Trần Thủ Độ, công tội ra sao

  1. Lịch sử

 Trần Thủ Độ; công thần của triều Trần, tội thần của nhà Lý; ông không quan tâm hậu thế bàn luận, sử sách ghi chép ra sao về những việc làm của ông; đây quả là điều hiếm thấy cổ kim xưa nay. Từ vùng thuyền chài Hải Ấp; ông cùng gia tộc họ Trần hưng binh lấy danh nghĩa giúp Thái tử Sảm phò vua Lý, từng bước tham gia vào cơn sóng gió triều chính Đại Việt. Nhà Lý lúc này không còn những năm thái bình thịnh trị đời Thái Tổ Nhân Tông mà chỉ đầy những biến động, tranh giành từ chốn hoàng cung đến nơi chiến trường của các tướng lĩnh, quan lại. Tất cả những phe phái, thế lực tưởng chừng mạnh hơn ông và gia tộc ông rất nhiều rồi cũng bị tiêu diệt; chỉ để lại trên vũ đài một người thắng cuộc duy nhất: họ Trần. Cuộc nhường ngôi mùa đông năm Ất Dậu(1225) dưới sự chỉ đạo của quan Điện tiền Trần Thủ Độ đã đem ngai vàng quyền lực về tay Trần Cảnh, kết thúc sứ mệnh hơn 200 năm vàng son của nhà Lý và cô bé Chiêu Thánh.    

Cũng từ đây; ta sẽ thấy những sự kiện, những vết ố mà Lịch sử không bao giờ muốn có do chính vị Thái sư Thống quốc Trần Thủ Độ ra lệnh; và cả một nước Đại Việt hùng mạnh, đủ sức đương đầu với vó ngựa quân Mông Cổ hung hãn tung hoành khắp Á Âu. Thủ Độ không có học thức sâu rộng, nhưng lại có được cái quyết đoán trong việc hành sự. Phế ngôi Chiêu Thánh mà lập Thuận Thiên, khiến cho Hoài Vương khởi binh đòi vợ, gây ra sự chia cắt không nhỏ sau này giữa hai nhánh Yên Sinh-Thăng Long; về quốc thì khiến Thiên tử đỏ mặt, về gia thì gây loạn trong nhà; nhưng vì đại thống nối truyền họ Trần không thể do dự. Thái Tông bất bình mà lẻn tìm đến chốn thiêng Yên Tử định nương nhờ cửa Phật, ông liền cùng triều thần gấp mời vua-đứa cháu nhỏ của mình về triều:

- Ngươi nói sao, thằng bé dám bỏ lên Yên Tử ư? Triệu bá quan chuẩn bị ngựa xe lên núi đón Bệ hạ ngay. - Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng năng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc.

- Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó; lập tức sai người đo đạc tuyển lấy phu dịch xây dựng cung điện cho ta! 

- Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử.

- Trẫm... Truyền thuận theo lời Thượng phụ hồi triều kẻo làm kinh động chốn danh môn ( ông chú sao ghê quá vậy, mới nói một tí mà đã đòi chặt cây phá rừng làm hỏng cảnh quan😞, khiến sư Phù Vân cũng vì sợ mà phải đuổi mình về😑).  

Tàn sát tôn thất nhà Lý ở Thái Đường, việc ấy tàn ác nhưng lại là sự đề phòng cẩn trọng tuyệt đối của nhà Trần với tiền triều; nhất tướng công thành vạn cốt khô, làm chính trị nào có chuyện nhân từ, thương tiếc. Đặt ra lệ con cháu họ Trần lấy nhau; tất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng Nho giáo đề cao khuôn mẫu đạo đức, khiến dân chúng hậu thế phỉ nhổ họ Trần làm việc loạn luân trái với cương thường. Song họ Trần được ngôi từ việc là ngoại thích triều Lý thì ai dám đoan chắc việc không xảy ra lần nữa; hôn phối cận huyết chính là đảm bảo cho quyền lực truyền nối và sự liên kết chắc chắn giữa các chi phái họ Trần không bao giờ chấm dứt. Nếu tìm hiểu sâu hơn ta sẽ thấy bốn triều vua đầu của nhà Trần-nhánh Thái Tông ở Thăng Long đều lần lượt lấy con cháu của An Sinh Vương Trần Liễu-nhánh Yên Sinh làm Hoàng Hậu; những cuộc hôn nhân ấy dần trở thành sợi dây vô hình liên kết hai nhánh chính họ Trần khỏi những hiềm khích cũ và không bị đứt đoạn. Và khi Minh Tông lập con gái của Huệ Võ Vương Quốc Chẩn thì mối liên hệ giữa hai nhánh cũng kết thúc. Đích thân cáng đáng chính sự giúp ông vua trẻ Thái Tông khiến Đại Việt từng bước phục hồi và hùng mạnh, tỏ rõ sự kiên cường trước lúc thế nước lâm nguy khiến quân thần tướng sĩ thêm phần hăng hái, quyết tâm tạo nên chiến thắng Đông Bộ Đầu năm Đinh Tị (1258) trước quân Mông Cổ hung hãn bạo tàn: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo”; và còn bao việc làm nữa chính là những gì mà Thống Quốc Thái sư Trần Thủ Độ đã đóng góp cho nhà Trần.  Sẵn sàng chịu mọi lời chỉ trích, phỉ nhổ; ông vẫn làm những điều mà ông cho rằng không làm không được, không làm xã tắc sơn hà tất nguy.

Tất nhiên là người tất có sai lầm, tất phải trách cứ; nhưng để trách vị Thái sư mở đầu triều đại nhà Trần này; các học giả ắt hẳn sẽ tốn chẳng ít giấy mực để đi đến chỗ đúng sai, phải trái. Xin dẫn lại lời của cụ Lệ Thần bàn về Thái sư trong Việt Nam sử lược: “Thủ Độ là người rất gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một người đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng-đán bao nhiêu trọng sự, giúp Thái công bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh-đốn lại một việc, làm cho nước Nam ta bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với Mông cổ, khỏi phải làm nô-lệ những kẻ hùng-cường.” Nguồn tham khảo -Đại Việt sử ký toàn thư -Việt Nam sử lược -Việt sử tân biên -Bão táp triều Trần -Tài liệu, suy nghĩ cá nhân


Từ khóa: 

lịch sử

Công nhiều tội cũng chả ít. Công thần xây dựng nhà Trần, nhưng lại quá tàn độc với nhà Lý.

Có công yên định đất nước, nhưng có tội với hoàng thất nhà Trần khi để lại một mối hoạ to lớn mà nếu ko phải nhà Trần sinh ra con người vĩ đại như Trần Quốc Tuấn thì nghiệp Nhà Trần sớm đi tong.

Khởi đầu cho truyền thống hôn nhân cận huyết, cũng là một hậu quả lâu dài có ảnh hưởng tới sự sụp đổ của nhà Trần.

Hehe, ý kiến riêng

Trả lời

Công nhiều tội cũng chả ít. Công thần xây dựng nhà Trần, nhưng lại quá tàn độc với nhà Lý.

Có công yên định đất nước, nhưng có tội với hoàng thất nhà Trần khi để lại một mối hoạ to lớn mà nếu ko phải nhà Trần sinh ra con người vĩ đại như Trần Quốc Tuấn thì nghiệp Nhà Trần sớm đi tong.

Khởi đầu cho truyền thống hôn nhân cận huyết, cũng là một hậu quả lâu dài có ảnh hưởng tới sự sụp đổ của nhà Trần.

Hehe, ý kiến riêng