TỐ HỮU - Cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành (04/10/1920 - 09/12/2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là nhà thơ chọn con đường cách mạng từ thời niên thiếu và đã trải qua những quảng thời gian tù đày rất cơ cực. Chính vì vậy, thơ của ông là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật Cách mạng.
Nhà thơ TỐ HỮU
QUAN ĐIỂM SÁNG TÁC
Ông quan niệm rằng: "Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng."
Có thể thấy những tác phẩm của ông cho ra đời luôn có những quan điểm chính trị và thể hiện ông là một chiến sĩ cách mạng luôn trung thành với lý tưởng cộng sản. Không những thế, trong thơ của mình ông luôn kiên định đặt niềm tin vào những lý tưởng của mình. Từ thập niên 1990, mặt trái của cơ chế thị trường bộc lộ, con người chỉ biết chạy theo danh lợi, trở nên tha hóa về đạo đức, lý tưởng. Tố Hữu đã trình bày trong thơ những tâm sự, nỗi niềm trăn trở không chỉ riêng ông mà còn là trăn trở của những người nặng lòng với đất nước.
Nhà thơ TỐ HỮU cùng vợ và con gái
NHỮNG TÁC PHẨM NỔI BẬT
Ở Tố Hữu chúng ta có thể thấy được sự thống nhất rất đẹp giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, giữa lý tưởng trong trái tim và những câu thơ trên đầu bút. Chặng đường làm thơ của Tố Hữu là chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Ông được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến, được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”, "một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng".
Các tác phẩm nổi bật của ông:
- Từ ấy (1937 - 1946) - 72 bài thơ
- Việt Bắc (1947 - 1954), 26 bài thơ
- Gió lộng (1955 - 1961), 25 bài thơ
- Ra trận (1962 - 1971), 35 bài thơ, ...
Và còn nhiều tập thơ nổi tiếng khác.
Nguyễn Khoa Điềm từng nhận xét: "Thơ Tố Hữu thanh đạm, dịu ngọt, thấm sâu vào tâm hồn mọi thế hệ, từ người 'đã ngã xuống cánh rừng trai trẻ' hay 'người đến với thơ ông suốt thời thơ ấu'"
Thơ ông được lưu giữ và phát huy như một sức mạnh tinh thần, một giá trị văn hóa tiềm ẩn trong con người thời đại Hồ Chí Minh.
THÀNH TỰU
- Giải nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955 (tập thơ Việt Bắc)
- Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ "Một tiếng đờn".
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (đợt 1, 1996)
- Huân chương Sao Vàng (1994)
- Nhiều giải thưởng, danh hiệu khác...