Trà xanh có ngừa và trị được ung thư?
Đã có nhiều nghiên cứu nói về lợi ích về sức khỏe do trà xanh đem lại, từ tiểu đường, tim mạch, hạ cholesterol, giảm rủi ro đột quỵ, giảm stress, giảm cân, cải thiện trí nhớ… và cả ngừa bệnh Alzheimer. Nhưng điều người ta mong đợi nhiều nhất ở trà xanh, đó là phòng chống rủi ro ung thư. Sự thật thế nào?
Trà đen, trà đỏ, trà trắng, trà xanh cũng đều từ lá cây trà (Camellia sinensis) mà ra, nhưng cách chế biến khác nhau.
Sau khi hái, lá trà héo dần và bị oxid hóa, các hoạt chất trong trà bị enzyme phân giải làm trà ngả màu và hương trà thoảng ra. Nếu có nhiệt (qua sấy nhẹ, hoặc dùng hơi nước nóng), quá trình oxid hóa ngừng lại vì các enzyme bị vô hiệu hóa.
Tùy vào mức độ oxid hóa, mà có nhiều loại trà: để lá trà (héo) bị oxid hóa hoàn toàn thì có trà đen (black tea). Để lá trà bị oxid hóa một phần thì được trà ô long (Oolong tea), có màu nâu đỏ. Trà làm từ lá trà tươi, chưa bị oxid hóa thì có trà xanh (green tea). Các loại trà trước khi đưa ra thị trường đều được sấy khô.
Bài này chỉ nói về trà xanh, được xem là trà ít “bị”chế biến nhất, do đó còn chứa nhiều chất chống oxid hóa nhất.
Trà xanh có thật sự ngừa được ung thư? Nguồn: Vietnammoi.vn
Nguồn: adevaes.com
Trà xanh là chứa nhiều chất oxid. Nguồn: Tunhienemdep.com
Chống được ung thư?
Trà chứa nhiều chất: nhóm polyphenols, alkaloids (caffeine, theophylline…), acid amin, carbohydrates, protein, các hợp chất hữu cơ bay hơi tạo ra hương đặc trưng của trà, các khoáng… Nhóm polyphenols chiếm khoảng 20-45%. Nổi bật nhất, và cũng chiếm nhiều nhất trong nhóm này là các catachins. Catechins là nhóm hoạt chất có tính chống oxid hóa khá mạnh để vô hiệu hóa các gốc tự do, được cho là có thể phòng chống ung thư.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ thì các polyphenols trong trà, nhất là các catechins, có thể ức chế tăng sinh khối u ở nhiều bộ phận khác nhau như da, phổi, khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, gan, tụy tạng và tuyến vú. Polyphenols trong trà còn bảo vệ tế bào chống lại các hư hại gây ra do tia tử ngoại B (UVB), điều hòa hoạt động của hệ miễn nhiễm. Điều này có thể do lượng polyphenols cao trong trà xanh tiêu diệt các tế bào ung thư và ức chế không cho chúng phát triển. Cơ chế vẫn chưa được biết rõ.
Quan sát cho thấy, tại các quốc gia tiêu thụ nhiều trà xanh thì tỉ lệ bị ung thư có xu hướng thấp hơn, nhưng khoa học không biết chắc đó có phải là do tác dụng ngăn ngừa của trà xanh hay không, hay do các yếu tố khác về lối sống.
Khoa học vẫn chưa chứng minh chắc chắn trà xanh có thể chữa được ung thư ở người. Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest
Tuy nhiên, khả năng phòng chống ung thư của trà xanh đều dựa trên những nghiên cứu ở súc vật, còn khi nghiên cứu trên người, cả về mặt dịch tễ học và lâm sàng đều không đưa đến kết luận tốt đẹp như thế. Có nhiều khó khăn trong nghiên cứu, như nhiều loại trà khác nhau, cách pha trà khác nhau, mức tiêu thụ khác nhau, đáp ứng của cơ thể với hoạt chất trong trà khác nhau (do di truyền). Rồi kẻ uống rượu hút thuốc, người thì không, lối sống khác nhau giữa những đối tượng nghiên cứu…, những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến rủi ro phát triển ung thư.
Nói chung chưa khẳng định trà xanh có thể phòng chống ung thư. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn. Năm 2005, Cơ quan FDA (Hoa Kỳ) cho rằng, không có bằng chứng tin cậy để hỗ trợ cho phát biểu việc tiêu thụ trà xanh có thể làm giảm rủi ro các ung thư bao tử, phổi, ruột già, thực quản, tụy tạng, buồng trứng.
Càng tiện lợi, càng kém hoạt chất
Trà xanh càng chế biến kiểu cọ, tiện lợi thì hoạt chất có lợi cho sức khỏe càng ít đi, tệ nhất là nước trà xanh đóng chai có đường, rồi đến trà bột, trà túi lọc, trà đóng viên con nhộng (capsule).
Trà xanh càng chế biến nhiều, càng không có lợi cho sức khỏe. Nguồn: Báo Mới
Thực chất trà xanh không thể trị được bệnh ung thư như nhiều người vẫn nghĩ. Nguồn: Báo Mới
Cách pha trà cũng ảnh hưởng đến mức hoạt chất. Pha trà bằng nước đun sôi lâu, tính acid của nước yếu đi (do khí carbonic thoát ra nhiều), làm giảm hương vị của trà (giảm polyphenols). Hãm trà bằng nước nóng, và hãm lâu làm chất chát tannin thoát ra nhiều hơn (trà bị đắng, chát), lượng polyphenols cũng giảm.
Trà xanh vẫn được xem là thực phẩm lành mạnh, nhưng quảng cáo trà xanh có thể phòng và trị ung thư là điều quá đáng.
Tác dụng phụ của trà xanh cũng được ghi nhận như gây bồn chồn khó ngủ vì có chứa caffeine, hạn chế hấp thu sắt do có catachins, làm loãng máu, hoặc phối hợp hợp với các chất kích thích khác có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim. Lạm dụng trà xanh, uống trà đậm, uống thay nước là điều không nên. Mỗi ngày 2-3 tách trà là vừa.
Nguồn: Chuyên gia Vũ Thế Thành
Tien Nguyen My