Tọa đàm “Làng làng phố phố Hà Nội”: Gặp gỡ hai nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và Trương Quý

  1. Sách

Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Làng làng phố phố Hà Nội” do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam tổ chức. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Hội sách Hà Nội lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề “Thắp lửa tri thức – Kiến tạo tương lai”.

https://cdn.noron.vn/2023/10/17/511518898984-1697513299.jpg

Sau tập tản văn “Hà Nội còn một chút này” với đề tài viết về vùng đất kinh kỳ quê hương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục ra mắt cuốn sách mới: “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn”, bộc lộ những trải nghiệm và suy tư sâu sắc về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.

Nội dung hai cuốn sách là chủ đề chính trong sự kiện “Làng làng phố phố Hà Nội”. Đây là dịp hội ngộ của hai cây viết nặng lòng với Hà Nội vẫn đang miệt mài gom góp những di sản của mảnh đất văn hiến trong trang sách: nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và nhà văn Trương Quý.

Nhà văn Trương Quý chia sẻ khi đọc các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, anh nhận thấy tác phẩm vừa mang tính chính xác của khảo cứu vừa mang tính phóng khoáng của tùy bút. Độc giả đọc để phục vụ cho việc nghiên cứu, hay đọc để thưởng thức đều cảm thấy hài lòng.

Nét độc đáo ấy bắt nguồn từ tư duy mỗi khi cầm bút viết về Hà Nội. Nguyễn Ngọc Tiến luôn tâm niệm: phải viết điều gì độc đáo, kể những câu chuyện khiến người khác muốn nghe. Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm.

Bên bờ Hồ Gươm mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến coi như người bạn lâu năm (nằm bên tòa soạn nơi ông làm việc, gắn với biết bao bước chân dạo quanh niềm vui nỗi buồn) ông từ tốn mang đến khán giả những hiểu biết, trải nghiệm tưởng chừng bé nhỏ mà vô cùng sâu lắng về Hà Nội.

Nhắc đến người Hà Nội, ông dành sự trân trọng, ngưỡng mộ cho những người phụ nữ Hà Nội đảm đang, tháo vát. Tuy ít học nhưng họ tính toán chu toàn, hiếm khi thiếu sót công nợ, chăm lo cho gia đình đời sống sung túc, thịnh vượng. Bên cạnh người phụ nữ dường như công lao mà người đàn ông Hà Nội hào hoa dành cho gia đình có gì đó mờ nhạt hơn. Nhận xét thâm thúy này đã mang lại tiếng cười ý nhị cho khán giả.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ không phải đến lúc hội nhập, ảnh hưởng từ phương Tây thì chúng ta mới thanh lịch, tinh tế. Ký ức của ông về sự tinh tế của người Hà Nội được thể hiện từ trước đó rất lâu, từ những cử chỉ đời thường như: hỏi thăm sức khỏe của nhau khi đau ốm: không hỏi ngay “ông/bà đã khỏe chưa ạ?” mà hỏi “ông/bà ăn được mấy bát cơm ạ?” cho đến việc chủ nhà mời khách tới ăn cơm, trên mâm có đĩa giò được cắt đều đặn, ngay ngắn và sau bữa cơm thì có khăn mặt sạch nhúng nước trong một chiếc chậu đồng đã được cọ sáng bóng, đưa lên cho khách. Nhìn về quá khứ chúng ta trân trọng bản sắc dân tộc của mình nhưng cũng không nên hờ hững với những công trình vật thể và phi vật thể mà người Pháp để lại trong quá trình giao lưu văn hóa- dù họ đã có thời kỳ xâm lược, cai trị chúng ta.

https://cdn.noron.vn/2023/10/17/7132232784903878-1697513339.jpg

Trở về thời hiện đại, trả lời câu hỏi “Hà Nội có phải là nơi đáng sống không?” Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thẳng thắn bày tỏ Hà Nội là nơi đáng sống để học hỏi, trau dồi kiến thức, văn hóa nhưng Hà Nội chưa phải là nơi đáng sống với mật độ dân cư dày đặc như hiện nay. Tuy nhiên, ở điểm nhìn bao quát hơn đây lại là đặc trưng tất yếu gắn với sự phát triển của Thủ đô luôn cần đến sức lực, tay nghề của dòng người nhập cư. Những cư dân đến từ nơi khác dần dần “Hà Nội hóa” bởi dù gắn bó với mảnh đất này với mục đích mưu sinh ở hiện tại hay chuẩn bị cho tương lai của con cháu trong tương lai, họ vẫn đang đóng góp cả về tinh thần, vật chất cho mảnh đất họ sống.

Trong phần giao lưu cuối sự kiện, khán giả đã gửi đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và nhà văn Trương Quý không ít câu hỏi. Có những câu hỏi chất lượng, xoáy vào những băn khoăn muôn thuở như: “Giữa bảo tồn cái cũ và phát triển cái mới thì chúng ta nên làm gì?” Hai nhà văn giải đáp thay vì tập trung vào phân loại cũ hay mới, thì điều quan trọng là chúng ta cần sàng lọc để phát huy điều có giá trị- điều có giá trị sẽ luôn là điều nên được gìn giữ.

Cũng có những câu hỏi hướng ngay vào tác phẩm “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn” mới ra mắt, như: “Thông điệp của tác giả khi viết cuốn sách này là gì?”. Bằng giọng nói chậm rãi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến có đưa ra câu trả lời: “Sinh thời họ làm vua, làm quan nhưng nếu không làm được những điều có ích để lại cho dân cho nước, thì cuộc đời cũng chỉ như phù vân. Con người lúc sống nên làm việc tử tế, để lại tiếng thơm cho đời, đừng làm những việc trái đạo để mang tiếng xấu”.

Về tác giả

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thành phố quê hương và có gần 30 năm làm phóng viên cho báo Hà Nội mới. Ông đã xuất bản nhiều sách, bao gồm tản văn, khảo cứu lẫn sáng tác văn học.

Ở tuổi ngoài 60, với 2 cuốn sách mới xuất bản cùng hàng loạt những dự án, đề tài đang thực hiện, Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ chứng tỏ một sức viết đáng nể mà còn cho thấy độ chín về tài năng. Đất nước Việt Nam, qua trang văn của Nguyễn Ngọc Tiến, vừa nhọc nhằn qua những thăng trầm của lịch sử, vừa phong tình, quyến rũ trong những vẻ đẹp lấp lánh.

Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012.

  • Bài đăng trên Ấn phẩm Vì Trẻ Em - Chuyên trang Báo điện tử Dân Sinh
Từ khóa: 

hội sách hà nội

,

nhã nam

,

nguyễn ngọc tiến

,

trương quý

,

noron

,

sách