Tổng quan sự khác biệt về bản chất giữa Facebook Ads và Google Adwords

  1. Marketing

Hôm trước mình đã nói sơ về sự khác biệt cơ bản giữa Google Adwords và Facebook Ads trong việc phân tích ứng dụng của hai công cụ này, sử dụng phù hợp trong các mục đích nào trong Marketing tại bài viết "Facebook Ads và Google Adwords, công cụ nào hiệu quả hơn?". Trong bài lần này mình sẽ phân tích sâu hơn một chút về bản chất của hai công cụ này và những thế mạnh riêng của từng công cụ.

Google AdWords: Paid Search (Tìm kiếm có trả phí)

Google AdWords là nền tảng quảng cáo PPC lớn nhất và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. AdWords được sử dụng rộng rãi tới mức nó gần như được sử dụng để định danh cho các hình thức "tìm kiếm có trả phí". Hai thuật ngữ này có thể được sử dụng thay thế cho nhau, mặc dù các nền tảng khác như Bing Ads vẫn hoạt động theo hình thức tương tự.

Giao diện người dùng của Google Adwords

Paid search tập trung vào từ khóa và loại hình quảng cáo thuần văn bản (text-based advertisement). Nhà quảng cáo sử dụng Adwords để đấu thầu các từ khóa - các từ và cụm từ được người dùng tìm kiếm trên Google - để từ đó quảng cáo của họ sẽ được hiển thị trên danh sách kết quả tìm kiếm của người dùng. Mỗi lần người dùng nhấp vào quảng cáo, nhà quảng cáo sẽ bị tính 1 khoản phí nhất định, vì vậy mới có thuật ngữ “pay-per-click advertising". Đặt giá thầu PPC và tối ưu hóa giá thầu là một chủ đề khá phức tạp, bạn chỉ cần hiểu cơ bản là người sử dụng cần phải trả tiền để tìm ra khách hàng mới dựa trên nhóm từ khóa họ dùng để tìm kiếm trên Google.

Facebook Ads: Paid Social (Quảng cáo trên mạng xã hội)

Facebook Ads là một công cụ điển hình cho Paid Social - quảng cáo trên các mạng xã hội. Là mạng xã hội có lượng người dùng hàng tháng cao nhất (Monthly Active Users - MAUs) trên thế giới, Facebook đã trở thành nền tảng đầy cạnh tranh và có tiềm năng sinh lợi rất cao trong chiến lược digital marketing của nhiều doanh nghiệp.

Các vị trí quảng cáo trên Facebook

Rất nhiều người cho rằng chạy Facebook Ads là tương tự như AdWords, nhưng như mình đã phân tích ở bài viết trước đây, nếu các nhà quảng cáo sử dụng cả hai nền tảng để quảng bá doanh nghiệp của họ trên Internet thì họ cần phải rất rạch ròi mục đích sử dụng của mình. Không giống như hình thức Paid search giúp doanh nghiệp tìm khách hàng mới thông qua từ khóa, Paid Social giúp các khách hàng tiềm năng tìm thấy các doanh nghiệp và thương hiệu dựa trên những điều họ quan tâm và hành vi trên mạng xã hội của họ.

Nói tóm gọn lại thì sự khác biệt chính giữa Google AdWords và Facebook Ads là: AdWords giúp bạn tìm khách hàng tiềm năng, trong khi Facebook giúp khách hàng tiềm năng tìm thấy bạn.

Sau khi nắm được khác biệt cơ bản trong bản chất của Google AdWords và Quảng cáo trên Facebook (thường gọi là hình thức Paid Search và Paid Social), chúng ta hãy xem xét rõ hơn những điểm mạnh của từng nền tảng và cách tận dụng hiệu quả hai công cụ này xem thế nào.

Điểm mạnh và lợi thế của Google AdWords

Là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, Google được xem là ông trùm trong ngành quảng cáo trực tuyến. Tiếp nhận hơn 3,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, Google giúp các nhà quảng cáo tiếp cận một số lượng lớn khách hàng tiềm năng bằng các sản phẩm hoặc dịch vụ doanh nghiệp của họ cung cấp.

Tỉ lệ người dùng tìm kiếm trực tuyến theo nền tảng. Nguồn: Adobe

Các dịch vụ quảng cáo của Google được chia thành hai nhóm chính - Search Network và Display Network. Search Network bao gồm toàn bộ hệ thống bộ máy tìm kiếm của Google và các nhà quảng cáo có thể đặt giá thầu trên hàng triệu từ khóa để nhắm tới khách hàng mục tiêu.

