Tôi đã xây dựng triết lý quản trị kinh doanh từ bài học Lịch sử thế nào? (P1)
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” – Tôi sẽ mở đầu bài viết này với câu ngạn ngữ rất nổi tiếng về chiến tranh. Câu này có thể hiểu rộng ra rằng, để một đội quân treo cờ chiến thắng trên thành trì thì đã có hàng ngàn hàng vạn người khác bỏ mạng dưới chân thành. Rằng hình ảnh cuối cùng của những người chiến thắng chính là được tô điểm từ hàng vạn sinh mạng của những người đã hy sinh. Vậy câu chuyện này có liên quan gì đến việc xây dựng triết lý quản trị kinh doanh từ bài học Lịch sử mà tiêu đề bài viết đã đặt ra? Hãy khoan suy đoán, chúng ta hãy cùng đi tiếp với những lý luận dưới đây.
Từ một câu nói dành cho việc binh gia, tôi lại liên tưởng đến các công ty khởi nghiệp hiện nay. Chúng ta trong thời gian qua đang nói rất nhiều về làn sóng start-up, về những câu chuyện thành công, về những công ty khởi nghiệp triệu đô. Chính những câu chuyện như thể đã tô hồng cho hai từ “Khởi nghiệp”, để rồi người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp. Không ai nói phong trào khởi nghiệp là xấu, nhưng nếu chúng ta cứ rao truyền những tấm gương thành công và lờ đi những trường hợp thất bại, chiếm đa số, thì chúng ta đang tạo ra một không khí xấu được che đậy bởi bề mặt khí thế. Sẽ có nhiều công ty khởi nghiệp thất bại hơn, cũng như nhiều quân sẽ bỏ mạng dưới chân thành trì, nếu như chúng ta không học được bài học từ những thất bại hoặc không chịu nhìn thẳng vào cái giá phải trả của những tấm gương thành công. Một lần nữa, hãy nhắc lại câu này : “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”.
Trên đây là một ví dụ nhỏ về câu chuyện riêng mà tôi đã xây dựng triết lý quản trị kinh doanh từ bài học Lịch sử thế nào. Trong bài này, tôi sẽ nêu ra một vài trường hợp cụ thể hơn về bài học mà Lịch sử đã dạy cho chúng ta trong lĩnh vực quản trị, kinh doanh và cả chiến lược. Tất nhiên, bài học thì nhiều lắm và dưới đây chỉ là một vài ví dụ thôi.
1.Lịch Sử dạy tôi về phương pháp Quản trị
Từ việc đưa ra những quyết định
Nếu như bạn đọc hồi ký của một ví doanh nhân, bạn có lẽ đang mong muốn được hiểu, được học hỏi từ những kinh nghiệm mà người đó đã tích lũy được. Cuốn hồi ký đấy cũng chính là một bài học lịch sử để lại cho đời sau, thế hệ sau. Mở rộng ra, lịch sử còn chứa đựng hàng ngàn hàng vạn những cuốn hồi ký như thế. Nó là những tấm gương sáng, những bài học của tiền nhân, những “case study” trong việc xác định chiến lược, lập kế hoạch và quản trị đội ngũ. Việc còn lại là chúng ta sẽ học nó như thế nào thôi.
Chúng ta sẽ học từ Lịch sử như thế nào? Đó sẽ không phải là những ví dụ cụ thể dạy chúng ta phải nên làm cái này cái kia nếu gặp trường hợp ABC nào đó. Lịch sử không phải là concept hay knowhow. Muốn hiểu và áp dụng được Lịch sử vào hiện tại bắt buộc chúng ta phải có sự liên tưởng và suy ngẫm.
Bạn hãy cũng tôi suy ngẫm nào. Ai là người từng quản trị một đội ngũ nhân sự đông đảo nhất Việt Nam? Đó có phải là ông Phạm Nhật Vượng với VinGroup không? Là bà Mai Kiều Liên của Vinamilk hay doanh nhân huyền thoại Bạch Thái Bưởi?
