Tôi nói gì khi nói về hình tượng

  1. Phong cách sống

Hình tượng về người khác là tốt hay xấu? Có nên xây dựng hình tượng, thần tượng một ai đó?

Có người nói tôi sao lạ quá, hình chụp lúc thì nhìn như 20 tuổi, lúc lại thấy giống… ngoài 40. Bình thường tôi hay để mấy hình chụp kiểu “nghiêm túc” làm avatar trên facebook, hôm nay đổi thành một cái hình hơi bị xì-teen một chút, thế là có thằng em bảo: “Trời, sụp đổ hình tượng rồi”. Hoặc đôi lúc có người PM cho tôi, tôi trả lời kèm theo mấy cái biểu tượng dễ thương này kia, họ lại ngạc nhiên bảo: “Trời, anh teen dữ vậy hả, không ngờ…” Người thì cho rằng tôi khó tính, người thì thấy tôi thân thiện, người nói tôi tài giỏi, người chê tôi lười biếng… Nhiều nhiều trường hợp khiến tôi quyết định viết bài này – “Đừng xây dựng hình tượng về người khác”

Hình Tượng Là Gì? Nó Được Xây Dựng Như Thế Nào?

Nói một cách đơn giản: Hình tượng là một hay nhiều thuộc tính về thể chất và tinh thần mà ta gán cho một người nào đó sau khi tiếp xúc để rồi sau đó mỗi lần gặp lại người đó, hình tượng đó lại được “gọi” ra một cách tự động. Hình tượng về một người được tô, đắp ngày càng nhiều, càng dày đến mức độ nào đó thì một ngày ta không còn nhìn thấy người đó nữa mà chỉ thấy hình tượng về họ mà thôi.

Phần lớn những cảm xúc trong ta đều không thật sự xuất phát từ trái tim, từ nhận thức mà là từ những “hình tượng” ta mãi xây dựng theo thời gian. Ta yêu, ghét, kính trọng, khinh bỉ, tin tưởng, nghi ngờ… một người nào đó không phải bằng nhận thức khách quan của ta với đối tượng đó, tại thời điểm đó mà thường bắt nguồn từ “hình tượng” về người đó mà ta đã xây dựng.

Ấn tượng ban đầu cũng là một loại hình tượng, nó là một thứ hình tượng sơ khai mà ta xây dựng về một đối tượng mới dựa trên những khuôn mẫu là các hình tượng mà ta đã xây dựng cho những người quen cũ: Người như thế này là trí thức, người như thế kia là thành công, người như thế nọ là trung thực…


Vì Sao Không Nên Xây Dựng Hình Tượng?

Con người đâu phải là pho tượng. Họ có vui buồn, có khi hứng thú, lúc chán nản, khi khỏe, lúc yếu, khi dư dả, lúc khó khăn.. và còn nhiều nhiều nguyên nhân khác tác động đến họ nữa. Cho nên khi tiếp xúc với một ai đó, dù rất thân quen, đừng mang hình tượng trong đầu ta ra mà áp lên người họ rồi chỉ nhìn vào hình tượng đó mà nói chuyện. Điều đó giống như bạn đang nói chuyện cùng pho tượng của người đó vậy. Hãy dùng cảm nhận thật sự của mình tiếp xúc trực tiếp với họ, trong điều kiện hiện tại, ở hoàn cảnh hiện tại họ đang ra sao, họ lo lắng, mệt mỏi, buồn bực hay đang vui vẻ, phấn khởi… Đừng để câu hỏi “Anh/Chị khỏe không?” Chỉ là một câu chào xã giao.

Có những lúc hình tượng sụp đổ có thể gây shock. Và chúng ta chẳng thể hiểu hết một người nào đâu, dù là người thân nhất cũng có những góc khuất mà chỉ trong điều kiện nhất định mới biểu hiện ra thôi. Những điều vừa nói trên giải thích rằng tại sao ta “tin lầm” hay “trách lầm” người khác. Do lười biếng cả thôi.

Nếu bạn tin lầm hay trách lầm ai đó, thì thật ra bạn đã tin, đã trách cái hình tượng do chính bạn tạo nên chứ không phải bản thân người đó. Những ngôi sao hay các bậc đế vương rất ít có bạn bè và rất quý trọng những người xem họ là bạn, vì những người đó là người tiếp xúc gần gũi và chân thật nhất với chính bản thân họ, chứ không phải với cái “hình tượng” của họ.

Những ký ức, tư liệu, thông tin, ấn tượng… Trước đó đều có thể và nên đem ra để so sánh, đối chiếu trong việc chọn cách ứng xử nhưng không nên xem nó như một căn cứ duy nhất mà phải khách quan, chủ động trong nhận thức. Có người lại nhìn nhận những người mà họ cho là xấu theo cách nói: “Ngựa quen đường cũ” “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”… Vì sao ta thích dùng những câu đó? Vì lười suy nghĩ, lười nhận xét, lười quan sát. Nếu ta chẳng cảm nhận gì ở cuộc sống xung quanh thì ta có đang sống hay không?!


Nếu bạn đánh giá một ai đó là người xấu vì họ làm một điều gì bạn cho là xấu…. Hãy nhớ lại xem: Bạn cần phải thấy bao nhiêu điều tốt ở một người để cho rằng người đó là tốt? Tốt hay xấu, là chuyện đã qua rồi, và quá khứ chỉ mang tính tham khảo chứ không thể làm căn cứ phán xét cho tương lai. Người xấu hay người tốt – đó là bạn đang nói về một người-trong-quá-khứ mà thôi.

Hãy đập bỏ hết hình tượng để sống thật với nhau

Hãy sống tỉnh giác! Hãy quan sát nội tâm của bạn và phát triển nó. Hãy tin tưởng chính mình. Bạn tin tưởng được chính mình bao nhiêu thì sẽ có thể tin người khác bấy nhiêu.

Hãy cho những người xấu một cơ hội, tìm mặt tốt của họ, nhìn nhận con người của họ ngay lúc này chứ không phải trong quá khứ. Hãy cảnh giác với người tốt, vì hôm nay có thể họ khác rồi. Bạn nên nhớ rằng cái tốt hay cái xấu trong mỗi người đều có như nhau cả, quan trọng là người nào dùng cái nào nhiều hơn mà thôi.

Hãy bỏ đi hết những “hình tượng”, đối xử với nhau bằng cảm xúc thật, giữa người với người, ngay lúc này và tại nơi đây. 

Tôi nghĩ gì về hình tượng?

Từ khóa: 

viết cho em

,

phong cách sống

,

hình tượng

,

tngknv

,

vlog

,

phong cách sống