Google Display Network thì cung cấp hệ thống quảng cáo hình ảnh như các loại online banner, trải khắp 98% mạng lưới các trang web, biến công cụ này trở thành lựa chọn tuyệt vời cho các nhà quảng cáo muốn đạt được các mục tiêu marketing không quan trọng tỉ lệ chuyển đổi mà nhằm nâng cao nhận biết thương hiệu.

  • Có số lượng người dùng tìm kiếm khổng lồ

Một trong những lợi thế chính của việc sử dụng Google làm nền tảng quảng cáo là phạm vi rộng lớn của nó. Google xử lý hơn 40.000 tìm kiếm mỗi giây, tổng cộng hơn 1.200 tỷ lượt tìm kiếm trên web mỗi năm. Khi Google ngày càng trở nên tối ưu nhờ sự phát triển ngày càng cao của công nghệ AI và Machine Learning độc quyền là RankBrain thì khả năng tiếp cận khách hàng mới cho các nhà quảng cáo cũng tăng lên.

Đơn giản là không một công cụ tìm kiếm nào khác có thể cung cấp cho số lượng khách hàng tiềm năng như Google. Số lượng lớn khách hàng tiềm năng có thể tiếp cận như thế biến Google trở thành một công cụ tuyệt vời cho chiến lược digital marketing của bạn. Khi kết quả tìm kiếm trên Google ngày càng chính xác, sẽ dễ dàng để hiểu tại sao AdWords là nền tảng PPC phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

  • Là một sân chơi đẳng cấp

Nhiều người lầm tưởng rằng bất kỳ ai có ngân sách quảng cáo lớn cũng sẽ "thắng" khi sử dụng Google Adwords. Sự thật là AdWords tập trung chủ yếu vào chất lượng và mức độ liên quan của quảng cáo, chứ không phải lượng tiền mà nhà quảng cáo trả.

Quảng cáo càng phù hợp với người dùng, thì trải nghiệm người dùng khi search càng có chất lượng. Do đó, họ càng có nhiều khả năng tiếp tục sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm của họ. Chính vì điều này, Google AdWords ưu tiên sự liên quan và chất lượng tìm kiếm lên trên tất cả các yếu tố khác. Đây cũng là lý do tại sao một những quảng cáo có liên quan, được tối ưu hóa, chất lượng cao sẽ có giá thầu từ khóa thấp hơn những quảng cáo chất lượng thấp.

Một số từ khóa có thể có giá thầu cao hơn các từ khóa khác (chẳng hạn như trong ngành tài chính, vốn là ngành đắt nhất trong các ngành) nhưng giá thầu nhà quảng cáo phải đặt sẽ phụ thuộc phần lớn vào chất lượng và mức độ liên quan của quảng cáo. Một số chỉ số khá quan trọng đối với Google trong việc đánh giá chất lượng và mức độ liên quan đó là tỷ lệ nhấp chuột (click-through rate). Đây được coi là chỉ số đáng tin cậy để đánh giá chất lượng tổng thể của một quảng cáo.

Mức độ liên quan + Trải nghiệm người dùng = Điểm chất lượng

  • Đa dạng các định dạng quảng cáo

Khi AdWords lần đầu ra mắt vào năm 2000 (với tổng cộng 350 nhà quảng cáo), định dạng quảng cáo dựa trên từ khóa của Google còn rất đơn giản, nhưng về cơ bản chúng vẫn chứa khá nhiều yếu tố giống với quảng cáo ngày nay.

Một quảng cáo PPC trên di động từ New York Hilton Midtown

Mặc dù quảng cáo PPC trên AdWords vẫn là text-based, các nhà quảng cáo vẫn có thể tận dụng một số tính năng đặc biệt để làm mẩu quảng cáo của mình trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng tiềm năng. Các tiện ích mở rộng quảng cáo, liên kết trang web, kiểm chứng xã hội như hệ thống đánh giá của người dùng, lựa chọn vị trí mục tiêu, quảng cáo mua sắm và một loạt các tính năng khác có sẵn đã cung cấp mức độ tùy chỉnh và kiểm soát tuyệt vời cho nhà quảng cáo. Google thậm chí đem lại các định dạng quảng cáo phù hợp với từng nhu cầu riêng của nhiều loại hình doanh nghiệp như sản xuất xe hơi hay kinh doanh nhà hàng khách sạn, vượt xa trải nghiệm quảng cáo text-based điển hình,kết hợp các yếu tố trực quan phong phú như hình ảnh có độ phân giải cao và dữ liệu bản đồ tương tác.

Bất kể bạn bán mặt hàng gì hay cho ai, khả năng cao là sẽ có một định dạng hoặc tính năng quảng cáo tối ưu cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Google vẫn đang liên tục triển khai các định dạng và tính năng quảng cáo mới, hỗ trợ các nhà quảng cáo tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới và thúc đẩy các nhóm doanh nghiệp mới.


Điểm mạnh và lợi thế của quảng cáo Facebook

So với Google AdWords thì Facebook Ads có thể được cho là còn non trẻ. Tuy nhiên trên thực tế, Facebook đã và đang không ngừng tinh chỉnh và cải thiện các giải pháp quảng cáo của mình. Ngày nay, Facebook Ads đã trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực Paid Social - nhân tố quan trọng trong chiến lược digital marketing của các doanh nghiệp.

  • Cung cấp mô tả chi tiết về đối tượng mục tiêu

Tương tự như Google AdWords, Facebook tự hào có một lượng người dùng khổng lồ trên toàn cầu. Với hơn 1,55 tỷ người dùng hàng tháng - hơn 1/5 dân số thế giới (không tính các tài khoản không hoạt động hoặc không sử dụng thường xuyên) - Facebook thực sự không có đối thủ khi tính tới số lượng người dùng tiếp cận. Tuy nhiên, thay vì đem các thông điệp quảng cáo tiếp cận vô tội vạ tới lượng lớn người dùng này, sức mạnh thực sự của Facebook nằm ở khả năng mô tả chi tiết về chân dung người dùng mà nhà quảng cáo có thể tiếp cận.

Hệ thống lọc ra nhóm những người dùng có các hành vi tương tự nhau của Facebook đưa việc quảng cáo lên đến mức đỉnh cao về độ chi tiết khi tiếp cận.

Người ta chia sẻ gần như toàn bộ cuộc sống của họ trên Facebook. Từ việc hẹn hò, kết hôn cho đến việc sinh con hay ăn mừng lên chức, người dùng Facebook đã và đang chia sẻ cả niềm vui, nỗi buồn lẫn hầu hết các sự kiện quan trọng trong cuộc đời họ với bạn bè và người thân trên mạng xã hội của họ mỗi ngày. Họ cũng tìm kiếm và tiếp nhận những nội dung phù hợp với sở thích cá nhân, niềm tin, tư tưởng và giá trị của họ, cho phép các nhà quảng cáo cơ hội tốt để điều chỉnh thông điệp quảng cáo của mình để tiếp cận đối tượng mục tiêu bằng những cách mà trước đây từng được xem là không khả thi hoặc phi thực tế.

Một trong những ứng dụng hữu ích nhất của cơ chế này là giúp các nhà quảng cáo tạo ra những nhóm “đối tượng tương tự nhau”. Các nhà quảng cáo có thể đưa mô tả nhóm khách hàng của họ lên Facebook, sau đó áp dụng bộ lọc dựa trên dữ liệu và thông tin của người dùng được cung cấp bởi bên các thứ ba để tiếp cận với các khách hàng có mô tả tương đồng. Điều này gom lại cho các nhà quảng cáo một nhóm đối tượng mục tiêu với các hành vi tương đồng nhau, cho phép họ tăng gấp đôi lượt reach của các quảng cáo của mình bằng cách nhắm tập trung vào các nhóm người dùng có cùng sở thích và hành vi sát nhất với chân dung khách hàng hiện tại của họ.

Có một câu hỏi về Paid Social mà người dùng hay thắc mắc, đó là “Quảng cáo trên Facebook có hiệu quả hay không?”. Hiện nay, câu trả lời khá rõ ràng là có, và đang cực kỳ tốt. Tuy nhiên, thay vì xem Facebook là công cụ quảng cáo tốt nhất thế giới, các nhà quảng cáo có thể xem Facebook là cách dễ nhất gần gũi hơn với nhóm khách hàng lý tưởng của họ.

  • Nền tảng giao diện có sẵn

Không giống như hình thức PPC text-based đơn thuần, quảng cáo Facebook có giao diện hình ảnh trực quan khá mạnh. Những quảng cáo trên Facebook đạt hiệu quả cao nhờ kết hợp video, hình ảnh và các nội dung trực quan khác khi xuất hiện trên News feed của người dùng. Điều này còn cho phép họ tận dụng những lợi thế riêng biệt mà quảng cáo hình ảnh mang lại đồng thời còn truyền cảm hứng qua những thông điệp làm cho quảng cáo trở nên thật hấp dẫn với khách hàng.

Một quảng cáo Facebook trực quan từ Uber

Cũng như việc Google liên tục tối ưu hóa trải nghiệm quảng cáo PPC thuần văn bản, Facebook vẫn đang liên tục tìm cách tối ưu để đem lại cho các nhà quảng cáo một nền tảng marketing ưu việt và cho người dùng những trải nghiệm online họ mong muốn. Để đảm bảo điều này, trước đây Facebook đã đưa ra những yêu cầu như việc giới hạn text không được chiếm quá 20% tổng diện tích quảng cáo. Hiện nay quy định này đã đơn giản hơn ít nhiều. Tuy nhiên bất chấp nhiều sự thay đổi trong việc quản lý quảng cáo, Facebook vẫn là một nền tảng trực quan có sẵn rất hấp dẫn và thu hút với các doanh nghiệp.

  • Tỷ suất ROI đáng kinh ngạc

Các doanh nghiệp và marketer từng sử dụng Facebook Ads thường khá ấn tượng với mức độ chi tiết của các tùy chọn nhắm tới khách hàng mục tiêu cũng như các công cụ họ có để xử lý và tạo ra những quảng cáo hấp dẫn và đẹp mắt. Tuy nhiên, yếu tố hấp dẫn nhất mà Facebook đem lại chính là tỷ suất sinh lời tiềm năng và cả khả năng co giãn giới hạn ngân sách quảng cáo mà nhà quảng cáo có thể thực hiện trên nền tảng này.

Ngân sách quảng cáo tiết kiệm trên Facebook = tỷ suất ROI tiềm năng cao

Mặc dù ngân sách của một chiến dịch quảng cáo trên Facebook sẽ khác nhau tùy vào nhiều yếu tố chẳng hạn như phạm vi tiếp cận, thông điệp và mục tiêu tổng thể của chiến dịch nhưng Facebook Ads có giá cả khá vừa phải, đặc biệt là khi xem xét đến tác động tiềm năng và mức độ chi tiết mà nhà quảng cáo có thể tùy chỉnh trên nhóm khách hàng mục tiêu của mình. Mức giá đầy cạnh tranh này khiến cho Facebook Ads trở thành một đề xuất khá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nhỏ và các công ty có nguồn lực hạn chế, chứ không chỉ riêng cho các thương hiệu lớn với ngân sách marketing dư dả. Cùng với lợi nhuận tiềm năng đáng kể, Facebook Ads là một trong những giải pháp quảng cáo online cung cấp giá trị cao nhất hiện nay.

Vậy rốt cuộc quảng cáo Google AdWords và Facebook Ads: Bạn nên sử dụng loại nào?

Như mình có nói từ trước, Google AdWords và Facebook Ads đều là những nền tảng quảng cáo hiệu quả cho hầu hết các loại hình kinh doanh. Vì vậy, khi đánh giá thế mạnh và các ứng dụng tiềm năng của nó, hai nền tảng được xem là bổ sung cho nhau chứ không phải cạnh tranh với nhau. Có khá nhiều so sánh giữa Facebook Ads and Google Display Network bởi 2 công cụ này chia sẻ một số điểm tương đồng, nhưng cách thức thì phát triển độc lập với nhau. Doanh nghiệp cần phối hợp nhuần nhuyễn cả Facebook và Google cho các chiến dịch của mình chứ không nên chọn riêng biệt một công cụ nào và bỏ qua cái còn lại.

Việc tận dụng sức mạnh của cả Paid Social và Paid Search sẽ tạo nên chiến lược quảng cáo mang hiệu quả lớn. Các thông điệp marketing cần nhất quán trên cả Google AdWords và Facebook Ads và điều quan trọng là các công cụ đúng mục đích để có ROI tối đa và giúp tăng trưởng kết quả kinh doanh.

Tham khảo: WordStream.com

Từ khóa: 

facebook ads

,

google adwords

,

công cụ quảng cáo

,

digital marketing

,

marketing