Tất cả đều không phải. Người từng trực tiếp chịu trách nhiệm quản trị một đội ngũ nhân sự đông nhất Việt Nam đó chắc hẳn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã từng là người quản trị một đội ngũ nhân sự lên đến cả triệu người vào mùa xuân năm 1975. Tất nhiên, ông đóng vai trò như là một vị “chủ tịch doanh nghiệp” để khiển tướng chứ không phải là người điều binh.
Trong những thời điểm mà tổ chức gặp khó khăn, quyết định của người đứng đầu có thể gây ảnh hưởng cho vận mệnh của cả một tập đoàn với hàng chục ngàn nhân viên. Nhưng nó chẳng nhầm nhò gì với độ khó (và áp lực khủng khiếp) mà một vị thống soái phải đưa ra, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả vận mệnh của một dân tộc.
Động lực nào, hoàn cảnh nào, kinh nghiệm nào, kiến thức nào đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mình là kéo pháo trở ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại? Trong những thời điểm then chốt nhất, khó khăn nhất, một vị leader siêu cao cấp như Đại tướng đã suy nghĩ những gì? Chúng ta sẽ học được những bài học đáng giá nếu chịu khó đọc Sử và học từ chính những tiền nhân của nước mình.
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi học được rằng, quyết định khó khăn mà ông đưa ra thành công là vì ông đã rất bám vào yếu tố “OKR” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao phó : Giành chiến thắng và đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi nước ta (Objective) với sự thiệt hại thấp nhất về sinh mạng (Key result).
Đến việc tạo ra động lực cho nhân sự
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó trích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất toàn
Đánh cho SỬ TRI NAM QUỐC ANH HÙNG TRI HỮU CHỦ”
Những lời hào hùng trên đây được trích ra từ Hịch xuất quân mà vua Quang Trung Nguyễn Huệ ban bố cho toàn quân trước khi tiến đánh quân Thanh xâm lược. Chúng ta – những người của thế hệ sau đọc những lời này có thấy khí thế ngút trời không? Có thấy hừng hực máu nóng để nguyện xông pha vì Tổ quốc không?
Nghệ thuật trong việc điều binh khiển tướng, quản trị nhân sự không chỉ nằm ở chỗ người Leader thiết lập một mục tiêu, một kế hoạch chiến lược và áp vào để tổ chức cho mọi người làm theo. Mà nó phải đi kèm với việc tạo động lực và áp lực thường xuyên cho toàn thể nhân sự. Một leader tốt phải biết cách điều hòa giữa áp lực và động lực. Phải giúp mọi người hướng về một mục tiêu chung và có động lực cao để thực hiện mục tiêu đấy. Và trong hành trình tiến đến mục tiêu, bạn không thể lúc nào cũng như ý có được một tập thể mà ở đấy 100% nhân sự đều có động lực cao, có những lúc áp lực sẽ phải được đưa vào thay thế.
Tôi đã xây dựng triết lý quản trị kinh doanh từ bài học Lịch sử thế nào?
Nghệ thuật vừa đấm vừa xoa, vừa tạo động lực vừa gây áp lực đã được Danh tướng Trần Hưng Đạo thể hiện đậm nét qua bài Hịch Tướng Sĩ lừng danh :
“…ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.” (Gây áp lực)
“Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào !” (Nghệ thuật khích tướng, gây áp lực)
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm” (Tạo động lực cho toàn quân bằng việc lấy mình làm gương)
Một vài ví dụ thế thôi để chúng ta hiểu được về nghệ thuật gây áp lực và tạo động lực mà cha ông đã để lại cho chúng ta. Áp dụng nghệ thuật này vào quản trị kinh doanh như thế nào là tùy mỗi người. Và còn nhiều bài học nữa mà nếu chuyên tâm tìm hiểu, chúng ta sẽ học được rất nhiều bài học.
