Tip là gì? Tip cho ai?
kiến thức chung
Tip là thuật ngữ được nhắc đến thường xuyên chỉ một hành động xảy ra trong các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, trên xe taxi, trên tàu,… Bài viết này, Hoteljob.vn mời bạn tìm hiểu Tip là gì trong ngành Nhà hàng – Khách sạn thôi nhé!
Trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, Tip là một khoản tiền nhỏ mà khách hàng thưởng thêm cho người phục vụ (có thể là: nhân viên phục vụ, lễ tân, buồng phòng, người đứng cửa (Doorman), bellman, tài xế lái xe, …) nhằm thể hiện sự hài lòng cùng lời biết ơn của họ về chất lượng dịch vụ tại đây. Tiền Tip (tiền boa) cũng có ý nghĩa tạo động lực, niềm vui cho người phục vụ vì được khách hàng tin yêu, nhìn nhận.
Tại một số quốc gia trên thế giới, Tip trở thành văn hóa; là một chuyện rất tự nhiên trong đời sống mà người được phục vụ phải thực hiện đối với người phục vụ mỗi sau khi sử dụng dịch vụ và cảm thấy hài lòng.
Tip trong Nhà hàng – Khách sạn: Tip cho ai?
Một vài đối tượng sẽ được Tip trong Nhà hàng – Khách sạn như sau:
► Nhân viên phục vụ
Tại một số nhà hàng, khách sạn, tiền Tip được tính trực tiếp vào hóa đơn thanh toán, thường từ 5-15% tổng số tiền thanh toán mà khách phải trả; một số nơi khác lại không. Tuy nhiên, dù có tính thêm phí phục vụ hay không, khách hàng vẫn sẵn sàng Tip cho nhân viên phục vụ tại đây, nhất là phục vụ bàn vì đã tận tình đáp ứng những nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của họ. Ngoài ra, ở một số khách sạn có dịch vụ phục vụ tại phòng, nhân viên phục vụ bàn có thể kiêm nhiệm nhân viên room service hoặc có một nhân viên room service chuyên biệt. Nhân viên làm việc tại vị trí này cũng thường được khách lưu trú Tip mỗi khi gọi dịch vụ.
► Doorman, Bellman tại khách sạn
Đó là những người mở cửa, người giúp khách hàng khuân vác hành lý từ xe vào sảnh, từ sảnh lên phòng hay từ phòng xuống lại sảnh và vận chuyển lên xe taxi. Công việc của Doorman hay Bellman khá nặng nhọc nên hầu hết khách lưu trú đều “gửi tặng” những nhân viên này một khoản thưởng thêm như một lời cảm ơn về thái độ và tác phong phục vụ chuyên nghiệp.
► Nhân viên Lễ tân
Là người đầu tiên và cuối cùng tiếp xúc với khách hàng, lễ tân nhà hàng hay lễ tân khách sạn đều được xem như một phần quan trọng không thể thiếu, góp phần đảm bảo mang lại ấn tượng tốt đẹp về chất lượng dịch vụ tại mỗi nhà hàng, khách sạn đó. Vì vậy, những nhân viên mang đến cho khách thái độ phục vụ tận tình, chu đáo, sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc của khách, tư vấn những dịch vụ phù hợp với sở thích và khả năng chi trả của khách,… đều nhận được sự hài lòng rất cao từ khách. Do đó, họ sẵn sàng Tip một khoản không nhỏ cho nhân viên thuộc vị trí này
► Nhân viên buồng phòng
Trong khách sạn, nhân viên buồng phòng cũng là người thường xuyên nhận được tiền Tip từ khách. Hầu hết khách lưu trú đều không ngần ngại để lại một khoản Tip cùng lời cảm ơn nhân viên vì đã luôn đảm bảo nơi nghỉ ngơi của họ được sạch sẽ, gọn gàng.
► Tài xế lái xe
Ở những khách sạn có dịch vụ đưa đón khách miễn phí, tài xế khách sạn luôn nhận được tiền Tip từ khách cho sự chờ đợi cùng thái độ tận tình lúc đón tiếp.
Các Nhà hàng – Khách sạn chia tiền Tip như thế nào?
Tùy vào quy định của mỗi nhà hàng, khách sạn sẽ phân chia số tiền Tip theo nhiều hướng khác nhau. Thông thường, cách chia Tip sẽ rơi vào 3 trường hợp như sau:
► “Tip cho ai người nấy hưởng”
Tức là nhân viên trực tiếp phục vụ bàn khách hàng đó được hưởng 100% số tiền Tip của khách. Tuy nhiên, cách chia này thường chỉ áp dụng tại một số nhà hàng, khách sạn quy mô nhỏ với số tiền Tip không quá lớn.
► Tip chia đều cho bộ phận
Đây là kiểu chia Tip khá phổ biến hiện nay tại các nhà hàng, khách sạn. Khác với cách chia đầu tiên, cách chia này được áp dụng cho từng bộ phận hiện có trong nhà hàng, khách sạn đó như: bộ phận nhà hàng, bộ phận tiền sảnh, bộ phận buồng phòng,… Khi được khách hàng Tip, nhân viên sẽ giao số tiền này cho người phụ trách theo quy định, sau đó, nó sẽ được tổng hợp và chia đều cho tất cả các nhân viên trong bộ phận theo ngày/ tuần/ tháng.
► Tip chia đều cho toàn thể nhân viên
Với cách chia này, tổng số tiền Tip sẽ được tổng hợp và chia đều cho tất cả nhân viên trong nhà hàng, khách sạn, kể cả những bộ phận/ nhân viên “nhà dưới” không trực tiếp tiếp xúc và phục vụ khách hàng như: nhân viên vệ sinh, nhân viên bếp, nhân viên thu mua, nhân viên kho, …
Nội dung liên quan
Mỹ Lam