũng có thể tưởng tượng ra cảnh anh ta trở nên vô cùng hoảng loạn, khi lần đầu tiên nhìn thấy những thứ như đèn điện, xe máy, xe hơi, bếp ga, máy điều hòa, điện thoại di động, máy vi tính...Đó là trước khi bạn thử giải thích cho anh ta hiểu Internet, "điện toán đám mây" hay Bitcoin nghĩa là gì. Anh ta sẽ rú lên ngất xỉu, vì não bộ của một nông dân sống trong thời đại phong kiến cách đây 300 năm sẽ không có đủ khả năng tưởng tượng ra được tại sao lại có một thế giới như thế giới nơi bạn sinh sống tồn tại.
Mèo máy Doraemon, Nobita và cỗ máy thời gian. Nguồn: Quora
Sau khi được trả về năm 1700, người nông dân này đã kể lại cho bạn bè của anh ta nghe về những điều anh ta đã thấy, và tất nhiên là không ai tin anh ta cả. Tức lắm, anh ta quyết định phải làm điều tương tự: Anh ta cũng mượn cỗ máy thời gian của Doraemon và quay ngược về quá khứ năm 1400 (thời vua Hồ Quý Ly) và bắt cóc một anh bạn nông dân khác từ thời đó và dẫn anh ta đến năm 1700. Khi đến nơi, anh ta cứ tưởng rằng người bạn nông dân này cũng sẽ trở nên hoảng loạn khi nhìn ngắm xã hội tương lai sau 300 năm. Nhưng không, ngoại trừ một vài cải cách về xã hội và nông nghiệp, xã hội Việt Nam năm 1400 so với năm 1700 nhìn chung không có quá nhiều khác biệt như khi so sánh giữa xã hội Việt Nam năm 1700 và 2018. Bởi vậy, anh nông dân này cảm thấy không thỏa mãn.
Để có thể cảm thấy thỏa mãn, anh ta cần phải quay ngược về quá khứ cách đây khoảng 12.000 năm, thời điểm của những bộ lạc tiền sử, trước khi con người phát minh ra nông nghiệp, trước cả thời đại của các vua Hùng, và bắt cóc một người tiền sử ở đó. Người tiền sử này, vốn đã quen với cuộc sống săn bắt hái lượm, khi được du hành xuyên thời gian đến năm 1700, anh ta cũng sẽ rú lên kinh sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy những nông trang, những thành phố lớn cùng mô hình xã hội phân chia giai cấp rất phức tạp của thời đại phong kiến.
Nguồn: bldaily.com
Người tiền sử này sau đó cũng cảm thấy tức tối, liền quyết định quay ngược về thời điểm cách đây 24.000 năm và bắt cóc một người tiền sử của thời đại đó, nhưng anh ta gần như sẽ không thấy có bất cứ khác biệt nào giữa 2 thời điểm khi đến nơi.
Để người tiền sử cách đây 12.000 năm cảm thấy thỏa mãn, anh ta cần phải quay ngược trở về thời điểm cách đây 100.000 năm và bắt cóc một "người vượn" ở đó. Khi đến nơi, người vượn này sẽ cảm thấy bối rối khi anh ta lần đâu tiên được nhìn thấy lửa và cách mà những người thời tiền sử cách đây 12.000 năm giao tiếp với nhau thông qua thứ gọi là ngôn ngữ.
--------------------------------------------------------
Như vậy, khi chúng ta càng tiến xa hơn vào tương lai, những thay đổi lớn trong xã hội sẽ cần càng ít thời gian hơn để có thể xảy ra. Mức độ thay đổi giữa năm 2018 và 1700, khoảng 300 năm, lớn tương đương với mức độ thay đổi giữa năm 1700 và thời kỳ cách đây 12.000 năm, và cũng tương đương với mức độ thay đổi giữa thời kỳ cách đây 12.000 và 100.000 năm. Và điều này cũng có nghĩa là, việc Singularity sẽ xảy ra trong vòng một thời gian ngắn, khoảng vài thập kỷ tới, thay vì thế kỉ, là một điều hoàn toàn khả thi.
Singularity sẽ diễn ra cụ thể như thế nào, vào những mốc thời gian nào, và nó sẽ mang đến những cơ hội hay hiểm họa như thế nào? Mời bạn đọc tiếp tục tìm hiểu ở
Nguồn:
Techopedia (2018) Artificial Intelligence (AI). Link:
Urban, T. (2015) The AI Revolution: The Road To Superintelligence. Link: