Tôn Thất Tiết - Người chuyển giao giữa cổ điển và đương đại.
Trong địa hạt âm nhạc thế kỷ 21, có không ít những nghệ sĩ đã kết hợp sử dụng các chất liệu dân gian, nhạc cụ truyền thống trên nền nhạc đương đại. Trong số đó có một tên tuổi thực sự nổi bật bởi âm nhạc tính trong các tác phẩm của mình, đó là Tôn Thất Tiết.
Tôn Thất Tiết là một nhà soạn nhạc đương đại người Pháp gốc Việt, ông sinh năm 1933 ở Huế trong một gia đình có dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn. Sau khi hoàn thành những năm học trung học ở quê hương, ông sang Pháp vào năm 1958 để theo học trường Sư phạm Âm nhạc Paris và sau đó là Nhạc viện Paris dưới sự dìu dắt của Jean River và Andre Jolivet.
Âm nhạc của ông là sự phản chiếu của một phép biện chứng chân chính giữa văn học phương Đông và cảm hứng từ những tư tưởng Nho giáo cũng như Ấn độ giáo. Ông đã soạn một chuỗi các tác phẩm lấy chủ đề về 5 nguyên tố của sự sống (Trò chơi của 5 nguyên tố, 1982 -1990), một nhạc phẩm khác về câu hỏi giữa mối quan hệ của Con người và Vũ trụ (Chu ky, 1976 - 1986). Sau đó là một số lấy cảm hứng từ Nhân loại và Nhân tạo, nổi bật là Kiêm Ai (1978).
Tôn Thất Tiết sáng tạo những tác phẩm của mình dựa trên những ảnh hưởng từ thơ cổ Trung Hoa thế kỷ VIII. Ông sử dụng những câu thơ của Lý Bạch kết hợp cùng với nhạc khí Tây phương như sáo, đàn hạc và các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam với mong muốn đưa nhạc dân gian đến gần với công chúng quốc tế. Năm 1993 ông đã thành lập hiệp hội âm nhạc Pháp - Việt nhằm mục đích quảng bá và xúc tiến nền âm nhạc, tạo cơ hội hợp tác giữa các nghệ sĩ ở hai nước. Âm nhạc của ông mang nhiều hình ảnh ẩn dụ về sự sống, chất thiền và suy tưởng tôn giáo.
Tôn Thất Tiết đề cao sự im lặng, ông chia sẻ rằng ông muốn tạo ra được sự im lặng không trống rỗng trong các tác phẩm của mình. Một sự thể hiện đơn giản của những tư tưởng phức tạp, sự im lặng sống động của không-thời gian và con người.
Tác phẩm Jeu de cinq éléments (1982)