Tôi nghĩ gì khi tôi trích dẫn sách: Những trích dẫn yêu thích?
1. "If you remember me, then I don’t care if everyone else forgets" – Haruki Murakami, Kafka on the Shore.
Sống trên đời này điều quan trọng nhất là gì? Là có một ai đó để nhớ, để nghĩ về. Thực ra, thì đấy tất nhiên không phải là điều quan trọng nhất, nhất là khi còn biết bao điều quan trọng hơn đang tồn tại một cách vô hình ngoài kia, nhưng thỉnh thoảng xem nó như là điều quan trọng nhất thì cũng có sao. Vậy cho nên, việc có một ai đó để mình nhớ, hay có một ai đó nhớ đến mình, quả là một điều hết sức tuyệt vời. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, không nhớ đến ai hay không ai nhớ đến mình chính xác là một thực tế đáng buồn. Coi như việc bạn được sinh ra và có mặt trên đời này đã là một thất bại, một trong những thất bại kinh khủng nhất của cả cuộc đời bạn (dù bạn chỉ mới là một đứa trẻ 5 tuổi hay một cụ già 90 tuổi đi chăng nữa), đồng thời cũng là thất bại của tạo hóa, của Chúa trời (nếu người này có thật), của Đấng sáng tạo… Ai cho bạn sinh ra?
Vậy, “ai đó” ở đây thực ra là số ít hay số nhiều? Điều này không quan trọng. Vì điều quan trọng chỉ là có ai đó để nhớ, thế thôi. Và để kết luận cho điều này, tôi đồ rằng sẽ chẳng có gì hạnh phúc cho bằng việc sống trên đời này và có một người duy nhất cho dù như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ nhớ đến mình, lưu giữ mọi ký ức về mình. Một người mà nếu như không có sự hoài nhớ của người đó dành cho mình, thì tất cả những nỗi nhớ đến từ bất cứ ai khác cũng đều là như nhau. Cũng như chỉ cần có nỗi nhớ của người đó, thì sự quên lãng của tất cả những người khác sẽ chẳng là cái cóc khô gì.
Như Hạ Vũ Hà, mẹ của Hạ Tử Vy trong Hoàn Châu Cách Cách phần 1 có nói: "Đợi cả một đời, hận cả một đời, mong ngóng cả một đời, nuối tiếc cả một đời, nhưng vẫn cảm ơn ông trời đã cho trên đời này có một người đáng đợi, đáng hận, đáng mong, đáng nuối tiếc."
2. "Một đứa trẻ với tri thức của nó tuyệt nhiên không thua gì một nhà bác học. Nhưng khi đứa trẻ ấy muốn lên tiếng về khoa học thì nhà bác học sẽ không chú trọng đến nó lắm." – Hermann Hesse, Nhà khổ hạnh và gã lang thang.
Những đứa trẻ thì muôn đời vẫn chỉ là những đứa trẻ trong mắt người lớn, nhất là những người lớn… chưa trưởng thành! Đối với họ, tức những người lớn ấy, mọi câu hỏi đặt ra từ miệng những đứa trẻ đều trở nên phiền phức và không cần thiết phải trả lời (hoặc giả là sẽ tìm mọi cách để lẫn tránh việc trả lời vốn dĩ họ chưa có câu trả lời thỏa đáng, hay thậm chí là không biết câu trả lời). Những lúc như vậy, những đứa trẻ sẽ trở thành nhiều chuyện, không biết mình không biết ta, nặng thì có khi còn bị xua đuổi.
Cũng có những ‘nhà bác học’ vì sợ hãi những đứa trẻ với kiến thức “không thua gì mình” ấy rồi sẽ có một ngày vượt qua mình, nên bằng cách bỏ ngoài tai mọi tiếng nói của chúng, đặc biệt là không chú trọng đến chúng, thậm chí là xem như chúng không có mặt, để khẳng định vị thế của mình, để bảo toàn vị trí bác học của mình, cũng như nâng tầm kiến thức của mình.
Mấy ai chịu thừa nhận trí tuệ của mình không bằng một đứa trẻ con, nhất là trí tuệ đó đến từ một người nhân danh là nhà bác học?
3. "Vờ hạnh phúc khi ta buồn chẳng phải là điều gì quá khó" - Haruki Murakami, Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời.
Thỉnh thoảng, tôi rất hay buồn. Một cái buồn rất thật, buồn vì không có gì để buồn. Tuy nhiên, điều đáng nói là tôi lại không biết làm thế nào để thể hiện nỗi buồn đó, thế là thay vì buồn, tôi hạnh phúc. Vớ vẩn thay, việc này lại rất đỗi dễ dàng.
Thế thì có gì gọi là vờ hạnh phúc? Hạnh phúc thật đấy chứ? À, đó là bởi đằng sau cái hạnh phúc “thật” ấy, cả một nỗi buồn vẫn còn ở đó. Đôi khi nỗi buồn và hạnh phúc luôn đi đôi với nhau, song hành cùng nhau như sự sống và cái chết, như ngày với đêm, như 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông hết Đông rồi lại Xuân hết Hè rồi sang Thu. Giả như ta đang rét run vì cái lạnh xuyên thấu của mùa Đông mà giả vờ như đang tận hưởng sự ấm áp của tiết trời mùa Xuân, thật cũng không có gì gọi là quá khó. Hoặc giả như khi màn đêm buông xuống, khi tất cả mọi người đã đi ngủ thì ta ngồi đó một mình với thanh âm vang vọng của đêm, tận hưởng tiếng thở của đêm, tiếng gào thét của đêm, và rồi khi sáng hôm sau khi mọi người thức dậy, ta lại lên giường đi ngủ. Có gì khó khăn đâu?
Cũng như nỗi buồn và hạnh phúc, chỉ cần ta muốn thì không gì là không thể. Buồn khi hạnh phúc có thể hơi khoa trương và không cần thiết, nhưng hạnh phúc khi buồn thì có gì không được đâu?
4. "Hải âu, như hầu hết con người và hầu hết sinh vật khác, tiêu phí thời gian vào việc không làm gì cả, chỉ đứng đó. Và bạn có thể gọi đó là một hình thức của đợi chờ." - Orhan Pamuk, Những màu khác.
Đợi chờ mà đứng yên như thế thì tốt nhất là không nên đợi chờ. Ai bảo cứ đợi chờ là không làm gì cả mà chỉ có mỗi việc là đứng đó? Quả là nhàm chán, hết sức nhàm chán. Người ta bảo đôi khi chấp nhận một điều gì đó thì phải hy sinh bao nhiêu điều khác (minh họa cho việc này trong cuốn Lịch sử Tình yêu của Nicole Krauss chính là có một người cha đã chấp nhận hy sinh cả thế giới để sống bên cạnh một người mẹ của hai đứa con), tuy nhiên trong khi đợi chờ thì vẫn có thể làm biết bao nhiêu việc khác cơ mà?
Bởi vậy cho nên làm người không nên làm thế, nhất là đã làm người thì không nên giống Hải âu hay giống bất cứ sinh vật nào khác, cứ tiêu phí thời gian một cách vớ vẩn như thế. Bởi còn có rất nhiều hình thức khác của đợi chờ đang chờ đợi bạn. Như cuộc sống vốn rất muôn màu. Tất nhiên, có những hình thức đợi chờ rất đẹp, như cách đợi chờ của Hải âu ở trên kia. Một cái đẹp rất văn chương và dường như chỉ có văn chương mới chứa chấp những nỗi sầu đời như thế. Cũng giải thích thêm, bởi với tôi mà nói, sự đợi chờ như của Hải âu trông rất sầu đời.
5. "Càng già, tôi càng tin chắc những cuốn sách hay nhất là do những nhà văn đã chết viết ra." – Orhan Pamuk, Những màu khác.
Khi còn sống, những nhà văn với những cuốn sách hay nhất nhưng chưa có cơ hội được nhiều người biết đến thường trông có vẻ rất luộm thuộm, cô đơn và vô cùng sầu thảm. Họ ngày ngày chỉ biết đi ra đi vào, vòng từ chiếc giường đến toilet, từ toilet tới bàn ăn rồi từ bàn ăn đến bàn viết xong quay về giường ngủ (có khi họ thậm chí còn không ngủ), ngày ngày viết ra những áng văn mà ngay tại thời điểm đó sẽ bị cho là dớ dẩn, ngớ ngẩn chả khác gì một mớ giấy lộn vứt đi. Để rồi sau khi đạt đến cực hạn của sức chịu đựng, họ tự sát (đa số họ thường là chết vì tự sát không bằng cách uống thuốc thì cũng là tự nã súng vào đầu) và bỗng dưng mọi chuyện thay đổi hẳn, 180 độ. Họ trở nên nổi tiếng đến mức ngay chính họ chẳng may sống dậy cũng không nghĩ rằng điều đó là có thực. Xung quanh họ hào quang sáng chói, giải thưởng được trao tới tấp nhằm tôn vinh công sức và tài năng, cũng như khẳng định những tác phẩm từ trước tới nay vốn không là gì thì nay đã trở thành kiệt tác. Và họ cố nhiên sẽ tự nhủ: Mình sẽ lấy giải thưởng đó bằng cách nào? Ai cho tôi giải thưởng?
Nói một cách công bằng, thì chỉ có chết đi, những tác phẩm của họ mới trở nên có ý nghĩa và có chỗ đứng. Những tác phẩm sẽ được in thành sách, và ngay lúc ấy mới có chuyện “chẳng hiểu vì sao một kiệt tác như thế lại đến giây phút này mới được phát hiện ra” hay “quả là một sai sót không đáng có”. Và thế là chúng ta, những độc-giả-chân-chính sẽ được thừa hưởng một gia tài những cuốn sách hay nhất. Đáng tiếc, tác giả của chúng đã chết rồi.
Mà đôi khi, chết rồi lại hóa hay. Vì sẽ không bao giờ xảy ra trường hợp hy vọng rồi thất vọng như việc cô bé Hazel trong Lỗi lầm thuộc về những vì sao, vì quá ngưỡng mộ tác giả Peter van Houten – người đã sáng tác nên cuốn tiểu thuyết đỉnh cao Nỗi đau tột cùng – nên có cơ hội đã ngay lập tức lên đường sang Hà Lan gặp thần tượng. Kết quả là đã bị chính thần tượng đạp đổ tượng đài, và Tất cả mọi thứ đều ra đi, chỉ còn có nỗi đau tột cùng ở lại!
6. "Tôi tự hỏi tại sao trên một thân thể chín mươi phần trăm bất động, cái tuyến nước mắt vẫn làm việc, để làm gì?" – Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi.
Việc này quả thực rất mực trớ trêu. Nhưng những điều trớ trêu khi xảy ra lại luôn có lý do của nó. Thêm nữa, chỉ là 90% bất động thôi cơ mà, 10% còn lại chính là dành cho những thứ trớ trêu như vậy. Mà ở đây chính là tuyến nước mắt vô duyên đấy.
Nếu đã hỏi và chưa có câu trả lời, thì đây tôi sẽ trả lời giùm cho. Cái tuyến nước mắt ấy vẫn hoạt động là để cho biết một sự thật rằng nhân vô thập toàn và những thứ thuộc về tình cảm thì bất khả kiểm soát. Ngay đến những căn bệnh bất khả chữa cũng còn có những người bất khả tin rằng nó đúng là như thế (nếu tin thì chết ngay lập tức đi cho rồi còn chạy chữa mà làm gì chỉ tổ phí công phí tiền phí sức) huống hồ là nước mắt chỉ có chảy một chút xíu chả đáng vào đâu. Thêm nữa, nước mắt chảy cũng chẳng nói lên được điều gì, đôi khi chỉ là phản ứng tự nhiên của việc cơ thể đau đớn quá, hoặc giả là phản ứng của việc đột nhiên tuyến lệ làm việc hết công suất, chỉ có vậy thôi. Chỉ cần gán cho nước mắt một cái tên, mà nói cho nó có tính văn chương thì là ngôn ngữ của nước mắt, là xong. Như giọt nước mắt chảy xuôi chẳng hạn! Bất quá nếu thấy giọt nước mắt ấy quá phiền, cũng như tuyến nước mắt ấy quá nhiễu, thì có thể cho rằng đó chẳng qua chỉ là “Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống”, hay nói cách khác là “giọt nước mắt cuối cùng của người không sẽ còn biết khóc”. :D Du dương đến thế là cùng.
7. "Trước cửa sổ thì thậm chí một thằng ngốc cũng trở thành Spinoza (*)." - Nicole Krauss, Lịch sử tình yêu.
Kỷ niệm về cửa sổ đối với tôi mà nói thật ra có rất nhiều, nhưng đứng trước cửa sổ với tâm thế của một triết gia thì có lẽ tôi chưa bao giờ được trải nghiệm. Cũng bởi lý do thật củ chuối: trước cửa sổ nhà (ông bà ngoại) tôi là một cây xoài, mà cây xoài đấy thì có quá nhiều sâu róm, giả sử có muốn suy tư trước cửa sổ cho ra dáng sâu sắc một chút thì cũng bị mấy con sâu ấy làm cho hết hồn. Mà hồn vía đã lên mây rồi thì có sâu sắc cách mấy đi nữa cũng phải nuốt ngược vào trong. Chỉ cần bọn sâu róm ấy lúc nhúc chen chúc từ những tán xoài cho đến khi rơi lịch bịch xuống gốc cây rồi lổn nhổn trên nền đất xong leo lên vách tường chui tọt vào nhà theo đường cửa sổ là mặt cắt không còn giọt máu, tất cả mọi suy tư mang tầm triết học đều theo đó bị đảo lộn, kiểu người ta từ thằng ngốc trở thành triết gia, còn tôi suýt chút nữa đã thành triết gia cũng phải tỉnh mộng mà quay trở về với thằng ngốc. Ngay đến việc nói chuyện với người yêu qua bậu cửa sổ tôi cũng không dám, huống hồ chi là việc đứng đó hàng giờ để cho ra đời những trải nghiệm suy tư uyên thâm bác học?
Cơ mà tôi thật sự rất ngưỡng mộ những người có thể đứng trước cửa sổ hàng giờ đồng hồ liền. Có một cái gì đó rất literature, rất drama và rất movie khi nhìn cảnh tượng đó. Họ, tức những người đứng trước cửa sổ, có thể làm bất cứ điều gì từ việc trong đầu chẳng có cái mốc xì gì ngoài việc chỉ đứng đó ngắm mây bay qua, cho đến việc thả hồn suy tư mơ mộng mộng mơ, nhớ nhớ thương thương tương tư đến miền nào đó xa thẳm, thậm chí là cho ra đời những vần thơ mà cho đến chết vẫn không biết vì sao mình lại có lúc xuất thần đến thế. Họ dường như không có một chút ấn tượng nào về thời gian, họ chỉ đơn giản là đứng đó, nhìn ra xa xăm, kết nối giữa hai bờ thế giới thực và ảo, một cách rất… truyện ngắn, một cách rất tiểu thuyết, một cách rất destiny. Rất có thần thái.
Phải chăng, bất cứ một cửa sổ nào cũng luôn tồn tại một thứ quyền năng rất khó giải thích? Như việc một ai đó có thể mãi mãi chỉ là thằng ngốc hay bất chợt trở thành Spinoza cũng chỉ nằm trong một khoảnh khắc duy nhất đó là đứng trước cửa sổ ấy? Giống như một bước ngoặc của một cuộc đời hay còn gọi là Phút tráng lệ cuối đời, chứ không giống như Phía ngoài bọn sâu róm Phía trong đứa sợ sâu (phỏng theo Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời). :D
(*) Benedictus de Spinoza hay Baruch de Spinoza (24/2/1633 - 21/2/1677) là một nhà triết học người Hà Lan gốc Do Thái. Tên họ của ông có nhiều dị bản: Despinoza, d'Espinoza, de Spinoza, Spinoza,…
Còn bạn, bạn thích nhất là trích dẫn nào? Trong cuốn sách nào?
trích dẫn sách
,quote
,trích dẫn hay
,haruki murakami
,lịch sử tình yêu
,orhan pamuk
,sách
"What happens when people open their hearts? They get better"- Rừng Na Uy, Haruki Murakami
và "Even if we could turn back, we'd probably never end up where we started" - 1Q84, Haruki Murakami :D
Lê Thành Lâm
"What happens when people open their hearts? They get better"- Rừng Na Uy, Haruki Murakami
và "Even if we could turn back, we'd probably never end up where we started" - 1Q84, Haruki Murakami :D
Trần Huỳnh Như Ý