Giúp tổ chức hiểu được bản chất vấn đề, nhìn được bức tranh chung
Với Hịch Tướng Sĩ mà tôi đã trích dẫn ở trên, chúng ta còn thấy được một cái tuyệt hay trong nghệ thuật quản trị của Hưng Đạo Đại Vương, đó là giúp toàn quân hiểu ra được bản chất của vấn đề hiện tại mà tổ chức đang gặp phải, đồng thời xác định được bức tranh chung về mục tiêu phải hướng tới, những việc cần phải làm và vai trò của từng cá nhân trong bức tranh chung đấy.
Vấn đề hiện tại của “Tổ chức” mà Trần Hưng Đạo đang dẫn dắt đó là quân ngoại xâm đang âm mưu cướp nước ta, nhưng bên trong thì từ tướng đến dân đều chỉ lo cho lợi ích của mình, không đoàn kết, không đặt lợi ích của tập thể lên trên hết. Những việc cần phải làm và phương hướng hành động cũng được vị leader này chỉ ra rất cụ thể, ngắn gọn nhưng đầy đủ :
“Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc “đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ” làm nguy; nên lấy điều “kiềng canh nóng mà 4 thổi rau nguội” làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị Như thế chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không ?
Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù. “
Đấy chính là đẳng cấp của một Leader mà những nhà Quản trị hiện nay nên học hỏi. Từ việc bám mục tiêu và kết quả then chốt để đưa ra những quyết định chính xác, giúp nhân sự của cả tổ chức nhìn được bức tranh chung, phương hướng và cách làm cụ thể để hiểu được vai trò đóng góp của mình. Đồng thời không được quên việc thường xuyên kết hợp giữa nghệ thuật tạo động lực và gây áp lực để thúc đẩy nhân sự tiến lên.
Thu phục nhân tâm, sự đồng lòng của tổ chức là gốc rễ của thành công.
Chúng ta vẫn hay nói với nhau, trong bất kỳ hoạt động nào của một tổ chức, dù là doanh nghiệp hay đoàn hội nào, thì yếu tố con người cũng là quan trọng nhất.
Thật vậy, Hồ Chủ tịch đã từng nói : “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nếu một tổ chức có được những người hiền tài cùng tham gia đóng góp năng lực, một tổ chức có thể hội tụ những Talent đoàn kết với nhau. Thì tổ chức đó có thể vượt qua những khó khăn nhất thời để hướng tới những thành công.
Chúng ta sẽ thấy rõ vai trò của việc một leader có thể thành công thế nào nếu quy tụ được năng lực của những người tài năng và tạo được sự ủng hộ, đoàn kết của các thành viên trong tập thể.
Tháng 6/1300, Hưng Đạo Vương ốm nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược, kế sách như thế nào?”. Trần Quốc Tuấn nói rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy”.
Thành tích của Hưng Đạo Đại Vương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền tụng ngàn đời vì chiến lược chiến tranh dựa vào nhân dân. Chúng ta đều biết cả rồi.
Lại một câu chuyện khác. Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần. Quân Minh lấy cớ sang xâm lược. Dù có đội quân lên đến gần trăm vạn nhưng nhà Hồ không được lòng dân. Kết quả thất bại thảm hại, mất nước. Đúc kết sự thất bại của nhà Hồ, chúng ta có thể gói gọn trong một câu của Danh tướng Hồ Nguyên Trừng – con trai cả của Hồ Quý Ly :
“Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Tôi đã xây dựng triết lý quản trị kinh doanh từ bài học Lịch sử thế nào?
Một lần nữa, lịch sử lại dạy chúng ta về bài học đoàn kết đoàn lòng, hướng về tập thể để quy tụ người tài. Thành công sẽ là kết quả của quá trình chúng ta quản trị đúng.
Xem thêm bài viết về sự kiện này : Tướng quân Hồ Nguyên Trừng và cuộc tử chiến thành Đa Bang bi tráng
HẾT PHẦN 1. Ở phần 2 của bài Tôi đã xây dựng triết lý quản trị kinh doanh từ bài học Lịch sử thế nào tôi sẽ viết về Hoạch định chiến lược kinh doanh từ Lịch sử.
Đoàn Nhật Quang